Inrasara, Người con của Tháp nắng

Lê Viết Thọ thực hiện
Báo Bình Định, 19.06.2007.

Gặp Inrasara (nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2005), tại Trường Đại học Quy Nhơn khi nhà thơ được mời thỉnh giảng về văn hóa – ngôn ngữ Chăm. Một cuộc trò chuyện ngắn với Inrasara quanh những vấn đề của văn học Việt đương đại và về chính bản thân anh, con người của những nỗ lực cách tân…

Nhà văn không chọn sự an toàn

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, năm 1969, Inrasara rời làng lên Phan Rang học tập. Thời gian này, ông đã lang thang qua gần 40 làng Chăm để hiểu rõ hơn nơi cộng đồng mình đang sinh sống. Năm 1976, vào Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, đang học năm thứ hai thì Inrasara đột ngột… bỏ học. Năm 1982, được mời về công tác ở Ban biên soạn sách chữ Chăm tỉnh Ninh Thuận, rồi lại tự thôi việc. Năm 1992, Inrasara tham gia nhóm nghiên cứu văn hoá Chăm thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, nhưng mới được 6 năm, ông lại ra đi để làm nghề tự do.

P.V: Vì sao, ông đột ngột bỏ học giữa chừng và làm việc ngẫu hứng như vậy?
Inrasara: Bởi đơn giản là điều tôi muốn học không có trong chương trình Đại học, bản thân tôi cũng là học sinh cá biệt mà (cười). Còn khi đang tham gia nhóm nghiên cứu văn hóa Chăm, Trường Đại học nói là hết chương trình, tạm dừng, trong khi mình đang ấp ủ nhiều dự định lắm, mà nhà trường không đáp ứng, vậy là tôi nghỉ. Quan trọng nhất, với tôi, là dám buông bỏ. Bởi nhà văn là người không chọn sự an toàn.

Và làm thơ có… lý luận

P.V: Thưa ông, từng được xem là “một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay”, rồi lại được đánh giá như một trong những nhà phê bình sáng giá. Ông ngiĩ gì khi nghe những danh xưng như vậy?
Inrasara: Nhà thơ cách tân, đúng là nhiều người vẫn nói về tôi như vậy. Nhưng đó là người ta đọc và đánh giá, còn bản thân thì không đánh gía mình, dù khi sáng tác, mình ý thức rất mạnh. Ngay cả khi đọc thơ trên các diễn đàn, mình cũng thường đọc thơ thiên hạ hơn là thơ của mình.
Khi sáng tác, mỗi tập thơ, Inrasara đều cố gắng để tập sau khác tập trước. Đương nhiên có thể cũng là giọng thơ đó, nhưng theo phong cách khác hoặc khai thác đề tài, ý tưởng khác. Lễ tẩy trần tháng Tư sáng tác sau Tháp nắng 6 năm, nhưng đã khác hoàn toàn. Sau Lễ tẩy trần tháng Tư, tôi tìm đến thơ Tân hình thức. 18 bài trong Chuyện 40 năm mới kể lần lượt ra đời. Theo tôi, Tân hình thức và Hậu hiện đại không chỉ là một thể thơ mới, một quan điểm thẩm mĩ mới, mà còn là một thái độ thơ. Chuyện 40 năm mới kể không đi vào những cái lớn như Lễ tẩy trần tháng Tư mà kể những chuyện nhỏ nhặt, của một người anh, người yêu, của một người mát mát ở quê… rất hợp với thơ Tân hình thức.
Tôi viết phê bình, đó cũng là nhằm phục vụ cho sáng tác. Inrasara làm thơ có lý luận mà. Viết phê bình, tôi muốn chẩn bệnh cho thơ Việt Nam hiện đại, dù việc chẩn bệnh có thể chưa chuẩn. Theo tôi, trước một hiện tượng văn chương mới xuất hiện, không phải đơn giản là chỉ vùi dập hay vứt bỏ nó, mà phải bày nó ra, tôi gọi là phê bình lập biên bản. Hai nữa là phải tìm ra cái triết lý đằng sau loại thơ đó và định danh nó. Có người ngộ nhận giữa việc định danh và giá trị. Định danh nó chưa phải nó đã hay. Thơ hậu hiện đại chẳng hạn, đâu phải ai làm thơ hậu hiện đại cũng hay.

Chẩn bệnh thơ và phê bình

P.V: Và ông ông có thể nói gì về thơ trẻ, sau một quá trình chuẩn bệnh như vậy?
Inrasara: Thơ trẻ Việt Nam hôm nay đang khủng hoảng, một khủng hoảng cần được nhìn nhận như tín hiệu tốt lành. Thơ trẻ Việt hôm nay sẵn sàng tràn bờ, mở ra các dòng – mới, lạ, khác. Trong đó có vài khuôn mặt rất đáng nể.

P.V: Nhưng bản thân ông cũng đã từng viết một tiểu luận lấy tên là “Sẽ không có một cuộc cách mạng thơ ca trong tương lai gần”?
Inrasara: Nỗ lực của những cá nhân hoàn toàn khác với một cuộc cách mạng thơ ca. Một cuộc cách mạng văn chương cần 4 yếu tố. Trước hết, là phải có những kẻ sáng tác cùng quan điểm sáng tạo; hai là họ phải biết lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm; ba là nhóm thơ ấy có được một diễn đàn; cuối cùng: cần có một lớp độc giả được chuẩn bị tinh thần và tri thức để đón nhận tác phẩm của họ. Xét cả 4 yếu tố đó, thơ Việt hôm nay đều thiếu. Tôi viết: sẽ không có một cuộc cách mạng thơ ca trong tương lai gần là vậy.

P.V: Còn phê bình văn học thì sao, thưa ông?
Inrasara: Tôi đã phát biểu tại Hội nghị Lí luận-phê bình văn học tổ chức tại Đồ Sơn, rằng chúng ta đang khủng hoảng thiếu phê bình. Thiếu thứ nhất là thiếu một ý thức độc lập nên dễ nói hùa, nói theo. Thứ hai là thiếu sự cô đơn trong phê bình. Cô đơn ở đây là cô đơn trước trang giấy trắng, tức là cô đơn toàn diện. Thiếu cô đơn, chúng ta không có những khoảng cách với đối tượng, nên nói thì sợ mếch lòng. Thiếu thứ ba là thiếu thao tác chuyên nghiệp nên thường khen bừa, chê bừa bằng những từ có sẵn, thời thượng, mà không chứng minh. Viết rằng tập thơ kia là cách tân, nhưng cách tân ở đâu thì không ai nêu ra cả…

Cái mới luôn ở phía trước

P.V: Xin hỏi qua một vấn đề khác, dạo này, cả sáng tác và phê bình, có vẻ ông đang chuộng văn chương mạng?
Inrasara: Lúc đầu, khi các website văn chương tiếng Việt mời gửi tác phẩm, tôi luôn dè dặt. Thế nhưng, mấy năm gần đây, tình thế đã khác. Như tiểu luận phê bình của tôi thì đến 90% là được đăng trên mạng. Còn lý do thì như tại Hội nghị Đồ Sơn tôi đã nói rất rõ. Thứ nhất, bài cho báo giấy thế nào cũng bị cắt xén; thứ hai: lắm lúc không muốn xếp hàng chờ, tôi nóng lòng cho đứa con tinh thần của mình được ra đời sớm.

P.V: Cuối cùng, ông nói gì về những dự định của mình trong tương lai?
Inrasara: Với tôi, cái mới, cái xa lạ, cái chưa biết luôn vẫy phía trước. Còn dự định? Sắp tới, tôi sẽ in Song thoại với cái mới, một tập tiểu luận khá gồ ghề, ra tiếp những tập sách trong bộ sách về Văn học Chăm gồm 10 tập.
P.V: Xin cảm ơn nhà thơ.

One thought on “Inrasara, Người con của Tháp nắng

  1. Tôi đã nghi Hưu. Trong huyết quản tôi là dòng máu Champa đang chảy. Tôi muốn hợp tác cung Inrasara làm được một việc gì đó góp phần là rạng danh tiên tổ.
    Rất mong được anh góp ý.
    Mobile: 0966222689

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *