.

THƠ INRASARA – PHÚ TRẠM, ĐẾN TỪ QUAN NIỆM

Tôi muốn gọi tên đầy đủ của anh, cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Nhớ lại ngày đầu chúng tôi quên nhau. Hai năm trước vào những ngày 1996. Trại viết của Hội Nhà văn. Bên hồ Đại Lải. Cảnh non nước phong quang. Gần đó là khu di tích Đền Hùng… Mới gặp nhau, đến cái tên cũng còn bở ngỡ. Tôi cứ nhẩm, nhẩm hoài mà vài ngày sau vẫn chưa nhớ nổi tên anh. Lúc nhớ được Inrasara thì quên Phú Trạm, khi không quên Phú Trạm thì lại không nhớ Inrasara. Rồi cũng thành quen. Đến giờ cái tên ấy trở thành thân thuộc…
Có một kỉ niệm, chỉ dành cho tôi, đó là những ngày hè oi bức. Tối đến cái nóng cũng không tha. Đêm đã vào khuya, chừng 11giờ. Tôi bước ra hiên hít thở không khí trong lành chuẩn bị cho một giấc ngủ sâu. Phòng kế bên, nơi ở vả viết của “Con gấu rừng Lạng Sơn” Lương Định và “Ngọn tháp cổ” Phan Rang Inrasara – Phú Trạm, tò mò tôi ghé mắt nhìn vào bên trong. Đập vào mắt tôi là vầng trán suy tư – sáng trước ngọn đèn bàn. Anh bạn người Chăm của tôi đang nghĩ và viết:

Khuôn mặt trầm tư nghiêng xuống dòng đời
Bên tách trà nửa khuya, người dưỡng nuôi hơi thở
Hơi thở phong nhiêu làm bao la ánh lửa
Chuyển dịch hơi thở – chuyển hoá hồn người

(“Kẻ canh đêm”)

Đang nghĩ gì và viết gì vậy, anh bạn trẻ giàu khát vọng mà cũng rất giàu nghị lực của tôi? Điều cốt yếu là anh không chỉ nghĩ và viết về mình và cho riêng mình. Anh bảo: “Dân tộc Chăm có truyền thống lâu đời, nhưng đến nay chưa có một sáng tác người Chăm được công bố cả… Thơ tôi, cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt, được anh em truyền tay nhau đọc nhiều năm nay”. Trong sâu thẳm thi ca, nếu không có gì liên quan giữa hồn anh và bao hồn khác thì làm sao có được sự ưa thích ấy. Thơ anh viết bằng cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Ngôn ngữ đã chấp cánh cho thơ anh, để những gì anh luôn hoài vọng trong âm thầm, trong trắc trở có điều kiện bay xa, bay cao:

Giữa dòng ngôn ngữ đang hoang đãng
Phôi thai nơi góc khuất tâm hồn chốn trú ẩn linh thiêng.
Phôi thai trên chóp núi u huyền nguồn suối trinh nguyên
Trầm chảy qua rừng đồi làm thành dấu hỏi

(“Kẻ canh đêm”)

Tôi không được rõ Inrasara theo ngôn ngữ Chăm nghĩa là gì? Lần gặp nhau mới đây, ở chung phòng, dịp Hội thảo văn học Tây Nguyên tại Buôn Mê, tôi định bụng hỏi lại quên. Đúng hơn là ngại ngại. Biết nhau đấy có thể xem là thân nữa, vậy mà vẫn ngại, tính tôi thế! Mà nghĩ cho cùng có gì là thật hệ trọng đâu. Cái chất, cái hồn mới đáng nói chứ! Quê anh ở plây (làng) Mĩ Nghiệp, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận… Đó là làng cổ duy nhất có tên trong bi kí còn sót lại. Ông ngoại rất giỏi thơ phú. Cha anh là nông dân bình thường như bao người Chăm khác rất quí sách và rất ưa đọc sách:

Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn
Cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glơng Anak
Ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết
Plây nuôi tôi bằng bóng diều hồn dế, tiếng mõ trâu

(“Đứa con của đất”)

Chợt hiểu ra trong thơ mình anh hay nhắc tới ariya (nghĩa là thơ, trường ca theo tiếng Chăm), nhất là thi phẩm cổ nổi tiếng của người Chăm có tên Glơng Anak. Tuy dân tộc anh còn lưu giữ những bản trường ca khác như Pauh Catwai có câu mở đầu thật đặc trưng:

Suy tư theo dòng đời
Viết Poh Chatôi theo lời thơ

Một dân tộc như vậy, cố nhiên, không chỉ có bản tính cảm xúc mạnh mà còn có khả năng suy nghĩ sâu. Trường kì lịch sử đã tạo lập cho con người Chăm một nền văn minh thâm hậu, như tháp Chàm phong rêu, uy nghi bí ẩn của nền văn hoá ấy. Từ mạch tư duy này tôi tìm đến quan niệm thi ca của anh, tìm đến cái dẫn dắt anh viết những vần thơ đang được nhiều người nhắc tới tong tập được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997: Tháp nắng, và mới đây là tập Sinh nhật cây xương rồng.

Đọc thơ Inrasara – Phú Trạm, nhà thơ Nông Quốc Chấn có nhận xét: “Tôi thấy tác giả thể hiện tâm hồn thi sĩ hơn là tư duy của nhà lí luận”. Vậy là có sự hiện diện của nhà lí luận trong thơ anh rồi! Gương mặt của con người lí luận không nổi trội, không lấn áp con người thi sĩ ấy ra sao đây? Nói khác đi thơ là gì trong quan niệm của anh?
Có những hình ảnh luôn trở đi trở lại trong thơ Inrasara – Phú Trạm: quê hương, cố quận, con đường, tháp cổ, cây xương rồng… Với anh, thơ trước hết là sự chung đúc hơi thở của cuộc đời. Anh viết trong Sinh nhật cây xương rồng rằng “Bài ca kết tinh từ hơi thở con đường tôi đi qua”. Tôi không phải là cuộc đời trần trụi, thơ chính là cuộc đời được lên men qua trải nghiệm tâm linh của chính nhà thơ. Muốn thế, thơ cần phải chấp nhận cái chiều thứ ba của thực tại có tên là vị lai:

Cặp tình nhân hãi cả ước mơ
Chịu chôn đứng bên này bờ thường nhật

(“Bài thơ không viết”)

Bởi không từ bệ phóng tương lai thì quá khứ và hiện đại không thể bay bổng cho được. Rồi ngôn ngữ, công cụ trong tay nhà thơ, cũng phải đổi khác:

Ngôn ngữ quẩn quanh hàng rào sự thật
Trăm ngõ ra chẳng lấy một lối vào
.
(“Bài thơ không viết”)

Cái chân lí giản đơn ấy, nào phải ai cũng nhìn thấy rõ như anh. Thơ là cuộc sống được ủ men, được chưng cất hoá thành hương thơm, chất say của rượu nồng. Song, ai cũng biết, điều cốt lõi bao giờ cũng nằm phía bên kia, ở phía cuộc đời. Tôi bắt gặp cái nhìn tỉnh táo này của anh không chỉ một lần. Chẳng hạn, trong bản trường ca “Quê hương” khi nhà thơ tuyên ngôn:

Hành trình đi tìm hơi thơ, hành trình từ Đất
Rất biện chứng khi đặt sau những câu này:
Ôi! Em yêu Đất vô cùng nhưng em phải xa rời Đất
Tìm hơi thơ cho Đất hồi sinh

Tôi xin lưu ý Đất trong những câu thơ trên được tác giả viết hoa nhằm chỉ cuộc đời. Nói như một ai đó siêu gì thì siêu cũng trên nền một cái thực của Đất, của đường, của đời hơn:

Thuở những Paul Eluard còn lang thang trong vòng vây siêu thực
Mắt ưu tư tìm gõ cửa chân trời

(“Bước tam cấp cuộc đời”)

Ta hiểu cái gì đã khiến anh không chút quanh co, không chút ngại ngùng mà viết:

Và thơ tôi ơi
Hai mươi năm rồi thơ yêu tôi
Thơ đong cho tôi nghìn giọt mật
Giọt nồng cay, giọt bay bổng nhất
Thơ đã cùng tôi băng vạn nẻo đường
Nẻo đường nào chẳng dẫn đến Quê Hương

(Trường ca “Quê Hương”)

Vâng, quê hương, đó là thực tại lớn nhất, bao quát nhất trong cảm nhận của anh. Anh kẻ quê tôi nghèo lắm, ruộng ít, đất lại cằn không thể giàu lên nổi:

Ôi, quê hương, quê hương
Quê hương gầy, quê hương xanh xao
Quê hương không có rặng dừa thơ mộng của ca dao
Quê hương không có cánh cò xa, không có bản tình ca thôn dã
Mây trắng. Mặt trời. Gió trùng dương. Đất. Đá

(Trường ca “Quê hương”)

Nhưng anh quyết không bao giờ đánh đổi. Có một chuyện ngụ ngôn ý về con chim Quốc và bụi mận gai. Trong lồng son, hàng ngày con chim kêu rất thảm thiết: “Quốc! Quốc! Quốc!”. Chắc nó nhớ quê hương và nơi nó sinh ra nó phải là một xứ sở giàu có!” – Người chủ của chiếc lồng chim nghĩ vậy và quyết định thả chim ra, biết đâu lại chẳng có một vương quốc trong mơ. Thế nhưng, con chim vỗ cánh bay khoảng mười mét liền đậu xuống một bụi gai xơ xác. Inrasara – Phú Trạm là vậy. Mà thơ anh cũng vậy, nguyện lấy nguồn nuôi dưỡng dồi dào, trong trẻo nơi quê hương nghèo khó của anh. Anh có bài thơ “Nỗi buồn ứng trước” với những giả định thật lòng và đáng yêu:

Rồi một ngày em đi
Xa cái Chạng gầy, bỏ bờ cỏ dại
Xa tiếng mõ trâu chiều, bỏ thằng Klu xóm dưới
Bốn mùa thơ anh gọi
Hụt hơi

Quê hương trong thơ Inrasara – Phú Trạm có địa chỉ rõ ràng: Chính nơi đã sinh ra anh, có “ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp” đồng thời có “đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao” (“Đứa con của đất”). Quê hương trong thơ anh còn được mở rộng hoá thành Đất nước, nơi chung sống thân thiện của 54 dân tộc anh em như “như năm ngón tay tên bàn tay có ngón ngắn ngón dài / Ngón chỉ đường, ngón thì đeo nhẫn / ngón bắn bi, ngón gẩy đàn, ngón chuyên làm dáng / năm ngón thu vào tạo sức mạnh nắm tay”. Anh đã nhìn bằng cái nhìn thời đại mới, đúng đắn hơn, sáng tỏ hơn mà cũng thực tế hơn. Những vần thơ sau đây do vậy đã nhập thẳng vào đường băng thời đại để có thể nói theo cách nói của Chế Lan Viên: “bay theo đường dân tộc đang bay”:

Ôi! Quê hương! Quê hương
Hơi thơ từ không hư lớn dậy đến vô cùng
Hơi thở trầm sâu tạo hình đất nước
Giữa đêm tối dày mò “đất nước hình tia chớp”

Trong ánh sáng vỡ oà, đất nước đậm nổi đường cong xanh.
Châu thổ nặng hai đầu đòn gánh miền Trung
Bốn ngàn năm mẹ còng lưng không nghỉ

Tôi biết, để đến được cái điểm cần đến anh đã tự vượt mình ghê lắm. Nhưng cái quan trọng là đích đến. Xin chia sẻ niềm hạnh phúc như vỡ oà trong anh bật lên thành tiếng reo vui đến rưng rưng lệ:

Nâng hồn tôi bay xa bay cao
Cao khỏi tư tưởng nhỏ nhen, khỏi mưu mô ti tiện

(Trường ca “Quê hương”)

Có điều, trên đường đi tới quê hương anh, quê hương của chúng ta vẫn chưa phải đã hết trở ngại, khó khăn. Nhà thơ có trách nhiệm không thể hài lòng với những bản tụng ca dễ dãi và sáo mòn. Thơ và nhà thơ phải “cau vầng trán” (“Thực tại”). Không một chút do dự, không một chút dửng dưng, Inrasara – Phú Trạm đã xắn tay lên:

Người viết lên vầng trán xanh xao của đêm tôi
Thức giấc vạn bước chân toan làm bằng an

(“Kẻ canh đêm”)

Còn nguyên vẹn kỉ niệm về sự ra đời của câu thơ đầu tiên. Nó như dự đoán về chặng đường thơ chẳng mấy thênh thang và vì vậy căng phồng những suy nghĩ sau này về anh:

Câu thơ đầu đời tôi kẽ bằng que khô lên vòm cát
Cây xương rồng nói với tôi nỗi vô thường của dấu chân qua

(“Sinh nhật cây xương rồng”)

Ngẫm kĩ cũng như loài xương rồng ấy, bám chắc rễ vào mảnh đất khô cằn, hanh hao của quê hương, để bật lên thứ “hoa tâm linh” như nhà thơ Hoàng Cát đã từng phát hiện:

Ta hiểu rồi: Mi âm thầm chịu đựng
Vắt kiệt xương mình thành hoa tâm linh
(“Ngôi sao biếc”)

Và còn bật lên một bài học quí giá cho những ai muốn đi tìm cái vĩnh hằng của thi ca chân chính. Tôi chợt nhớ đến bài thơ tặng: Trúc Thông – “Những nẻo đường bỏ quên” của anh:

Còn lại với ta
Những xanh nõn giấc mơ chợt rụng
Những tiếng nói ngàn năm câm lặng
Những bài ca chưa hát bao giờ
.

Rõ ràng, Inrasara – Phú Trạm chỉ xa lạ với “những vần thơ xanh xao” (“Con đường”) mà còn xa lạ với ngay cả những câu “câu thơ trong xanh” đèm đẹp, vui vui nữa:

Giã từ câu thơ trong xanh tôi hối hả đi ngược hoàng hôn
Tôi hối hả sống hối hả yêu mang hối hả
Đi
Và đi
Và đi…
(“Sinh nhật cây xương rồng”)

Chỉ những vần thơ lay động tìm ra, thức tỉnh trí ta mới mong có ích cho đời. Cho cả những kẻ mất hết niềm tin và hi vọng:

Một đoá hoa dại đung đưa trên vách tường nhà tù
Và một tiếng chim hót lên với đoá hoa
Cũng đủ cho tù nhân chiêm nghiệm

(“Đoản thi thứ hai dành cho con”)

Và tôi tin đấy là niềm tin của nhà kí luận bên trong người thi sĩ của Inrasara – Phú Trạm:

Nguyễn Trãi đau nỗi đau đất trời
Năm thế kỉ sau câu thơ còn xót

Để có niềm tin này cùng bao niền tin khác, với anh, đâu mấy dễ dàng. Có trăn trở. Có xung đột. Vì trong vốn liếng tinh thần của anh chỉ có một khối nguyên sơ thuần khiết:
Lớn lên…/ Tôi chới với giữa dòng ngữ ngôn hoang đãng.
(“Đứa con của đất”)

May thay, mảnh đất nuôi dưỡng hồn anh chủ yếu là lành mạnh. “Lúc nhỏ tôi tự học ở trường làng – anh tâm sự – lớn lên đi học ở trường tỉnh. Tôi học giỏi, đỗ thủ khoa. Để trả công ơn gia đình chắt chiu từng đồng nuôi tôi ăn học, ơn các thầy hết lòng dạy dỗ tôi. Không bao giờ tôi quên thầy giáo Phạm Đăng Phụng dạy tôi ở cấp II. Chính thầy đã dắt tôi vào con đường văn thơ”. Tôi biết anh chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của tác giả Điêu Tàn:

Để nuôi ta, ta rút tinh chất từ cha ông
Thì phải cất cho đời sau dòng nhựa

(Trường ca “Quê hương”)

Anh trân trọng ghi chú: “ý thơ Chế Lan Viên”. Tôi không nói, Inrasara – Phú Trạm đã sáng tạo ra một thứ thơ suy luận thật mới mẻ. Ý nguyện “khai phá con đường riêng” anh gởi gắm nơi người con có lẽ chỉ mới thực thi phần chính trong con người thi sĩ của anh. Nhưng cái quí là ở chỗ, anh biết lọc lựa, nhất là biết thâu nhận để biến cái hay của người thành cái hay thấm vào tim óc của chính bản thân mình. Được vậy là nhờ sự gắng gỏi của bản thân. Được vậy còn là nhờ ánh sáng tinh khôi của thời đại mới. Chắc anh và đông đảo bạn đọc cũng đều nghĩ như thế.

*
Tc.Tác phẩm mới, số04.1999; Tc.Văn số85, 10.1998;
Thổ cẩm dệt bằng thơ, Nxb.VHDT, H., 1999.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *