Hoàng Văn An: Nắng còn ngời… (1/2)

NẮNG CÒN NGỜI TRÊN THÁP
VÀ MỞ RA MỘT INRASARA – MỘT NHÀ THƠ.
(1/2)

Cảm hứng để viết bài này là “Tháp ngời sắc nắng” và “Một hồn thơ không thể nào quên”.
Tôi đã qua Phan Rang, thời gian còn đo lòng chung thủy, trái tim còn rung, tôi còn muốn viết, song chưa đủ độ để cất lên lời thơ ca ngợi. Giờ đây, đến với phương Nam, được chan hòa với sóng gió và nắng Vũng Tàu, lại được gặp các nhà văn, các nhà thơ từ nhiều vùng núi đến, trong đó có Inrasara, nên tôi xin để lại một dấu ấn – một cảm nghĩ: sắc nắng lan tỏa, tháp Chàm đẹp – vẫn ngời sắc màu của đất, của sức người – lắng lại trong lời thơ sâu xa, sinh động của Inrasara.
Tôi quý anh từ phong cách, từ cái tên họ của anh, từ tinh hoa văn hóa Chăm. Tên họ anh tôi không cảm thấy khó nhớ, vì có nghĩa rất đẹp. Inra là họ, tiếng Chăm có nghĩa là “sấm”, Sara là tên, nghĩa của tiếng Chăm là “muối”.

Tôi để tâm từ mấy năm trước, nhưng thiếu tư liệu để viết, được sự giúp đỡ – tạo điều kiện về tác phẩm, đặc biệt tập thơ được giải thưởng Tháp nắng, tôi đã đủ các tập thơ để viết về một nhà thơ có tài năng, đại biểu xuất sắc của một nền văn hóa – của một dân tộc (vốn có nền văn minh lâu đời) – dân tộc Chăm.
Inrasara có nhiều công trình nghiên cứu đã xuất bản; và đang công bố tiếp những công trình khác. Về thơ, cả thơ song ngữ, trường ca, anh đã cho công bố liên tục. Về quá trình sáng tạo thơ và hoàn cảnh riêng, liên quan tới các đại biểu khác là dân tộc Chăm tôi xin sẽ trở lại kĩ hơn trong một dịp khác.

1. Tầm tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ “Tháp nắng”.
Để xem xét giá trị và nội dung nghệ thuật của thơ Inrasara, tôi xin bắt đầu từ bài “Tháp nắng”. “Ở Tháp nắng, một tấm lòng trân trọng quê hương và con người quê hương có mặt trong từng câu thơ, từng ý thơ. Apsara – như kìm nén, như bung phá…
tháp hoang – hoang khứ, âm u, dã sư mà bay bổng” (Lò Ngân Sủn).
“… Thơ anh giàu sức gợi. Gợi vào cái bát ngát hoang dại của kiếp đá, kiếp người, gợi cả vào cõi xa thẳm của những miền cố quận trong không gian, thời gian. Một tình cảm Chăm sâu đậm, u uẩn trong thơ Inrasara quả là đã góp vào thơ Việt Nam một hương vị đáng quý. Rất đáng quý” (Báo cáo tổng kết sáng tác và Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam, 1997).
Qua bút pháp sẽ nêu dưới đây, Inrasara khắc họa được một cách đậm nét, nghệ thuật công trình văn hóa hiếm có này, cũng như gợi ra những thăng trầm và đang tỏa sáng của tháp Chàm. Phép lập cú pháp và dùng câu dài khi cần như kéo ngân thêm thời gian và góp phần nhấn mạnh sự dài lâu, bền vững và sự cần chăm sóc nó:

Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng (Biết mấy… )
Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng (Biết mấy… )
Trên đồi hoang
như dấu lặng
phơi bày

Ở đoạn sau, các yếu tố đối lặp, gần nghĩa – đồng nghĩa rất có tác dụng: Vắng – cát (tuy không phải từ trái nghĩa): Bao la, mênh mông. Có lúc tác giả cường điệu hóa, dùng từ ngữ khẳng định hoặc phủ định để nhấn mạnh, làm tăng khả năng diễn tả, khắc họa:

Không một bụi cây
Không một làn mây (…)
Trắng không gian, đậm đặc tư bề

Nhà thơ Inrasara xác định và áy náy:

Không có một bài thơ ngợi ca
Không lấy một lời ca ngợi ca (…)
Trong hoang mạc lòng nhân gian lạnh

Nhưng điều kì diệu và nhắc nhở chúng ta là: “Tháp vẫn đứng miệt mài với nắng”.

