Trước thềm thế kỉ XXI, đọc lại Pauh Catwai

Trước thềm thế kỉ xxi, đọc lại Pauh Catwai
(Đối thoại giả tưởng)
Trí thức – Bản sắc văn hóa –
Truyền thống và sáng tạo – Tinh thần mới

I. Thế nào là trí thức?

Người đối thoại (NĐT): “Bên cạnh đó, tác phẩm thuộc dòng văn học mới ra đời, đã tạo biến cố trên văn đàn Chăm lúc đó: Pauh Catwai. Bằng một giọng thơ rắn rỏi với lối suy tư bộc trực, Pauh Catwai – đằng sau phê phán sự đổi trắng thay đen của nhân tình thế thái trong một xã hội rã mục – đã đụng chạm đến cốt lõi của vấn đề xã hội Chăm lúc bấy giờ (và cả ngày nay): cần phải bảo vệ nền văn hóa của cha ông để lại”.
Đó là đoạn trích dẫn ở “Phần dẫn nhập” từ cuốn Văn học Chăm – khái luận, do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc in năm 1994. 8 năm qua đi, đọc lại anh có thấy cần sửa đổi?

Inrasara: Không, đoạn văn còn đó tính thời sự. Tinh thần của Pauh Catwai vẫn còn nguyên giá trị đánh động và cảnh báo của nó. Pauh Catwai không chỉ là một áng văn chương hay mà còn phải được xem như một thái độ của trí thức lớn trong giai đoạn đen tối nhất của thân phận dân tộc, của số phận một nền văn hóa dân tộc.
Qua tầm nhìn rộng, xa, thấy trước (glơng anak), bằng ngôn ngữ thơ sắc bén mang tính điểm huyệt của ông, Pauh Catwai đặt vấn đề trí thức: tính cách và thái độ trí thức với tiền bạc, trong xã hội đổi trắng thay đen, trước nền văn hoá sắp sụp đổ nay mai, vấn đề giả bản sắc hay phản văn hoá…

NĐT: Người đọc có thể nghĩ anh bàn xa, tán rộng như là mượn một tác phẩm cổ nhân để nói quan điểm của mình, đặt vấn đề hôm nay…

Inrasara: Đành rằng một tác phẩm, mỗi thế hệ có thể “tán” từ điểm nhìn khác nhau, nhưng cái cốt tuỷ của nó luôn còn lại như là nền tảng. Bhap ilimo – văn hoá dân tộc (đúng hơn: văn hoá quần chúng) là một trong những từ cốt tuỷ của Pauh Catwai: 2 lần tác giả nhắc đến nó, đặt nó ngay cuối câu ariya – lục bát Chăm: một câu thể hiện ở dấu hỏi làm sao, thế nào, một ở dấu than e rằng, sợ rằng.
Câu 38. Sa bauh cơk tajuh gilaung
Sibơr ka thraung bhap ilimo
Một ngọn núi bảy ngả đường
Thế nào cho thông văn hoá dân tộc
?
Câu 99. Hajiơng ra caik pakhik
Đa ka lihik bhap ilimo
Nên người cho canh giữ
E cho mất cả văn hoá cha ông
!

NĐT: Anh có thể nói rõ hơn về hoàn cảnh ra đời của nó?

Inrasara: Pauh CatwaiAriya Glơng Anak ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX trong một xã hội sôi động những biến cố đang chực nổ tung. Vào buổi giao thời, các nhà văn Chăm đã nhận ra thế đứng của mình trong xã hội, biết đặt vấn đề trước chuyển biến của thời cuộc, và nhất là đã tỏ thái độ. Trong khi Ariya Twơn Phauw, Ariya Kalin Thak Wa, Ariya Kalin Nưsak Asaih… diễn tả với ít nhiều phê phán cuộc chiến bi thương được phát động bởi các người chủ trương bạo động đang cố gắng vùng vẫy trong tuyệt vọng; và trong lúc Ariya Ppo Cơng, Ariya Ppo Parơng… kể lại một cách lạnh lùng tình hình xã hội Chăm lúc bấy giờ với những cưỡng bức, những lo sợ, khốn khổ, những cuộc ly tán, những cái chết… thì tác giả Ariya Glơng Anak Pauh Catwai, với thái độ của một triết nhân, đã đặt lại vấn đề từ nền tảng: khôi phục một vương quốc đã rã tan hay chỉ nên truy tìm sinh lộ cho dân tộc hoặc cho nền văn hóa dân tộc trên mảnh đất yêu thương và đau khổ này? Câu hỏi được nêu lên đúng lúc và đúng trọng tâm. Và hỏi có nghĩa là đã trả lời.

NĐT: Nhưng giải pháp chủ đạo của Glơng Anak đã bị lịch sử vượt qua. Ngày nay, sau gần 200 năm biến cố qua đi, dân tộc Chăm đang sống hòa đồng cùng với 54 dân tộc anh em khác trên dải đất hình chữ S này…

Inrasara: Vâng, giải pháp giai đoạn thì có thể bị vượt nhưng tư tưởng chủ đạo thì không. Tư tưởng chủ đạo: đó là việc đặt câu hỏi về sứ mệnh của trí thức, chức năng của văn chương xuyên suốt tác phẩm. Thoát ra khỏi cái bóng của văn chương cung đình như bi ký, sử thi… Glơng Anak Pauh Catwai đã đi trước thời đại một bước quyết định. Đây là dòng thơ triết luận – chính luận đầu tiên của nền văn học cổ điển Chăm được viết bằng văn phong của bậc thầy. Mỗi câu văn thấm đượm tinh thần nhân bản cao cả, cái ưu tư lặn xuống đến tận những sinh phận yếu đuối, hèn kém nhất:
Dơng sa drei sa nưgar di krưh hanrai
Đứng một mình một bóng giữa đại dương
Trên cồn trắng cát bồi…

Cuộc thế đảo điên, các thành phần ưu tú nhất bỏ làng xoms ra đi (chúng ta không trách cứ họ), nhưng Glơng AnakPauh Catwai đã ở lại, ở lại giữa lòng hư lạnh của quê hương. Và nhận phận và yêu mệnh. Từ đó suy tư tìm cái khả dĩ giúp con người nguôi bớt nỗi khổ đau thế cuộc.
Một người bạn Chăm ví rằng như trong cơn thương khó của một gia đình, giọng điệu, thái độ Glơng Anak là của một bà mẹ ôn tồn giải thích, còn Pauh Catwai đích thị của một ông cha sắc bén roi vọt.

NĐT: Đó là thái độ của trí thức đúng nghĩa trong một giai đoạn lịch sử đã qua. Còn vấn đề của trí thức hôm nay? Và thế đứng của họ trong giai đoạn lịch sử đương thời thì sao?

Inrasara: Tôi không xem con người có học hàm, học vị, ngồi ở địa vị cao và được xã hội ưu đãi hay những kẻ có khả năng làm một công việc đầu óc nào đó là trí thức. Có thể gọi họ là chuyên gia hay bằng một từ nào đó bất kì, nhưng không hẳn là trí thức. Trí thức là biết tỏ thái độ mang tính trí thức trước thời cuộc.

NĐT: – Anh có thể nói rõ hơn?
Inrasara: – Từ trí thức có một hàm nghĩa rất rộng, đưa ra một định nghĩa khả dĩ mọi người chấp nhận được là một điều khó. Ở đây chúng ta tạm nêu ra các thuộc tính của nó.
– Người trí thức là kẻ có học thức, trong nhà trường/tự học hoặc cả hai, do đó có thể có hay không có bằng cấp. Biết rằng, 40 năm trước trong xã hội Chăm, người có bằng cấp Trung học cũng đã được xem là trí thức rồi. Nhưng hôm nay thì không. Đại học đang là mặt bằng học vấn mà xã hội đòi hỏi nơi thanh niên Chăm. Hãy chú ý hơn đến những con người tự đào tạo. Bởi không có bằng cấp, ông đã phấn đấu thường trực – không như (đa số) kẻ được đào tạo qua nhà trường, ngưng lại, và không tìm học thêm, an tâm ăn mòn vào kiến thức cũ.
– Vì vậy chúng ta đi vào thuộc tính thứ hai với yêu cầu thực tiễn hơn: trí thức là người thường xuyên tham gia các hoạt động trí tuệ có tính xã hội. Nếu ông không thường xuyên thì ông chỉ nửa thức nửa ngủ, lơ mơ muốn làm hay không cũng được.
– Thuộc tính thứ ba: trí thức là kẻ tự chọn cho mình trách nhiệm xã hội. Không ai buộc ông phải trách nhiệm. Trách nhiệm đó ông phải tự đặt lên vai mình, gánh vác lấy nó suốt cuộc đời trí thức, tranh đấu và sẵn sàng sống chết cho nó. Trong một hoàn cảnh xã hội đặc thù, ông có thể tham gia hay từ chối tham dự. Tuy nhiên, thái độ này chỉ xảy tới trong một giai đoạn. Và ngay lối hành xử này cũng phải được ông xem là một thái độ trí thức.
– Từ đó, trí thức là con người được xã hội kì vọng, như là một tiếng nói thay mặt cho cộng đồng. Dù trí thức luôn giữ thế độc lập trong suy nghĩ và hành động (nếu không thế ông chỉ là kẻ theo đuôi – ăn theo, nói theo). Nhưng luôn vì lợi ích của cộng đồng, cho cộng đồng.
Điều cần lưu ý là không thể luận trí thức ở chỗ thành/bại. Hiệu quả của hành động trí thức là có tính trí thức. Nó là lương tâm của cộng đồng và dân tộc mình. Nó tác động ở mạch ngầm, bề sâu và dài hạn. Chứ hiếm khi ngay tức thì.

NĐT: Trong văn chương Chăm, anh nhận định rằng có đến ba thái độ (hay ba giải pháp) chủ đạo trong giai đoạn khủng hoảng…

Inrasara: Chúng ta có thể cho đó là ba thái độ mang tính quyết định. Twơn Phauw, Glơng Anak Pauh Catwai là các khuôn mặt tiêu biểu. Twơn Phauw chủ trương bạo động (cả hành động), và đã thất bại. Hậu quả của nó thật khôn lường(1). Glơng Anak: cần bảo vệ dân đen đang trong cơn khốn quẫn. Và Pauh Catwai: bảo tồn nền văn hóa to lớn mà dân tộc đó xây dựng nên.

II. Trí thức Chăm hôm nay

NĐT: Đến đây chúng ta sắp đụng chạm đến nội dung của thái độ trí thức. Nhưng trước khi bàn sâu hơn, hãy thử điểm danh những khuôn mặt “trí thức” Chăm hôm nay. Đáp ứng đầy đủ 4 thuộc tính anh nêu ở trên quả là chuyện tìm sao dưới ruộng đối với “trí thức” ta. Ở đây chỉ nên đề cập tới những người, thành phần có “nguy cơ” trở thành trí thức.

Inrasara: Một ít điểm danh nhé: chúng ta có một vị là Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc (thuộc Quốc hội), 1 Đại biểu Quốc hội, 3 vị làm việc trong các cơ quan nghiên cứu khoa học (xã hội) cấp Trung ương, 1 nhạc sĩ, 1 họa sĩ, 1 nhà điêu khắc, 1 nhà văn, cả chục nghiên cứu sinh, gần một ngàn người có trình độ đại học, hơn 100 người đang hoạt động nghiên cứu – trình diễn văn hóa – nghệ thuật cấp Tỉnh… Nghĩa là Chăm đang có mặt hầu như ở tất cả các ngành, các cấp. Một lực lượng được đào tạo hay tự đào tạo thật xôm tụ, đáng đồng tiền hạt gạo. Thế mà, chúng ta vẫn thấy mình còn thiếu cái gì đó: chưa có đỉnh cao, chưa tạo một tiếng nói có trọng lượng; quần chúng chưa tin vào giới trí thức, và ngay cả thành phần ưu tú này cũng không tin vào mình.

NĐT: Tại sao?.
Inrasara: Trí thức là người biết, tìm để biết. Một truyện cổ Chăm: Đi tìm học bán vợ, kể rằng ông nông dân đã thế chấp ruộng, đợ con, với mục đích duy nhất: học. Thầy đã thử đề nghị một điều tối kỵ: cho vợ ông sang nhà thầy phục vụ. Sau phút ngập ngừng, ông đã chấp nhận. Cảm khái trước tình yêu tri thức của ông, Guru đã không nỡ cưỡng ép, cuối cùng trả lại tất cả, khi đã truyền cho ông kho kiến thức.
Đó là thái độ thiện tri thức đúng nghĩa. Hỏi ai trong chúng ta dám hành xử như thế, hôm nay? Mang danh “trí thức”, chúng ta luôn chọn thái độ đà điểu trước thời cuộc: không nghe, không thấy, không biết. Biết để mà nói đúng, nói qua tấm lòng trong sạch và tư tưởng xây dựng lành mạnh. Chúng ta tưởng chúng ta biết, nhưng khi đụng đầu với thực tế khắc nghiệt, mới vỡ ra rằng chúng ta không biết gì cả.

NĐT: Tôi nghĩ đấy là ảo tưởng chung của thanh niên Chăm, có lẽ. Ông Thành Phú Bá – nguyên hiệu trưởng Trường trung học Pô-Klong – có một sự quan sát tinh tế này: đa phần các học trò xuất sắc ngày cũ luôn bị thất bại trong trường đời. Có phải những người có trí thông minh trung bình thường thực tế hơn?

Inrasara: Pauh Catwai luôn cảnh giác chúng ta về thứ trí thức nửa mùa này.
Hajan laik sa bauh dwa bauh
Buh di kadauh wak ngauk linha
Mưa rớt hạt một hạt hai
Bỏ vào bầu rồi treo lên gióng
.
Cái cảm giác đã đủ đầy này, sự hãnh tiến trí thức này còn tệ hại hơn vốn hiểu biết của anh nông dân mới qua bậc tiểu học. Vì ít ra anh nông dân còn biết rằng mình chưa biết để mà hỏi. Ông Nguyễn Văn Tỷ, Trưởng Ban biên soạn sách chữ Chăm, có kể một câu chuyện đáng buồn rằng các nhà nghiên cứu về Chăm trong thời gian điền dã nhận rằng họ ít khi nghe được câu trả lời:“tôi không biết”, từ người được hỏi. Khi chúng ta không biết hoặc biết mơ hồ thì chúng ta tìm cách bày ra cái để nói. Còn sự đặt bày này dẫn chúng ta tới đâu, có trời mới biết. Trong khi, với tốc độ phát triển của thế giới hôm nay, mỗi tri kiến, mỗi kinh nghiệm sau 4, 5 năm cũng đã lạc hậu rồi.
Biết là một chuyện, biết và dám nói là một chuyện hoàn toàn khác. Nhưng dường như sự sợ hãi vẫn còn đeo bám chúng ta chưa dứt. Nhát không đáng nhát thì trở thành hèn – hèn đại nhân! Bởi hèn nên chúng ta không dám nhận trách nhiệm. Không phải đợi ai bảo ban ông phải trách nhiệm, ông tìm tới nó, gánh lấy nó. Dù sự “gánh lấy” ấy đe dọa đến an ninh nhỏ bé của ông, chức vụ – địa vị nhỏ bé của ông.
Khủng hoảng tôn giáo hôm nay đang phân hóa xã hội Chăm (xã hội Chăm chủ yếu xoay chung quanh chuyện lễ hội, tôn giáo – tín ngưỡng), nếu chúng ta chưa chịu ngồi lại để tìm giải pháp cho nó; nếu chúng ta cứ bình chân như vại trước cuộc tranh chấp Dhya như ở Hữu Đức vừa qua, hoặc khi có bài nghiên cứu sai lầm hay những phát biểu lệch lạc khác trên báo chí đại loại như: Tháp Ppo Klaung Garai không phải do người Chăm xây dựng… mà chúng ta vẫn ngậm cám thì chúng ta vẫn còn xa vời với tinh thần Pauh Catwai, còn chưa tỏ thái độ xứng đáng của trí thức.

NĐT: Nhưng những con người đó đang dành tất cả thời gian cho nghiên cứu. Và thời đại chuyên sâu này không thể cùng lúc hoạt động trên nhiều lãnh vực.

Inrasara: Phải lôi họ ra khỏi “tháp ngà” thôi, không thì họ ốm mất (ốm được hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Không nên quan niệm văn hóa như cái gì thuần nghiên cứu. Văn hóa sách vở dẫu cần thiết nhưng là thứ văn hóa tĩnh, văn hóa chết. Pauh Catwai dùng từ bhap ilimo (văn hóa dân tộc) để chỉ cái văn hóa động. Đó là văn hóa của nhân dân, tồn tại trong sinh hoạt cộng đồng, và cho cộng đồng.
Bboh adat khing thraung hatai khik bibiak
Đạo sẽ còn nếu ta thành tâm lưu giữ

Khi nhiệt tâm với văn hóa dân tộc của chúng ta không còn, khi chúng ta chỉ mong qua hoạt động văn hóa để khuếch trương cái tôi – cái tôi của hư danh, địa vị hay tiền bạc – thì thực sự chúng ta đang hành động phản văn hóa không hơn không kém.

NĐT: Như vậy, làm thế nào bảo lưu văn hóa dân tộc khi trong tay trí thức lúc này không cả cái dùi để cắm đất?

Inrasara: Tôi nghĩ trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, tiền của chỉ đóng vai trò thứ yếu. Chính tấm lòng với phương pháp làm việc đúng mới quyết định.
Các tác phẩm để đời như Danh từ khoa học với Hoàng Xuân Hãn, Thi nhân Việt Nam với Hoài Thanh và Hoài Chân, Việt Nam văn học sử yếu với Dương Quảng Hàm… được các “anh” cho ra đời khi tuổi mới trên dưới tam thập. Không có con đường nào bằng phẳng dẫn tới khoa học cả. Trong khi tôi biết không ít “trí thức” được Đảng và Nhà nước quan tâm đúng mức chẳng làm gì ra trò, nói chi đến nói lên tiếng nói của đồng bào. Trách ai?! Như cá sống nhờ nước, thần hồn văn hóa chỉ có thể sống trong môi trường văn hóa. Nếu chúng ta vô tình hay cố ý đầu độc môi trường này thì nếp văn hóa truyền thống sẽ suy thoái và bị diệt vong trong một ngày không xa.

III. Văn hóa dân tộc: Bản sắc và giả bản sắc

NĐT: Nhưng làm sao có thể bảo vệ môi trường văn hóa khi thế giới đang có xu hướng trở thành một làng thu nhỏ – làng thế giới?

Inrasara: Khái niệm môi trường văn hóa rất rộng. Ở đây tôi xin đơn cử một ví dụ: nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong một bài phóng sự, đã có so sánh thái độ của cộng đồng người Hoa và người Việt ở nước ngoài. Trong khi người Hoa tập hợp thành một cụm dân cư để tự bảo vệ mình và bảo lưu các nếp sinh hoạt truyền thống thì người Việt ngược lại, sống phân tán và có xu hướng hòa tan vào cộng đồng người bản địa. Ít người Việt trẻ tuổi biết rành tiếng Việt, thích nghe dân ca quan họ, tuồng, cải lương… Trở lại với xã hội Chăm, dẫu không phổ biến, hiện tượng trong gia đình cha mẹ và con cái nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong lúc ở Ban biên soạn sách chữ Chăm – Ninh Thuận, các bậc chú bác họ đang vắt óc tạo từ mới để đáp ứng kịp nhu cầu diễn đạt những sự việc, ý tưởng hiện đại. Tôi biết có một gia đình Chăm giữa mênh mông Sài Gòn nói tiếng Chăm sõi hơn, hát dân ca Chăm hay hơn dân Chăm chính gốc Panduranga nữa.

NĐT: Văn hóa động – nghe mà ham. Nhưng làm sao có thể động mà vẫn truyền thống?
Bilauk li-u iku bimong
Nhjrung gơp tapong lac ilimo
Thứ sọ dừa đẹt của quầy
Bảo văn hóa đây, hè nhau mang vác

Nghĩa là vẫn có thể sáng tạo mà không mất bản sắc?

Inrasara: Câu hỏi này đụng đến một vấn đề rất rộng.
Văn hóa một dân tộc tồn tại ở bản sắc, phát triển ở tiếp nhận và sáng tạo. Câu hỏi đặt ra: thế nào là bản sắc? Chúng ta chỉ hiểu được bản sắc một cái gì đó khi đặt nó bên cạnh một cái khác/những cái khác. Đâu là bản sắc Chăm? Đâu là cái khác của Chăm so với dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam? Ở một lĩnh vực hẹp hơn – văn chương chẳng hạn, đâu là bản sắc, cái khác biệt nổi bật của văn chương Chăm khả dĩ làm đa dạng thêm nền văn học Việt Nam?
Nhưng thử hỏi chúng ta đã làm việc đầy đủ cho công cuộc “nêu bật” ấy chưa? Việc sưu tầm – dịch thuật – phân tích vốn cổ văn học như của Chăm là điều đến tận hôm nay còn bỏ ngõ. Trong lúc đó, các ấn phẩm về nền văn học dân tộc này được làm vội bấy lâu đang được các nhà tuyển, tổng của ta sưu tầm lại đầy tắc trách. Ví dụ cuốn Truyện thơ Chàm,(2) được in lại trong 5 tuyển, tổng tầm cỡ 10 năm qua, trong khi nó đã bị đưa ra phê phán nhiều lần rằng đây không phải của Chăm đúng là Chăm. Tốn tiền của nhân dân rất vô ích (và cả có hại) là thế.
Như vậy, vấn đề thứ hai đặt ra là phản bản sắc và giả bản sắc.
Nhưng làm thế nào để biết bản sắc?
Đọc thơ Inrasara, một nhà thơ “ muốn tìm hiểu thơ anh có cái gì thật bản sắc (tôi nhấn mạnh) mang đậm cốt cách Chăm của anh hay không, nhưng hơi khó vì thơ anh là thơ hiện đại, lại rất gần với thơ Việt từ giọng điệu, ngôn từ, cách thể hiện…” (3); trong khi nhà văn khác thì thấy thơ Inrasara “hiện đại mà đậm đà bản sắc Chăm”(4) Vậy đó, bản sắc là cái gì còn rất mơ hồ, nhất là của Chăm. Dù các thành tựu nghiên cứu văn hóa Chăm chưa phải là nhiều, nhưng ai trong chúng ta đã đọc hết chúng? Đọc thôi, chứ chưa nói biện biệt cái đúng – sai, từ đó chắt lọc, cô đúc ra cái bản sắc như là bản sắc.

NĐT: Còn cái giả bản sắc hay phản bản sắc? Anh nghĩ sao về “phát triển” dân ca Chăm, tôn tạo tháp Chàm hay các điệu vũ mới chế tác trong những năm gần đây?

Inrasara: Lại một vấn đề nữa, vừa tế vi vừa tế nhị. Phải thật sự công bằng trong nhận định, không vì tự ái dân tộc hay mặc cảm thua kém, càng không nên nói hùa, nói theo – dù là theo kẻ lắm uy tín. Tinh thần bảo thủ cũng nên dẹp bỏ. Chúng ta bình tĩnh xét nhé:

1. Cuốn Văn hóa Chăm,(5) in năm 1990 là cần; dù không có phát kiến mới nhưng nó cung cấp cho Chăm và những kẻ quan tâm tới văn hóa Chăm kiến thức tổng quát và tương đối đầy đủ. Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm,(6) cũng thế. Hoặc trước đó nữa, Lược sử dân tộc Chàm,(7) đã cho thế hệ trẻ cái nhìn tổng quát. Chỉ có ngốc mới đi phê phán nó hay yêu cầu nó làm hơn thế. Nhưng nếu hôm nay hoặc 10 năm sau mà lại viết hệt như vậy thì thật ngớ ngẩn.
2. Về kiến trúc – điêu khắc: bôi sơn lên tượng Chăm hay cố gắng phục chế tháp Chàm cho giống (làm sao mà giống?) thì rất ư phản bản sắc, nhưng đóng góp của Kazik trong dựng dậy Mĩ Sơn lại là một công trình cực kì. Ông chỉ dùng vật thay thế tạm thời, tạm thời với điều kiện bấy giờ cho phép. Còn nếu sau này các nhà nghiên cứu tìm thấy chất kết dính, lối nung gạch… thì sẽ lấy nó ra. Chứ không có ý đồ làm giống. Thử hỏi nếu không có Kazik thì Mĩ Sơn đã thành gì rồi?(8)
3. Nổi cộm hơn cả là các điệu múa Chăm. Múa Khát vọng của Đặng Hùng chẳng hạn, có lẽ là điệu múa bị phản ứng quyết liệt nhất. Nhưng công bằng mà xét, đó là một sáng tạo độc đáo, hay, đẹp. Không hay, đẹp là lỗi ở kẻ tài hèn trí mọn học mót ông chưa đến nơi đến chốn. Từ đó làm bậy: đưa chính con em nhà quê ăn mặc kiểu Apsara lên múa, và múa ngay tại làng quê Chăm. Phản cảm đến… phản động! Còn bao nhiêu điệu múa khác nữa, các “nghệ nhân mới” Chăm nên tự kiểm thì hay hơn, trời ạ!
4. Về chuẩn hoá akhar thrah của Ban biên soạn sách chữ Chăm. Đây là vấn đề sư phạm theo quan niệm mới, dù bị một thành phần nhỏ người có chữ nghĩa Chăm phản ứng nhưng nó không đến nỗi tệ như vài người đã phê phán. Sau khi rành lối viết của Ban biên soạn, các em chuyển qua lối viết cũ không có gì là khó. Riêng việc đặt ra từ mới, đó là việc cần thiết, dù do hạn chế về trình độ chuyên môn nên đã gây không ít chông chênh trong từ vựng – ngữ nghĩa. Điều quan trọng hơn cả là: ai sẽ dùng nó? Khi vốn từ được sử dụng thường xuyên, nó sẽ “lưu thông” và tự sửa sai.

Tại sao không dám sáng tạo? Nếu chỉ khám phá mình như là mình thì đã đủ chưa? Nếu chỉ biết để bảo tồn, chúng ta sẽ làm kẻ giữ kho của cha ông, không hơn. Tiếp thu và sáng tạo. Tiếp thu mình và thiên hạ để làm ra cái mới. Bởi nếu nhìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc như là cái gì bất di bất dịch thì rất là lạc thời.
Vì ngay cái gọi là bản sắc hay truyền thống cũng là một sáng tạo trầm tích qua nhiều thế hệ. Có thể nói đấy là tiếp thu và sáng tạo được ông cha ta chia ở thì quá khứ. Thế hệ đến sau cũng sẽ gọi là bản sắc cái chúng ta đang dốc sức sáng tạo hôm nay.
Nhưng ai trong các người làm thơ (dẫu nghiệp dư) Chăm nghiêm túc học tập thể ariyapauh catwai truyền thống? Chưa ai cả! Chúng ta chưa biết học ông cha mình, học bản sắc dân tộc anh em khác trên đất nước mình, nói chi đến thế giới xa xôi. Vả lại, chúng ta luôn học trễ. Thơ Việt học Đường luật trễ đến hơn 2 thế kỷ, học Trường Lãng mạn Pháp trễ 70 – 80 năm. Tày, Thái, Chăm… tôi nghĩ, có lẽ cũng không hơn. Văn chương chúng ta lọt tọt sau thiên hạ chẳng có gì là lạ.
Khi chúng ta vẫn còn giữ được tâm hồn Chăm, suy tư Chăm thì bất kì làm công việc gì, Chăm tính trong ta vẫn biểu hiện. Dù chúng ta lấy vợ Pháp, hát nhạc pop, sáng tác thơ tự do bằng tiếng Việt hay chúng ta phiêu lãng đến cùng trời cuối đất đi nữa.
Văn hóa động không chịu dừng lại ở những gì đã có, không cứ mãi vuốt ve lòng kiêu hãnh qua những gì cha ông để lại mà phải dám sáng tạo cái mới, có những đóng góp mới.

NĐT: Trong thời gian gần đây không hiếm kẻ nhân danh văn hóa động đã đem bán rẻ di sản văn hóa cha ông? Pauh Catwai được viết từ hơn một thế kỷ rưỡi qua đã là một dự cảm đau lòng:
Krung adat mưng muk kei
Kwơc nau pablei lac o xanak.
Di sản cha ông ngàn xưa
Hốt đi bán bảo rằng không thiêng
.

Inrasara: Đúng, khi chính người Chăm chứ không phải ai khác đã lấy cắp vương mão Ppo Rome bán cho chủ tiệm vàng hay khi con cháu trong nhà để cho ciet sách quý giá của ông bà dần thất tán. Nhưng sai, nếu bảo Thiên Sanh Cảnh bán văn hóa. Bây giờ chúng ta cần ghi công ông khi ông đã làm cái việc mà trước đó chưa ai đã làm được: chuyển Akayet Dewa Mưno, Glơng Anak… ra tiếng Việt để nhiều người biết đến văn chương Chăm hơn. Cần phải biết biến sản phẩm văn hóa thành một thứ hàng hóa. Tuyên truyền, quảng bá chúng dưới nhiều dạng thức khác nhau.
Đây không phải là ý tưởng của tôi mà là của nhà văn hóa Phan Ngọc trong Bản sắc văn hóa Việt Nam.(9)
Đó là một điều khó khăn. Bởi phải bỏ công sức ra rất nhiều nhưng thu nhập không là bao và khá mơ hồ. Một ví dụ cụ thể: Văn học Chăm – khái luận, tôi phải bỏ ra gần 20 năm để thu thập tư liệu và viết, vậy mà nhuận bút bao nhiêu anh biết không? 1 triệu rưỡi! Chỉ bằng bài thơ “Vay – Trả” vỏn vẹn có 8 câu của tôi được đăng đi đăng lại 15 lần. Mà thơ đâu phải thứ mặt hàng có giá! Còn chưa bằng một bài báo Tết viết vội vàng.
Ở đây, không phải là vấn đề bán/hay bán được giá hay không mà là thái độ của trí thức đối với sản phẩm văn hoá. Nếu anh chỉ bán rồi bỏ túi, ngoài ra không gì cả thì anh đích thị là con buôn rồi. Cần có tấm lòng sống chết với ngành chuyên môn của mình và phải có tầm nhìn rộng, xa. Bởi không hiếm người có ý đồ tốt nhưng đã phải chết cạn với những thứ vụn vặt, tầm phào để rồi cuối đời mãi hối tiếc. Rồi tất cả mọi lỗi lầm đổ lên đầu hoàn cảnh.

IV. Thái độ của trí thức hôm qua

NĐT: Trở lại câu chuyện của chúng ta. Trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Ngay câu đầu tiên trong thi phẩm Glơng Anak, nhà thơ chúng ta cũng đã đặt vấn đề này:
Glơng anak linhaiy likuk jang o hu
Bhian drap ngap ralo piơh hapak khing ka thraung.
Nhìn trước, ngó sau chẳng thấy ai người
Của cải làm ra nhiều, cất nơi đâu cho ổn
.
Di sản văn hóa cha ông để lại to lớn và quý giá. Ai là kẻ dám nhận trách nhiệm cưu mang và bảo vệ? Vấn đề tìm người có được đặt ra?

Inrasara: Gần 200 năm trước Pauh CatwaiGlơng Anak cũng đã đặt câu hỏi này rồi. Nhưng trong lúc Pauh Catwai thiên về mỉa mai sâu cay, đả kích kịch liệt thói tật trí thức nửa mùa thì Glơng Anak bình tâm hơn – ôn tồn lí giải và mở lối xây dựng. Con người! Trước hết, Glơng Anak không đếm xỉa những cá nhân ích kỷ, những tâm hồn xấu tâm nóng mắt / jhak hatai pađiak mưta trước thành công nhỏ nhoi của người đồng tộc, hoặc cảm thấy hả lòng hả dạ khi kẻ láng giềng bị hại hay gặp nạn (bboh mưbai saung janưk dom di on). Glơng Anak cũng không chấp nhận những kẻ vô đạo:

Ai o krưn da adei, mik o krưn lac kamwơn
Anh không kể gì em, chú không nhìn nhận cháu

Những con người duy ý chí và bạo động vô lối:
Kiem pasei khing ka raung, kacoc tabiak jiơng darah.
Sắt thép cứng nhai đâu có dễ
Quyết lòng nhai, răng bể, máu tuôn
(bản dịch của Lưu Quý Tân).
Pauh Catwai khinh miệt những kẻ cơ hội, xu thời:
Ia bhong ikan jang bhong
Hajan ngauk ralong o hu hahluw
Nước hồng con cá cũng hồng
Mưa trên ngàn không có nguồn
.
Những trí thức nửa mùa, chưa làm gì ra hồn đã tự cao tự đại:
Đơ swan limưn jơh khơng
Liphwai mai nhu dơng libuh di thauh.
Voi xác to sức cả
Khi mệt lả cũng gục như không
.
Glơng Anak kêu gọi chúng ta trở về với cội nguồn dân tộc, với thiện căn của con người:
Mưyah pap urang mưtwei saung urang gila
Jwai limuk jwai ba gơp gan gơk tatơk.
Nếu gặp kẻ mồ côi hay người khờ dại
Chớ ghét bỏ, đừng lôi kéo mọi người bức hại
.
Bởi vì một sinh phận dù bé nhỏ nhất cũng thuộc một phần của nhân loại (Ia pabah drei taprah nhjơp drei / Nước bọt mình bắn trúng mình). Không thể huênh hoang tuyên bố đời đục riêng mình ta trong, đời say riêng mình ta tỉnh được. Cần có thái độ khiêm cung đúng mức. Như ngọn cỏ cúi rạp mình trước đêm tối bão giông. Tu tâm tích đức, tôi luyện tài năng trong cô đơn, và chịu ẩn mình trong một thời gian dài. Để mà vươn dậy vào ngày mai. Glơng Anak đã dạy thế.
Cũng không phải nuôi cao vọng to tát, xa vời. Hãy khởi đầu bằng bước đi đầu tiên nơi mảnh đất chúng ta đang đứng, tự dựng xây bằng bàn tay này, với cây cuốc này:
Ngap rideh paga wal raung kabaw
Bilimưk khơng di nau, pajiơng jađun saung hatơm
Ppabơk banưk ppakwơc ribaung bidalam
Gan agha gan rơm, sa prưn sa hatai
Hadơng hajan ia swa laik mưrai
Liwa hamu drak padai, liwa puh pala tangơy
Plauh pala nhjơm paya saung plwai
Yah ơk cang thrwai, bbơng plwai saung dak.
Đóng xe, dựng chuồng, nuôi trâu
Cho thật béo mập để dùng chuyên chở
Đắp đập, khai mương cho thật sâu
Băng rừng băng sông, chung lòng chung sức
Đợi khi mưa nguồn kịp xuống
Cày ruộng gieo lúa, cày rẫy trồng ngô
Rồi trồng bí đỏ, khổ qua
Ăn qua vụ đông, đợi mùa lúa chín
.

NĐT: Đó là mẫu con người mà Pauh Catwai, Glơng Anak muốn tìm cho hôm qua. Còn hôm nay thì sao? Chúng ta đã thấy con người như thế xuất hiện chưa?

Inrasara: Nếu thật lí tưởng thì chưa.
Thun ni mưtưh lan sa
Sa drei ngik gila o gan anak
Năm nay giữa tháng giêng
Chẳng thấy đi ngang một con sẻ khờ
. (Pauh Catwai)
Nhưng dẫu sao cũng đã có vài tín hiệu đáng mừng. Ở đủ mọi lĩnh vực: văn hóa, kinh tế, nghệ thuật…

NĐT: Tôi rất muốn chia sẻ niềm lạc quan ấy với anh. Vì dù sao đi nữa Chăm cũng phải sống và hy vọng. Câu hỏi cuối cùng: tại sao Pauh Catwai, Glơng Anak triết lí như thế, và có thể nói là khó hiểu nữa, mà không hết người Chăm, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến với chúng?

Inrasara: Bởi các thi phẩm này đã đạt đến độ chín của tư duy, độ giản đơn của ngôn từ nên chúng vừa cổ điển mà rất hiện đại. Nên nhớ Pauh Catwai chỉ dài khoảng 132 câu ariya mà mỗi câu như một châm ngôn mang chứa nhiều tầng ý nghĩa triết lí và nhân sinh. Và Glơng Anak nổi tiếng là thế mà chỉ vỏn vẹn hơn trăm câu ariya. Chúng đã đụng chạm đến vấn đề nhậy cảm nhất của xã hội Chăm lúc đó, và cả hôm nay: trí thức. Quần chúng Chăm hoang mang, họ đang nhìn về trí thức để tìm câu trả lời. Như một người cha, người thầy – Glơng Anak Pauh Catwai đã làm tròn trách nhiệm. Quần chúng Chăm đã tin theo họ. Từ hơn 150 năm qua. Hỏi: ai trong chúng ta – những kẻ tự nhận trí thức hôm nay – đã dám xem mình xứng danh hậu duệ của Glơng Anak, Pauh Catwai?
Nữa: hai thi phẩm đã đạt tới cái trọng yếu nhất của văn chương: ưu tư về thân phận con người. Bởi nếu anh từ chối nói về nỗi đau khổ, lòng kiêu hãnh, sự chịu đựng, niềm hy vọng của những con người sống chung quanh anh thì anh mãi mãi chịu sống phân ly và ngăn cách. Anh từ bỏ sứ mệnh của nhà văn đối với nhân dân. Và rồi nhân dân cũng sẽ từ bỏ nghệ thuật anh, từ bỏ anh như là một bộ phận của cộng đồng.

NĐT: Nhưng xin lỗi, nếu tôi nhớ không lầm rằng trong buổi nói chuyện của anh về thơ ở Ninh Thuận vào mùa xuân năm 1998, có ý kiến nhận định Tháp nắng không có tính giáo dục, nghĩa là anh – với tư cách nhà thơ – đã từ bỏ một phần sứ mệnh của mình?

Inrasara: Thơ không phải dạy ai cả. Nếu rủi ro nó có lớn tiếng dạy đời thì đời sẽ quay lưng lại với nó ngay tức khắc. Nó chỉ còn biết nói vào hư vô. Tôi thì cho rằng Tháp nắng quá sâu nặng phần xã hội nữa là khác. Mong rằng đó chỉ là ý kiến lẻ loi. Nhưng Tháp nắng đâu phải là Pauh Catwai. Mỗi thời đại cần đến ngôn ngữ và giọng điệu riêng của nó. Mà chúng ta thì đang đứng ở ngưỡng thế kỷ XXI, trước một chân trời mới nhìn về một tương lai mới. Văn chương cổ điển Chăm là một trong những hành trang cần mang theo. Hành trình dài, chúng ta chỉ nên cho vào hành lí những cái nhẹ nhất – nhẹ như Pauh Catwai, như Glơng Anak.

Sài Gòn, mùa mưa 2002.
________________________
Ghi chú:
(1) Inrasara, Văn học Chăm I, Nxb.VHDT, H., 1994, tr. 228-37.
(2) Tùng Lâm và Quãng Đại Cường, Truyện thơ Chàm, Nxb.Văn hóa, H., 1982
(3) Lò Văn Sủn, “Đọc thơ Inrasara”, Tc.Văn , số 70-80. 1997, tr.93-94
(4) Hà Văn Thùy, “Inrasara bay lên từ ngôi tháp cổ”, Tc.Văn hóa-VN Công An, số11.2000
(5) Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Văn hoá Chăm, Nxb.KHXH, H., 1990
(6) Bùi Khánh Thế chủ biên, Từ điển Chăm – Việt, Nxb.KHXH, H,. 1995.
Từ điển Việt – Chăm, Nxb.KHXH, H,1996.
(7) Dohamide và Dorahiem, Lược sử dân tộc Chàm, Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam xb., Sài Gòn, 1965.
(8) Theo lời kể của Lê Xuân Tiến, chuyên gia khu di tích Mỹ Sơn.
(9) Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb.VHTT, H., 1998, tr.562-578.

*
Trong Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại.

One thought on “Trước thềm thế kỉ XXI, đọc lại Pauh Catwai

  1. Trí thức mà nói theo không phải trí thức
    Trí thức mà nịnh trên đè dưới không là trí thức
    Trí thức không thấy cái sai của mình không là trí thức
    Trí thức thấy cái sai của người mà không nói không là trí thức
    Khi nói, lại dùng từ ngữ đao búa thì không là trí thức
    Trí thức mà đi chửi bới người thấp hơn mình không là trí thức
    Trí thức mà đi méc cấp trên người anh em không là trí thức
    Trí thức chưa biết bao dung không là trí thức
    ….

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *