Thông tin quan trọng: Vấn đề lao động ở Malaysia

VẤN ĐỀ LAO ĐỘNG Ở MALAYSIA
Thông tin quan trọng
.

I. Đài truyền hình Trung ương VTV1, 19 giờ tối ngày 25.11.2007 vừa phát tin về Vấn đề xuất khẩu lao động Việt Nam tại Malaysia.
Thông tin cho biết: có khoảng 120.000 người Việt Nam đang làm việc ở nước này. Chủ yếu là làm nghề phổ thông, do đó đồng lương rất thấp. Ngoài ra, Đài còn đưa vài lí do khác, tạm nêu lên để bà con tham khảo.

1. Phía người lao động, có 2 nguyên nhân:
– Tay nghề không cao, người lao động thiếu ý thức học tập để nâng cao tay nghề.
– Không rành ngoại ngữ, cả ngoại ngữ giao tiếp thông thường.

2. Phía doanh nghiệp:
– Nhiều doanh nghiệp chưa chú ý đào tạo tay nghề cho người được doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu lao động, chỉ muốn ăn nhanh, hưởng lợi nhuận ngay.
– Ngoài ra, có vài doanh nghiệp mập mờ hay chưa nắm một số nguyên tắc. Ví dụ thay vì phải có số Passport như bên Malaysia đòi hỏi, thì doanh nghiệp chỉ cung cấp số chứng minh nhân dân của người lao động, đã làm cho bên Malaysia rất khó xử.
– Doanh nghiệp làm ăn thiếu trách nhiệm. Ví dụ có doanh nghiệp đăng quảng cáo rằng chỉ cần từ 6 đến 10 triệu là người lao động được đi làm việc, nhưng con số thực tế lại cao hơn nhiều. Không ít lao động phải làm việc gần 10 năm mới trả hết nợ.
Do đó, đã có 9 doanh nghiệp bị Nhà nước rút giấy phép hoạt động.
Tình hình này bà con cần phải tìm hiểu rõ thêm.

II. Vừa qua, tháng 10.2007, về quê tôi có điều tra sơ bộ tình trạng người Chăm đi lao động ở nước ngoài. Thử nêu 5 trường hợp cụ thể sau:

1. 1 thanh niên làm việc ở Hàn Quốc: cháu này do Công ty nơi cháu làm việc giới thiệu. Công ty cho ứng 180 triệu, trong lúc lương hàng tháng của cháu ở Hàn Quốc là: 40 triệu. Chưa đầy 1 năm cháu đã trả nợ hết và gởi tiền về giúp gia đình. Xuất khẩu lao động như thế, ai mà chả thèm. Nhưng đây là trường hợp rất hi hữu với Chăm, cực kì hiếm. Nếu không nhờ Công ty giúp, làm gì Chăm tìm ra hàng trăm triệu đặt cọc trước?

2. Ở Malaysia có 5 trường hợp:
– 1 nam đang làm khá, mỗi tháng dư 4 triệu sau khi trừ chi phí.
– 1 nữ làm có tăng ca, trừ chi phí, cứ mỗi tháng gởi về 2-3 triệu.
Đây là 2 trường hợp khả dĩ nhất.
– 1 nữ đi Malaysia, được 3 tháng có gởi về 4 triệu, sau đó làm nguyên năm không lương. Cháu tính bỏ về, nhưng mãi lưỡng lự, vì không biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng và bồi thường cho công ty sở tại.
– 1 nữ làm ở công ty thuộc vùng ngoại ô, rất khó khăn trong sinh hoạt. Khi làm ăn thất bát, công ty này buộc người lao động làm cầm chừng, lương rất thấp; công nhân xin qua làm công ty khác cũng không được. Đang rất kẹt.
– 1 nữ, ốm yếu và ưa bị bệnh vặt, bị đuổi việc. Xin chị em hỗ trợ tiền máy bay về.

III. Khi gặp trường bất như ý hay bất công, bà con nên làm thế nào?
Dĩ nhiên, không ai muốn xa gia đình, xa quê hương đi làm “lao động xuất khẩu” cả, đó là tâm lí chung. Nhưng vì kế sinh nhai, đành phải chấp nhận. Lao động xuất khẩu cũng có cái hay trước mắt của nó: góp phần cải thiện cuộc sống, bên cạnh gây vốn làm ăn, lo chuyện tương lai gia đình, con cái. Có bạn trẻ nói vừa đáng yêu vừa khá đau lòng, khi muốn thuyết phục để vợ con an tâm cho đi: “nhà cứ coi anh đi nghĩa vụ quân sự vậy mà!”.
Như vậy, gặp trường hợp bất như ý, bà con cần chú ý:
– Đầu tiên, trước khi kí hợp đồng, cần tìm hiểu rõ luật, bên cạnh chọn công ty uy tín: cả công ty bên Việt Nam lẫn Malaysia. Nhờ người biết luật hay có kinh nghiệm tư vấn.
– Cố gắng học Anh ngữ để giao tế và phòng bất trắc. Ngoài ra luôn luôn ý thức học tập nâng cao tay nghề: không có chủ doanh nghiệp nào phụ bạc kẻ có đóng góp cả.
– Khi đã qua làm việc ở nước ngoài, cần theo dõi kĩ các điều khoản đã kí trong hợp đồng, giữ sức khỏe tốt, làm việc nghiêm túc, dám đấu tranh và biết đấu tranh cho quyền lợi mình.
– Về phía doanh nghiệp, Cục Xuất khẩu lao động cho biết nguyên văn như sau:
“Các doanh nghiệp phải có trách nghiệm tới cùng với người lao động”.
Nghĩa là không được có thái độ đem con bỏ chợ.

Đây là đường dây nóng được Đài thông báo: 038-880.1555.
Xin nhắc lại: bà con đừng cúi đầu an phận, phải biết đấu tranh, biết kêu đúng chỗ; và nhắc người thân kêu đúng chỗ – khi có vấn đề.

Chúc bà con, anh chị em và các cháu sức khỏe và thành công.
Inrasara.com.

_________

* Có vài sinh viên và bạn bè nhắc Sara tại sao nhà văn lại đi chú ý mấy chuyện cỏn con này. Tôi không hiểu thắc mắc của các bạn này nữa. Tại sao sự việc liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người xung quanh mà nhà văn lại để ngoài tai? Hỏi anh/chị ta còn quan tâm đến cái gì?!
Tôi nói: tôi vừa làm xong thống kê góp ý với với chính quyền cơ sở để TRỊ nạn ăn cắp gà, đánh bẫy chó,… ở quê nữa. Đây là nạn dịch rất trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới dân làng. Ai cũng biết, nhưng không ai bàn cho rốt ráo cả. Rất đau lòng, các bạn ạ. Vừa qua, tôi đã đưa vấn đề này ra bàn và anh em bà con rất hoan nghênh. Chúng ta còn chờ đến bao giờ?

Nhà văn vừa chú ý đến chuyện VẶT làng xóm, đồng thời quan tâm đến cả chuyện xảy ra ở thế giới, vì “trái đất này là của chúng mình” và, chúng ta SINH CHỈ MỘT LẦN!
Mời các bạn xem thêm:

Ở nơi ấy [thơ thời cuộc]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *