Văn chương mạng

Tham luận cho Bàn tròn văn chương kì07
Tại Hội trường Hội Liên hiệp VHNT Tp.HCM, 21.04.2007

Được khởi động trước đó gần mươi năm, sang thế kỉ XXI, có thể nói việc bùng nổ thông tin liên mạng góp phần làm thay đổi thế giới. Chỉ riêng lĩnh vực văn học, Internet đã thay đổi cách viết – công bố – đọc – nghĩ – cảm của cả kẻ sáng tác lẫn người đọc. Đến nỗi, người nào không biết Internet, dễ lạc hậu và lạc thời!
Một khẳng định không phải không lí do của nó.

1. Thế nào là văn chương mạng?

Đó là văn chương có mặt trên mạng Internet. Nói thế coi như chưa nói gì cả! Có thể chia văn chương có mặt trên Internet làm ba bộ phận:
– Các sáng tác chủ yếu xuất hiện trên giấy, sau đó được đưa lên mạng; hoặc đưa lên cùng lúc. Đây là cách làm của rất nhiều báo trong nước hôm nay. Đại bộ phận nhà văn Việt Nam thế hệ cũ hành xử theo cách này.
– Người viết ưu tiên dành đăng các sáng tác lên mạng. Bởi nhiều lí do khác nhau, họ cũng có in trên giấy hoặc gởi in cả hai nơi; nhưng có mặt trên mạng họ cảm thấy thoải mái hơn, hoặc cùng lắm họ coi hai hình thức này giá trị ngang nhau. Nên sau khi đăng sáng tác lên mạng, họ vẫn thích in ra giấy.
Dù gì thì gì, cả hai bộ phận tác giả này vẫn mang “tâm thế” giấy.
– Bộ phận cuối cùng là các tác giả chỉ muốn xuất hiện trên mạng. Họ sống đời sống văn chương của mạng, viết trên mạng, vận dụng ưu thế kĩ thuật của Internet, xử lí thông tin trên mạng, tương tác trên mạng, tồn tại trên mạng, buồn vui trên mạng, hi vọng hay thất vọng cũng trên mạng, …Họ là công dân mạng toàn phần. Và có thể nói đây là thứ văn chương mạng đúng nghĩa, khác hẳn các sáng tác được đăng trên mạng. Văn chương mạng khi in ra giấy sẽ mất đi hơi thở đời sống mạng và, giảm “giá trị đích thực” của nó không ít!

2. Ưu thế thông tin của Internet

Tốc độ, đó là điều dễ thấy hơn cả. Báo giấy, người đọc phải chờ đến ngày hôm sau hoặc có nhanh bao nhiêu cũng – buổi sau; nhưng báo mạng thì không. Người nhận thông tin biết ngay tin vừa xảy ra, tác phẩm vừa sáng tác, ý kiến bình luận…và cả các sai sót cũng được đính chính ngay sau đó, hoặc sửa thẳng vào bản đã “in”! Nhanh, gọn, tiện dụng – rất phù hợp với thế giới đầy tốc độ hôm nay.
Sự tiện lợi còn được thể hiện qua việc lưu trữ thông tin. Thích hay cần, người đọc tải thông tin xuống để lập mục riêng. Tra tìm cũng rất nhanh: từ nội dung cho đến tác giả, ngày tháng hay cả câu đoạn. Và nếu muốn viết bài nghiên cứu, phê bình, việc trích dẫn bảo đảm sự chuẩn xác tuyệt đối qua thao tác cắt-dán. Đó là những điều ngoài tầm với của báo giấy!
Ví dụ cụ thể, muốn tra tìm thông tin liên quan đến một tác giả chẳng han, Website chứa đủ: tiểu sử, ảnh, địa chỉ, các tác phẩm, dư luận về chúng, … tất tần tật. Nghĩa là đủ chuyện trên đời về tác giả đó. Ta cứ vào Google hay Yahoo,… mà gõ từ khóa vào. Dĩ nhiên, ta cần biết đâu là mạng chuyên, đáng tin cậy.
Cá nhân tôi chẳng hạn. Khi các Website văn chương tiếng Việt ồ ạt xuất hiện, được ban biên tập mời tham gia, tôi luôn có thái độ dè dặt. Thường vì lí do quen biết hay cảm tình riêng mà gởi bài, còn thì tôi ưu tiên cho báo giấy. Thế nhưng, ba năm nay tình thế đã khác. Rất khác! Tôi ứng xử với hai hình thức này ngang nhau, có khi nghiêng về Internet nữa chứ. Đơn giản: thứ nhất, bài cho báo giấy thế nào cũng bị cắt xén bởi nhiều nguyên do khác nhau khiến tác phẩm như một sinh thể bị hoạn; tiếp nữa, lắm lúc không muốn xếp hàng chờ, tôi nóng lòng cho đứa con tinh thần của mình được ra đời sớm, để xem người đọc nghĩ gì về nó.