Thế rồi, lí trí – tình cảm thúc giục nhà thơ phải hành động, phải sáng tạo nhằm khẳng định và ngợi ca một vẻ đẹp, một công trình, một di tích lịch sử, một di sản văn hóa thiêng liêng, mà chúng ta không được phép lãng quên. Khổ thơ cuối gợi cho mọi người phải suy nghĩ và giúp cho bài thơ trọn vẹn – không chỉ làm cho bài thơ – mà cả công trình kiến trúc này “lên giá””

Chuyến xe Sài Gòn – Phan Rang tôi đi lại quá trăm lần
Tháp có đó – tôi vờ như không có

Đây chẳng qua là một thủ pháp nghệ thuật, nhất là từ “vờ” và sự đối lặp giữa “có” và “không” trong kết cấu nội dung câu. Nhưng cũng đến lúc nhà thơ và mọi người kịp thời bật nhận ra:

Thoáng sát-na không gian bùng vỡ
Tháp hiện nguyên hình
– tháp nắng
– thênh thang

Nhà thơ góp phần “khôi phục” vẻ đẹp cho tháp Chàm, góp phần duy trì và phát triển nền văn hóa truyền thống, vốn có lịch sử lâu đời – thông qua bài thơ – có ánh sáng lan tỏa, có ánh nhìn soi thấu – bài “Tháp nắng” và thông qua sự tìm kiếm – sưu tầm vốn văn nghệ dân gian truyền thống có chiều sâu trí tuệ và tình cảm…
Chính vì có sự soi tỏ ấy, khám phá ấy và thực chất của nền văn minh xưa, mà khi viết bài này, lúc đầu tôi hình dung tiêu đề: “Người đem lại vẻ đẹp.Tháp ngời sắc nắng!”

Chỉ với bài “Tháp nắng”, Inrasara đã là nhà thơ. Cùng với các tác phẩm thơ tiếp theo Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em, anh trở thành nhà thơ lớn của dân tộc Chăm.
Nói như Hoàng Quảng Uyên : “Người Chăm đã để lại cho đời những tháp Chàm. Văn hóa – nghệ thuật (và cả lịch sử) của người Chăm đã tụ lại nơi những ngọn tháp ấy và chính Tháp nắng, Tháp hoang, Tháp lạnh… đã nâng nhà thơ Inrasara bay cao trên bầu trời thơ ca”(1)

2. Đặc sắc và giá trị của ba tập thơ, trường ca Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em.
Đọc Inrasara, chúng ta đều thấy tác giả trở đi trở lại nhiều với đề tài: văn hóa, về quê hương, con đường, về ngày đêm và ánh sáng. Cái gì sừng sững với thời gian cũng thu nhận được nhiều ánh sáng. Nhưng quan trọng là mắt nhìn có nhận ra và soi thấu hay không.
Tập thơ in năm 1996 với cái tên đã mang tầm tư tưởng, đầy ánh sáng, bộc lộ cả xưa và nay, truyền thống và hiện đại – Tháp nắng đã khơi dậy trong tôi vẻ đẹp ngàn năm, ánh sáng soi tỏa và sự kết đọng trong tâm hồn nhà thơ – vẳng lên thành tiếng nói tâm tình, vang lên thành những vần thơ tha thiết, như bước đầu tôi đã viết ở trên.
Quê hương trong tâm hồn nhà thơ rất đậm nghĩa tình. Anh dành cho nơi sinh thành cả một trường ca với tiêu đề “Quê hương” (Tháp nắng). Trong bài thơ dành cho người mình yêu thương – “Inrahani” (sau khi “vùi chôn trời quá khứ”), nhà thơ cùng gợi lại điều mà người thương hoài vọng về Dòng sông quê hương.
Trong bài “Hành hương em” (Hành hương em), tuy cái buồn nặng nề còn đeo đẳng

Lầm lụi lần theo bờ kí ức
Phác thảo giáo đường em thánh linh…
Và hoang đường tiếng hát em bỏ quên
Vẫy hoang mang phía trước
.

Điều đó không chỉ viết cho em, nhưng “vòm trán vươn đầu ngưỡng vọng / Hành hương em” – cũng đã đi vào hành hương chung xứ sở.
Đặc biệt với trường ca “Quê hương” với chín đoản ca đã cho thấy ấn tượng đậm đà của quê hương trong tâm trí nhà thơ. Inrasara nhắc đi nhắc lại nhiều lần hai chữ Quê hương: Song quê hương anh và dải đất miền Trung thiên nhiên khắc nghiệt cuộc sống còn gian nan “Quê hương gầy, quê hương xanh xao”. Nơi ấy:

Mây trắng. Mặt trời. Gió trùng dương. Đất. Đá
Quê hương cằn khô, nóng bức nghèo nàn…
Những cô gái quê gánh nặng áo vai sờn…
Những tên đất, tên người xa mờ cõi nhớ”
.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét “Tư tưởng thơ Inrasara khỏe khoắn, tỉnh táo và có cái nhìn biện chứng lịch sử. Nhưng trong cảm xúc, như chúng ta và còn hơn chúng ta, anh không giấu nỗi ngậm ngùi”. Tuy các di tích tháp đã và đang được tôn tạo bảo vệ, cuộc sống đang thay da đổi thịt, nhưng đối mặt với thực tế “Như quen thân – như xa lạ”, anh không khỏi suy tư. Song ở đoạn tiếp theo của trường ca, tác giả đã làm rõ tiềm lực của quê hương và dự báo về triển vọng trong tương lai.

Quê hương em còn những bàn tay vạm vỡ
Còn những trái tim cháy lửa…
Chính nơi này dòng máu cha ông đã trở về và sẽ ra đi
Làm nhịp đập rộn ràng cho hơi thơ lớn dậy

Trong trường ca, cái buồn – cái vui đan xen, vì dải đất này và hoàn cảnh – có nét riêng của nó. Quê hương nơi ấy có em:

Đêm xa quê hương đầu tiên đêm lạnh trắng phận người (…)
Đêm bập bềnh giữa biên giới trắng đen.
Và Em ngược dòng thời gian, bơi vào quá khứ…
Em đến châu Lí, châu Ô một ngày gió lộng
Thương Huyền Trân bước nhỏ ngập ngừng…

Nhưng cũng ở đây, quê hương có sức mạnh níu kéo, làm cho mỗi phận đời tỉnh ngộ, hoặc thay đổi:

Quê hương xa xôi, nhưng quê hương lại rất gần…
Hôm nay trở về
Em run lên với niềm vui thầm kín
Đi tìm quê hương đứa con nay trở về trong nỗi khát.
Cúi xuống ghì ôm quê hương như là chưa từng có quê hương

Rồi:(…) “Đã tình lặng. Và trái tim chín đỏ”.
Cái chung là vậy và cái riêng là vậy. Có lẽ, cái đẹp trong quá khứ còn đọng lại và cái nhìn thương yêu – cùng một tầm nhìn, đã thúc giục người ta đi tới. Bàn tay người xưa thật là kì diệu, đây là thánh địa Mĩ Sơn:

Thần kiêu sa thần và tháp oai phong tháp
Người vắt kiệt đất cho đất cô thành tháp
Cho đất sinh bức tượng, phù điêu…

Với ngôn ngữ chọn lọc, Inrasara đã thổi hồn thơ vào di tích. Thi hứng và cái tài của nhà thơ là ở chỗ đó. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Nông Quốc Chấn khẳng định: “Đọc Inrasara, tôi thấy tác giả thể hiện tâm hồn thi sĩ hơn là tư duy của nhà lí luận. Anh vạch đường biên và cố gắng không “vượt bên”(3). “Ý thơ anh cấu thành từ phần chìm của hồn người hơn là phần nổi của công việc…”(4)
Nhà thơ Inrasara – Phú Trạm tự rút ra kinh nghiệm và bài học sinh động:

Giữa đêm tối bão giông, hãy cúi rạp mình như ngọn cỏ
Ngọn cỏ sẽ ngóc đầu trong nắng mai
Cây nở hoa từ u tối bùn lầy
Người thì lớn khôn từ trần ai bể khổ

Nếu như ở những phần đầu trường ca còn nặng trĩu suy tư, nặng nề gai góc của cuộc đời, thì ở phần sau, con người đã có thể ngẩng đầu lên:

Khi bàn tay đưa ra liền có bàn tay nắm chặt
Em thấy ấm áp quê hương

Lúc này, tác giả muốn điểm danh sự vật quê hương như thầy giáo trường làng điểm danh học sinh vậy:

Điểm danh từng cánh đồng, từng khu rừng, từng miếng đất…
Điểm danh tất cả đỉnh cao, tất cả vũng sâu
Điểm danh người còn, điểm danh kẻ mất
Điểm danh trong ta bao suy tư bao cảm xúc…

Thơ anh từ đây cũng phấn chấn, cao giọng hơn:

Hai mươi năm rồi thơ yêu tôi
Thơ đông cho tôi nghìn giọt mật
Giọt nồng cay, giọt bay bổng nhất
Thơ đã cùng tôi băng vạn nẻo đường
Nẻo đường nào chẳng dẫn đến quê hương
.

Như đã nhắc đến, một trong mảng đẹp trong thơ Inrasara là Con đường. Từ con đường cụ thể đến con đường lí tưởng – dẫn bước chúng ta đi. Tác giả viết “Đường trở về”, “Con đường”, “Con đường lửa thiêng” trong tập Tháp nắng, “Những nẻo đường bỏ quên” trong tập Sinh nhật cây xưong rồng, “Con đường vỡ” trong tập Hành hương em. Những bài thơ đều nêu lên sự gian khó trong trường đời và con đường đi tới cũng như sự vẻ vang, đằm thắm đối với con đường chúng ta đi!
Nếu như “Đường trở về” (“Bước chân người lưỡng lự / Tiếng gọi xa như tiếng gọi gần / Tiếng gọi vọng về từ cố quận quen thân / Hay tiếng gọi dội về từ thành tim tư lự và đôi mắt em / Vẫn trung thành với tôi nơi cánh cửa quê hương / Đôi mắt ngày xưa từng theo dõi tôi qua gập nghềnh thời đại… / Đường trở về / Mãi dõi bước tôi đi”) thì ở “Con đường lửa thiêng”, chúng ta thấy tác giả nhắc đi nhắc lại câu “Con đường vẫn trầm trọng gọi”. Tiếp đó là đầy ắp “các sự kiện”:

Dù ban trưa là ban trưa đẫm máu chiến phần
Hay dù buổi chiều tù đày khu trục bước chim non
(…)

Tiếng gọi làm tắt nghẽn tiếng động rì rầm của thành phố, âm thanh của bom đạn, của phản lực có rền vào vòm thời đại bao lần làm nguy cơ xô con đường vào trường say sóng

Lí trí của anh, tình cảm của anh, hình tượng thơ của anh lại hướng tới con đường:

Tôi nhẹ nhõm lên đường
Bóng tối của núi rừng reo hát
Chào đón gót chân kẻ phiêu bạt
Trong một vòng tay mênh mông

Con đường ca hát thì thầm trong bàn chân hân hoan / Hãy đón lấy

Và đặc biệt là:

Bất chợt chiều nay tôi thấy con đường vỡ
Đang nhìn tôi trong tiếng nói không lời

Nhìn chung, tuy còn dài, nhiều sự kiện, nhưng thơ ca anh có nhiều hình ảnh đẹp, gây rung cảm cho đời:

Giàu sang là nẻo đường rừng người đi buổi sớm.
Con đường khép lại và mở ra dưới sức nặng bàn chân
Xát mòn vẹt nỗi đau để niềm vui mở ngọn
Cưu mang vạn gót giày nhọc nhằn cho mỗi mầm nắng trồi lên
.

Đúng là con đường đã và đang được khai phá, nhưng chưa dễ gì nhanh, còn phải kiên nhẫn đã kết đọng mật ngọt rồi, còn phải có thêm bàn tay lớp trẻ nữa:

Con đường rừng nhạt và chìm dần vào ẩn mật
Kiên nhẫn chờ đợi bước chân những thế hệ chưa hình thành…

Trường ca “Quê hương” bộc lộ “Nguồn cảm hứng lặn rất sâu vào dân tộc Chăm yêu dấu của anh, trải qua những đợt sóng thơ gập ghềnh lịch sử tối òa tan vào biển lớn đại gia đình dân tộc Việt Nam”, và “Đây là một trong số trường ca hay nhất của thơ Việt Nam hiện đại”. Anh bạn của tôi – nhà thơ Trúc Thông nhận định như vậy.(5).
Bên cạnh cái hay, cái tuyệt vời đó, cảm giác của tôi – trường ca còn có phần bề bộn, có những câu trừu tương, chung chung, dễ hiểu sai lệch (ví dụ: “Hai mươi năm quê hương ném em vào xó cùng bóng tối / Quê hương đẩy em lên xa lạ bước đường / Kéo em về giữa khốn quẫn nhân dân”).

Mảng lớn thứ ba mà tác giả tập trung phản ánh, thể hiện là di tích văn hóa – tình yêu và ngọn lửa thiêng. Bài “Apsara – Vũ nữ Chàm” trong tập Tháp nắng, bài “Apsara – Vũ nữ Chàm” trong Hành hương em đều ngợi ca vẻ đẹp của con người – của nghệ thuật… qua bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ. Cách thể hiện, nghệ thuật soi dọi của Inrasara là vẻ đẹp có hồn của Vũ nữ trong sự vững chãi – bền vững của đá, của công trình, của nền văn hóa. Vẻ đẹp và dấu ấn, sức sống hiện lên ngay trong từ ngữ tinh chọn:

Ngủ quên trong kiếp đá…
… cựa mình ra lòng đá…
… mai trở về cõi đá

Tất cả đều sống động, có hồn! Nhờ bàn tay khéo léo của nghệ sĩ mà: “Trăm năm làm một thuở / Nỗi mơ nung nấu ngàn đời không nguôi… / Đường cong diễm ảo chơi vơi… / Cho nhân gian nửa đất trời nhớ thương”. Ở tập thơ Hành hương em, lần nữa, tác giả mô tả “Apsara- Vũ nữ Chàm”:

Những vòm ngực căng phồng ban mai
Những vòm ngực nung trầm suy tưởng
Hôm qua và ngàn sau

Nhà thơ làm rõ những nét hoa văn một cách tài tình:

Nhảy múa giữa hoàng hôn / Đường cong bay bay…
Nhảy múa gọi bình minh / Baranưng miệt mài ngàn năm vỗ

Inrasara canh cánh bên lòng về di sản văn hóa một thời thịnh trị bị mai một: Ngôn ngữ thơ ở đây đậm nét u hoài, tiếc nuối “Tháp hoang / Như hình hình mọc lên từ đất / Tháp hoang / Như quen thân – như xa lạ / Hồn người xưa vỗ dòng máu ứ”.
Với “Đứa con của đất” tác giả không chỉ nhắc tới mảnh đất miền Trung nhỏ hẹp, có “nắng lửa bốn mùa cát trắng”, có “bão thét trùng khơi”, mà còn có “đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao”:

Lớn lên tôi đụng đầu với chiến tranh
Đụng đầu với cơm áo, hiện sinh, hiện tượng …
Lạc mất điệu đua buk, câu ariya, bụi ớt…

May thay anh còn có thể ngóc đầu dậy và trườn lên. Sau đó là tìm ra ánh sáng… “Tìm thấy nắng quê hương / Lại xanh trong tôi dù rừng đã cháy… / Chợt hanh lại cát, chợt buồn lại ru…”. Inrasara viết và tự hào về “Cao Nguyên em”, về “Inrahani”, dù Cao Nguyên mưa triền miên. Em gọi nắng dù Đông không cùng nhưng bàn tay em ấm.
Thơ anh đúng là thơ trân trọng:

Phan Rang đầy sao không đỡ nhớ
Cao nguyên rùng rùng thác đổ
Dòng sông em yên ả trong hồn

Anh rất mừng, vì em đã hóa thân: “Vùi chôn trời quá khứ / Em về miền gian nan / Đất quê hương tư lự / Đợi em ngày hóa thân”.
Thơ Inrasara trong hoàn cảnh đặc biệt ấy man mác buồn, nhưng không bi lụy, nhớ để đi lên. (“Vẫn cụm mây ngàn năm / Trôi ngang vùng kí ức / Vẫn cánh chim rạo rực / Bay vào tuổi xa xăm / Vẫn con nước trầm ngâm / Mong những khuôn mặt nắng / Nhớ bước chân lang thang / Vẫn dòng sông hoài vọng / Là dòng sông quê hương.”)
Anh và chị như quê hương đất nước đã sang trang đi vào xây dựng cuộc sống mới. Hồn thơ anh lúc này bay hơn, vui hơn.

Như đỉnh đồi hoang trọc
Chuyển dạ sau cơn mưa
Hai mảnh hồn cô độc
Vươn vai đứng vỡ òa

Cùng đọc kĩ, tôi cùng hiểu thêm ý nghĩa và phong cách thơ, ngôn ngữ thơ của anh. Nhiều nơi, anh dùng các từ “nứt”, “vỡ” như cái gì đó bất ngờ, mạnh mẽ, chuyển đổi và mở cửa ra: “Những lạc lần nứt vữa / Đã qua và đã xa / Hai mảnh hồn cô độc / Vươn vai đứng vỡ oà” (“Inrahani”, Tháp nắng).

Bất chợt chiều tôi thấy con đường vỡ
Đang nhìn tôi trong tiếng nói không lời

(“Con đường vỡ”, Hành hương em)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *