KADHA RANAIH ADAUH
Dân tộc Chăm có một nền văn học dân gian phong phú, nhưng nay đã thất truyền nhiều: Hát đối đáp – Adauh paxa, hát vãi chài – Cwak jal, chuyện cười – Đom pakrư klau …Trong đó có các bài hát đồng dao – Kadha ranaih adauh, tuy là bài hát dành cho trẻ em nhưng ý nghĩa giáo dục của nó rất cao, áp dụng vào cuộc sống đời thường thiết thực. Chúng ta thử phân tích bài đồng dao tiêu biểu sau đây:
Bilan hajan, bilan khaung
Hamu kanu, hamu dhaung
Hamu mưraung, hamu birak
Hamu halei siam, hamu halei jhak
Jang oh klak – ngap ritak, pala padai
Tarieng nau mai – tuh ia, buh khak.
Padai tathak
Amư nhu ywak, amư nhu ppajwak
Amaik nhu đwa – ba mai bak tong
Bwei lo ong, bwei lo cơk
Thei mai iơk – jang lac biak hei!
Tạm dịch
Mùa nắng, mùa mưa
Ruộng cạn, ruộng sâu
Ruộng nam, ruộng bắc
Ruộng nào tốt, ruộng nào xấu
Chớ bỏ hoang – tỉa đậu, cấy lúa
Siêng chăm nom – tưới nước, bón phân.
Lúa chín vàng đồng
Cha nó gặt, cha nó đập
Mẹ nó đội về – chứa đầy kho
Vui lắm ông, vui lắm bà
Ai đến thăm – cũng bảo rằng hay!
Chỉ có hai câu thơ mở đầu bài hát tác giả đã vẻ lên một bức tranh thôn dã, tuy nguệch ngoạc, đơn sơ để diễn tả – một miền đất nhỏ hẹp, khô cằn, biển một bên và núi một bên như ôm nhau khắng khít từ bao đời nay, ruộng đất canh tác không nhiều, quanh năm thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng hai mùa thất thường – một cách rất súc tích.
Ở vùng Phan Rang, Phan Rí là nơi có đa số dân tộc Chăm cư trú, chuyên sinh sống về nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm là một vùng đất cày lên cát sạn, nắng gió hanh hao. Còn dọc theo miền duyên hải bạt ngàn cồn cát như bãi sa mạc thi gan cùng mưa nắng, góp phần không nhỏ vào việc làm khô cằn đất đai. Vào mùa nắng hạn (bilan bhang) kéo dài đến 8-9 tháng trong năm sông suối cạn kiệt, rừng cây khô héo, khiến cho cư dân ở đây chẳng những không có nước tưới tiêu mùa màng mà còn thiếu cả trong sinh hoạt hàng ngày trầm trọng, phải chịu cảnh cơ cực nghèo nàn không sao tả hết.
Bởi lẽ đó, cư dân Chăm ở Ninh thuận và Bình Thuận xưa kia cũng như ngày nay thường tổ chức lễ cầu mưa, cầu đảo vào đầu năm Chăm lịch. Dường như có phép màu linh hiển, cho nên cuộc lễ vừa chấm dứt ít ngày thì nghe sấm vọng đầu non (yawa grum talơh than on), những đám mây đen khổng lồ ùn ùn kéo đến bao phủ cả bầu trời, tiếp theo mưa như thác đổ. Có mưa, có nước muôn vật như hồi sinh, mọi người ai nấy đều phấn khởi liwa hamu drak padai, liwa tanưh pala tangơy (cày ruộng cấy lúa, cày ruộng trồng màu). Nhưng đất đai phì nhiêu để canh tác ở đây rất hiếm, không phải ai cũng có thể sở hữu, cho nên bài hát khuyên:
Hamu mưraung, hamu birak
Hamu halei siam hamu halei jhak
Jang oh klak, ngak ritak, pala padai.
Hồi còn nhỏ học trường làng, cuốn giáo khoa thư lớp 4 (lớp hai bây giờ) có câu ca dao:
Ai ơi, chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.
Một câu ca dao ý nghĩa tiềm tàng trong lòng tôi mãi đến bây giờ, dù đã hơn sáu mươi năm trôi qua. Cho nên thời còn nhỏ mỗi khi cùng lũ bạn trong làng có dịp tắm mưa tôi hay liên tưởng đến bài hát đồng dao Chăm nói trên và rủ bạn vừa đua nhau té nước vừa hát vui thiệt là vui. Niềm vui đó và ý nghĩa của bài hát đã in sâu tiềm thức tôi đến ngày hôm nay.
Trong nông nghiệp những điều cần và đủ để đạt được vụ mùa bội thu là:
Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
Sa ia, dwa khak, kluw tarieng ngak, pak pajaih.
Có nước, có phân, có giống tốt hay cày sâu cuốc bẫm mà không cần mẫn chăm sóc thường xuyên thì mùa màng không tốt, năng suất không cao, kết quả không đạt được như mong muốn, cho nên tác giả bài hát khuyên:
Tarieng nau mai tuh ia buh khak
Đó là tam cần, có cần mẫn siêng năng chịu cực, chịu khó tưới nước, bón phân hàng ngày mới mong gặt hái được kết quả mỹ mãn.
Padai tathak – Amư nhu ywak, amư nhu ppajwak
Amaik nhu đwa – ba mai bak tong
Dù làm bất cứ việc gì, nghề gì mà thành công như mong ước thì ai lại không vui, niềm vui đó không chỉ mang lại cho người trực tiếp sản xuất mà nó còn làm cho mọi người chung quanh cũng cảm thấy vui lây. Chẳng những thế, thành quả nó còn là một tấm gương sáng cho mọi người noi theo, hăng hái lao động, tham gia vào việc thâm canh khai hoang phục hóa, tăng gia sản xuất để đêm lại cho cộng đồng, cho xã hội ấm no hạnh phúc.
Bwei lo ong, bwei lo cơk
Thei mai iơk – jang lac biak hei!
Như chúng ta đều biết, hết 95% dân tộc Chăm chuyên sống về nông nghiệp, đó cũng là thu nhập chủ yếu, nguồn sống quan trọng của nhân dân Chăm. Nên việc đồng áng, cày bừa gắn liền với số phận của mọi người. Bởi vậy, tác giả bài đồng dao khuyên mọi người phải biết khai thác nguồn tài nguyên đất đai ít oi: ruộng trũng, ruộng sâu, ruộng tốt, ruộng xấu bạc mầu cằn cỗi, biết tận dụng lúc thời tiết thuận lợi hiếm hoi để ra sức cày cấy, chịu vất vả cực nhọc siêng năng cho mùa màng được tươi tốt, cuộc sống ấm no, sung túc. Nó đồng thời là bài học hữu ích – bài học về lao động cần mẫn – sau này cho giới trẻ vận dụng vào cuộc sống hiện đại ở rất nhiều lãnh vực khác.
Tp. Hồ Chí Minh, 01.10.2003.
*
Trong Tagalau4.