Văn học Chăm, mấy vấn đề về sưu tầm – nghiên cứu

I. Những thành tựu về sưu tầm và nghiên cứu

Ngay từ cuối thế kỉ thứ IV, chữ Chăm cổ khắc trên bia Đông Yên Châu thuộc hệ thống bia Mĩ Sơn, được ghi nhận là thứ chữ bản địa xuất hiện sớm nhất ở Đông Nam Á. Đó là loại chữ được vay mượn từ miền Nam Ấn Độ, qua nhiều quá trình cải biến để trở thành chữ thông dụng akhar thrah ngày nay. Chính bằng loại chữ này ở các văn bản chép tay, người ta tìm thấy các trường ca, truyền thuyết, thần thoại, ca dao… hay các bài viết về phong tục, tông giáo, về giáo huấn v.v… Nghĩa là cả một kho tư liệu văn học quý giá.
Văn học Chăm là nền văn học dân tộc có truyền thống lâu đời. Mặc dù ở đầu thế kỉ này, một học giả uy tín người Pháp Paul Mus đã đánh giá lầm rằng nền văn học này có thể chỉ tóm gọn trong vài mươi trang sách(1), nhưng từ cuối thế kỉ trước, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã chú ý sưu tầm và giới thiệu nó. Từ những truyện kể đầu tiên của A.Landes được ghi nhận trong Contes Tjames in năm 1887 đến cuốn chuyên khảo Văn học Chăm của Inrasara xuất bản năm 1994, công tác nghiên cứu và sưu tầm văn học Chăm đã có những thành tựu nhất định. Có thể phân chúng làm ba bộ phận sau:

1. Văn học dân gian
– Truyện kể dân gian: Gồm gần 100 truyện thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích được A.Landes, E.Aymonier, Thiên Sanh Cảnh, G.Moussay… sưu tập bên cạnh các bài viết của Lê Văn Hảo, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Tấn Đắc, Trương Sĩ Hùng(2)… Năm 1995, Nguyễn Thị Thu Vân đệ trình luận văn thạc sĩ Bước đầu khảo sát truyện cổ Chăm tại Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, được coi là công trình đầu tiên hệ thống hoá các mô típ truyện cổ Chăm.
– Thơ ca dân gian: gồm hơn 1000 câu tục ngữ, câu đố, 30 bài ca dao, đồng dao… do Lưu Văn Đảo và Inrasara sưu tầm và chuyển dịch ra tiếng Việt(3). Ngoài ra, Inrasara còn có một số bài nghiên cứu về tục ngữ – ca dao Chăm đăng trên các tạp chí chuyên ngành(4).
– Các loại hát dân gian khác: Damnưy, Dauh Mưdwơn, Dauh Kadhar… cũng đã được Inrasara sưu tầm và chuyển dịch sang tiếng Việt(5).

2. Văn bia kí
Văn bia kí được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỉ XV bằng cả hai thứ ngôn ngữ là văn tự Chăm cổ và Sanskrit, có mặt khắp miền duyên hải Trung Bộ. Đến nay các học giả Pháp phát hiện, công bố và dịch gần 200 minh văn, trong đó Lương Ninh đã dịch sang tiếng Việt 25 minh văn(6). Đây là các sáng tác vừa có giá trị sử học, vừa có giá trị văn học cao.

3. Văn học viết

Được phân làm bốn chủng loại sau:
a. Akayet – Sử thi:
Dewa Mưno: Gồm 480 câu thơ theo thể ariya Chăm, xuất hiện ở Champa vào thế kỉ XVI. Câu chuyện được ghi nhận là vay mượn từ Hikayat Dewa Mandu của Mã Lai. Tác phẩm này đã được dịch ra tiếng Pháp bởi G.Moussay, sau đó là bản tiếng Việt của Thiên Sanh Cảnh và Inrasara(7).
Inra Patra: Cốt truyện Hikayat Indra Putera của Mã Lai được chuyển thành akayet Chăm vào đầu thế kỉ XVII, gồm 580 câu ariya. G.Moussay và Inrasara đều có bài nghiên cứu về sử thi này(8). Đây là sáng tác thuộc mô tip người tráng sĩ (đại diện cho phái thiện), sau khi vượt qua bao chướng ngại, bằng tài năng và đức độ của mình đã chiến thắng lực lượng đại diện cho bên ác, mang lại an bình cho xứ sở, hạnh phúc cho nhân dân.
Um Mưrup: Sử thi dài 240 câu và là một sáng tác trực tiếp của người Chăm, mô tả sự xung đột giữa hoàng tử Um Mưrup và triều đình vua cha, cuộc chiến tranh tương tàn giữa người Chăm Bàlamôn và Hồi Giáo. Cuối cùng là cái chết của tráng sĩ này, người định mang giáo lí Islam truyền bá vào vương quốc Bàlamôn giáo.
– Ngoài ra người Chăm còn có hai akayet bằng văn xuôi là Inra Sri Bakan Pram Dit Pram Lak có nguồn gốc từ sử thi Ramayana của Ấn Độ.
Nhìn chung, sử thi là một trong những dòng văn học viết quan trọng của dân tộc Chăm. Dù đa số các tác phẩm được vay mượn từ ngoài nhưng người Chăm biết hoán cải chúng phù hợp với thực tế lịch sử – xã hội của mình. Qua các akayet này, thể thơ ariya Chăm đã phát triển hoàn chỉnh và tồn tại đến ngày nay.

b. Ariya – Trường ca trữ tình:
Ba tác phẩm được sáng tác vào khoảng thế kỉ XVII-XVIII đã xác lập thế đứng trong văn học Chăm là: Ariya Bini – Cam (162 câu), Ariya Cam – Bini (118 câu), và Ariya Xah Pakei (148 câu). Đây là ba chuyện tình bi đát xảy ra vào giai đoạn lịch sử Champa buổi suy tàn trong đó xung đột tông giáo (Bàlamôn – Hồi giáo) được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ và cái chết (các trường ca này cũng đã được chuyển sang tiếng Việt(9)).
Từ thế kỉ XIX trở đi, nhiều câu chuyện tình được sáng tác thành thơ: Ariya Mưyut, Ariya Kei Oy nhưng đến thời điểm này, các thi phẩm ngắn lại và ngòi bút của thi sĩ Chăm cũng kém sắc sảo đi.

c. Thơ thế sự :
Xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX gồm những sáng tác mô tả các cuộc nổi dậy của nông dân Chăm chống lại triều đình nhà Nguyễn như :
Ariya Twơn Phauw (132-162 câu), Ariya Kalin Thak Wa (80 câu).
Các tác phẩm thế sự mang tính triết lí và luân lí như:
Ariya Glơng Anak (116 câu)(10), Pauh Catwai (132 câu).
Các tác phẩm du kí: Ariya Ppo Parơng (208 câu) và cả các sáng tác mang tính sấm kí: Dauh Tơy Lơy, Ar Bingu
Ngoài ba dòng sáng tác nổi tiếng trên, người Chăm còn có ba gia huấn ca: Ariya Patauw Adat Kamei (124 câu), Ariya Muk Thruh Palei (115 câu), Ariya Patauw Adat Likei (79 câu) cùng một số sáng tác triết lí mô tả nhân sinh quan của mình: Ariya Nau Ikak (26 câu), Jadar (120 câu)… Phần lớn các tác phẩm trên đã được Inrasara sưu tầm và chuyển dịch sang tiếng Việt.(11)

II. Nhận định sơ bộ

Từ những gì đề cập ở trên, xin đưa ra mấy nhận định sơ bộ và đặt ra một số vấn đề sau:
1. Về sưu tầm và công bố tư liệu
a. Văn học thành văn
Các cố gắng bước đầu của G.Moussay và Thiên Sanh Cảnh trong việc sưu tầm, dịch thuật các thi phẩm như: Akayet Dewa Mưno, Ariya Glơng Anak… là những thành tựu đáng trân trọng. Chính các công bố quan trọng này đã là một gợi ý cho Inrasara tiếp bước với Ariya Cam – Bini, Ariya Bini – Cam, Ariya Xah Pakei… Các tác phẩm viết bằng akhar thrah được in nguyên văn, dịch và chú thích, đã cho người đọc một cái nhìn nghiêm túc hơn về nền văn học cổ điển Chăm.
Bên cạnh văn bi kí, đây là bộ phận văn học rất khó, bởi nó đụng chạm đến vấn đề ngữ học và văn bản học. Có lẽ vì chưa quan tâm đến vấn đề này mà khi xuất bản tác phẩm Truyện thơ Chàm, Tùng Lâm và Quảng Đại Cường đã phạm nhiều sai sót khá nghiêm trọng(12). Theo G.Moussay và Inrasara thì hai dịch giả này không được đọc (hay không đọc được?) văn bản nên đã đưa ra bản dịch đó(13). Rất tiếc, bản dịch này được Đặng Nghiêm Vạn cho in lại trong Tuyển tập…, nguyên văn nhưng thay tên người kể!(14).
Truyện Hoàng tử Um Rúp và cô con gái chăn dê, ghi Thiết Ngữ kể.
Ariya Chăm – Bini ghi Pikixuh kể,… với các chú thích chưa chính xác như: “Aria: một điệu kể chuyện thơ của dân tộc Chăm, giống điệu kể chuyện thơ Lục Vân Tiên ở Nam Bộ” (III, tr.557).
Người Chăm không kể thơ bao giờ, họ chỉ ngâm (hari) hay đọc (pwơc) thơ. Và ariya có nghĩa là: thơ, thể thơ, trường ca, … tuỳ theo văn cảnh mà dịch.

b. Văn học dân gian:
Có lẽ truyện cổ là thể loại được chú ý sưu tầm nhiều nhất và được in dưới nhiều dạng thức khác nhau. Nhưng hơn một nửa ấn phẩm này là những câu chuyện được sao đi chép lại, thiếu cả xuất xứ và thậm chí có những chú thích không chính xác.(14) Ví dụ trong Tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc ở Việt Nam (KHXH, Tp HCM 1987, tr.59) ghi: “Truyện này (Cucai – Marut) được kể theo một truyện dài bằng thơ trên 2000 câu của đồng bào Chăm”. Người Chăm không có truyện nào như thế cả, truyện dài nhất được biết là Akayet Inra Patra gồm 582 câu ariya.(15)

Riêng tục ngữ – ca dao, các câu được dẫn liệu trong Từ điển G.Moussay, Văn hoá Chăm, Văn học Chăm I (phần văn tuyển) đã là một nguồn tư liệu đáng quý. Bên cạnh đó, Tục ngữ – câu đố Chăm(16) là ấn phẩm đầu tiên giới thiệu có tính chuyên biệt về chủng loại folklore này. Nhưng tiếc thay, tài liệu trình bày quá sơ sài đã không cho chúng ta một cái nhìn khái quát đúng đắn về tục ngữ – ca dao Chăm. 181 câu (quá ít) trong đó nhiều câu trùng lặp:
– Câu 27 – 107, 74 – 137, 65 – 145…
Nhiều câu không phải là tục ngữ:
– 57, 63, 68, 70, 72, 76, 83, 86, 94, 98, 106, 110…
Lắm khi một câu ca dao được chẻ ra và cho là tục ngữ, nhận lầm tục ngữ với thành ngữ. Đó là chưa nói đến các khuyết điểm trầm trọng về chuyên môn: dịch sai từ, hiểu sai ý, lỗi chính tả thì vô số và nhất là lối phiên âm không theo một hệ thống, quy tắc nào cả.

2. Về nghiên cứu – phê bình
Bởi văn bản đưa ra là văn bản sai mà thao tác đầu tiên của nhà nghiên cứu là đánh giá văn bản thì chưa được xúc tiến, bên cạnh việc thiếu thông tin khoa học (chẳng hạn, năm 1991, G.Moussay đã đánh giá Truyện thơ Chàm, một năm sau, Đặng Nghiêm Vạn cho in lại và năm 1993, Trương Sĩ Hùng viết bài nghiên cứu về văn học Chăm chỉ dựa trên ấn phẩm này) nên sự sai lạc về nghiên cứu là điều không thể tránh. Đó là sai lầm chính của Đình Hy trong Bản sắc văn hoá và vấn đề xây dựng văn hoá vùng dân tộc Chăm ở Thuận Hải và nhất là Trương Sĩ Hùng trong “Truyện thơ dân gian Chăm”(17).
Đây là mảnh đất chưa được khai phá nhiều và nền văn học dân tộc thiểu số này chưa được nhận biết đầy đủ trong các lớp độc giả, cho nên, một sai lệch dù nhỏ cũng dễ gây ra sự ngộ nhận lớn. Do đó các nhà nghiên cứu nên có sự cẩn trọng trong công việc, cố gắng truy tìm các văn bản chính xác chứ không vội vã đưa ra các giải thích mang tính xã hội chỉ dựa trên vài tài liệu chưa được kiểm chứng, thẩm định.

3. Các vấn đề đặt ra
Như vậy, trong suốt 16 thế kỉ sinh thành và tồn tại từ thế kỉ thứ II đến cuối thế kỉ thứ XVIII, vương quốc Champa đã để lại một di sản văn học khá phong phú, gồm nhiều thể loại. Nhưng công tác sưu tầm, nghiên cứu trong hơn một thế kỉ qua chưa tương xứng với tầm vóc của nó.
a. Công tác tư liệu
Vì điều kiện khách quan lịch sử, có thể nói hơn một thế kỉ nay, Pháp gần như là nước độc quyền thu thập tư liệu (cả bi kí lẫn bản chép tay) Chăm. Và thành quả của họ là ba cuốn danh mục sách quý giá:
– P.B.Lafont, P.Dharma, Nara Vija, Catalogue des manuscrits Cam des ibliothèques Françaises, BEFEO, CXIV, Paris, 1977.
– P.Dharma, Complément au Catalogue des manuscrits… BEFEO, CXXXIII, Paris, 1981.
– CHCPI, Inventaire des Archives du Panduranga du fond de la Société Asiastique, Paris, 1984.

Đó là chưa kể 3000 văn bản khác chưa được đọc và phân loại đang nằm trong kho lưu trữ ở Pháp (theo P.Dharma). Trong khi đó, ở trong nước, dù thuận lợi hơn, công tác này vẫn chưa được tiến hành tập trung và đầy đủ. Văn học Chăm – Khái luận, văn tuyển ra đời với thư mục gồm hơn 100 bản được Inrasara đưa ra ở phần “Phụ lục” có thể chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng to lớn kia.
Do đó, công việc trước mắt của nhà nghiên cứu không phải viết về văn học Chăm chung chung nữa mà là tiếp thu tất cả các thành tựu cũ và tập trung sưu tầm các văn bản mới đang nằm rải rác trong các plây Chăm. Vì địa bàn cư trú của người Chăm trải rộng và tất cả văn bản đều được chép tay nên người làm công tác sưu tầm cần tiến hành đồng thời ở nhiều khu vực, tập hợp nhiều văn bản để có thể đảm bảo các tiêu chuẩn về công bố tác phẩm cổ. Sau đó, việc đọc và phân loại để rút ra các văn bản thuộc phạm trù văn học là một thao tác khác không kém phần quan trọng.

b. Về nghiên cứu:
Bởi công tác sưu tầm chưa được triển khai mạnh nên việc khảo đính (là thao tác quan trọng) hầu như chưa được chú ý. Trong các công trình của mình, Thiên Sanh cảnh, G.Moussay hay Inrasara chỉ dừng lại ở việc chú thích các từ khó, từ cổ. Riêng Inrasara có sơ bộ đối chiếu dị bản.
Vì thế, các thành tựu về mặt nghiên cứu vẫn còn có những lỗ hổng lớn. Bên cạnh một số bài viết có tính chất chuyên sâu của G.Moussay và Inrasara, một công trình mang tính chất tổng hợp là Văn học Chăm – Khái luận của Inrasara ra đời, phần nào đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về nền văn học này. Nhưng nó chỉ là một phác họa có tính cách giới thiệu tổng quát trong lúc văn học Chăm đang cần sự nghiên cứu rộng và sâu hơn.
Đó là những hạn chế vừa mang tính khách quan, vừa mang tính chủ quan. Khách quan bởi đây là một lãnh vực vô cùng khó khăn: sách vở Chăm đã bị mất mát nhiều qua biến động của thời cuộc, số còn lại thì đang nằm rải rác trong các plây Chăm. Bên cạnh đó, việc chép tay dẫn đến tình trạng tam sao thất bổn; sự chưa ổn định của akhar thrah khiến mỗi người chép mỗi khác, hiểu mỗi khác, một dung lượng lớn từ cổ trong tác phẩm được sáng tác từ ba, bốn thế kỉ nay… đã gây không ít trở ngại cho nghiên cứu. Chủ quan, bởi chúng ta chưa có sự đầu tư đúng mức, lực lượng nghiên cứu lại quá mỏng và có thể nói là hầu như không có người.

Tóm lại, dân tộc Chăm đã để lại những di sản văn hóa vô cùng quý giá. Ngoài một nền kiến trúc và điêu khắc phong phú, đặc sắc, nền văn học Chăm như là một mảng của nền văn hóa-văn minh của dân tộc này, nếu khai thác đúng mức, sẽ có những đóng góp không nhỏ vào nền văn hóa phức hợp đa dân tộc của Việt Nam ngày nay.

Sài Gòn, 12.1998
Viết lại vào mùa Xuân 2003.

______________________________
Chú thích:
(1) P.Mus, Indochine, P.B.Lafont dẫn lại trong Proceedings of the seminar on Champa, Rancho Cordova, CA., 1994, p.13.
(2) * A.Landes, Contes Tjames, Exc. Et Rec. XIII, Paris, 1887.
* E.Aymonier, Légendes historiques des Chames, Exc. Et Rec No 32, 1890.
* E.Durand, Le conte de cendrillon, BEFEO, XII, 1912.
* P.Mus, Deux legends Chames, BEFEO, XXX, 1931.
* Phạm Xuân Thông, Thiên Sanh Cảnh…, Truyện cổ Chàm, Nxb.VHDT, H., 1978.
* Lê Văn Hảo, “Tìm hiểu sự giao lưu văn hoá Việt – Chàm”, Tc.Dân tộc học, số1, 1979.
* Phan Đăng Nhật, “Sự gắn bó Việt – Chăm qua một số truyện cổ dân gian”, Tc.Văn hoá dân gian, số3,1994.
(3) * Lưu Văn Đảo, Tục ngữ – Câu đố Chăm, Nxb.VHDT, H., 1993.
* Inrasara, Tục ngữ – Thành ngữ – Câu đố Chăm, Nxb.VHDT, H., 1995.
(4) * Inrasara, “Ca dao, tiếng hát trữ tình của dân tộc Chăm”, Tc.Văn học, số 9. 1994.
* Inrasara, “Tục ngữ ca dao Chăm”, Kỷ yếu kinh tế – văn hoá Chăm, Viện đào tạo mở rộng Tp.HCM, 1992.
* Inrasara, “Tục ngữ – Panwơc yaw – Tục ngữ Chăm”, Tc.Văn hoá dân gian, số3.1995.
(5) Inrasara, Văn học Chăm II, Nxb.VHDT, H., 1996.
(6) Trong Tuyển tập văn học các dân tộc ít người ở Việt Nam, Q.I, Nxb.KHXH, H., 1992.
(7) * G.Moussay, Akayet Dewa Mưno, Disertasi EPHE, IX, Section, Sorbonne, Paris, 1975.
* Thiên Sanh Cảnh, “Truyện Dewa Mưno”, Nội san Panrang, 1972.
(8) * G.Moussay, “Akayet Inra Patra: Version Cam de l’ Hikayat Malais Indra Putera”, Le monde Indochinois et la Pénisule Malaise, Kuala Lumpur, 1990.
* Inrasara, Văn học Chăm I, Nxb.VHDT, H., 1994, tr. 114-127.
(9) Inrasara, Sđd, tr. 296-361.
(10) Thiên Sanh Cảnh, “Ariya Glơng Anak”, Nội san Panrang, 1972.
(11) Thời gian gần đây, Cơ quan sưu tập thủ bản Champa Koleksi Manuscrip Melayu Campa thực hiện được 3 công trình giá trị về tác phẩm cổ Chăm bao gồm phần dẫn luận, nguyên tác chữ Chăm truyền thống, chuyển tự Latin và Index:
Akayet Inra Patra, P.N.M. et EFEO, Kuala Lumpur, 1997; Akayet Dowa Mano, P.N.M. et EFEO, Kuala Lumpur, 1998; Nai Mai Mâng Mâkah – EFEO, Malaysia, Kuala Lumpur, 2000. Lưu ý: truyện này nhóm EFEO lấy lại nguyên bản của Inrasara trong Văn học ChămI (1994).
(12) Tùng Lâm, Quảng Đại Cường, Truyện thơ Chàm, Nxb.Văn hóa, H., 1982.
(13) G.Moussay, “Um Mrup dans la littérature Cam”, Le Campa et Le Monde Malais, Paris, 1991, p.95-107.
(14) Năm 2000, Nxb.VHDT, H., cho in cuốn Truyện cổ dân gian Chăm do Trương Hiến Mai, Nguyễn Thị Bạch Cúc, Sử Văn Ngọc và Trượng Tốn dịch, biên soạn, tuyển chọn. Sách tập hợp được 58 truyện nhưng đa phần đều tuyển lại từ ấn phẩm có trước đó, bên cạnh không ghi xuất xứ rõ ràng gây nhiều khó khăn cho giới nghiên cứu.
(15) Tuyển tập văn học…, Q.III, Nxb.KHXH, H.1992, tr.496-578.
(16) Lưu Văn Đảo, Tục ngữ – câu đố Chăm, Nxb.VHDT, H., 1993.
Lưu ý: các sai lầm này đều có nguyên nhân từ Nxb, bởi đây chỉ là bản nháp của Lưu Văn Đảo, được đưa cho một người không chuyên biên tập, khi in lại không thông qua tác giả. Giám đốc Nxb (cũ) đã công nhận khuyết điểm này với tôi (Inrasara).
(17) * Đình Hy, Từ biển lên ngàn, Sở VHTT Thuận Hải, 1990, tr.68-87.
* Tc.Đông Nam Á, số đặc biệt về Chăm: 1993, tr.52-58.
Chú thích thêm: Inrasara đang chủ trì biên soạn bộ Tủ sách Văn học Chăm, 10 tập gồm khoảng 5-6.000 trang. Đã in: Trường ca Chăm (Nxb.Văn nghệ, Tp.HCM, 2006) và Ca dao – Tục ngữ – Câu đố Chăm (Nxb.VHDT, H., 2006)

*
Trong Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *