Hoàng Văn An: Nắng còn ngời… (2/2)

(2/2)

Đọc thơ Inrasara, tôi đánh giá cao tập Tháp nắng – tính nhuần nhuyễn, hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật, các sắc màu trong cấu tứ tôn nhau lên, không trộn lẫn. Nhà thơ dành hơi thở, sức lực cho khôi phục, phát huy văn hóa truyền thống. Ở “Ngụ ngôn của đất” lần nữa, anh trở lại đề tài này. Anh tâm sự cởi mở, nhưng cũng bộc lộ quyết tâm:

Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Chăm
Có bao lăm kẻ đọc? Rồi sẽ còn ai nhớ
Nhưng tôi lại muốn lãng phí cả đời mình cho nó
Dù chỉ còn dăm ba người,
dù chỉ còn một người
hay ngay cả chẳng còn ai
!

(Anh dùng từ ngữ – câu chữ muốn lãng phí cả đời mình cho nó chỉ như một biện pháp nghệ thuật, giãy bày!). Ngoài “Tuyên ngôn” ban đầu như đã nêu trên, nhà thơ – nhà nghiên cứu bộc lộ ý tưởng lượm lặt kho báu dân gian – cho hoa nở, cho hương bay, rồi mai sau anh sẽ ngoái nhìn lại!

Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
Tôi tìm và nhặt. Như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ

Bằng lăng trụi nhánh tàn vẫn gượng nở hoa…
Như cái ngoái nhìn của kẻ chân tu khi xây xong ngôi chùa cho người thiện tín

Có những đoạn, nhà thơ hỏi và tự trả lời, tất cả hiện lên chiều sâu ý tưởng và nhiệt huyết của con tim (… “Ong đã nói gì với hoa, khi hoa cho ong bao nguồn nhụy? / – Cảm ơn ong đã mở lòng ban phát / Cây đã nói gì với đất, khi cây cho đất bóng râm? – Cảm ơn đã cho bài học về nhận…”).
Trong “Ngụ ngôn của đất”, tác giả cũng nêu sự chối từ nước Mĩ của Henry Miller – bởi chán ghét chiến tranh, hoặc có người tha phương ít tháng đã không nhận Việt Nam. Kết luận của Inrasara là:

Giữa không nhận và chối từ kia cách nhau trời vực

Trong cuộc sống và sự nghiệp sáng tạo của mình, lập trường mà nhà thơ nêu sau đây là có lí, ta còn đòi hỏi thêm chi nữa!

Một ánh nhìn của cha.
Nửa nụ cười của mẹ
Và hai bàn tay diệu vợi của em
Giữa mênh mông màu nắng quê hương
Hỏi tôi còn tìm thiên đường đâu nữa

Qua các tập thơ Sinh nhật cây xương rồngHành hương em, chắc chắn bạn đọc sẽ càng rõ phong cách sáng tạo của nhà thơ. Với bài thơ “Sinh nhật cây xương rồng” (tập thơ Sinh nhật cây xương rồng) người đọc bị cuốn hút vào tứ thơ và cái mới lạ mà nhà thơ gởi gắm:

Cây xương rồng lạc bước qua triền đồi quê tôi để bị chịu cầm tù trong cát.
Ngày qua, mùa qua kiên nhì lượm nhặt dưỡng chất trần gian rơi rớt
Miệt mài đứng mảnh đất bạc màu tạo dáng quê hương
.

Đây là hình ảnh của phẩm chất kiên cường. Giá trị của nó, cũng quý như những câu thơ còn đọng lại cho muôn đời sau! Nhà thơ đưa ra những hình ảnh thơ đầy sáng tạo …

Chiếc xe trâu ra đi buổi sớm mai khi mái tranh đang trầm giấc
Và trở về trong chiều bất trắc mênh mông
.

Có thể nói, bài thơ phản ánh vóc dáng, sức sống – sứ mệnh của một trong những loài cây chống chọi giỏi với thời tiết khắc nghiệt. Ý chí ấy còn có ở phẩm chất đồng bào. Tác giả nhẹ nhàng tả, mà mạnh tay không kém: Loài cây ấy nói với tôi về một thời không quên dù không gợi nhớ: “Giữa bao la trắng còn xanh được màu xanh”. Tuyệt vời hơn nữa, như tác giả viết: “Tôi thấy cây đứng như thế – cả khi bóng cây rừng cuối cùng rời bỏ đồi hanh”.
Đến đây, có thể nhắc tới mấy câu sau, là những câu mang tính khái quát cao – trong nội dung và nghệ thuật biểu đạt của nhà thơ:

Sinh nhật cây xương rồng
Có ngọn gió nồm reo đồi trọc
Có loài côn trùng đùa bãi cát
Có tháp Chàm giữa nắng đơn ca
.

Trước khi hành trình khai thác tiếp, tôi tự thấy phải khẳng định: Inrasara như con tằm nhả tơ – cần mẫn trong sáng tác và trong nghiên cứu, sưu tầm. Anh vượt lên hoàn cảnh, lắng đọng để thêu lên những vần thơ, những tác phẩm trường ca đẹp có hơi thở nồng sâu của cuộc sống, của lịch sử. Tôi nhất trí cao với Hoàng Quảng Uyên: thơ anh “dường như không triết lí mà lại rất triết lí. Những “Tháp hoang”, “Tháp nắng”, “Inrahani” … đã nâng Inrasara bay cao trên bầu trời thơ ca.(6)
Nhà thơ còn viết hai “Đoản thi dành cho con”. Cái quý là tác giả khái quát thành bài học, hoặc lời khuyên – trên cơ sở vốn hiểu biết, vốn sống và đối nhân xử thế:

Người đời lựa chọn những cái sướng, niềm vui
Nhưng chính những vết thương, nỗi đau
Đã nâng chúng ta bay cao, khôn lớn

Con lừa đi tìm gánh nặng
Nhà văn đi tìm tiếng tăm
Thầy tu đi tìm thượng đế
Riêng con đến gặp cuộc đời
.

Là con – vĩnh cửu và lớn lao như một cuộc đời.

Nhà thơ còn quan tâm đến các khía cạnh khác, đề tài khác.

Có những bài thơ không viết bao giờ
Không phải bài thơ tôi không muốn viết
Nho độ nhụy đầu mà trời làm rét
Vạn chùm xanh bỗng cọc giữa mùa
Cặp tình nhân hãi cả ước mơ

(“Bài thơ không viết”)

Inrasara vẫn canh cánh bên lòng, rằng “Có mặt hai trăm năm – thơ Glơng Anak / Chưa gieo nổi mầm xanh ở giữa lòng người và Nguyễn Trãi đau nỗi đau đất trời / Năm thế kỉ sau câu thơ còn xót”. Vì vậy, nhà thơ đã đi đến kết luận: “Không phải bài thơ không thể viết / Những bài thơ không viết bao giờ” (“Bài thơ không viết”).
“Nỗi buồn ứng trước” góp thêm giọng điệu thơ “tầm sâu” và cũng rất cần cho cuộc sống hôm nay. Nhiều bài thơ, tác giả khái quát cảnh tình riêng đến cái chung một cách thắm thía: Có tứ của thơ, có ý của cõi lòng, có niềm tin và hi vọng: “Ra đi từ sầu của mây, từ lạc của lòng / Từ bạc của lời, từ im tiếng khóc / Từ lặng câm của đêm đồi trọc… / Giấu chút nắng quê hương vào túi / Làm hành trang mai mốt tìm về…”

Trong tập thơ Hành hương em bóng tối và ánh sáng luôn soi trên mặt giấy, các lớp trầm tích của lịch sử vẫn còn lưu lại, có những chỗ ánh lên cả trong đêm tối. Ở bài “Hành hương em” nhà thơ đã tạo hình, tạo cảnh hay “Bóng tối mang khuôn mặt tự do nhảy múa / Dụ ngọn bấc trái tim bị thương tôi gượng cháy vào đêm”.
Có những bài thơ, Inrasara tạo được hình ảnh đẹp: “Tôi sinh ra / Níu / Trần cánh tay cha, sờn lưng áo mẹ / Gầy còng / Tôi níu bóng tháp / Tháp luống tuổi / Tôi níu vào cái không thể níu / Lớn lên” (“Tôi, chẳng có gì trầm trọng lắm”)

Tập thơ Hành hương em có ba phần, chúng ta hãy xem xét kĩ thêm một số tác phẩm “Tụng ca của nước”, “Khát vọng biển”, “Thi ca và thi sĩ”, “Thi ca hôm nay”, “Thái độ”, “Sông Lu cùng tôi thức đêm nay”, “Dấu chân trầm”, “Tứ tuyệt Inrasara”, “Những thi sĩ dân gian”, “Cái nhìn ngoái lại” và “Những ý tưởng không mùa”.
“Tụng cả của nước” của Inrasara – một bài thơ phải ngẫm phải nghĩ, phải suy tưởng, phải đặt vào trong lịch sử và lễ lạt… may ra mơi mở được khóa vào ngữ nghĩa ẩn chìm trong đó. Nhà thơ đưa ra vấn đề “người thiếu phụ yêu tôi bằng giấc ngộ nhận dài…/ Làm sao gọi em ngược về thế kỉ Huyền Trân? / Làm sao chuyển dịch tôi sang ngữ ngôn huyền sử”?

Cho ngực trần tôi mãi là trang sách mở
Để bàn tay lửa em vươn tới tự tin hơn

Ở đây thông tin đã rõ. Nhưng lại còn “Bên kia nơi bờ sông quê hương tháng Tư hành lễ tẩy trần”. Và lại xuất hiện câu hỏi: “Làm sao em song hành cùng tôi về đứng bờ sông đêm nay… / Hát vang bài tụng ca của nước” (Đây là câu hỏi, chứ không phải câu cảm thán). Và bài tụng ca đó là : “Chảy đi / Chảy đi / Chảy trôi đi / Chảy trôi tất cả đi / Giở một vòm trời khác”. Chúng ta hiểu: Cần cho cái cũ qua đi sạch bụi trần và rủi ro, mong và cầu chúc cho tốt đẹp, mới mẻ sẽ tới. Ngoài nội dung đó ra – khó mà suy ra cái khác – do ngôn ngữ quá chung chung – và ngôn ngữ có đặc trưng xã hội (Không thể tự đặt ra và tự hiểu khác được!).

Với bài “Khát vọng biển” – triết lí chưa hẳn triết lí. Có phải do cấu trúc mà bài thơ chưa suôn sẻ không tên “Khát vọng biển” phù hợp với khổ thơ cuối cùng của bài (“Sóng lớp bàn tay lao xao vẫy anh về phía trước / Nhìn đăm đăm anh là những dáng buồm căng… / Chuyến hôm nay chắc chi đã là chuyến cuối cùng”)
Song ở trang thứ nhất và trang thứ hai của bài thơ, tác giả lại nói về chuyện “anh thì xếp cánh – lúc thiên kỉ mới mở mênh / Anh thì phận gà ăn quẩn”. Trong khi đó mấy câu đầu tóc lại diễn tả “Chuyến đi hôm xưa những tưởng chuyến cuối cùng / Sao anh vội xế trưa, đang khi mặt trời đứng bóng! Thiên kỉ mới mở mênh anh thì xếp cánh…”
Vậy là về mặt logic, các vấn đề phải được diễn tả thông suốt hơn, mạch lạc hơn, bền mạch hơn, hợp logic hơn.

Ở bài “Thi ca và thi sĩ” nhà thơ viết ngắn, song có ba đoạn khá rõ ràng. Đoạn đầu: “Vãi gieo và hi vọng ở mùa sau”; đoạn thứ hai: “Đi như nỗi trầm tư… Một hơi gió xâu dài thế kỉ; Đoạn thứ ba: Mãi vũng áo cơm… / Khiêm cung giữa bạt ngàn đau khổ / Thắp nắng dăm ba số phận mọi hèn”. Kết luận của nhà thơ quan niệm rất đơn giản: Đi như là ở lại!
Câu kết này có thể hiểu được – Tuy nhiên đặt ba câu “không là gì – không vì đâu” ở hai đoạn đầu và ở câu kết thì thơ vẫn có phần khó hiểu. Chúng ta hiểu: nhờ thành tựu mà “đi” cũng như là ở lại. Nói khác đi: nhờ có thành tựu mà trở thành bất tử. Có phải suy nghĩ của nhà thơ là như vậy không?

Với “Thi ca hôm nay”, nhà thơ nhấn mạnh “Chỉ chúng ta kẻ ngụ cư ngang thời gian / Là không rớt lại”. Nhà thơ có vai trò vẻ vang là:

Dậy hơi thơ xâu thế kỉ chông chênh…
Dữ dội ồn ào, lặng trầm ẩn mật
Vẫn dưỡng nuôi giấc mơ suối nguồn
Làm tinh khôi mặt đất
.

Phần hai của Hành hương em là “Sông Lu cùng tôi thức đêm nay”, nhà thơ bộc bạch: … “Mở hữu hạn tôi vào vô hạn… / Không lời – tôi bơi ngược bình minh”. Thơ Inrasara ẩn chứa tâm tình, nhưng càng không dễ dàng cắt nghĩa “Còn ai nghe tiếng hát – sáng mai? / Khi sông Lu gặp tôi nơi nguồn suối / Róc rách về ngôn ngữ sạch trong”.

Khi sông Lu ẩn cư miền sa mạc
Còn ai nâng chông chênh tiếng hát
Sớm mai
.

Bài thơ “Dấu chân trầm” và “Tứ tuyệt Inrasara” nói lên hai thế hệ – xoắn xuýt và truyền đời.

Cha đi – ngọn cỏ rũ buồn
Rì rào hết mùa xanh
Con có thêm cho đời dưỡng chất
Cha đi – lặng lẽ sau bao mùa bất trắc
Cánh đồng vô danh mờ dấu chân trầm
Sang vụ mai ai làm người gieo hạt
?

Nhà thơ hướng về Glơng Anak: “Tập thơ mỏng gầy lại mở tới mênh mông”.
Vào dịp lễ hội Katê thiêng liêng, mà em không về, nên nhà thơ buồn chờ đợi:

Đồi tháp hết hoang rồi
Sao lòng anh cứ chịu vắng hoang
.

Phần ba của tập thơ – “Những ý tưởng không mùa”, Inrasara đưa ra cho đời những triết lí bằng thơ:

Từ một khoảng tối sang một khoảng tối hơn
Tôi lóe sáng
Thứ ánh sáng chẻ đường định phận

Khép một cõi đất, mở một chân trời
Thơ chập chững ngày mới
Bập bẹ lời tinh khôi
.

3. Đặc điểm nội dung và nghệ thuật biểu hiện trong thơ Inrasara
Khi xem xét các tập thơ, trường ca, các bài thơ cụ thể, nhìn chung chúng tôi đã đề cập tới vấn đề này. Tuy nhiên cần nhìn nhận một cách kĩ lưỡng hơn. Điều chung nhất và cũng là giá trị chung nhất mà thơ Inrasara đem lại là thơ anh “dào dạt, hồn nhiên, giàu phẩm chất trí tuệ và tính khái quát. Các bài thơ anh không ngắn, nhưng không sa vào kể lể. Thơ anh giàu sức gợi. Gợi vào cái bát ngát hoang dại của kiếp đá, kiếp người, gởi vào cõi xa thẳm của những miền cố quận trong không gian, thời gian”(7).
Cũng có thể nhận xét thơ anh theo cách khác: Thơ Sara giàu tính khát quát, nhiều hình ảnh, ngôn ngữ chọn lọc; thơ anh thể hiện phong cách riêng: ngoài việc khai thác đặc tính và các biện pháp tu từ – tức lấy xa để nói gần, lấy vòng để nói thẳng, lấy nổi để nói chìm, lấy cái trực tiếp để nói cái gián tiếp, như anh còn tỏ ra triết lí, sử dụng câu dài, cả những phương tiện thuần logic, đôi khi khó xác định đường biên ý nghĩa. Thơ anh phản ánh toàn diện các vấn đề của đời sống, lịch sử, đấu tranh.

Inrasara góp cho đời và tạo được ấn tượng mạnh mẽ “về tình yêu sâu nặng với quê hương ca hát bằng tiếng thơ đằm thắm, cội nguồn cổ kính mà âm điệu tân kì”(8). Thơ Inrasara góp thêm cho thành tựu chung là “nền thơ ca cách mạng đi vào hướng lớn của đời sống thực tế. Nội dung hiện thực của các sáng tác ngày một được nâng cao ở sự khám phá và phát hiện ra những giá trị nhận thức mới trong đời sống cách mạng”(9). Thơ anh đã dám đối mặt với thực tế muôn màu, phản ánh cái tốt lẫn cái xấu, mặt tích cực lẫn tiêu cực trên nền cảm xúc mang tính tư tưởng chủ đạo, phản ánh thậm chí cả mặt tạm gọi là “trái chiều”…

Hạn chế trong thơ anh là có khi câu quá dài, hình ảnh còn mơ hồ, nhiều khi xa lánh nhịp điệu, âm hưởng. Cũng có khi nội dung khái quát chung chung – dễ hiểu theo nhiều hướng – cả hướng bất lợi. Kết cấu bài thơ nhìn chung chặt chẽ, cá biệt “logic nghĩa” không khớp “logic nhận thức chung” nên sự liên tưởng bị hạn chế (tác giả dùng “ngã tư đời”, “ngã tư quê”, “ngã tư đường”, “ngã tư em”, “ngã tư gió” – xã hội thiên về dùng ngã ba (Hành hương em). Nhiều từ ngữ tác giả dùng đắt, có khi sáng tạo – làm giàu thêm cho ngôn ngữ dân tộc (tiếng Việt), song có những từ ngữ, liên kết từ ngữ “đột ngột” chưa được xã hội chấp nhận nên lạ tai, khó hiểu.
Làm giàu, góp phần làm giàu, hoặc là sự sáng tạo như: cách nói quy ước Sinh nhật cây xương rồng miệt mài đứng đợi, lưng chừng đêm, mang mang giữa mùa trăng.
Trường hợp “lạm phát” liên kết từ ngữ, cách diễn đạt như: Hơi thở phiêu nhiên, từng đàn triều đại, chu kì rã mục (Hành hương em), … làm bằng an (Sinh nhật cây xương rồng)…

*
Phong cách nghệ thuật – theo giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, là một khái niệm thuộc phạm trù thẩm Mĩ. Nhà văn phải thật sự có tài năng, phải thật sự sáng tạo ra được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao mới được xem là nhà văn có phong cách. Thế giới nghệ thuật riêng của nhà văn dù phong phú đa dạng thế nào, vẫn có tính thống nhất. Phong cách nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn luôn luôn biến thể từ tác phẩm này đến tác phẩm khác. Nhưng dù đổi mới, phong cách vẫn vận động trên cơ sở thống nhất(10). Tôi cho rằng bước đầu ở Inrasara đã và đang hình thành phong cách sáng tạo thơ, trường ca khá đậm nét. Tôi xin chúc mừng thành tựu và giải thưởng Văn học nghệ thuật mà anh đã vinh dự được nhận. Nắng đã, đang và sẽ còn ngời trên tháp. Truyền thống đã hun đúc nên một tài thơ của đồng bào Chăm – nhà thơ Inrasara!

______________________

(1) Hoàng Quảng Uyên, Một mình trong cõi thơ, NXB Văn hóa dân tộc, H., 2000.
(2) Lời bình Vũ Quần Phương, Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi, tập 3, NXB Giáo Dục, 1999.
(3) Lời bạt tập thơ Sinh nhật cây xương rồng.
(4) Vũ Quần Phương, báo Văn nghệ, 24.1.1998.
(5) Trúc Thông, báo Văn nghệ, 4.7.1998.
(6) Hoàng Quảng Uyên, Sđd.
(7) Báo cáo tổng kết sáng tác và giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam 1997.
(8) Trần Lê Văn, báo Văn nghệ, 4.7.1998.
(9) Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, NXB Giáo Dục, 1998, tr.240-241.
(10) Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn Việt Nam hiện đại, Chân dung và phong cách, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, tr.9-8.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *