Văn xuôi 05: Gập ghềnh thổ cẩm

Bút kí.

Bên này là sân khấu đèn màu với dàn nhạc hiện đại, những người mẫu đẹp như tiên nữ với bước đi nhún nhẩy, yểu điệu trong nhịp nhạc rập rình tràn vẻ xa hoa của buổi trình diễn thời trang thổ cẩm Minh Hạnh đầy màu sắc trong Nhà hát lớn Sài Gòn; bên kia là khoảng tối ảm đạm của những ngôi nhà người Cil dưới chân Lang Biang thơ mộng và lộng gió. Bên này là Cửa hàng thổ cẩm Inrahani thuộc Thương xá TAX nằm ngay góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ ở Trung tâm kinh tế lớn nhất nước là Tp. Hồ Chí Minh khách vào ra nườm nượp; bên kia là những cụ già, em bé cầm theo tấm thổ cẩm dân tộc chạy theo chèo kéo khách ngoại quốc ở Sapa – Lào Cai. Bên này là “Thổ cẩm Chăm ở làng Mỹ nghiệp có thể hóa rồng” (Trần Mỹ – báo Nông thôn mới) đầy kiêu hãnh; bên kia là “Đi đâu thổ cẩm Tây Nguyên?” (H’Linh Niê – báo Lao động) lắm trăn trở, ưu tư.
Tôi đã thử đặt những môi trường, cảnh ngộ, tâm trạng đối nghịch như thế để làm bật lên cái bất trắc, mâu thuẫn cực độ của nghề sản xuất thổ cẩm và kinh doanh thổ cẩm. Không gì hơn là để chúng ta suy ngẫm về nét đẹp văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ, để chúng ta nhận diện và cảm thông hơn với những số phận trong cơn thương khó. Những mảnh đời chìm khuất trong bóng tối mà các sản phẩm công phu, tinh tế được làm ra từ bàn tay ấy chúng ta đã vội quên đi khi dùng nó làm dáng, hay tôn vinh vẻ trang nhã cho nội thất sang trọng của chúng ta ở chốn phố thị phồn hoa.
Trong lúc chúng ta cứ lớn tiếng hô hào về nguồn.

Đọc qua trăm bài báo, nắm trong tay những địa chỉ, con người và con số tương đối chính xác, tôi lên đường làm cuộc trở về. Đương về nơi ấy xa xôi lắm – mà kẻ đi về chỉ một tôi, câu thơ cũ ám ảnh tôi ngay lúc cuộc hành trình.

Trạm dừng chân đầu tiên của tôi là buôn người Cil B’Nơr –C nằm dưới chân Lang Biang. Cảnh trí thơ mộng của một buôn du lịch bày ra trước mắt khiến tôi thoáng nghi ngờ những gì mình đã đọc về vùng đất này. Nhưng không. Khi những cụ bà gầy còm, những trẻ con suy dinh dưỡng tay cầm tấm xà lung hoặc túi xách đổ xô tới vây lấy tôi với tiếng chào mời rối rít thì tôi đã có câu trả lời tức khắc.
Tôi cảm nghe xót xa cho họ và cả cho tôi. Tôi rất muốn mua giúp họ, nhưng tôi không quá cần. Tôi cũng không chuẩn bị quà cáp gì cho đám trẻ. Tôi cười gượng và cố giạt đám đông đi ra. Lặng lẽ, tôi đi qua hơn 30 nóc nhà người dân tộc anh em với bước chân nặng chịch. Mọi người dường như suốt ngày cặm cụi bên khung dệt và chờ du khách. Trong lúc khách Tây thì sớm nắng chiều mưa, có khi vắng bóng cả tuần. Và cả tuần đó coi như hơn nửa buôn phải nấu cháo thay cơm.
Mà họ có bán được giá cho cam. Dẫu cố lấy công làm lời thì công đó cũng chưa tới 3000 đồng/ngày. Một tấm khăn ui phải mấy ngày chạy hàng mới rớt được một tấm. Nếu bán 80.000 đồng thì có lãi chút đỉnh, ví khách keo quá cũng đành bán vốn 60.000 đồng để mong có tiền đong gạo. Còn những dây đeo, túi xách, băng nịt đầu… bán có chạy cũng chỉ gom tiền lẻ, chả là bao.

Khác với sự lặng lẽ đơn điệu ở buôn B’Nơr–C, không khí Đà Lạt sôi động hẳn. Thổ cẩm gần như tràn ra vỉa hè xung quanh chợ Hòa Bình. Đủ màu sắc, mẫu mã, kích cỡ. Hơn mươi “quày” cả thảy. Cái nghịch lí là không phải thổ cẩm Tây Nguyên mà là hàng người Chăm từ miền xuôi mang lên bày bán. Tôi ngập ngừng dừng lại ở “quày” thứ tư có vẻ xôm hơn cả. Dường như biết tỏng tôi là chuyên gia hỏi, chị Trinh nở nụ cười không mặn mà cho lắm: “Ế lắm anh hai ơi. Lại thêm mấy ông quản lí thị trường bắt đầu rục rịch làm việc, nên lắm lúc cũng phải cuốn gói như hàng siđa. Mà càng ế thì giá càng bèo”.
– Như tấm này giá bao nhiêu? Tôi hỏi và cầm lên tấm trải bàn khổ mét tư.
– Cho Tây thì tám chục, còn ông anh thì em tính năm mươi.
Tôi nghĩ chị nói thật và làm một so sánh. Cùng sản phẩm đó nhưng ở đường Đồng Khởi – Tp Hồ Chí Minh, bạn tôi đã rút ví đến 200.000 đồng.
Nhưng nói chi dân Sài Gòn giàu có, ngay dưới dốc Đà Lạt cạnh Nhà thờ Con Gà, bà chủ tiệm người Kinh đã chém đẹp du khách gấp mười như bỡn. Bà chủ phất lên trông thấy, mới xây cái lầu ba tầng từ những tấm thổ cẩm, kho hàng bà chủ bằng mươi quầy con ở chợ Hòa Bình gộp lại. Và tất cả chỉ do bà con Chăm – Ninh thuận đóng góp bằng kí gửi.
Đang lúc tôi chờ xe xuống Tháp Chàm để đón tàu ra Bắc, anh Thọ Khồ người làng Mỹ Nghiệp – Ninh Thuận than phiền anh mới kí gởi một tấm ga 80.000 đồng và bà chủ đã bán 1.200.000 ngay trước mặt anh. Vậy mà khoản kí gửi 15 triệu trước đó bà không thanh toán lấy một hào.
– Tại sao các anh không tổ chức bán, tôi hỏi.
– Biết ngõ ngách nào mà bán, anh nói, khá sẵng giọng. Làm như tôi cũng phải chịu lỗi không bằng.
Con đường thổ cẩm quá nhiêu khê gập ghềnh.

Sapa, vẫn cảnh cũ ở buôn Cil lặp lại, nhưng mức độ như được đẩy lên cao hơn, bởi người buôn bán có “nghề” hơn. Sapa bây giờ đã lên thị xã với những khách sạn, nhà lầu, cửa hàng ăn uống… Ngay người dân tộc nếu không tinh ý cũng không phân biệt được đâu thực, đâu giả. Mông, Giao, Dáy… và cả Kinh đóng vai dân tộc cùng bày hàng ra chợ từ sớm.
Khi tôi đến nơi, Sapa đang về chiều. Trời trở lạnh. Vài ba khách Tây ba lô bị ba bốn cái đuôi, già có, trẻ có bám theo: “Mua giùm cho tôi đi, đói khổ lắm, mua giúp đi”. Họ chìa ra các thứ lỉnh kỉnh hàng địa phương đeo lủng lẳng trên tay hay quàng vào cổ, trong đó có cả thổ cẩm được thêu khá cầu kì và không thể nói là không có giá trị. Nhưng của đáng tội! Trong lúc một phụ nữ có lẽ người Pháp lấy cho trót một cái túi để thoát nạn thì ông Tây kia vùng bứt ra khỏi một bà già đang theo bám, không cần đến phép lịch sự cố hữu của người phương Tây.
Sáng hôm sau, từ nóc nhà tổ quốc sang khu Huyện Mai Châu – Hòa Bình, tôi mang theo mình cái ánh mắt long lanh của cô gái Mông khá xinh đẹp cùng chụp chung ảnh với tôi. Ánh mắt ngây thơ ấy đã phóng tia oán trách sang bà mẹ vừa nhận lấy từ tay tôi 5.000 đồng tiền nhuận bút ảnh. Cô gái chưa đụng tới thực tế nghiệt ngã của cuộc sống. Biết đâu, mươi năm nữa, cô sẽ lặp lại đúng hành vi mà sáng nay cô nghĩ là không đẹp kia của bà mẹ. Thương thay!

Mai Châu với tôi là miền đất yên ả, hiền hòa. Trời dịu ngọt như để trả nợ tôi những cái xốc của đoạn đường khá cơ khổ từ Hà Nội lên. Về Mai Châu ta có cảm giác trở về quê nhà. Thâm tình và ấm áp. Những khuôn mặt bà mẹ Thái dẫu có hằn vết năm tháng vẫn còn nguyên vẻ mộc mạc chân chất. Những nụ cười của cô gái chàng trai Thái vẫn còn lãng đãng hồn nhiên vô tư lự.
Đôi vợ chồng người Thái vốn quen biết qua thư từ, vồn vã đón tôi. Khi tôi nhã ý mượn xe lên chợ thổ cẩm, chị nói vội gì, để em tìm gì cho hai anh nhắm đã. Chúng tôi lai rai và tán gẫu chuyện trên trời dưới biển rồi cuối cùng quay trở lại đời thổ cẩm liêu xiêu. Anh chị là người tổ chức cho 20 thợ dệt. Hai năm nay, thị trường Hà Nội, Sài Gòn rộ lên ăn hàng Thái nên chị em làm không kịp thở, chị Hòa nói. Kỹ thuật dệt của Thái nói chung cao hơn dân tộc thiểu số khác. Trong khi để có một tấm khăn ui người Cil bỏ ra 6, 7 ngày ròng; người Chăm cặm cụi cả tám tiếng liền mới dệt xong một tấm aban; còn người Thái khá thong thả vẫn có thể làm ra 2 tấm khăn mỏng.
– Thế đời sống bà con có khấm khá lên không? Tôi hỏi.
– Ban đầu thì tạm được nhưng bây giờ thì xìu rồi, anh nói. Mai Châu hàng tháng có thể xuất “xưởng” hơn mười vạn tấm khăn. Rồi không hiểu sao hàng rớt giá khủng khiếp. Từ 30.000 đồng năm 1995 xuống còn 15.000 rồi 10.000 và 8.000 đồng thì anh cũng đủ hình dung mức độ tuột dốc của nó. Với đà ấy, thu nhập ngày công cũng hạ từ 15.000 còn 5–6.000đồng/công. Còn bao nhiêu mặt hàng khác như khăn piêu, phá Lào… cũng đang chịu chung số phận.
Thật bất ngờ thú vị với tôi, ngay đầu đường cái quan ở miền đất xa lạ này, tôi gặp được người quen là chị sinh viên người Mỹ tìm đến tận Mai Châu mua hàng và nghỉ trọ. Chúng tôi cùng nhập bọn để lên chợ thổ cẩm. Khu chợ thổ cẩm như nằm ẩn khuất khiêm cung dưới bóng núi lúc mặt trời tắt nắng.

Cái đẹp của cảnh quan ở đây thua Sapa hay Lang Biang, nhưng lối tổ chức thì không đâu bằng. Một dãy dài những căn lều xinh xắn chạy dọc hai bên đường lên khu dân cư. Bên cạnh đó, có khoản mười nhà nghỉ xây theo mô hình nhà sàn Thái khá tiện nghi và chu đáo. Không thấy vụ ngoắc tay vẫy khách. Các cô bán hàng mời chúng tôi bằng những cái nháy mắt thân thiện, thỉnh thoảng xen kẽ tiếng cười nói với người dẫn đường bằng một giọng lanh lảnh như tiếng chim. Chị sinh viên người Mỹ dạo qua các sạp mua mỗi nơi một ít. Điều khá lạ là không nơi nào nói thách, chứ nói chi đến lối hét giá trên trời dưới đất như ở Đà Lạt. Tôi hỏi chị Hòa về hiện tượng này và được chị cho hay một phần nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhưng quan trọng hơn cả là ý thức tự giác cao của bà con Thái.
Có thể nói Mai Châu như khúc quành may mắn cho cuộc đi xuyên Việt của tôi, gọi là vớt vát đôi chút cái màu xám xịt đang như vết dầu loang trên phông nền thổ cẩm dân tộc thiểu số anh em. Than ôi! Khoảng sáng kia về sau này cũng đang nhuốm màu ảm đạm. Và sắp tới có lẽ còn ảm đạm hơn nữa.

Giã từ miền đất chênh vênh những số phận, tôi trở về phố thị Hà Nội. Có dạo phố Hàng Gai, trung tâm thổ cẩm của thủ đô, mới thấy hết bức tranh thổ được phân thành hai mảnh sáng tối rõ rệt.
Anh Dương, ông chủ cửa hàng 92 Hàng Gai chuyên thổ cẩm, cho biết ở Hà Nội có thể nói anh là một trong những người đầu tiên thâm canh hàng dân tộc. Trong khi 3 năm về trước, thổ cẩm Chăm lấn lướt tất cả thì từ hơn năm nay, khăn Thái và áo Mông nổi trội hơn, có lẽ một phần nhờ các chương trình thời trang thổ cẩm. Nhưng từ sau Tết, hàng Thái đã chựng lại. Hàng Thái lai (và cả Chăm lai) được sản xuất ồ ạt bằng máy tại các vùng ngoại vi Hà Nội đã tạo một khủng hoảng thừa.
Dân thái Mai Châu túng thế bán đại hạ giá. Còn hàng nhà máy cũng đành chịu phận tối nằm không. Chúng ta tự giết lẫn nhau là vậy. Ngay ông chủ một xí nghiệp dệt ở Hà Đông cũng lên truyền hình tuyên bố có thể dùng máy Trung Quốc cải tiến để làm ra tất cả hoa văn thổ cẩm Chăm.
Rồi thổ cẩm dân tộc sẽ đi về đâu? Cơ chế thị trường phát triển theo quy luật mạnh được yếu thua. Và ai dại gì đi trách máy móc?
Tranh thủ ông chủ đang có khách, tôi tạt sang cửa hàng số 94 bên cạnh: một mảnh tường dành treo hàng thổ cẩm Chăm. Chủ cửa hàng này cho tôi biết tất thảy đấy là hàng xuất xưởng Inrahani mấy năm trước anh mua đứt bán đoạn, hai năm nay bằng hình thức đối lưu để tìm đầu ra cho thổ cẩm phía Bắc. Cũng hay!

Chứ không như thổ cẩm Tây Nguyên (Dak Lak, Pleiku chẳng hạn) đang tắc tị. Trong các ngày lễ hội cồng chiêng ở Buôn Mê Thuột năm 1995, hầu như thổ cẩm Chăm Inrahani đánh bạt tất cả. Hàng Êđê, Giarai… đã trở thành đồ cổ, tìm không có để trưng bày chứ đừng nói để bán. Cả trong cuộc hội thảo Phát triển nghề dệt các dân tộc thiểu số Việt Nam do Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển tổ chức ở Hà Nội vào cuối năm 1996 cũng vậy, trong 12 gian trưng bày chỉ có gian hàng Inrahani là xôm tụ. Qua thực tiễn và qua các báo cáo tham luận, bà Lê Thị Nhâm Tuyết giám đốc Trung tâm đã kết luận rằng “Inrahani là câu trả lời cho câu hỏi: làm thế nào để phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc”.
Như vậy ngoài yếu tố tự giác nghe nhau ra, việc tổ chức làm ăn có quy củ đóng vai trò quyết định trong việc duy trì và phát triển thổ cẩm nói chung.
Với kết luận sơ khởi đó, tôi đón xe đò trở về.

Trên đường vào Tp. Hồ Chí Minh, tôi dừng lại tại Ninh Thuận giàu nắng gió. Đây là vùng đất có lượng mưa thấp nhất cả nước. Nhưng như một ưu tiên, Mỹ Nghiệp làng dệt Chăm nằm cạnh đường quốc lộ nên rất tiện đường cho du khách ghé thăm. Cách nhật, thường xuyên có khách du lịch đổ khách thăm quan mua hàng. Đôi khi trước cửa hàng Inrahani đậu tới 3, 4 chiếc xe lớn. Cũng không hiếm lần xe vào tìm tận nhà bà Phú Thị Mở phía làng sau.
Đây là đất văn vật Chăm, được thành lập từ ngàn năm trước, và nghề dệt cũng có đến chừng ấy tuổi thọ. Trước 1985, hàng dệt chủ yếu được bà con mang lên bán cho đồng bào Tây Nguyên hay dùng trong phong tục tập quán địa phương. Sau thời mở cửa, mới rộ. Ngoài Cơ sở Inrahani mà từ 7 năm nay thông tin đại chúng liên tục đưa tin về nó. Mỹ Nghiệp còn có mươi tổ chức nhỏ khác nhau với khoảng 10 – 20 thợ dệt, làm ăn cũng khá bài bản. Lương bình quân công nhân hàng tháng từ 400.000 – 500.000 đồng. Nếu nhà có ba tay dệt nhận sợi về gia công thì kiếm được hai triệu một tháng không là chuyện khó.
Nhưng ở thời điểm tôi viết bài này, thổ cẩm Mỹ Nghiệp đang lao đao. Từ cơ sở tổ chức đến người làm công đều đang khốn đốn về hàng ứ thừa hay mất việc làm. Thợ nợ chủ, chủ nhỏ nợ chủ lớn, cửa hàng nợ nhà tổ chức sản xuất… cứ thế mà dây chuyền níu nhau lên lão, như dân ở đây thường nói đùa thế. Mỹ Nghiệp lâu nay nuôi con ăn học trông vào tiền thổ cẩm, nay các bà mẹ phải chạy vay. Nhưng chạy ở đâu?

Vẫn là câu hỏi nhức nhói ấy.
Câu hỏi đuổi theo tôi suốt đoạn đường bảy tiếng xe chạy đến tận Sài Gòn vẫn chưa được giải tỏa.
Cửa hàng thổ cẩm Inrahani ở thương xá TAX đã không còn thuần Chăm nữa. Một nửa đã nhuộm màu sắc của núi rừng cực Bắc lẫn Tây Nguyên: Thái, Mông, Hà Nhì, Dao, Êđê, Mạ… đang hội tụ ở đây. Chị Thuận Thị Trụ cho tôi hay cách đây một năm chị cũng có dùng vải gấm để chế tác ra ba lô, túi xách… nhưng nay nghỉ hẳn rồi. Chỉ chuyên vào thổ cẩm dân tộc. Chính tính chuyên sâu này cộng với danh hiệu Bàn tay vàng do Hội đồng Trung ương liên minh HTX Việt Nam cấp, chị được tài trợ dự các cuộc triển lãm ở Mã Lai, Thụy Sĩ, Nhật… Chị đã gõ tất cả cánh cửa để tìm lối ra cho thổ cẩm. Có cánh cửa mở một, hai lần rồi khép lại. Sẽ có nhiều cách cửa khác mở ra, miễn là chúng ta biết gõ – chị nói cà cười. Thổ cẩm sẽ không bao giờ chết, chị khẳng định thế.

– Người ta bảo, chị là người phụ nữ Chăm làm giàu nhờ thổ cẩm, có đúng thế không? Tôi nửa đùa nửa thật hỏi chị.
– Đấy là anh tự ý thay cái tít báo. Thành đạt chứ không phải giàu, khác nhau xa lắm. Vì nếu tôi chỉ muốn muốn làm giàu không thôi, tôi sẽ không bao giờ tổ chức sản xuất. Đóng vai nhà lưu thông phân phối là khôn nhất.
Và chị kể tôi nghe phương thức của Cơ sở: làm ăn theo qui trình vừa khép vừa mở. Khép từ khâu nguyên vật liệu, sản xuất, chế tác đến tiêu thụ. Mở nghĩa là có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của khách hàng, phân phối bằng nhiều cách thức…
– Và thổ cẩm sẽ không chết? Tôi hỏi lại chị.
– Vâng, chẳng những không chết mà còn phát triển khỏe nữa.
Bỗng tôi mơ hồ nhận ra một điều gì đó vừa chớm nẩy ra trong tôi. Một suối nguồn, một tiếng nói như từ rất xa xăm. Lẽ nào một mảnh văn hóa phát nguyên từ chiều sâu lịch sử như thế lại có thể mất đi một cách dễ dàng đến như vậy? Không! Dù tôi chưa thực sự hình dung rõ lắm lẽ bất diệt của suối nguồn văn hóa như văn hóa đa dân tộc Việt Nam, nhưng qua giọng điệu, cái nhìn của phụ nữ người Chăm này, tôi nghĩ: thổ cẩm sẽ sống, mãi sống.

Sài Gòn, mùa thu 1999

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *