Dệt thổ cẩm Chăm Ninh Thuận

DỆT THỔ CẨM CHĂM NINH THUẬN, HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Viết chung với Inrahani.

I. Vài nét về lịch sử:
Cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nghề dệt thổ cẩm Chăm hình thành và phát triển như thế nào trong quá trình lịch sử. Truyền thuyết về Bà Chúa Xứ kể rằng: Po lnư Nưgar từ Trung Quốc trở về, đã đặt kinh đô Champa ở Nha Trang và dạy người Chăm – lúc đó còn trong thời kì mông muội – cày cấy, dệt vải, xây tháp, tổ chức hành chính…
Theo Lê Quí Đôn (Vân Đài Loại Ngữ): “ở Lâm ấp có trồng cây cát bối, khi chín hoa cây giống như lông ngỗng, kéo sợi làm chỉ dệt khăn không khác gì loại gai”. Còn theo G. Maspéro thì dưới thời các vương triều Champa, người Chăm đã biết trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa.
Trong suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XVIII, người ta tìm thấy các nét hoa văn được chạm trổ thật tinh vi trên các tượng đá (Shiva, Apsara…), vương mão (Ppo Mưh Taha đầu thế kỷ thứ XVII), trên các loại đồ gốm cổ và nhất là các trang phục mặc cho tượng thần (Ppo Rome đầu thế kỷ XVII), hiện vẫn còn được lưu giữ ở một làng Raglai thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Từ các cứ liệu này, chúng ta khẳng định rằng nghề dệt thổ cẩm Chăm đã hình thành từ rất sớm và đã phát triển đến mức tinh xảo.

II. Nghề dệt thổ cẩm và hoa văn thổ cẩm Chăm
1. Nghề dệt thổ cẩm

a. Nguyên liệu: Ngày nay, tất cả các nguồn nguyên liệu từ tơ sợi cho đến sản phẩm nhuộm đều được mua trên thị trường. Nhưng trước kia, khoảng thập niên 50 trở về trước, người Chăm thường trồng bông để lấy sợi. Kỹ thuật lấy sợi và mắc thành cuộn sợi dọc (nuh papan) theo các quy trình sau (thể hiện qua vật liệu):
– Giá tách hạt: Wak ywơk kapah.
– Cung bật bông: Ganuk pataik.
– Xa quấn tơ: Wak mưk kabwak.
– Xa bắt chỉ: Chia liwei.
– Xa đánh ống: Chia trauw.
– Giá mắc sợi: Haniel linguh.
– Khung xỏ go: Danauk ppacakauw*
Đây là cả một quy trình khá phức tạp và công phu. Trước tiên người thợ tách hạt bông trên giá tách hạt, rồi lấy cây cung bắn cho các thớ bông bung ra (tadak mưhlei). Sau khi bông được trải thành lớp mỏng, họ dùng thanh tre có một đầu nhọn cuộn chúng lại thành từng con bông (anưk mưhlei) và dùng xa quấn tơ kéo từng đoạn sợi từ con bông để rút và se sợi. Tiếp đến là các công đoạn như: quay thành cuộn, ngâm đập, nhuộm, hồ, chải và đánh ống. Khâu sau cùng là mắc thành cuộn sợi dọc (linguh) và bắt go để lên hoa văn (pok bauh bingu) chuẩn bị đưa vào khung dệt.

b. Phẩm nhuộm: Nguyên liệu và kỹ thuật nhuộm ngày xưa hầu như đã thất truyền và không còn được sử dụng nữa. Người ta chỉ nhớ mang máng qua truyền khẩu là:
– Màu đen được nhuộm bằng lá chùm bầu, sau đó ngâm với bùn non từ 3 đến 7 ngày đêm liên tục.
– Màu nâu hoặc màu đỏ sậm lấy từ các loại vỏ cây.
– Màu xanh từ cây chàm…

c. Kỹ thuật dệt: Có 2 loại khung: loại dệt dạng tấm và loại dệt dạng dải.
– Loại dệt dạng tấm: Danưng mưnhim ban khan. Là loại dệt ra các sản phẩm như: khăn bàn, xà rông, khăn quàng, mền, drap…, kích thước tối đa là 95-240cm.
– Loại dệt dạng dải: Danưng mưnhim jih dalah. Dệt ra các sản phẩm như: Jih, dalah, dây lưng,… kích thước 2cm, 24cm-100m.
Hai loại khung này gồm nhiều bộ phận rời được lắp ghép lại với nhau. Tuy nhiên tùy theo đặc điểm cấu tạo mỗi loại khung mà kỹ thuật dệt có khác nhau. Ở khung dệt dải, thợ dệt ngồi trên ghế, sử dụng đôi chân đạp con ngựa (asaih) tách mặt sợi nền, tay phải kéo go bắt bông và chặt sợi (nếu sản phẩm phải lên nhiều go (8-13 go), cần thêm một thợ phụ để giúp kéo go), tay trái luồn thoi chỉ qua lại. Trong khi ở khung dệt tấm, người thợ ngồi bẹp xuống nền nhà, vận dụng cả thân người với sợi dây giăng thật căng ở đằng sau lưng với cái yên (bauh kađuh) để giữ mặt nuh papan căng hay chùng tùy trường hợp; sau đó người thợ cầm, ấn, xách các dụng cụ phụ như bbar bingu, bbar cakauw… để tách mặt sợi, làm thao tác bắt bông, luồn dao dệt, đưa thoi và dập sợi.

2. Hoa văn thổ cẩm Chăm
Trên nền vải thường được ưa thích là màu đen hay đỏ, các đồ án trang trí phần lớn theo kiểu hoa văn hình học. Có loại hoa văn được bố trí trên toàn mặt vải như: bingu tamun (bông mặt võng), Cam biruw (Chăm mới), tuk hop, bingu jal…
Cũng có loại hoa văn được bố trí song song với nền sợi dọc, cách khoảng bởi đường bánh xe (jalan rideh) như: kacak (thằn lằn), gơrwak (neo), takai asuw (chân chó), bingu hơng (dây máu)…Ngoài các dạng hoa văn hình học, người ta còn nhận ra các loại hoa văn động vật được cách điệu rất linh hoạt như: Rồng (garai, makara), phụng (arut, garuda), chim trão (hơng), công (amrak)…
Hoa văn thổ cẩm Chăm rất phong phú và đa dạng. Ngoài các hoa văn đã thất truyền (chỉ được biết qua hình ảnh được chụp từ đầu thế kỷ, nay còn lưu giữ ở bảo tàng bên Pháp), nghệ nhân Thuận Thị Trụ đã sưu tầm được hơn 30 hoa văn nền. Từ đó chị đã cách điệu ra khoảng 50 hoa văn khác.
Trong sinh hoạt xã hội Chăm, người ta có thể phân biệt giai cấp hoặc mức độ sang hèn chỉ qua hoa văn trên y phục của đối tượng được quan sát. Như người đàn bà Chăm thuộc lớp trên thì mặc chăn biywon có hoa văn trang trí là hơng, arut hay het còn người phụ nữ tầng lớp dưới thì mặc chăn biywon haraik…

III. Dệt thổ cẩm Chăm ở Mĩ Nghiệp
Một trong những tiêu chuẩn đạo đức được Muk Thruh Palei (Bà Tổ Quê hương) đặt ra cho phụ nữ Chăm là phải thông thạo nghề dệt. Nên có thể nói nghề dệt thổ cẩm được truyền bá đều khắp trong các làng Chăm: từ Hữu Đức, Chung Mĩ, Văn Lâm… ở Ninh Thuận đến các làng xa xôi nhất ở Bình Thuận. Trong đó Mĩ Nghiệp là trung tâm dệt sản xuất đa dạng và nhiều mặt hàng nên được biết đến nhiều hơn cả.
Làng Mĩ Nghiệp – Caklaing thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nằm về phía Nam thị xã Phan Rang gần 9 cây số. Đây là đất văn vật của vương quốc Champa cổ mà tên còn được thấy trên bi ký. Tương truyền rằng ông bà nuôi của Ppo Klaung Garai (thế kỷ XII) đã sinh ra ở đất này, nên khu vực xung quanh làng tập trung nhiều di tích lịch sử giá trị. Mĩ Nghiệp có gần 4.000 khẩu với khoảng 500 thợ dệt lành nghề. Trước 1975, chị em tận dụng giờ nông nhàn để sản xuất. Hàng dệt chỉ gồm các sản phẩm thô, chủ yếu được mang lên bán cho đồng bào Tây Nguyên như: Êđê, Churu, Kơho, Raglai…, một số ít dùng phục vụ cho phong tục tập quán địa phương.
Sau 1975, nghề dệt Mĩ Nghiệp hoạt động cầm chừng bởi thiếu nguyên liệu. Từ 1985 nó mới được hồi phục trở lại do nhu cầu của phong tục. Nhưng nhìn chung, việc tổ chức sản xuất còn mang tính gia đình, tự sản tự cấp. Chỉ từ khi Cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Inrahani ra đời, hàng dệt thổ cẩm của dân tộc này mới phát triển và được nhiều người biết đến.

1. Cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Inrahani
Đây là cơ sở đầu tiên được thành lập ở Mĩ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận. Ra đời năm 1992 với 10 thợ dệt, Cơ sở đã kết hợp với các công ty may mặc thành phố Hồ Chí Minh tìm đầu ra cho hàng thổ cẩm Chăm. Không dừng lại ở sản phẩm thô, Cơ sở đã chế tác ra nhiều mẫu mã như túi xách, ví, ba lô… các loại hợp với thị hiếu khách hàng đủ tầng lớp, mọi lứa tuổi. Chính việc làm này đã đóng vai trò quyết định đẩy thổ cẩm Chăm đi lên. Từ đó, Cơ sở liên tục phát triển. Sau 4 năm hoạt động, Cơ sở đã đạt được một số thành tựu như sau:
Xây dựng được xưởng dệt ở Mĩ Nghiệp và một tổ may ở thành phố Hồ Chí Minh. Có 3 cửa hàng bán lẻ, 5 điểm nhận hàng bán sỉ và 8 điểm nhận bán lẻ ở các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang, Hà Nội…Giải quyết việc làm cho 180 thợ dệt (với tiền lương từ 10.000-15.000đ/ngày), 20 thợ may, 10 nhân viên quản lí và bán hàng. Có thời điểm, Cơ sở huy động đến 250 lao động dệt gia công. Bên cạnh đó, sản phẩm của Cơ sở đạt 4 “Huy chương vàng” Hội chợ cấp quốc gia, và chủ Cơ sở được cấp huy hiệu “Bàn tay vàng” của Trung ương Hội đồng liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

2. Các cơ sở khác
Ngoài Inrahani, các tổ chức dệt có tính chất gia đình như của bà Phú Thị Mở, Thọ Khồ, Quảng Phố… hoặc của HTX Mai Anh vừa mới ra đời vào đầu năm 1998, mặc dù tầm hoạt động nhỏ hơn nhưng cũng đã gặt hái một số thành tựu đáng kể, góp phần đưa sản phẩm thổ cẩm Chăm đến khắp tỉnh thành trong cả nước, và một phần ra nước ngoài.

IV. Hiện trạng thổ cẩm Chăm
1. Tình trạng sản xuất và tiêu thụ

Nhưng tình trạng sản xuất và tiêu thụ thổ cẩm Chăm hiện nay đang đứng ở đâu và sẽ đi về đâu? Đặt câu hỏi có nghĩa là đã có sự hoài nghi về sự ổn định của nó. Cái bấp bênh này có nguyên nhân xa và gần:
– Thổ cẩm không phải là nhu yếu phẩm. Sản phẩm này đứng lấp lửng giữa tính kinh tế và tính văn hóa.
– Việc kết hợp chúng với y phục thời trang (gọi là thời trang thổ cẩm), dù có những sáng tạo táo bạo vẫn mang tính chất nhất thời nên không dài lâu.
– Chưa có đầu ra ổn định nhưng lại được sản xuất hàng loạt gây khủng hoảng thừa, để rồi đua nhau bán hạ giá.
– Dù được tạo tác nhiều hoa văn mới đặc sắc với lối phối màu và kỹ thuật dệt được nâng cao một bước đáng kể nhưng việc tạo mẫu mã, bắt chước mẫu mã của nhau hay sản xuất chạy theo lợi nhuận đã phần nào làm giảm đi chất lượng sản phẩm. Từ đó, không ít khách hàng đã quay lưng lại với thổ cẩm Chăm.
– Và cuối cùng, thợ dệt nông thôn còn mang tinh thần làm việc tự phát và tùy tiện nên khi có hợp đồng lớn (Cơ sở Inrahani hay vấp phải), hàng hóa không đảm bảo chất lượng, giao hàng không đúng thời gian quy định dễ gây sự thiếu tin tưởng ở phía đối tác.
2. Chế độ tiền công lao động.
Chúng ta thử lấy một loại sản phẩm thông dụng nhất phân tích để con số nói lên sự việc.
Dây khăn bàn khổ 20cm dài 100m (1 nuh – cuộn)
– Giá tơ sợi và công đoạn khác = 500.000đ
– Công dệt 100m x 2.000đ = 200.000đ. (Dệt bình quân ăn theo khoán 7 mét/ngày). Cộng giá thành = 700.000đ
– Giá bán vào thời điểm trước tháng 6 năm 1998: 100m x 8.000đ = 800.000đ
– Như vậy nếu bán tại chỗ 8000đ / mét thì người thầu khoán sẽ có lãi 100.000đ/cuộn. Trong một tháng, người thầu khoán có thể nhận từ 10-15 cuộn tùy khả năng từ các cơ sở. Riêng công nhân dệt được hưởng: 7m x 2.000đ/m = 14.000đ/ngày.
So với công nữ nhổ cỏ 12.000đ/ngày thì công dệt cao hơn, thao tác nhàn nhã hơn, được “ngồi mát” và nhất là có việc làm thường xuyên hơn.
Nhưng kể từ 1998 đến nay, do hàng hóa ứ đọng, sức tiêu thụ giảm, các cơ sở và hộ cá thể tranh nhau hạ giá gây nhũng nhiễu thị trường thổ cẩm nói chung. Giá bán thường huề vốn hay có khi thấp hơn giá thành (7000-6.500đ/m). Công nhân bị ép giá và mất việc làm là chuyện không tránh khỏi.
Đối chiếu với mặt hàng tiêu biểu của các dân tộc thiểu số khác:
Tấm drap Mạ nhỏ (dân tộc Mạ ở Định Quán – Lâm Đồng)
– Chi phí nguyên liệu cho 1 tấm: 14.000đ
– Giá thành: 30.000đ
– Tiền công một ngày: 16.000đ: 2,5 ngày/tấm = 6.400đ/ngày
Tấm khăn Thái mỏng (dân tộc Thái Mai Châu – Hòa Bình)
– Chi phí nguyên vật liệu cho 1 tấm: 4.200đ
– Giá thành một tấm: 8.000đ
– Tiền công: 3.800đ x 2 tấm/ngày = 7.600đ/ngày
Qua so sánh, chúng ta thấy tiền công của lao động dệt thổ cẩm Chăm vượt trội. Đó là chưa nói đến thu nhập của người thầu khoán hay của các cơ sở sản xuất. Dây khăn bàn bán sỉ ở các nơi khác được 9.000đ/mét, nếu tổ chức nào có cơ sở chế tác thì bán được giá cao, và lãi xuất sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, so với Mông, Thái, Êđê… người Chăm còn có một số ưu thế khác như: hầu hết người Chăm sống ở đồng bằng, gần trung tâm kinh tế lớn nhất nước là Tp.Hồ Chí Minh, mặt bằng trình độ văn hóa tương đối đồng đều; hoa văn Chăm phong phú, đa dạng dễ chế tác các sản phẩm nhỏ nên rất dễ bán.
Điều này lí giải việc các dân tộc thiểu số khác rất thích thổ cẩm Chăm và trên thực tế, thổ cẩm dân tộc Chăm đã đi lên tận miền ngược trong khi người Chăm chưa bao giờ mua hàng Thái hay Mông …Thế nhưng tất cả các ưu thế trên nay không còn nữa, và có khi chúng đang tác động ngược.

3. Đi tìm nguyên nhân xã hội
Với tư cách là người trong cuộc đồng thời là nhà nghiên cứu nhìn một cách khách quan vấn đề, chúng tôi có thể mạo muội nhận định rằng: người Chăm (kể cả kẻ đang viết bài này) thật sự chưa có (hay có nhưng đã mất?) văn hóa kinh doanh. Đó là sự thật khách quan. Chúng ta phải nhìn nhận, mổ xẻ để khắc phục. Một tinh thần cầu tiến là tinh thần tự tri để vượt mình.
Trong đời sống hôm nay, chúng ta vẫn chưa được trang bị kiến thức tối thiểu về tổ chức làm ăn buôn bán. Đôi lúc chúng ta còn có vẻ xem thường nghề nghiệp, người kinh doanh buôn bán nữa. Vì thế, chúng ta không có thói quen cộng tác là điều đương nhiên. Không chỉ lúc chúng ta không tin nhau, đố kị nhau mà ngay cả khi chúng ta ruột rà hay bằng hữu hoặc bạn nối khố của nhau – nói như người Raglai – đi nữa. Văn hóa đã ngăn trở chúng ta làm việc đó. Hậu quả là lối làm ăn xé lẻ ấy rất dễ bị cái lợi nhỏ lung lạc, thao túng.

4. Những biểu hiện tiêu cực
Từ những tinh thần thiếu cộng tác với lối làm ăn xé lẻ đó, những tiêu cực trong việc kinh doanh đang biểu hiện trên nhiều khía cạnh với mức độ khác nhau:
– Dù chúng ta chưa đến độ giành giựt khách, chạy theo níu khách Tây balô du lịch như một vài dân tộc ở một số địa phương, nhưng lối bán ngồi chồm hổm để phải di dời khi có quản lí thị trường hay người làm công tác an ninh đến dẹp ở các đường phố Đà Lạt cũng là điều đáng cho ta suy ngẫm.
– Việc ký hợp đồng “sau lưng”, bán hạ giá, phá giá của các cá nhân đến việc ép giá công nhân, “sa thải” công nhân hay lối may dối, dệt bừa cũng cần phải xét đến.
– Và ngay cả cửa hàng Inrahani ở Sài Gòn phải bán thêm sản phẩm khác hay hàng thổ cẩm của các dân tộc khác để tạm trụ được từ hơn một năm nay, ngoài mặt tích cực của nó, khía cạnh tiêu cực không phải là không đáng bàn.
Trong thời gian qua, các hiện tượng này đều đã xảy ra đối với thổ cẩm các dân tộc thiểu số khác ở mức độ, cách thức khác nhau. Tấm khăn mỏng Thái bán lẻ đổ từ 40.000đồng năm 1997 xuống còn 20-18.000 đồng năm 1998, đầu năm 1999 chỉ còn 10.000đ/tấm. Dĩ nhiên, nếu bán giá quá cao thì khách mua ít, lượng tiêu thụ thấp, không tạo được nhiều công ăn việc làm cho bà con. Còn nếu bán giá quá thấp để công lao động chưa đạt tới 8-10.000 đồng thì đời sống của người dân tộc mãi mãi ở mức từ nghèo trở xuống.
Các biểu hiện tiêu cực trên báo hiệu sự suy thoái của thổ cẩm Chăm một cách toàn diện. Song hành với nó là khoảng 1000 lao động chính, phụ ở Mĩ Nghiệp cũng như gần 100 lao động từ các làng Chăm lân cận đến học dệt đang có nguy cơ mất việc làm. Làng dệt truyền thống này trong một tương lai không xa chắc chắn sẽ có sự xáo động nền tảng nếu ngay từ lúc này chúng ta chưa có một chương trình hành động phối hợp toàn diện.
Nhưng không phải tất cả đã tuyệt hy vọng.

V. Thử tìm một giải pháp cho vấn đề
Nếu chúng ta không muốn để ngành nghề thổ cẩm dân tộc sống thoi thóp bên bờ dòng chảy của thương trường hiện đại, hoặc thậm chí để nó đi vào ngõ cụt, ngay bây giờ chúng ta phải tiến hành một sự cải cách triệt để. Chúng tôi thử mạnh dạn đưa ra một số biện pháp sau:
1. Đưa sản xuất đi vào tổ chức
Bằng cách thành lập Hợp tác xã chung cho làng dệt Mĩ Nghiệp, hoặc lập ra các tổ hợp sản xuất hiệp đồng các tổ chức tư nhân với phương thức hoạt động chặt chẽ và cụ thể. Phương án này hơn một lần Sở Công nghiệp tỉnh Ninh Thuận đã có đề xuất ý kiến nhưng chưa được cụ thể hóa nên chưa thực hiện được. Để nó có tính khả thi, cần có cơ quan chức năng đứng ra soạn thảo phương án kế hoạch, và nhất là cần sự hợp lực của các chủ cơ sở, các hộ sản xuất cá thể mạnh ở địa phương.
Thành lập hợp tác xã, đưa tất cả các cơ sở lớn, nhỏ đi vào tổ chức sẽ:
– Tránh được nạn tư thương thao túng thị trường thổ cẩm.
– Ổn định giá cả, tiền công.
– Tránh sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở.
– Tránh được tình trạng sản xuất hàng thiếu kế hoạch, từ đó ứ thừa và tồn đọng.
Như thế cũng chưa đủ. Chúng ta có thể đóng cổng làng lại, kế hoạch hóa sản xuất để nâng giá bán như thời bao cấp. Nhưng ngay lúc này, ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí minh, hàng “thổ cẩm” Chăm (và dân tộc thiểu số khác) cũng đã được làm ra bằng máy móc, mà chất lượng còn “tinh” hơn hàng dệt tay nữa. Giá thành hạ, thứ phẩm thổ cẩm này chắc chắn sẽ bóp chết hàng gốc chính hiệu. Như vậy, biện pháp thứ hai phải được đặt ra.

2. Cải tiến kỹ thuật
Ở tự thân, dệt thủ công ngoài năng xuất kém và chất lượng không đều dù chỉ qua chính một bàn tay người thợ (nếu qua trăm người thợ với tay nghề không đều thì chất lượng thật khó lường), còn có bao nhiêu phiền toái khác gây ra từ kỹ thuật lạc hậu. Chúng tôi đã cười đau khóc hận không biết mấy lần về tình trạng bấp bênh này. Nó lặp đi lặp lại hầu như không dứt. Cho nên bên cạnh việc nâng cao tay nghề cho thợ, cải tiến kỹ thuật dệt là một yêu cầu bức thiết. Có hai hướng khả thi:
– Cải tiến khung dệt bằng cách học tập mô hình cấu tạo khung và phương thức dệt của các dân tộc: Thái, Chăm Tây, Lào, Thái Lan… Thực tế, hiện nay ở một làng Chăm thuộc xã Phan Hòa – Bình Thuận đã tạo được loại khung theo hướng này. Tiếc rằng, vì xa rời hoa văn truyền thống, nên sản phẩm làm ra không được bắt mắt cho lắm.
– Dựa trên khung dệt bán công nghiệp, thay đổi một số bộ phận cấu tạo hoa văn để sản phẩm của đứa con lai tạo này vẫn mang dòng máu Chăm nhưng khôi ngô hơn, cao lớn hơn. Cơ sở Inrahani đang thử triển khai phương hướng này.
Bằng cải tiến kỹ thuật, công suất dệt cao hơn, chúng ta sẽ hạ được giá thành sản phẩm, từ đó thổ cẩm Chăm có khả năng cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế. Quốc tế! – Tại sao không nhỉ?

3. Nâng cao chất lượng sản phẩm
Khi chưa được đặt hàng mà chúng ta cứ sản xuất đều đặn một cách vô tư, tư thương chỉ chọn mua cái tốt nhất, còn lại sẽ ứ thừa. Chúng ta bán xối xả chúng, và thổ cẩm Chăm mất uy tín là điều chắc chắn. Do đó “đầu tiên là chất lượng” phải được đặt ra. Cả ở hàng thô lẫn hàng đã chế tác. Đây là một mắt xích bao hàm nhiều chi tiết vi tế mà chỉ khi đi vào thực tế, nhà tổ chức mới có thể nắm bắt hết được. Ở đây, chúng tôi tạm nêu các tiêu chí cơ bản:
– Kỹ thuật dệt và may phải đạt tiêu chuẩn cao và đồng đều.
– Phụ liệu hàng chế tác tốt.
– Hoa văn, cách phối màu, mẫu mã… luôn thay đổi hàng năm theo thị hiếu khách hàng (dĩ nhiên vẫn có bộ phận sản xuất hàng truyền thống).
Ví dụ: riêng mẫu balô, từ năm 1992 đến nay, Cơ sở Inrahani đã thay đổi mẫu mã đến 10 lần, trong đó có 2 lần lặp lại mẫu cũ. Và biện pháp cuối cùng có tính quyết định đến sự thành bại của thổ cẩm Chăm là:

4. Tìm đầu ra cho sản phẩm
Hàng chúng ta làm ra nhiều, đẹp, hữu dụng. Nhưng chúng sẽ đem bán cho ai? Ai có nhu cầu mua chúng? Nhu cầu này chúng ta phải biết đến để đáp ứng. Nếu thị trường chưa có nhu cầu, chúng ta cũng tạo ra cái nhu cầu đó, lớn hơn, bền vững hơn.
Nhắc đến kinh tế đặc Chăm bây giờ người ta còn nhớ đến cái đặc trưng nổi bật nhất: thổ cẩm, chúng ta phải có kế hoạch làm cho khách biết đến nó, nhiều người biết đến nó và thích nó, có nhu cầu dùng nó, dùng nó nhiều hơn nữa. Bằng cách:

– Có một phòng trưng bày thật trang trọng ngay ở làng Mĩ Nghiệp.
– Thường xuyên có quảng cáo trên báo chí, truyền thanh, truyền hình. 50 bài viết về Cơ sở Inrahani và khoảng 20 bài về làng dệt Mĩ Nghiệp trong thời gian qua đã là một yếu tố quan trọng thu hút du khách đến với thổ cẩm Chăm.
– Tham dự các cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Bà Phú Thị Mở với một tuần lễ ở Thái Lan hay Thuận Thị Trụ trong 10 ngày tham dự Trưng bày y phục Chăm ở Mã Lai và 6 tháng tham gia triển lãm thổ cẩm ở Thụy Sĩ đã tạo một bước ngoặt mới cho thổ cẩm Chăm phát triển, mở rộng thị trường. Chúng ta không nên để khách hàng tình cờ biết và tìm đến hay chỉ chuộng lạ mà mua, một lần rồi thôi. Cách bán hàng hiện nay là phải đưa sản phẩm đến tận mắt và giao tận tay người mua.
– Do đó, ở các thành phố lớn cần phải có văn phòng giao dịch để trưng bày hàng mẫu. Chúng ta sẽ trực tiếp với khách hàng để đối thoại và đối tác.

VI. Kết luận
Từ một thực tế sản xuất và tiêu thụ hàng thổ cẩm dân tộc Chăm, một hiện trạng có chiều hướng đi xuống đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gần 3000 dân làng Mĩ Nghiệp đồng thời có khả năng gây tác động tiêu cực liên hoàn đến thổ cẩm cũng như ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của các dân tộc thiểu số khác; từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến việc bảo tồn vốn quý của văn hóa dân tộc, chúng tôi đã mạo muội đề xuất một số biện pháp thích hợp. Các biện pháp cô đúc qua hơn 7 năm va chạm, trăn trở và suy nghĩ trên thực tiễn việc làm. Các biện pháp sẽ khả thi – theo chúng tôi nghĩ – nếu được sự hỗ trợ tích cực từ các phía: Chính quyền trung ương và địa phương, các chủ cơ sở sản xuất cũng như của tất cả dân làng Cakleng thân yêu của chúng ta. Chỉ khi đó, hàng thổ cẩm Chăm mới có cơ hội tìm lại được tiếng nói trên thị trường trong và ngoài nước.
Và dù thế nào đi nữa, chúng ta vẫn hy vọng.

Tham luận tại:
Hội nghị hỗ trợ truyền nghề thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam, Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu CGFED, tháng 11.1996.

____________________________
Chú thích: Tham luận được viết vào cuối năm 1996. 6 năm trôi qua, thổ cẩm Chăm – Ninh Thuận và của các Dân tộc thiểu số khác đã có những biến động rất lớn, các số liệu đã thay đổi nhiều. Nét nổi đậm nhất là thổ cẩm Thái, Mông… ở các tỉnh phía Bắc phát triển mạnh. Cơ sở dệt thổ cẩm Inrahani đã mở rộng thành Công ty TNHH Dệt may thổ cẩm Chăm với hơn mươi lần triển lãm ở nước ngoài, như: Nhật, Pháp, Bỉ, Singapore… Một số biện pháp đề xuất đã không hợp thời nữa, tuy thế tinh thần của bài viết vẫn còn mang tính thời sự nên chúng tôi giữ nó lại.
* Xem thêm: Võ Công Nguyện, Đặc điểm các nghề thủ công cổ truyền của người Chăm ở Việt Nam, Luận án Phó Tiến sĩ, Viện KHXH tại Tp.HCM, 1995.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *