Thư cho bạn trẻ02.

THƯ CHO BẠN TRẺ02.
Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu

Sài Gòn tháng 10.2005.
Các bạn thân mến!
Nhà văn là kẻ tỏ thái độ. Dù anh/chị có vào tu chùa hay lên tận hang sâu núi thẳm sống, nhưng chính trang viết của anh/chị nói lên thái độ của anh/chị. Khi đề tài nhà văn đó dụng chạm đến vấn đề xã hội, nhất là xã hội của hôm nay. Trực tiếp hoặc gián tiếp – nó vẫn là cách tỏ thái độ. Và, xã hội tỏ thái độ lại với anh/chị. Đó là một nhà văn “thuần túy”. Riêng tôi – còn bị đẩy vào hoàn cảnh khác và, gây cấn nữa.
Có thể nói, ngay từ khởi điểm viết, tôi luôn viết ở đầu sóng ngọn gió của thời cuộc, thời cuộc Chăm: nghiên cứu ngôn ngữ-văn chương Chăm, sáng tác thơ văn mà 80% đề tài dính dáng đến Chăm, phê bình và trao đổi khoa học, chủ biên Tuyển tập Tagalau, …và bao hoạt động cộng đồng khác. Tại các điểm nóng nhất. Luôn luôn trực diện với vấn đề đầy thời sự. Nhỏ thôi, nhưng đầy bấp bênh, bất trắc.
Con người nhà văn như thế, không có sự phản hồi từ xã hội mới là chuyện lạ.
Nên, khi bạn nói: họ lại công kích chú nữa rồi, chú phải lên tiếng chớ, tôi không lấy gì làm ngạc nhiên cả. Tôi đã quen sống chung với nó. Trao đổi lại hay không còn tùy vào thái độ người viết và, nội dung của nó nữa. Câu hỏi đặt ra: Nó có cần thiết không? Và cuộc trao đổi qua lại sẽ dẫn chúng ta đến đâu? Có tháo gỡ được hay chỉ làm rối thêm vấn đề?
Hôm nay xin có vài giải minh.

1. Bài thơ sáng tác thuở tuổi hai mươi.
LIPEI MƯNWIX

Ai abih nưgar Kraung tơl tanưh Panrang
Dwah mei ppasiam wơk xơp yaw bhang
Cabbwai cum thun klak saung kapu khap
Alin ginrơh ka dunya anit ranơm.

Lwai tagrơp nưgar Ywơn tơl tanưh Cam
Ai nau ta-uk ligah dwah yam glơr
Lingik halei mei mưdơh saung lipei mưnwix
Ai tabbwak takai jang ai tabbwak tian
.

GIẤC MƠ NGƯỜI

Anh từ Phanrí đến Phanrang
Thắp ngữ ngôn xưa đã võ vàng
Tìm em nối lại linh thiêng cũ
Cho yêu thương dậy xứ trần gian

Lội khắp làng Kinh qua xóm Chăm
Anh đi đã mỏi bước chân thầm
Đất nào em thức trong hoài vọng
Anh vẫn nối lòng, mãi nói chân
.

Bài thơ viết vào năm 1976, vừa được đọc lại trên Đài tiếng nói Việt Nam ban tiếng Chăm buổi đầu tiên. Cách nay gần 7 năm, tôi có khích lệ thế hệ thanh niên Chăm “nhập cuộc” vào dòng sống Việt Nam hôm nay (ý này được triển khai lại trong bài “Hành trình về nguồn của tôi” in ở Văn hóa-xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại). Bởi vì chỉ nhập cuộc thật sự, chúng ta mới hy vọng có cái gì đó đóng góp cho dân tộc và văn hóa dân tộc.
Các bạn trẻ thì vậy, riêng tôi, với tư cách là nhà văn, tôi ý thức rằng: làm nhà văn có nghĩa chấp nhận là “kẻ bị đẩy xuống tàu”. Đây là từ dùng của A.Camus. Ông nói thêm: nhà văn như kẻ đi trên dây giữa hai bờ vực, một bên là tuyên truyền bên kia là xa hoa giả trá. Hắn phải giữ thăng bằng giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và đất nước, tổ quốc và thế giới, trách nhiệm công dân và ý hướng tính sáng tạo của nghệ sĩ trước vũ trụ vô cùng. Do đó, hắn luôn phải chấp nhận sống trong bấp bênh và hiểm nguy thường trực. Và chỉ khi như thế, hắn mới còn “sáng tạo” theo đúng nghĩa nguyên ủy của từ.
Rất nhiều nhà văn Việt Nam đầy tài hoa, khi trở thành quan chức, đã mất khả năng sáng tạo. Mĩ: không ít nhà thơ, khi được mời vào Đại học dạy chính quy, đã chết ngất! Họ vẫn viết nhưng, họ không còn sáng tạo.

Đó phải chăng là lí do “chính đáng” nhất khiến tôi rời bỏ đại học, từ chối làm quan chức hay không mặn mà với học vị học hàm các loại. Có nhiều nguyên nhân mù mờ trong đời người (chỉ kẻ nào sống đúng ngăn đúng hộc mới biết rõ tại sao mình làm như thế này mà không như thế kia), nhưng với tôi: cái đáng sợ nhất là mất khả năng sáng tạo! Van Gogh viết thư cho ông em: “Trong cuộc đời và cả trong hội họa cũng vậy, rất có thể anh bỏ qua không cần thượng đế; nhưng anh – kẻ khổ đau – anh không thể bỏ qua không cần đến một điều cao viễn hơn anh, chính là đời anh: Quyền năng sáng tạo.”
Thuở Pô-Klong, tôi đã lang thang khắp xóm cùng thôn Chăm. Mãi hôm nay, gần 15 năm làm dân Sài Gòn, tôi vẫn không bỏ được thói quen về quê lang thang một mình vào các làng, nhà Chăm, nói chuyện trên trời dưới đất với các bạn quê Chăm. Về, tôi ít khi “dơng di sang” – đi và đi và đi…Luôn một mình: Pabblap, Ram, Hamu Crauk, Tanran, Cwah Patih,…. Ở Sài Gòn là các quán càphê cóc vỉa hè. Tôi không ưa nổi không khí trịnh trọng của hội nghi, hội thảo. Ra Hà Nội, tôi luôn tìm cách thoát ra khỏi hpọ hành đủ dạng để lang thang đường phố, hay nhâm nhi nhìn màu trời thu Hà Nội. Rồi là Đàlạt, Nha Trang, Cần Thơ,…
Nhà văn là kẻ sống thời đại mình, phơi trần toàn bộ con người mình ra với nó – trọn vẹn.

2. Tôi học sáng dạ hơn bạn cùng lứa một ít, đấy là chuyện rất bình thường, chả có gì ghê gớm cả. Ngay 5 tuổi tôi đã thuộc Ariya Glơng Anak. Tuổi 14 làm thơ Chăm in báo tường thuở Pô-Klong, tuổi 17 đứng lớp dạy tiếng Chăm ở quê cho các anh lớn hơn mình mấy tuổi, sau đó tiếp tục mở vài khóa ở thị xã Phanrang. Rồi sang 20, tôi quyết không dạy ai nữa!
Cuốn Tự học tiếng Chăm được biên soạn lúc đó. Là thời gian tôi làm hàng trăm bài thơ, 4 trường ca tiếng Chăm (tôi rất bất ngờ: vừa qua anh Quảng Đại Thính lại đọc nguyên một đoạn dài khi trả lời phỏng vấn Đài HTV!). Nay các sáng tác này thất tán nơi đâu? Vừa sáng tác vừa chép tay văn bản Chăm cổ trên tất cả loại giấy (sau tháng4.1975, giấy rất khó tìm). Dường như không bà con Chăm nào từ chối cho tôi mượn văn bản cả. Tôi chép và trả lại nghiêm túc. Có bản tôi chép 3-4 lần. Ngay đến hôm nay, trong nhà tôi không có một miếng [cổ] nào của ai khác, ngoài của cha tôi. Mà cha tôi cũng không có bao nhiêu, dù ông ngoại tôi nổi tiếng Palau thầy cao đạo. Nên tôi sở hữu bản do tôi chép tay hay bản photo. Mùa thu 78, khi tôi nổi hứng cạo đầu đi tu, bản chép tay tôi bị thất tán khắp nơi. Sau này nghe Quang Cẩn nói, ông già bạn còn giữ một ít.
Tôi luôn có lễ vật khi chủ ciet sách yêu cầu, có món quà nhỏ và nhất là luôn trả lại đầy đủ sách mượn. Thứ hai, trong tác phẩm của tôi, tôi ghi đầy đủ họ tên người chép và ciet sách gia đình tôi dùng tham khảo. Ghi tên các vị giúp tôi tư liệu hay đọc bản thảo. Các bạn đọc sách tôi nhận ra ngay điều ấy.
Những năm tháng ở quê khốn khó, tôi luôn dành một ngày tổ chức buổi cơm thân mật hàng năm 2-3 lần, mời các vị trí thức về để các bác trao đổi vấn đề văn hóa. Tôi chỉ đặt câu hỏi và nghe. Nhớ năm 1987, tôi mời ông giáo sư ở Đàlạt về Caklaing chuyện với hơn chục trí thức Chăm: trong đó có ông Tịnh, thầy Bá, thầy Sang, thầy Tỷ, thầy Quạ, cả sư Hán Bằng,…Tất cả đều có cái để nói, để học.

Nhắc lại về dạy tại Caklaing, đây là khóa đầu tiên sau giải phóng, và cuốn Tự học tiếng Chăm là đầu tiên. 11 năm sau, tác phẩm này được tôi diễn trình tại Ban biên soạn (ông Nguyễn Văn Tỷ làm trưởng ban), rồi lần nữa trước 30 trí thức cao tuổi Chăm tại Mĩ nghiệp (ông Châu Văn Mỗ tổ chức) kèm với cuốn Từ vựng học tiếng Chăm in roneo (nay đã thất lạc). Từ vựng học tiếng Chăm là tác phẩm quan trọng đầu tiên của tôi. Nhiều luận điểm nêu lên khác với của Ban biên soạn sách chữ Chăm, nơi tôi đang chân kế toán quèn. Lẽ ra cuốn này được diễn trình sau đó ở BBS, nhưng khi tôi trích một phần in báo tường của Ban, anh em không đồng ý với quan điểm của tôi, nên tôi không đưa ra nữa. Và, báo tường số thứ hai cũng không tiếp tục. Cuốn này tôi in roneo vài quyển phát bạn bè. Còn Tự học tiếng Chăm thì được BBS giới thiệu in 1985, nhưng bản thảo duy nhất bị Nhà xuất bản Giáo dục đánh mất, nên im luôn.
Riêng Văn học Chăm, đây cũng là bộ sách đầu tiên về văn học Chăm. Trước đó, chỉ xuất hiện vài ấn phẩm hay các bài nghiên cứu riêng lẻ. Tôi viết xong nó vào năm 1987, trước khi vào làm tại Đại học Tổng hợp Tp.HCM. Xong, tôi đưa bản thảo cho cả chục vị trí thức Chăm đọc góp ý. Tên tuổi các vị được ghi đầy đủ ở phần nói đầu của tác phẩm.
Một người viết 2 cuốn đầu tiên về ngôn ngữ Chăm, bộ sách văn học dân tộc đầu tiên; chúng được diễn trình trước trí thức Chăm (lúc ở Caklaing, tôi thuần túy nông dân vô danh, sáng tối đi câu chạy ăn hàng bữa), nếu anh ta “mượn” của thiên hạ thì phải nói rằng hắn có cái gan con cua!

3. Bạn hỏi tại sao nhà thơ cứ nhận mình là Chăm trong các cuộc nói chuyện, bỏ công sức rất nhiều cho ngôn ngữ-văn chương Chăm và nhất là các vấn đề xã hội Chăm; bên cạnh nhà thơ lại rất nhiệt tình về thơ ca đương đại Việt và thế giới cùng các vấn nạn của nó? Có mâu thuẫn ở đây không?
Tôi mê ngôn ngữ Chăm! Mê âm vang của lời, tôi đã tìm đến văn chương và tập tò ráp vần. Sau nữa tôi là Chăm, nên ít nhiều trách nhiệm. Thật sự, Chăm không phải không có cái đáng giá. Tạm gọi đó là bản sắc Chăm. Ta chỉ nhận diện được bản sắc nào đó khi đặt nó bên cạnh một/những cái khác. Đâu là bản sắc văn hóa Chăm? Ở phạm vi hẹp hơn: văn học chẳng hạn, đâu là khác biệt nổi bật của văn học Chăm khả dĩ làm giàu sang văn học Việt Nam? Hơn nửa đời người dấn mình vào học tập-nghiên cứu, ít nhiều tôi đã nêu lên được bản sắc đó. Đa dạng nền văn hóa nhân loại, đó là một phương châm của UNESCO. Chủ nghĩa độc văn hóa (Monoculturalism) là rất phản-hậu hiện đại. Suy tư và hành động của tôi nhất quán phục vụ cho sự đa dạng đó. Cả trong nghiên cứu, sáng tác hay phê bình.
Tập tiểu luận Song thoại với cái mới (đang in), một tác phẩm ý hướng suy tư lật mở nhiều khía cạnh của vấn đề văn học trung tâm/ngoại vi, một vấn đề rất giả nhưng tác động tiêu cực đến phát triển của một nền văn học. Đây cũng là bước chuẩn bị khác, để đạp đổ hoàn toàn bức tường tâm lí giả tạo nhưng kiên cố đó. Nó tồn tại trong cộng đồng, ở phía ngoại vi lẫn trung tâm, và tệ hại hơn cả là nó nằm ngay trong tâm hồn của nhà văn và người thưởng thức văn chương.
Lí do đó, mấy năm qua tôi dấn vào phê bình, lối phê bình tôi tạm gọi là “phê bình lập biên bản” các sự biến văn chương (thơ là chính) đang xảy ra trong thời đại ta đang sống, những con người làm việc và sáng tạo cùng thời. Đấu tranh cho mọi trào lưu văn học, mọi loại thơ cùng tồn tại – công bằng và lành mạnh.
Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Dù đó là lối nhìn nhân danh truyền thống hay bản sắc văn hóa dân tộc, một chân lí đinh đóng hay cái đẹp vĩnh cữu. Cũng không phải từ lập trường văn học trung tâm nào, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể các quan điểm sáng tác, qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa. Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là nó. Thế thôi!

Chúng ta thực sự chưa công bằng với sáng tác [bị cho là] ngoại vi. Dẫu vô thức, ta vẫn còn giữ khoảng cách phân biệt đối xử văn chương dân tộc thiểu số/đa số, thơ tiếng Chăm/tiếng Việt, tiếng Việt/tiếng Anh, nữ/nam, địa phương/trung ương, là/chưa là hội viên Hội Nhà văn, hải ngoại/trong nước, Đông Nam Á/thế giới, ngoài lề/chính lưu,… Bên cạnh, tâm lí hậu thuộc địa vẫn còn ăn sâu vào lối nghĩ của người viết lẫn người làm phê bình Việt Nam không dứt ra được: ta có thói quen coi văn chương Âu Mĩ hay Trung Quốc là trung tâm. Từ đó sinh ra thứ tâm lí tòng thuộc và vọng ngoại tai hại. Tôi phê phán không khoan nhượng thứ tâm lí đó.Trong cuộc sống và nhất là – trong văn học.

Tôi gọi tất cả hành động đó là nhập cuộc (engagement), buộc phải nhập cuộc.
Ừ, ví tôi cứ chui vào vỏ sò cô độc để dồn hết năng lực để làm thơ thuần túy đi, thì tôi sẽ dễ thương lăm lắm. Tôi chắc chiếm được tình cảm của đại đa số mọi người. Tình cảm – hay lắm! Nhưng, nhà văn là kẻ bị đẩy xuống tàu, con tàu thời đại hắn đang sống. Hắn không thể chọn lựa, dù hắn biết con tàu hôi rình và, ở đó bao nhiêu là kẻ thô bạo, sẵn sàng ném hắn xuống biển đen – A.Camus.

One thought on “Thư cho bạn trẻ02.

  1. bài thơ này với 4 câu thơ sau cuối chưa thấy thua bài thơ nào cả! tuyệt!

    GIẤC MƠ NGƯỜI

    Anh từ Phanrí đến Phanrang
    Thắp ngữ ngôn xưa đã võ vàng
    Tìm em nối lại linh thiêng cũ
    Cho yêu thương dậy xứ trần gian

    Lội khắp làng Kinh qua xóm Chăm
    Anh đi đã mỏi bước chân thầm
    Đất nào em thức trong hoài vọng
    Anh vẫn nối lòng, mãi nói chân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *