Sài Gòn, tháng 04.2006
Bạn trẻ thân mến
Bupka, kỉ lục gia thế giới về nhảy sào, khi bị báo chí tố cáo là tham lam – bởi mỗi lần phá kỉ lục được thưởng 1 triệu USD, cứ thế anh chỉ cho cây sào nhích lên 1cm [cũng là kỉ lục] mặc dù khả năng anh lúc đó có thể làm hơn thế trong một lần. Anh nói: một vận động viên tài năng theo chế độ tập bình thường có thể nhảy qua mức sà 5m; để vượt mức sà 5.50m thì cần nỗ lực lớn; nhưng chỉ có rất ít người đạt đến 5.90m; còn trên mức đó nữa thì phải cực kì đặc biệt: từ 5.90 nhích lên 5.91, mỗi cm là một chuyện phi thường, nó khác xa với 20cm của 5.00-5.20m. Khác xa lắm! Nhà báo không hiểu đâu.
Từ cõi cao cấp…
Làm dễ nói khó, ta đang chạm đến vấn đề cốt tủy của cuộc sống. Khi đó, nói không còn là nói nữa mà nói tức là làm: tri hành hợp nhất. Hãy nghĩ công thức nổi tiếng của Einstein: nó là nói hay làm? Hoặc hành vi-nói của Krishnamurti. Hay khi Đức Phật sau 49 năm thuyết pháp, cuối cùng Ngài bảo: tôi có nói gì đâu!
Một anh nông dân biết làm cái cày, cái pung hay cái grum đánh bắt cá như ông cha họ từng làm, thì dễ. Nhưng nếu anh nào đó biết/dám nghĩ ra cái mới hay cải tiến cái cũ cho nó hiệu quả hơn, đẹp hơn, thì điều đó cần đến tài năng. Ông Ka ở Caklaing là một: ông đã cải tiến nhiều dụng cụ nông nghiệp, mang ích lợi thiết thực cho cộng đồng.
Một học sinh học khá, chăm chỉ gò bài chắc chắn tốt nghiệp đại học, nếu có điều kiện thì cao học rồi giật được bằng thạc/tiến sĩ. Dễ, không khác mấy nông dân trên (tôi chưa bao giờ nghĩ một tiến sĩ cao hơn nông dân cả). Chỉ khi nào bạn có đột phá trong chuyên môn, đặt dấu ấn trên hành trình khai phá của nhân loại, khi đó bạn mới thể hiện giá trị cao tuyệt của sở học. Còn không, bạn như triệu triệu tiến sĩ khác. Cả các viện sĩ hàn lâm nếu chỉ dừng lại ở đó, khi chết đi, tên ông nằm phủ bụi trong danh mục bảo tàng!
Làm thơ cũng chẳng khác gì. Qua trung học, có năng khiếu chút đỉnh, biết cách ráp vần là bạn có thể sáng tác ngàn bài thơ … trung bình, đủ để ru em ngủ hay đọc lúc trà dư. Nhưng muốn dựng lên thi pháp riêng anh, mở ra một chân trời mới ảnh hưởng đến thơ người cùng thời hay thế hệ mai sau, buộc người đời bàn cãi về tác phẩm sau khi bạn chết, thì bạn phải dụng công rất lớn. Nếu không, như muôn ngàn người làm thơ khác, dẫu có được ghi tên trong văn học sử, nhưng rồi để mà …chìm nghỉm!
Cho nên, ngay khi khởi sự, các bạn hãy đòi hỏi mình rất cao, đặt mục tiêu cao vời để tự buộc mình phấn đấu. Phương cách đó tốt với mọi người không, tôi không biết, nhưng với vài người, rất thích hợp: nó kích thích họ vươn tới. Đấy là bài học của nhà kinh doanh Mĩ: Casson, có thể ứng dụng vào mọi lãnh vực.
Hoặc Khổng Tử: Người ta phấn đấu một mà thành, thì ta hãy nỗ lực mười; nỗ lực mười mà không thành, ta hay cố gắng trăm lần; đó là triết lí sống của phu tử vậy. Ông bà Chăm cũng đã nói: Caung glaung piơh laik di gap/ Ước cao để sao rơi vào chỗ vừa.
Ví dụ dễ thấy nhất: chiến tranh Nga-Pháp, nhiều sử gia viết chính xác (dĩ nhiên “chính xác” trong phạm trù khoa học xã hội, nghĩa là đầy hạn chế); nhưng đến hơn L.Tolstoi thì giai đoạn lịch sử đó được nhìn nhận khác hẳn. Có thể một số dữ kiện trong tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình chưa chuẩn xác, nhưng bằng tài năng của mình, qua cuốn tiểu thuyết bất hủ đó, Tolstoi buộc đại đa số nhân loại nhìn cuộc chiến kia theo lối nhìn của mình. Thiên tài là thế! Nói như thế đích thị là nói-làm.
Tài năng đúng nghĩa là tài năng ảnh hưởng hay tác động vào đời sống thực.
…đến miền thấp cấp
Câu chuyện: mùa xuân 2005, 20 nhà thơ tham dự chương trình đọc thơ trên kênh HTV, tôi nói với đạo diễn: mình lên Tivi lãng lắm. Đạo diễn đã khá mất lòng, nhưng không loại thơ tôi ra được. Thế là riêng khoản thơ tôi được đọc chay! Tôi nghĩ, đọc hay nói chuyện về thơ với vài chục người thì tác động hơn trước cả ngàn người, dù nó kém oai hơn. Chả có ma nào nghe đâu! Các nhà thơ đua nhau diễn thì có! Với tôi, đọc thơ cho anh nông dân hoặc cô bán càphê nghe còn thú vị và hiệu quả hơn đọc nó trên hội trường sang trọng. Sự nghiêm trọng giết chết tinh thần thi ca.
Cũng vậy, tôi thích thơ mình được quần chúng đọc hơn là nó được sinh viên dùng làm đề tài luận văn tốt nghiệp đại học. Nghiên cứu cho lắm cũng chỉ để cất vào … thư viện! Rồi sinh viên khóa sau lại dùng nó …nghiên cứu làm tiếp.
Chuyện khác: Có vị hứa sẽ gởi Tagalau đến tất cả thư viện lớn trên thế giới (dĩ nhiên anh đã không giữ lời). Anh nghĩ vậy là oai, Tagalau qua đó sẽ lên giá lắm! Tôi thì khác: nếu Tagalau được chuyển trực tiếp đến tay bà con Chăm, nó mới tác dụng đích thực.
Cuối cùng, một vụ đang ảnh hưởng đến đời sống văn hóa Chăm: ngôn ngữ hàn lâm với ngôn ngữ nói hàng ngày. Đẻ từ mới để ghi vào từ điển làm gì, nếu từ đó không được quần chúng dùng? Từ vựng của Từ điển là cần, từ hàn lâm là cần (tôi cũng đã từng tham gia làm chuyện nghiêm trọng trịnh trọng đó), nhưng nếu ngôn ngữ hàng ngày đang chết dần chết mòn thì sao? Mà sự vụ sau mới là chuyện sống chết của một ngôn ngữ dân tộc. Do đó, gợi ý cho một nông dân vài từ cũ bị bỏ quên, từ đó họ sử dụng lại, với tôi còn quan trọng ngàn lần hơn việc đẻ ra một từ mới mà chẳng ai dùng.
Bởi đơn giản, chính nó níu ngôn ngữ ở lại với cộng đồng, chính ngôn ngữ sống làm nên cuộc sống dân tộc.