Một cuộc cách mạng văn chương nào bất kì cũng cần hội đủ bốn yếu tố: Trước hết: họ là những kẻ sáng tác cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo có khả năng dựng nên một trường thơ (như Trường Thơ loạn đất Bình Định thời Tiền chiến); thứ hai: chính họ phải lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm, của phong trào mình; thứ ba là nhóm văn chương ấy có được diễn đàn độc lập; cuối cùng: cần có một lớp độc giả được chuẩn bị tinh thần và tri thức để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ.
Xét cả bốn yếu tố, nền thi ca Việt Nam hôm nay đang thiếu, thiếu lớn! Vài năm qua, có thể dễ dàng nhận thấy thơ trẻ Việt Nam phát triển theo bốn dòng chính:
– Những kẻ sáng tác theo “truyền thống” với lối suy nghĩ đầy tai hại rằng thơ không phải cách tân chi chi cả mà chỉ cần viết sao cho hay. Dạng thơ này in tràn khắp mặt báo đã tạo khủng hoảng thừa, khiến người đọc ngán ngẩm thơ. Đơn giản: lâu nay người đọc cứ ngỡ rằng thơ Việt chỉ có mỗi nó, như thế!
Đáng buồn là: những tưởng hôm nay, loại thơ cũ mèm kia hết ghế ngồi rồi, không ngờ chúng cứ chễm chệ đầy trang trọng tại các trang đinh của nhiều tờ báo, cả báo chuyện nữa, mới phiền! Chuyện dễ hiểu đến đau lòng: đại đa số người trực trang thơ các loại báo không ưa thơ khuynh hướng cách tân; họ là các nhà thơ tự hưu non, vậy nếu đăng sáng tác mới, lạ (mà chắc chi họ phân biệt được đâu là thơ cách tân hay với cách tân dở) thì các đứa con tinh thần của họ hết chỗ đứng! Và, viễn tượng mất ghế biên tập không tránh khỏi!
Loại thơ đồng phục này đang đầu độc khí quyển thơ mà không tự biết: kẻ mới vào làng thơ ngộ nhận rằng thế mới là thơ, thơ đích thực. Bộ phận không nhỏ người làm thơ, biết đó là đồ rởm nhưng muốn sáng tác của mình được đăng nên, rắp tâm đẻ hàng loạt thơ nhàn nhạt cùng kiểu; để rồi sau nửa đời hư, đường đường lên chức “nhà thơ”. Hậu quả thế nào thì người đọc lãnh đủ! Và – nền thơ Việt Nam lãnh đủ.
– Dòng cách tân đơn lẻ: Dòng này nỗ lực làm mới mang tính cá thể và đã có vài thành tựu nhất định. Dễ dàng kể ra mươi khuôn mặt với các tập thơ sáng giá giai đoạn qua: Thơ Nguyễn Bình Phương (Nguyễn Bình Phương), Ảo giác (Tuyết Nga), Thiên đường chuông giấy, Chế tạo thơ ca (Phan Nhiên Hạo), Những bình minh khác (Nguyễn Vĩnh Tiến), Vỡ ra mưa ấm (Lê Vĩnh Tài), Khát, Linh (Vi Thùy Linh), Nằm nghiêng (Phan Huyền Thư), Mang (Phan Trung Thành), Vỉa từ (Nguyễn Hữu Hồng Minh), Thở (Nguyễn Hoàng Tranh),… Nhưng các nỗ lực đơn lẻ này không thể tạo nổi cuộc thay đổi lớn.
– Dòng thơ nữ: Đây là phong trào sáng tác gây ồn ào hơn cả, dăm năm qua. Các nhà thơ nữ trẻ, trong cơn phấn khích nghệ thuật, thời gian qua đã góp được vào nên thơ Việt vài giọng thơ riêng, đặc sắc. Nhưng nhìn tổng thể là: ồn ào! Ồn ào, cũng được thôi. Nhưng để rồi dậm chân tại chỗ, mới đáng nói! Nhà thơ nữ trẻ khoái đụng vào các đề tài [lâu nay bị cho là] huý kị (đậm nổi hơn cả là đề tài tính dục), ngôn ngữ dùng táo bạo, giọng điệu ngổ ngáo, cố gắng gồng mình làm dáng. Những cái mơi mới ấy khiến vài nhà phê bình vội vã gán cho cái nhãn cách tân thơ. Hiện tượng xảy ra 5-6 năm qua, mãi bây giờ chưa thấy dấu hiệu chấm dứt.
Rồi thì, cuối năm 2005, từ dòng thơ nữ đột ngột bật ra nhóm Ngựa Trời ra mắt tập thơ in chung. Gọi là nhóm, có tên khai sinh hẳn hoi nhưng không ai [biết] lập thuyết nên, không thể xảy ra cuộc cách mạng thơ nào ở đó. Có lẽ Nhóm thơ này chẳng ý đồ làm cách mạng; hoặc nếu có, cũng không thể! Bởi không ý định lập thuyết [để lập ngôn], nên khả năng tồn tại dài lâu cũng rất khó.
Sáng tác văn chương, thiếu một suy tư nền tảng, kẻ sáng tạo dễ rơi vào vùng viết cảm tính, cảm tính nên mơ hồ. Muôn năm mơ hồ rồi… hụt hơi!
– Nhóm Mở Miệng: sáng tác trong cảm quan và thuộc tinh thần hậu hiện đại. Nhóm thơ này đã trình làng chữ nghĩa một lối thơ rất lạ. Chúng ta hy vọng năm khuôn mặt này làm nên cuộc cách tân lớn. Nhưng rồi họ cũng không thể. Tại sao?
Mở Miệng là một nhóm thơ gồm các thi sĩ trẻ sinh hoạt [vỉa hè] chung, cùng quan điểm sáng tác, biết lập ngôn để nói lên quan điểm sáng tác lạ biệt của Nhóm mình. Nhưng cái thiếu của họ là: diễn đàn công khai. Dù các sáng tác của Mở Miệng thường xuyên xuất hiện trên báo điện tử cả trong lẫn ngoài nước, nhưng chính diễn đàn công khai mới mang yếu tố quyết định để tạo nên cuộc thay đổi lớn trong văn chương. Mở Miệng không được may mắn như các cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trước đó.
Đâu phải cái mới nào cũng hay, cũng chinh phục được người thưởng thức nghệ thuật. Ngay thời Thơ Mới, Hoài Thanh phải đọc và sàng lọc cả mấy vạn bài thơ mới mới chọn ra được vài trăm bài ưng ý. Hôm nay không là ngoại lệ.
Rừng thì có cây to cây bé, cây cao cây thấp; cổ thụ cần mà loại dây leo kí sinh cũng cần nốt. Một nền thơ cũng vậy. Đâu phải cứ muốn là được. Không thể nằm mơ sáng mở mắt thấy trắng bong mọi loại thơ đồng phục khắp các mặt báo! Thơ Áo trắng, Mực tím cần, thơ đậm đà bản sắc cũng cần; lục bát cần mà Đường luật cũng nên có; thơ của câu lạc bộ thơ Phường có mặt không thừa bên cạnh thơ trên báo Văn nghệ hay Tạp chí Nhà văn; và như thế, thơ tân hình thức, hậu hiện đại cũng phải được đề huề vui vẻ sánh vai. Mới đích thị là một nền văn học công bằng và lành mạnh.
Tóm lại, có bao lí do văn hóa-văn chương câu thúc và trì níu thơ Việt phát triển thì, cũng có bấy nguyên nhân ngoài văn chương làm teo tóp mọi mầm mống thay đổi thơ Việt. Thay đổi thôi, chứ đừng vội nói to đến cách mạng.