3. Website có tạo dễ dãi cho sáng tác không?

Câu trả lời là vừa có vừa không?
Một không gian mênh mông cho đăng tải, nên việc tỉa tót câu, đoạn cho “cô đúc” hay văn vẻ ít được tác giả đặt nặng. Chứ không kì khu ép mình theo khổ như báo giấy. Từ đó mọi người có cảm giác vài báo mạng dễ đăng bài đã tạo sự dễ dãi cho kẻ sáng tác (nhưng báo giấy cũng đâu khác gì!). Đúng thôi. Báo mạng còn non trẻ nên cần tranh thủ thị phần các sáng tác và tác giả mới.
Khi có sáng tác mới, trong thời gian chờ đợi được báo giấy hẹn in, người viết có thể sửa chữa thêm bớt; báo mạng, ¬bản thảo đầu tiên khi rời khỏi computer tác giả, liền sau đó nếu được BBT ưng ý, đã thấy xuất hiện ngay trên trang Website đến muốn níu lại cũng không kịp! Thế nhưng, chất lượng hoặc dễ dãi hay không, tất cả đều do con người chứ ít lệ vào kĩ thuật. Người quản lí Website vẫn có thể từ chối sáng tác rởm hoặc, một khi ý thức về tác phẩm trên mạng được nhìn nhận nghiêm túc, chính tác giả tự duyệt chất lượng sáng tác mình trước khi gởi đi. Vấn đề còn lại là ý thức và trình độ thẩm mĩ của người đọc để phân biệt đâu là văn chương đích thực và đâu là trò chữ nghĩa nhếch nhác. Tôi nhấn mạnh: độc giả văn học, chứ không phải độc giả báo chí. Nếu độc giả đủ khả năng thẩm định thì tất cả kẻ làm ra tác phẩm dị mọ sẽ bị đào thải ngay thôi. Thêm: khối sáng tác in giấy trở thành mớ giấy vụn đâu ít oi gì!
Chế độ kiểm duyệt của Website cũng khá thoáng và ít định kiến. Ví dụ: tôi gởi một tiểu luận cho một tờ báo [giấy] có uy tín. Ban biên tập không đánh giá bài viết qua chuyên môn mà xét nó qua ý thích tùy tiện của người phụ trách trang mục đó. Một vị trong Ban ấy kêu: tôi không đồng ý với quan điểm của anh này. Thế là ách! Dù bài viết đã bị gọt giũa cẩn thận. Cũng có bài dù đã lên khuôn, nhưng giờ chót bị lột xuống, chỉ bởi nguyên do bá vơ và cực kì cảm tính. Thế là tiểu luận công phu, bài thơ tâm đắc tôi đều dành cho Website. Cũng cần thêm: bài lên mạng chưa bao giờ được trả nhuận bút (ngoài eVan.vnexpress.net thời kì đầu).

4. Văn chương mạng dành cho ai?

Bên cạnh người thuộc thế hệ cũ mang tinh thần cập nhật, Website chiếm lĩnh trường hoạt động của đại đa số người thuộc thế hệ độc giả trẻ và tác giả mới, những kẻ sinh ra cùng thời với computer. Nói như Bill Clinton, người lớn nào nghĩ là họ hiểu mạng hơn trẻ em là khá dại dột. Thế hệ mạng sinh ra và lớn lên cùng thời với mạng; cho nên mạng thật tự nhiên với chúng. Như ta học và quen một ngôn ngữ mới từ thuở thơ ấu vậy.
Vài năm qua thôi, văn chương mạng đã xuất hiện bao nhiêu cây bút đáng chú ý. Theo tôi, chính họ chứ không phải ai khác sẽ quy định khuôn mặt văn học Việt Nam ngày mai. Dù lúc này, giới phê bình chính thống có vẻ từ chối hay quay lưng lại với họ. Như thể văn chương Việt Nam hôm nay không có họ! Nhưng họ vẫn có đó. Nhìn cách khách quan, rất ít cây viết phê bình dám xông pha đầu sóng ngọn gió để song hành cùng các cây viết/phong trào văn chương đang xảy ra của hôm nay. Về cây viết trẻ chỉ đăng sáng tác trên mạng thì càng hiếm hơn nữa? Theo dõi, bàn luận một cách sòng phẳng và công bằng? Riêng tôi, các tác giả mạng này luôn gây sự chú ý đặc biệt. Tôi đã có không ít bài viết về họ, sáng tác phẩm của họ.

5. Thể loại nào có ưu thế trên Website văn chương?

Lâu nay nhiều người nghĩ thơ và truyện cực ngắn chiếm ưu thế tuyệt đối. Nhưng không! Rất nhiều bài viết công phu được bắn lên mạng. Không ít Website đăng các trường ca, mà nếu gởi báo giấy chắc chắc chúng bị chặt khúc không thương tiếc hay cùng lắm, độc giả phải chấp nhận thưởng thức nó qua nhiều kì. Nhiều nhà văn còn tải nguyên tiểu thuyết lên “cất” trên trời nữa!
Nên có thể nói, Website chứa được tất cả thể loại văn chương mà báo giấy làm được, hơn thế nữa – không thể làm được!

6. Viết, đọc văn chương mạng như thế nào?

Cạnh đó, cái dễ thấy nhất là các sáng tác trên mạng có nhiều đột phá mới về kĩ thuật hơn. Việc kiểm soát thoáng chỉ là một phần, vấn đề kĩ thuật mới mang tính quyết định.
Thơ ca hôm nay, ngoài nghệ thuật thời gian còn gồm bao luôn cả nghệ thuật không gian. Không gian mạng càng tạo điều kiện cho các nhà văn nhà thơ vùng vẫy. Cỡ, kiểu chữ, in đậm nhạt, màu – đủ màu, các dấu gạch ngang, gạch chéo, đủ loại hình họa xuất hiện bất ngờ, cách bố trí dòng thơ tạo hình, … vô cùng đẹp mắt. Người viết cứ thế tùy hứng mà xài! Xong, nhà văn có thể tự dàn trang theo ý thích, không cần đến nhà in quá phiền toái. Tiếp đó: gởi chúng cho báo mạng hay đưa lên Website cá nhân! Một chu trình sản xuất tác phẩm văn chương tưởng khép kín, nhưng mở ra vô cùng tận cho người thưởng thức, bình luận. Nóng hôi hổi! Độc giả mọi xó xỉnh thế giới đều có thể đọc nó, cùng ngày cùng giờ (không qua khâu vận chuyển) qua đó, cùng có các phản ứng khác nhau.
Ngoài ra, nhà văn viết và sửa ngay trên màn hình mà không sợ “dơ” bản thảo. Nếu muốn giữ “bản thảo” gốc (các nhà văn cỡ bự tương lai ưa mang tâm thế sợ mất “bản thảo gốc” là thế) thì cứ sao chép lập ra một/một vài mục khác. Tiện lợi như thế, không ít nhà văn thế hệ mới chuyên viết trên máy vi tính và chỉ đăng sáng tác trên mạng, bình luận tác phẩm trên mạng, nổi tiếng hay mang tiếng cũng trên mạng, và chưa bao giờ tin vào văn chương giấy. Họ là cư dân mạng đúng nghĩa!
Mới vài năm trước thôi, tôi không thể tưởng tượng được người ta [nhất là tôi] có thể viết trực tiếp trên computer. Tôi đã phải sáng tác trên giấy, sau đó chép vào máy vi tính. Nhưng từ 2 năm nay, tôi không thể nào làm việc mà không có máy vi tính, dù chỉ sáng tác một bài thơ ngắn!

Trên Website, người đọc đọc nhanh, đọc nhiều và đọc hợp lí hơn. Hợp lí, bởi người đọc chủ động trong chọn nội dung, phân đoạn liên quan, các từ cần thiết,… chúng xuất hiện ngay tức thời, chỉ bằng cái nhấp chuột. Thứ nữa: người đọc cũng dễ dàng đọc “liên văn bản” qua đường link mà không phải lục lọi và lật sách tra tìm, mất giờ và cực nhọc. Mà thư viện giấy [gia đình hay cơ quan] chắc gì có đủ! Quan điểm hậu hiện đại về sự đồng sáng tạo của người đọc cũng mở ra khả tính mênh mông, được thể hiện đầy hiệu quả trên Internet. Có thể gọi đó là đồng sáng tạo cả ở nghĩa bóng (tưởng tượng, suy diễn, mở rộng,…) lẫn nghĩa đen (người đọc tự do tùy nghi bôi xóa, thêm bớt, bình luận,…).
Từ viết và đọc như thế, Internet ảnh hưởng lớn đến cách nghĩ, cảm và hành động của con người thời đại. Ai hiện nay đủ dũng cảm từ chối nó?

8. Văn chương giấy và văn chương mạng cùng tồn tại.

Việt Nam qua ngàn năm sống trong nền văn chương bình dân (truyền miệng), và chỉ mới trải qua chưa đầy trăm năm văn học chữ quốc ngữ (văn chương trên giấy), nên khi đối mặt với màn hình, họ dị ứng thì không có gì là lạ. Chẳng những coi văn chương trên mạng là không chính thống hay không chính danh, mà không ít thành phần cả tác giả lẫn độc giả văn chương còn cho nó không phải LÀ tác phẩm nữa kia! Đó đích thị là thái độ bảo thủ, lạc thời. Chính thống hay không chẳng liên quan gì đến phẩm chất đích thực của văn học cả. Có thể gọi đó là khái niệm giả! Thế ca dao truyền miệng không là tác phẩm sao? Hay toàn bộ tác phẩm văn học của dân tộc Chăm chưa bao giờ trải qua kĩ thuật in ấn, không là tác phẩm?
Tinh thần hậu hiện đại là thứ tinh thần giải-trung tâm hay phi tâm hóa, trong đó Internet đóng vai trò rất quan trọng, như một phương tiện hữu hiệu. Văn chương không chọn hình thức hay phương tiện tồn tại. Nếu ngày trước ca dao tồn tại vô hình trong “khẩu” được thì sáng tác hôm nay vẫn có thể có mặt vô ảnh trên màn hình. Không vấn đề gì cả.
Trong tương lai, chắc chắn hai hình thức văn chương giấy và văn chương mạng này cùng sống và hỗ trợ nhau. Ví dụ, bài tiểu luận dài, in báo giấy thì phải cắt để khớp với khung báo cho phép; ta có thể in nó trên cả hai dạng. Làm như vậy sẽ giải quyết được khó khăn khách quan trước mắt. Và cả lâu dài nữa, bởi đâu phải ai cũng thích ngồi trước màn hình để thưởng thức thơ? Đưa sáng tác lên mạng thì nhanh hơn, nó kích thích sức sáng tạo năng động của tuổi trẻ. Làm xong, bắn lên, đọc ngay rồi vứt bỏ, đúng phong cách hậu hiện đại. Còn khi có tuổi, lúc tâm hồn bắt đầu lắng đọng hay chai cứng trì trệ (biết đâu đấy!), chúng ta “tìm về nguồn cội” văn học trên giấy mà nhâm nhi thưởng ngoạn. Không sướng sao!?

9. Tương lai của văn chương mạng

Không thể chối cãi: số lượng người in sáng tác và đọc trên mạng là rất lớn, vượt trội so với văn chương giấy. Và, ngày càng tăng. Có người lưỡng cư cả hai địa phận, nhưng cũng có kẻ chỉ đăng kí hộ khẩu Website. Website phổ thông có đăng thơ, vă và cả Website chuyên văn chươg. Và khi Website cá nhân rồi Blog ồ ạt ra đời, số lượng người truy cập chắc chắn đạt con số khổng lồ.
Chỉ còn vài trở ngại nho nhỏ: rằng ngày nay, đại đa số người Việt Nam là nông dân và công nhân nghèo đang sinh sống ở khu vực chưa phát triển, chưa đủ điều kiện sắm máy vi tính hay nối mạng. Họ ít điều kiện tiếp cận với Internet. Trong lúc đó, cầm tờ báo Văn nghệ hay tập truyện ngắn trong tay thì họ có thể nằm ngửa ra đọc bất kì đâu. Trở ngại này sẽ được giải quyết ngay khi đất nước giàu lên. Còn thì chúng ta chưa nhận ra nhược điểm nào khác của mạng, trong khi nó có quá nhiều ưu điểm. Sợ duy nhất là báo mạng đột ngột thay Ban biên tập, ông/bà chủ mới nổi hứng xóa bỏ các bài đã từng đăng trước đó (như đã từng xảy ra ở vài Website) khiến kẻ làm việc nghiên cứu gần như mất trắng tài liệu tham khảo và, …mất hứng luôn.

Nhưng với lối làm ăn như thế, cư dân mạng sẽ nghỉ chơi với nó, là điều chắc chắn.
Sài Gòn, 15.04.2007
Tc.Tia sáng, số09, 05.05.2007.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *