Về bài thơ Hơn cả nỗi chia xé
Sài Gòn, tháng 02.2006
Bạn trẻ thân mến!
Bàn về thơ mình là điều tối kị, với tôi. Nhưng bạn đã yêu cầu rồi, nên chúng ta thử phá lệ, nhé! Một bài rút ra ngẫu hứng: “Hơn cả nỗi chia xé” (Hành hương em).
Không còn ở lại mẫu số chung sử mệnh nữa rồi
mọi sức rướn đang ngoi tìm tử số
ngậm tiếng hát riêng lẻ
nhận làm đứa con thiếu tháng của ngọn đồi hoàng hôn.
Ánh sáng cơ hồ xé lẻ chúng ta
thứ ánh sáng choáng ngợp
màu nắng chung nhưng tôi – em linh hồn ngoảnh mặt
như chưa từng là khổ đau.
Như chưa từng đã thẳm sâu
thế giới cơ hồ nứt đôi nơi khuôn mặt em ngời rỡ
xăm xăm chiều Tây phương.
Từ đỉnh mây hư danh, cô đơn ném tôi rớt về mẫu số
với những ngọn cỏ mất sức trồi lên.
Hãy tha thứ cho chúng tôi mô đất tòng phạm của đồi
đang rời bỏ hạt mầm chưa nguội
đang quay lưng đường cày chực thức
đang thả nổi ngữ ngôn tắc nghẽn lối bảo tàng.
Hãy tha thứ
ơi những thi sĩ vô danh
đã hoài công tạc tụng ca không lời vào nắng.
Đây là bài thơ mang chở nhiều yếu tố ẩn dụ. Nội dung thơ dạng tự sự-xã hội: một nhận diện sự thật, một cảnh tỉnh, phê và tự phê.
1. Thuật ngữ toán học được sử dụng ở đây là sự lạ. Lạ hơn, khi nó được dùng để biểu hiện tâm thế của tác giả và bộ phận xã hội Chăm. TỬ SỐ: nhà văn, tiến sĩ, nông dân, giám đốc doanh nghiệp, chủ tịch, trẻ mồ côi, công nhân, người làm công, cán bộ, kẻ lang thang, sinh viên,…
__________________________________________________________________
MẪU SỐ: Chăm
Không còn ở lại mẫu số chung sử mệnh nữa
Sống, và cuộc sống cứ xuôi dòng trôi đi: thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, … Ăn, ngủ, thức dậy, nói cười, làm việc, buồn nhớ, … ngày trôi qua, và tháng trôi qua… Trong dòng đời lặp lại đến nhàm chán ấy, đột ngột, chúng ta chợt nhìn lại và khám phá ra con người mình. Sử mệnh, định mệnh dân tộc, cái mẫu số chung đau khổ – nó đang có đó: nằm chình ình ở phía dưới đáy đó. Lâu nay, trong đấu tranh sinh tồn đầu tắt mặt tối, trong cạnh tranh quyết liệt để giành đất đứng, hay giữa trận liên hoan tiệc tùng mù mịt hơi men, chúng ta như lãng quên. Quên gì? Quên chúng ta là Chăm!
mọi sức rướn đang ngoi tìm tử số
Như từng cá thể, chúng ta quyết ngoi lên, muốn đạt thành công trong cuộc bon chen không khoan nhượng này: phấn đấu lấy mảnh bằng, một ghế ngồi vững chắc, thậm chí một danh vị rất hão huyền. Được thôi, nỗ lực ngoi lên “tử số”, không có gì đáng phiền cả. Bởi, dù thế nào cũng phải lo trước cho tấm thân, cho no cơm ấm áo. Nhưng sau đó, chúng ta làm gì? Có phải giật được mảnh bằng để về làm oai với bà con, giàu sang rồi về làng lên mặt ta đây với chú bác hay, có địa vị cỏn con để rồi ức hiếp láng giềng hàng xóm!? “Không ai có thể hát thay chúng ta”! Chúng ta biết thế, nhưng vì tính toán nhỏ nhen, chúng ta luôn:
ngậm tiếng hát riêng lẻ
nhận làm đứa con thiếu tháng của ngọn đồi hoàng hôn.
Như một cá thể biệt lập, ta chỉ biết có ta, không nhìn rộng xa hơn, cao lên, vượt khỏi hàng rào nhà mình. Chịu an phận. Đánh nhịp với dòng suy tưởng này, đọan thơ được viết từ 15 năm trước:
Trí thức là nửa mùa: mảnh bằng cử nhân thì đã đủ
Vốn kiến thức nửa mùa may lắm mới mang nổi cái thân các
Chẳng ai nhìn cao hơn, không người nhìn xa hơn
Tự chấm tọa độ đời mình trong sương mù quá khứ
Thế giới rộng lớn vô cùng, ta ngồi nhà đóng cửa
Dòng sống phong phú dường bao, ta mãi đứng bên bờ
Như con rắn nằm cuộn tròn ôm giấc mơ xưa
Tàu cuộc đời vụt qua cho ta hoài lỡ chuyến
Ôi! Lẽ nào ta mãi nhận mình làm người khiếm diện
Ngày hôm nay rồi cả ngàn đêm sau
Ta ru ngủ ta bằng hơi thở phều phào
Một luồng gió mạnh đủ làm ta thở hắt!
(Trường ca “Quê Hương”)
2. Đoạn thơ thứ hai tiếp tục cuộc mổ xẻ thực trạng và nguyên nhân. Thực trạng là:
màu nắng chung nhưng tôi – em linh hồn ngoảnh mặt
như chưa từng là khổ đau.
Vẫn chung đất nắng ấy, chung khai sinh Chăm ấy, nói tiếng mẹ ngàn đời ấy nhưng hôm nay chúng ta đã suy nghĩ khác, ước vọng khác, như là chúng ta “chưa từng khổ đau”, chưa từng nằm dưới mẫu số chung của định phận. Cơ sự là:
Ánh sáng cơ hồ xé lẻ chúng ta
thứ ánh sáng choáng ngợp
Ánh sáng của thành công và vinh quang hão, của lợi lộc nhất thời đã làm chúng ta choáng ngợp. Choáng ngợp nên, quên định phận.
3. Văn hóa dân tộc – Bhap ilimo như dòng sông cuồn cuộn chảy, hãy đến đó mà tiếp nhận, mà tẩy rửa. Nó như suối nguồn, một kho tàng vô tận cung cấp món ăn tinh thần cho ta, nhưng ta như thể không hay không biết: “Như chưa từng đã thẳm sâu”!
Có khi vì ngộ nhận, chúng ta đã chối bỏ những gì cha ông để lại, hăng hái nhập ngoại nếp sống và tôn thờ văn hóa ngoại lai. Pauh Catwai:
Bilauk li-u iku bamong
Nhjrung gơp tapong lac ilimo!
Sọ dừa, cái đuôi chót của tháp
Hè nhau mang vác bảo văn hóa đây!
Tây phương không còn là trung tâm của văn hóa nhân loại. Tinh thần hậu hiện đại từ chối mọi thứ trung tâm, cho dẫu trung tâm đó ở đâu. Cực đoan như Spengler: Văn minh phương Tây đã suy tàn, đã về chiều (Déclin de l’Occident), em lại sùng mộ nền văn minh ấy. Rõ hơn: em hối hả lượm nhặt đầy phấn khích phần mảnh suy tàn của nó. Và vứt bỏ mọi mảnh vụn văn hóa cha ông mà em cho là đã lạc hậu. Từ đó mọi nỗ lực cứu vãn văn hóa dân tộc đều thất bại. Thế giới chúng ta nứt đôi, tinh thần chúng ta phân hóa:
thế giới cơ hồ nứt đôi nơi khuôn mặt em ngời rỡ
xăm xăm chiều Tây phương.
4. Nhưng, thế nào rồi chúng ta cũng vỡ ra lẽ phải, sự thật. Thất vọng ê chề trong cuộc truy tìm an ninh ngoài lề, hay dẫu có đứng chót vót trên đỉnh cao của vinh quang, giây phút nào kia em bất chợt khám phá nỗi cô độc tận sâu thẳm tâm thức mình. Em quay trở lại với nguồn suối tinh khiết ban đầu: Quê hương. Em nhận thấy tất cả phấn đấu sao mà vô nghĩa, mọi chức danh chức vị như số không khổng lồ, em đối mặt với khoảng rỗng mênh mông của số phận ta và cả số phận dân tộc:
Từ đỉnh mây hư danh, cô đơn ném tôi rớt về mẫu số
Chú ý: đang “chúng ta”, “em”, đột ngột đến đoạn này tác giả chuyển sang đại từ Tôi. Tại sao? Bởi tôi phải là kẻ ý thức đầu tiên, phải chịu bị “ném” trước tiên. Không phải là “đẩy” mà là quăng “ném” trở lại “với những ngọn cỏ mất sức trồi lên”. Ngọn cỏ đó là những kẻ vô danh đang phận hẩm hiu ở góc tối làng mạc, những mảnh đời trầm lặng, đang chịu đựng lịch sử. W.Faulkner: chính những con người có số phần thấp hèn ấy lôi cuốn ông mãnh liệt. Họ làm nên sự vĩ đại của các sáng tác ông.
5. Chúng ta luôn là kẻ có tội, và Tôi là người đầu tiên phải ý thức điều ấy, nhận diện điều ấy. Sau này, Lễ tẩy trần tháng Tư:
Sống có nghĩa là mang tội – tội lỗi bày ra
không cho ta sám hối, càng không để sẻ chia
nó xóc ta cô đơn sòng bạc cuộc đời.
Có tội hôm nay, ta trả giá cho mai sau. Vì hèn nhát của tôi, yếu đuối của tôi, sự toan tính nhỏ bé của tôi, việc ôm khư khư khương gạo – khik gauk brah của tôi đã khiến tôi làm “tòng phạm” với những bạc nhược: “Hãy tha thứ cho chúng tôi mô đất tòng phạm của đồi”. Chú ý: “ngọn đồi” hai lần được lặp lại. Nó biểu trưng cho sự lưng chừng, một cõi trung bình tai hại, chứ không là đỉnh cao sang trọng hay đồng bằng tràn phù sa; thế mà chúng ta lại tình nguyện làm “mô đất” là thứ thấp kém hơn nữa, tòng phạm với đồi kia! Chỉ bởi mấy lí do vụn ấy mà Tôi từ chối niềm hi vọng nhỏ bé đang phôi thai trong cuộc sinh hoạt đời thường:
đang rời bỏ hạt mầm chưa nguội
đang quay lưng đường cày chực thức
Tôi phó mặc ngôn ngữ mẹ đẻ – là nền tảng của mọi nền tảng văn hóa – giẫy chết hàng ngày, và hàng ngày tôi “thả nổi ngữ ngôn tắc nghẽn lối bảo tàng”.
Tiên tổ ơi! Xin tha thứ cho con, và xá tội cho chúng con! Bao con người vô danh đã dựng nên nền văn minh vĩ đại này, chúng con đang bất lực nhìn nó tàn tạ, hôm nay:
Hãy tha thứ
ơi những thi sĩ vô danh
đã hoài công tạc tụng ca không lời vào nắng
Đó phải chăng là tiếng kêu cứu? Đau “hơn cả nỗi chia xé”. Nhưng biết đâu, nó đồng thời nó cũng là tiếng kêu cứu chữa, ai hiểu được?!