Phutra Noroya – Trách nhiệm và thách thức…

TRÁCH NHIỆM VÀ THÁCH THỨC
ĐỐI VỚI THANH NIÊN CHĂM TRƯỚC THỀM THẾ KỶ MỚI

Là một dân tộc có một quá khứ xán lạn, có một nền văn minh ngang tầm với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trước nay, nhưng mãi đến hôm nay, bước vào năm bản lề của thế kỷ XXI mà dân tộc Chăm vẫn còn nghèo đói, chậm tiến, nếu không muốn nói là lạc hậu. Tại sao?
Là thanh niên Chăm, chúng ta phải suy gẫm điều này và sáng suốt để nhận biết người, biết mình. Đừng học đòi theo những nhân vật trong bài đồng dao “Con Cò” (Kadha ranaih adauh Akauk) đổ thừa cho lịch sử, cho thời thế, đổ thừa cho hoàn cảnh này, lý do nọ. Lịch sử đã sang trang từ hơn hai trăm năm nay, chúng ta không thể quay ngược bánh xe thời gian, nhất là trong thời kỳ này dân tộc Chăm nay chỉ còn hơn một trăm rưỡi ngàn người, không bằng khán giả trong một trận đá bóng tại sân Maracana.
Chẳng khác gì mấy với nhận định của Glơng Anak:
“Glơng anak linhaiy likuk jang o hu”
Chúng ta không nên hoài cổ, phải thẳng hướng trước mặt mà tiến cùng chung nhịp bước với 53 dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam đi vào thiên niên kỷ thứ ba này, để xây dựng đất nước nói chung và xây dựng tương lai giàu có cho dân tộc Chăm nói riêng.
Là thanh niên Chăm, chúng ta không nên mang tư tưởng tự ti dân tộc, đừng tự tạo khoảng cách giữa các cộng đồng dân tộc anh em, hãy gạt bỏ mặc cảm thiểu số ra ngoài tư duy, ra ngoài cuộc sống của chúng ta. Trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có quy định: Mọi dân tộc đều bình đẳng. Đối với 54 dân tộc anh em trong cộng đồng xã hội Việt Nam không phân biệt đa số hay thiểu số, dân tộc nào cũng được quyền học hành đến nơi đến chốn. Ai có tài có đức thì ra gánh vác việc dân, việc nước. Dân tộc nào cũng có đầy đủ quyền tự do kinh doanh, sản xuất để làm giàu cho bản thân, cho đất nước. Dân tộc nào cũng có quyền tạo cuộc sống hạnh phúc, tiến bộ.
Xét về mặt lịch sử, dân tộc Chăm chúng ta không có gì để tự ti cả. Suốt gần mười bảy thế kỷ bang giao giữa hai dân tộc láng giềng anh em, sông liền sông núi liền núi, Việt – Chăm có lúc thuận có lúc nghịch, đó là quy luật tất yếu. Đứng thuần trên góc độ nhân chủng học mà nói chắc không tránh khỏi sự pha trộn nòi giống.
Năm 1306 vua Chế Mân (Jaya Shinhavarman III) đổi hai Châu Ô và Châu Lý (Thuận Châu và Hóa Châu) tức là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế ngày nay để cưới công chúa Huyền Trân. Thử hỏi những cư dân Chăm thuở ấy ở hai vùng này đã đi về đâu? Hàng ngàn nghệ nhân xuất sắc, những vũ nữ kiều diễm … được đưa ra Thăng Long xưa kia, ngày nay không còn ai biết mình là Chăm nữa. Có phải họ đã bị Việt hóa không?
Nên có thể nói trong một chừng mực nào đó chắc không tránh khỏi có những người đang mang lý lịch dân tộc Kinh ngày nay có không ít người mang hai dòng máu Việt – Chăm đã góp công sức và xương máu trên mọi lãnh vực để xây dựng đất nước Việt Nam thống nhất ngày nay.
Là thanh niên Chăm, chúng ta có quyền đặt vấn đề này để thấy rằng dân tộc Chăm không có gì để mặc cảm cả.
Vương quốc Champa sau 17 thế kỉ có mặt đã trở thành một bộ phận của đất nước Việt Nam hôm nay. Thời gian tuy không là bao đối với lịch sử nhân loại nhưng so với đời sống con người “nhân sinh thất thập cổ lai hy” thì không phải là ngắn ngủi gì. Cho nên, những vinh quang và cay đắng đã hòa quyện lẫn nhau, kết dính thành một khối lắng đọng theo dòng thời gian. Chúng ta, cả người Kinh lẫn người Chăm không nên khơi lại đống tro tàn làm gì! Nó chẳng có ích gì cho chúng ta. Trái với tinh thần đại đoàn kết dân tộc của hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Dân tộc Chăm có câu ca dao:
Drei glaung hu rang glaung wơk
Thei hu đik cơk ka mưng thuw cơk glaung
Mình cao có kẻ cao hơn,
Có lên đỉnh núi mới tường núi cao
.
Thanh niên là rường cột, là tương lai dân tộc. Chúng ta hãy thoát ra khỏi cái “Tôi” để nhận biết lại chính mình. Để học hỏi, để cầu tiến. Phải sửa đổi và cải cách toàn diện. Không nên bảo thủ, mà phải biết đón nhận những cái hay, cái tốt từ bên ngoài. Phải biết bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn chân thiện mỹ dân tộc và cương quyết đào thải ra khỏi đời sống chúng ta, khỏi xã hội chúng ta những cái gì lỗi thời, lạc hậu. Chính những cái lỗi thời, lạc hậu này đã làm trì trệ bước tiến của dân tộc, khiến chúng ta ngày nay phải chịu cảnh nghèo nàn, đói rách.
Chúng ta thường tự hào và hãnh diện về nền văn hóa – văn minh Champa xưa kia nhưng nếu có ai hỏi: Nền văn minh đó như thế nào? Văn chương, nghệ thuật, tổ chức xã hội của nền văn minh đó dựa trên nền tảng nào? Và đơn giản hơn: chất kết dính đền tháp nguy nga đồ sộ đó là gì? Chắc chắn là con cháu của nền văn minh đó, tất cả chúng ta đều mù tịt. Tự hào về nền văn minh của tổ tiên, của ông cha mà mình không hiểu, không biết tí gì về nó, phải chăng là kiêu hãnh hão. Nền văn minh Champa xưa kia chói sáng thật, rạng rỡ thật, không ai phủ nhận điều đó nhưng nó thuộc về quá khứ. Chúng ta, hậu duệ của tổ tiên đã xây dựng được nền văn minh cường thịnh xưa kia, chúng ta có phát huy được nền văn minh đó không? Có duy trì được tinh thần của nền văn minh đó không? Có bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc đó không? Hay chúng ta để cho nó mai một theo dòng thời gian?
Ông cha ta có câu tục ngữ:
Dak cip lihik rup di gitak,
Dak o cip ra đom trak paran drei.
Thà chịu hồn lìa khỏi xác,
Chứ không chịu dân tộc bị xem thường
.
Là thanh niên Chăm hơn ai hết, chúng ta phải biết khiêm nhường chứ không phải nhún nhường nhu nhược. Phải biết phấn đấu, thi đua. Thi đua trong tình đoàn kết để cùng tiến bộ, chứ không mang tính tiểu nhân đố kỵ, vi hiểm để trù dập anh em. Không nên mang tư tưởng tự tôn, tự kiêu, tự mãn. Và càng không nên tự ti mặc cảm. Chúng ta hãy ngẩng cao đầu mà bước tới.
Là thanh niên Chăm, chúng ta sống phải có hoài bão, phải có lý tưởng, phải có lòng tự trọng dân tộc, biết đặt tự ái dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân, không nên mang tâm trạng cầu cạnh, đặc ân, đặc cách. Phải biết khắc phục mọi khó khăn để vượt qua, phải tự biết đứng cho thật vững bằng chính hai bàn chân của mình, bằng lý trí và tài năng thật sự của mình, chứ không dựa hơi vào mảnh bằng đại học hay cả sau đại học. Có vậy, mọi thành quả đạt được mới có chân giá trị.
Tiên sinh Pauh Catwai, một thi gia trào phúng lỗi lạc của dân tộc có câu:
Ia đwơc di kraung har har,
Bingun di tapien jhauk blauh ricauw
.
Bilauk liu mưng Lauw,
Jhauk blauh ricauw gilac bilauk.
Nước chảy dưới sông cuồn cuộn
Nước trong giếng cạn ta đi múc tắm
Sọ dừa có nhập từ Tàu
Mang múc tắm rửa cũng (trở lại) là sọ dừa.
Nền văn hóa chúng ta dồi dào chẳng khác nào dòng sông cuồn cuộn, tại sao chúng ta không tắm mà đi tìm tắm nước giếng, nước ao tù, một thứ nước không có cội nguồn.
Là thanh niên Chăm đứng trước thiên niên kỷ mới, song song với việc học tiếng phổ thông, chúng ta hãy quay về cội nguồn để tìm tắm dòng sông văn hóa dân tộc, để học văn chương thi phú, học triết lý, đạo lý dân tộc cho thật thuần thục, viết cho chuẩn, nói cho thông tiếng mẹ đẻ. Chúng ta không thể nói: Ai nao học pak trường halei mà phải nói cho đúng: Ai nao bac pak sang bac halei?
Dĩ nhiên chúng ta phải học tiếng phổ thông hay ngoại ngữ cho thật giỏi, nói và viết nó cho thật điêu luyện. Có vậy, chúng ta mới hội nhập được vào cộng đồng quốc gia hay thế giới. Nhưng, một sự thật phũ phàng không thể chối cãi: ngày nay người Chăm từ già tới trẻ đều sử dụng từ 20 – 40% tiếng phổ thông trong giao tiếp với nhau (kẻ viết bài này cũng cảm thấy xấu hổ). Thử hỏi trong vài thập niên tới nếu giới thanh niên, giới trẻ ngày nay không ý thức kịp thời thì tiếng Chăm sẽ như thế nào? Sẽ đi về đâu? Đâu phải chỉ cần mặc y phục Chăm cho thật sặc sỡ, đến mùa Katê đội bánh lên tháp lạy Yang hay làm đám ma đám cúng cho thật linh đình và nói tiếng Việt mới là Chăm.
Chăm là cái gì? Câu hỏi đặt ra tuy hơi phức tạp nhưng nghiệm cho kỹ thì thật đơn giản. Chăm là ngôn ngữ, chữ viết, Chăm làsuy nghĩ Chăm, bản sắc Chăm. Mất ngôn ngữ, chữ viết, mất bản sắc văn hóa là mất dân tộc.
Là thanh niên Chăm, liệu trong tương lai chúng ta có bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc không? Có còn giữ gìn được ngôn ngữ, chữ viết không? Liệu chúng ta có đưa được xã hội Chăm, dân tộc Chăm thoát khỏi cảnh nghèo khổ, chậm tiến hiện nay để cùng các dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam vững bước tiến vào thiên niên kỷ mới không?
Trách nhiệm dành cho các bạn thanh niên Chăm ngày nay đối với tương lai dân tộc là một thách thức thật nặng nề biết bao! Nhưng cũng thật vinh quang biết bao!

Sài Gòn, 1.2001
*
Trong Tagalau2.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *