Thei mai: Panwơc Pađit-Ca dao Chăm

LỜI MỞ.

Thế nào là thơ hay? Đó là chuyện khó bàn cho rốt ráo mà chỉ có thể cảm nhận rằng, đây là hay, kia thì dở tệ. Vậy thôi. Nhưng ngay cả cảm nhận, chúng ta cũng dễ bị đánh lừa. Bằng nhiều nề nếp thưởng thức khác nhau.
Tinh thần hậu hiện đại phá vỡ vách tường ngăn giả tạo ngoại vi/trung tâm, phá đổ và/để nhập cuộc.
Thi ca là bộ môn nghệ thuật cao, nó hiến tặng con người lối nhìn mới về thế giới. Thơ làm đẹp cuộc đời. Thơ giúp giải tỏa phần nào đau khổ của đời người; khi ta bị bức xúc, bị đối xử oan khuất, bị bỏ rơi,…một đoạn/câu thơ được đọc lên bất ngờ hóa giải những ẩn ức, khiến tâm hồn ta thanh thoát, ta cảm thấy bớt cô đơn. Thơ giúp con người trở thành người hơn, nhân bản hơn, biết cảm thông và tha thứ. Cuối cùng, chính thơ ca đã góp phần rất lớn vào lưu trữ, phủi bụi hay tắm rửa và, làm giàu sang ngôn ngữ dân tộc.
Chính ở chức năng cuối này, chúng tôi bước đầu thử chọn, trích các đoạn/bài thơ hay, trong kho tàng văn chương Chăm, đề tài về cuộc sống và con người Chăm, để gợi ý/bình với các chú giải cần thiết. Hy vọng với nỗ lực trong giới hạn khả năng của mình, gợi mở cho người đọc tiếp cận nghệ thuật thơ nhất là, níu được phần nào tiếng Cham đang dần mai một ở lại với đời sống dân tộc và, biết đâu – cả tắm gội hay làm mới ngôn ngữ một thời phát triển rực sáng này.

THEI MAI – Panwơc Pađit

Thei mai mưng deh thei o
Drơh phik kuw lo yaum sa urang
Caik tian mưng sit tơl praung
Bbuk pauh di raung hu ka urang
Caik tian mưng sit đih đang
Hu ka urang wan lo lingik

Dịch nghĩa:
Ai về từ ấy ai kia
Giống người ta yêu, riêng chỉ một người
Để lòng từ nhỏ đến lớn
Tóc vỗ bờ vai lại được cho người
Để lòng từ còn nằm ngửa
Rồi được cho người, oan lắm trời ơi

Lời bình của Inrasara:
Bài ca dao thực nổi tiếng, nổi tiếng đến nỗi không một người Chăm nào đã không hát nên nó lên bằng những làn điệu dân ca khác nhau vào một lần trong đời. Đấy là thân phận tình yêu thuở ban đầu, là nỗi hoài nhớ giấu kín nơi mọi con người. Chúng ta ai mà chẳng một lần yêu đương và mơ mộng, cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.
Trong cái trinh tân, thanh thoát và vô tội của tâm tuổi trẻ, chúng ta những tưởng đó phải là tình yêu duy nhất “yaum sa urang”, cuộc tình đầu tiên “caik tian mưng xit” và cuối cùng. Rồi ngày qua, tháng qua… chúng ta trở thành người lớn, chúng ta cũng đã vội quên đi nỗi hoài nhớ với tiếng kêu oan này khi chúng ta có vợ con, khi chúng ta ngập đầu trong những lo toan thường nhật.
Nhưng thật bất ngờ và khôn lường, một giây phút chểnh mảng mơ màng, như từ cõi miền thẳm sâu của vô thức, tiếng kêu oan ấy, trên bờ môi ta, vỡ ra và vọt lên làm lạnh cả bầu trời: Hu ka urang, wan lo lingik.
Khác với lục bát Việt Nam, lục bát-ariya Chăm gieo cả ở vần bằng lẫn trắc. Và thanh trắc ở cuối bài ca dao mang ở tự thân vừa cái vang ra và cái dội lại. Vang ra cõi vô tận và dội vào thành tim ta. Vang ra tương lai xa xăm và dội vào quá khứ mịt mù.
Nên có thể nói, qua lời kêu oan này, qua làn điệu lâm li ai oán này trong những đêm khuya tĩnh lặng nơi thôn trang, chúng ta như vừa hội ngộ định mệnh chúng ta đồng lúc bắt gặp linh hồn người thiên cổ. Từ ngàn năm trước, ông bà ta đã hát như thế: “Thei mai mưng dei thei o”. Ngày nay, chúng ta cũng hát như vậy. Và có lẽ ngàn năm sau, con cháu ta cũng sẽ lặp lại ý thơ, dòng nhạc đó. Dù thời cuộc có đổi thay, dù thế hệ mai sau có quên đi cội nguồn, tiết tấu của bài dân ca ấy vẫn như một sợi chỉ định mệnh xuyên suốt xâu chuỗi dân tộc – quá khứ – hiện tại – tương lai. Mãi mãi không dứt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *