Đứa con xa ấy ít có dịp trở về quê hương, ngay cả khi anh còn ở Việt Nam; nay càng xa vời vợi, khi anh làm “thiểu số giữa lòng thiểu số” (thơ Inrasara) tận xứ Hoa Kì. Vời vợi không gian, vời vợi cả thẩm mĩ âm nhạc. Từ Công Phụng giữa lòng xã hội Chăm phải chăng như có một khoảng cách?
Lạ! Tôi mày mò bấm nốt Do, La, Si,..lần đầu trong đời bằng ca khúc “Bây giờ tháng mấy” của anh, thuở học sinh Pô-Klong; rồi qua tuổi hai mươi, định mệnh run rủi sao lần nữa, bản “Trên ngọn tình sầu” rơi vào tay, để tôi tập nâng cấp nhạc lí của mình. Nhưng các ca khúc anh, với tôi, vẫn cứ là xa lạ.
Dù các bạn thân của tôi từ lâu, đã rất mê anh. Trà Vigia đặt các ca khúc của anh Phụng ngang hàng Cung Tiến, hay trước nữa: Đoàn Chuẩn – Từ Linh: đẹp và sang trọng.
Trầm Ngọc Lan suốt ngày ca cẩm “con dế buồn tự tử giữa đêm sương / bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ…”. Anh này còn đẩy ý nghĩa trữ tình của nhạc anh sang chiều kích cao hơn nữa.
Đặc biệt, thuở Karim còn quê hương, tôi thường qua nhà anh để nghe ké tiếng hát mới nhất của Từ Công Phụng vừa gởi về. Quán càphê vợ chồng anh cạnh sân banh, được trang trí rất nghệ sĩ. Tôi nghĩ anh nhắm vào tính thẩm mĩ của quán hơn là khía cạnh thực dụng của nó: trang trí, tỉa tót rất ư là mĩ thuật, chả khớp với sinh hoạt nông thôn tí nào cả – Một tâm hồn duy mĩ nên, anh khoái Từ Công Phụng không là điều lạ!
Vậy mà tôi vẫn chưa đến được với nhạc Từ Công Phụng. Không phải ở khả năng âm nhạc, càng không phải ở tôi chưa lần gặp mặt anh mà, chính ở khuynh hướng duy mĩ, ở cái đẹp thuần túy hiện diện trong âm nhạc anh, tạo khoảng cách còn lại, với tôi. Tôi không tin lắm vào lời giới thiệu của Du Tử Lê về Từ Công Phụng, rằng nó mang tính triết lí, rằng….Vì ca ngợi anh như thế, khác chi nhà thơ họ Du tự ca ngợi chính mình. Bởi đa phần ca từ của Từ Công Phụng lấy từ thơ Du Tử Lê.
Trong lúc Trịnh Công Sơn không bao giờ sử dụng lời của người khác (Văn Cao cho rằng Trịnh hát thơ của chính mình, là vậy) Từ Công Phụng, ngược lại – chú tâm hơn cả đến nhạc. Và chỉ có nhạc.
Tôi cho rằng: chính âm nhạc Từ Công Phụng chinh phục lớp trí thức Chăm, lôi cuốn họ đến với anh. Và ở lại, mãi mãi. Thế đó, nghệ sĩ tính của Chăm đã sản sinh không ít hiện tượng: có kẻ biết hát trước khi biết đọc và, không thiếu nữ Chăm nào là không biết múa.
Tình cờ, khi tôi có ý kiến ngắn về Từ Công Phụng trên Chamyouth vào năm ngoái, một bạn trẻ (giấu tên) gửi mail cho tôi toàn bộ sáng tác của anh. Tôi có đến hai bất ngờ: vẫn có bạn trẻ Chăm yêu anh và sưu tầm nhạc anh. Bất ngờ hơn nữa: anh vẫn còn viết, sức sáng tạo vẫn tràn đầy. Từ đó, âm nhạc anh mới thực sự thuyết phục tôi. Không nghi ngờ gì nữa: Từ Công Phụng là một nghệ sĩ lớn với cá tính sáng tạo độc đáo mà dân tộc Chăm đã sinh ra. Bất kể anh sử dụng tiếng Việt để thể hiện tâm tình hay chuyển tải suy tưởng. Âm nhạc anh vượt mọi bất đồng ngôn ngữ, vượt không gian và, tôi tin – vượt cả thời gian. Chúng có chiều kích nhân loại và ở bề sâu thẳm, mang chở tâm hồn Chăm.
Tôi có quan hệ khá rộng với giới viết văn làm thơ người Việt ở Sài Gòn. Tôi thử làm cuộc điều tra kín đáo: lứa tuổi U40, rất ít người biết đến Từ Công Phụng, nói chi hát nhạc anh. Họ càng ngạc nhiên hơn nữa khi được tôi cho biết: Từ Công Phụng là Chăm xịn!
Vậy mà theo tôi được biết, không dưới trăm người Chăm thuộc thế hệ mới còn nhớ anh là Chăm, hát nhạc anh, mê nhạc anh. Như một người thưởng thức sành điệu. Đấy là phần thưởng xứng đáng mà công chúng dành cho một nghệ sĩ đúng nghĩa.
Và, tôi nghĩ bất kì Chăm ở bất kì đâu cũng có thể hãnh diện về đứa con đất nắng này!
Cám ơn người nghệ sĩ tài hoa, đã đến và, đã làm đẹp cuộc đời.