Thư tháng 12-2008: Chuyện chữ và tiếng.

Vì Inrasara.com nghỉ hai kì, nên kì này bài được đăng sớm.
*
Sài Gòn 21-12-2008
Bạn Trần Can thân mến
Bạn yêu Chăm và văn hóa Chăm thì rõ rồi; bạn quý Sara càng dễ nhận ra nữa. Nhưng con người, mênh mông lắm. Sự chưa đả thông là khó tránh. Chỉ khi đặt trên nền tình thương, ta mới dễ giải tỏa vài ngộ nhận nhỏ. Qua đó hi vọng mở ra sự cảm thông và hiểu biết. Hiểu thì càng yêu hơn.
Nên có bức thư này.
Đúng hơn không nhắc tên bạn trong thư; và lẽ ra thư chỉ được gửi đi vào tháng sau, như quy ước. Có hai lí do để phá lệ: mình sắp rời Sài Gòn vài tuần, cạnh đó ý kiến bạn nêu lên trong bài viết chứ không phải thư riêng. Nó đã được độc giả biết qua bài “Chuyện chữ và tiếng…”. Bạn viết:
“Đôi khi tôi thấy Sara như rơi vào nghịch lý. Nói chuyện bảo tồn chữ và tiếng Chăm bằng… tiếng Việt. Làm thơ, viết văn, phê bình tất tần tật tiếng Việt. Ít người biết chữ và tiếng Chăm, do đâu? Chữ Chăm khó học? chưa thống nhất cách viết? có quá nhiều cách viết nên dễ làm nản lòng? v.v..và v..v.”.

“ Nói chuyện bảo tồn chữ và tiếng Chăm bằng… tiếng Việt”: đúng!
“Làm thơ, viết văn, phê bình tất tần tật tiếng Việt”, càng đúng nữa!
Nhưng nếu mình thuần Chăm harat Cam, ai nghe đây? Tại lớp bồi dưỡng tiếng Chăm ở Mỹ nghiệp mùa Hè 2001, mình đã thử, nhưng ngay các giáo viên tiếng Chăm tiếp nhận rất khó khăn, huống chi viết. Mà “thông điệp” về tiếng chữ Chăm đâu phải gởi riêng cho Chăm, phải không bạn?
Cũng vậy, phê bình bằng tiếng Việt, nghiên cứu bằng tiếng Việt…
Dù sao đi nữa, Sara đâu phải chỉ bằng tiếng Việt! Thử kể công vui nhé:

1. Hè 1975, mình mở khóa dạy chữ Chăm cho 70 anh chị em tại Caklaing. Sau đó nhiều lớp khác nữa tại Phan Rang, Sài Gòn,… Ít nhất 200 người biết rành chữ mẹ đẻ qua “thầy Sara”. Đó là chuyện chữ thuần túy.

2. Việc soạn Tự học tiếng Chăm (1975), Từ vựng học tiếng Chăm (1982) và góp công soạn 3 cuốn từ điển, cũng thế. Là chuyện vừa chữ lẫn tiếng.

3. Sưu tầm và dịch ngàn trang thơ cổ Chăm: ngoài việc “bảo tồn di sản văn hóa”, ở đây nhấn về tiếng là chính. Trong vụ này, mình thích nhất cuốn Tục ngữ ca dao Chăm. Trường ca hay sử thi,… thì dễ thôi. Chúng có sẵn trong ciet sách gia đình, chịu khó đến xin chép rồi nghiên cứu và dịch rồi bỏ tiền ra in rồi mang tặng là xong. Riêng tục ngữ, thành ngữ, ca dao, đồng dao, câu đố mới cực khó. Không phải nó cao siêu mà phải chịu miệt mài từ năm này sang tháng khác, từ giờ này sang giấc khác, làng này đến xã khác. Lắng nghe và ghi chép. Có khi cả tháng không có một câu! Chuyện này vừa đòi hỏi sự nhạy cảm ngôn ngữ đồng thời sức chịu bền ghê gớm.

4. Mình đã nhiều lần nói và viết: bảo tồn ngôn ngữ không phải ở dạy nó trong trường học hay làm luận án về nó, nghiên cứu mang tính hàn lâm về nó mà phải dùng nó hàng ngày. Chuyện này mình nhất quán ngay từ ngày đầu. Đố ai thấy ông Sara nói độn tiếng Việt? Trong gia đình thì càng. Mấy đứa con mình cũng vậy. Nó tác động đến mấy cô thợ may của bà Hani nữa…

5. Cuối cùng nói chuyện thơ ca. Mình làm thơ tiếng Chăm ngay lớp 7 đăng báo tường. Từ đó đến nay, Sara có 200 bài thơ và 3 trường ca. Nghĩa là còn nhiều hơn thơ tiếng Việt nữa. Mình làm thơ đâu quên đó. Đây là điều cá biệt. Sara thuộc thơ thiên hạ cả vạn bài nhưng không thuộc của mình, trong lúc các bạn thơ Kinh của Sara thì đọc thơ mình vanh vách.
Hai điểm 4&5 nhằm vào phát triển tiếng Chăm. Nhớ: Tiếng chứ không phải chữ. Nghĩa là NGÔN NGỮ SỐNG.

Nói thêm về thơ. Bài thơ thuở lớp 7, mình còn nhớ vài câu. Năm 1977, thầy Hồng hiệu trưởng cũ của mình dạy nó trong lớp (ông này cũng rất cá biệt, ông bảo thơ hay cần phổ biến cho thiên hạ biết), học trò ông đọc lại mình mới nhớ:

Riyak pađiak jalan riya trun bblait bblait
Angin ba hajan lipih laik bbleeng bbleng
Kei nau nhjwơl nhjac yam takai rinaih
Pơng xơp palei nưgar saung xơp hanim.

Pơng xơp bơl nau tappa xơp ciim
Ariya bwei coh alauk padai halim…

Sóng nắng đường quê lên nhịp nhịp
Mưa thưa gió thổi xuống nghiêng nghiêng
Em đi nhẹ nhõm bàn chân trẻ
Nghe tiếng xóm làng với tiếng thiêng

Nghe tiếng mùa đi qua tiếng chim
Thơ vui nở rộ cánh đồng chiêm (đúng hơn là đồng mùa)…

Cũng như phần đầu của một trường ca của Sara, bạn Quảng Đại Thính đọc nó trong cuộc phỏng vấn cho đài HTV về Sara (bạn tin chắc Sara không nhớ, đúng – mình không nhớ). Rồi bài thơ vào tuổi 18-20, mình đọc trong hôm tiếp xúc độc giả tại Thư viện Ninh Thuận vào mùa Xuân 1998. Nói chuyện về thơ, một bạn trẻ Chăm đề nghị, mình đã đọc bài này (đã in Tuyển văn học DTTS, nhưng quên mất đoạn cuối).

CIIM

Ciim đơm dhan krưm
Ciim pơr nau ciim klak jwa gar
Anưk wơy, đih wơr anưk đih
Kluw pluh drei di dhan kal deh
Ribuk tappa nưgar graung gơp ciim nau
Ciim nau ciim klak dhan bhaw
Anưk paran tala talah, palei biruw lai tai

Ciim tamư glai
Glai lin tapin ciim wơr jalan klak…

CHIM

Chim đậu cành tre
Chim bay đi chim chẳng trở về
Ngủ yên con ngủ
Ba mươi con trên cành đếm đủ
Bão qua làng chim rủ nhau đi
Chim đi chim chẳng trở về
Xóm thôn xơ xác cành tre lạnh lùng

Chim vào rừng
Rừng mịt mùng chim quên mất lối…

Mọi người bảo thơ hay lắm, sao Sara không làm thơ như vậy đi?!
Vậy đó, hôm nay mình có cả trăm bài chưa in tập: các bài thơ tuổi đôi mươi. Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận rất khoái chúng, ưa mang chúng ra đăng nhưng lại… từ chối các bài thơ hiện đại của Sara!
Nếu cứ làm thơ Chăm kiểu “Ciim”, hay làm thơ tiếng Việt kiểu “Tháp nắng”, thì làm sao Sara có bài “Mưlơm Cam”, “Đwa Karun” hay “Sinh chỉ một lần”, “Hành hương về bên kia đêm tối”? Lẽ nào cứ bám vào bản sắc mà giậm chân tại chỗ? Lẽ nào thơ Chăm hay thơ Việt muôn đời tụt hậu với thế giới ngoài kia?

Tại sao mình chưa in tập thơ tiếng Chăm? In ai đọc? Câu hỏi đó cứ trở đi trở lại với mình? Mình đã vài lần thử ở Tagalau, ở Sinh nhật cây xương rồng, – chưa thấy một vọng âm. Dù mình đã viết nó ở dạng chữ Chăm Latin, nghĩa là nhấn vào TIÊNG chứ không phải CHỮ. Mình nhận chân rất rõ hai món này.
Nhưng không phải vì thế mà Sara thôi làm thơ tiếng mẹ đẻ.
Nhà thơ là kẻ canh giữ ngôn ngữ dân tộc. Sara đã làm cuộc canh giữ của mình. Qua kể công sơ sơ thấy hắn cũng ngoan cường đấy chứ, phải không bạn?

Thân mến
SARA

One thought on “Thư tháng 12-2008: Chuyện chữ và tiếng.

  1. Toi thay Inrasara noi nhieu hon la lam, dung co nhan minh la nguoi the nay the no. Hay vi loi ich cua nguoi Cham di

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *