Văn xuôi 02: Đi tìm chân dung văn học Chăm

(1998)
Glơng anak linhaiy likuk jang o hu
, Ariya Glơng Anak.

1980

Tôi có bạn thân làng xa, sinh viên xuất sắc của một trường đại học lớn, niềm hãnh diện của cả palei. Đột ngột anh bỏ về. Chỉ sau 2 năm ngồi giảng đường. Một khủng hoảng tinh thần nổ ra trong anh. Chuyện xảy đến xung quanh niềm tự hào dân tộc. Anh luôn kiêu hãnh là Chăm, về Chăm, với xốc nổi ngây thơ tuổi trẻ. Nhưng rồi anh bị cú sốc đầu đời. Khi một bạn học nữ yêu cầu anh nói tư tưởng của văn nhân Chăm sáng giá, tác phẩm văn chương nổi tiếng nhất và vân vân… Một cơn gió buốt thổi tràn vào khoảng trống ngực anh.

Anh bỏ về.
– Mình đã đổ thừa bừa cho khách quan, thiếu điều kiện gì đó… khi cô nàng hỏi tại sao mãi đến lúc này các anh vẫn còn chưa có bộ văn học sử Chăm.
– Đó có phải là nguyên do không?
– Không hiểu nữa, bồ ạ. Nhưng mình nghe trống rỗng và, mất trọng lực.
Một hiểu biết mơ hồ còn tệ hại hơn là không hiểu biết gì cả.
Nhân vật đầu tiên của chúng ta tạm lui vào hậu trường ở đây.

1995
15 năm sau. Câu chuyện khác. Một nhà văn ở Sài Gòn trên đường ra Hà Nội tạt qua Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Chăm tại Phan Rang. Chén tạc chén thù, ông cũng nhận được niềm tự hào tương tự, từ một vị Chăm trung niên. Nhà nghiên cứu tỉnh lẻ này đã dắt tay vị khách vào tận kho sách với những bản sao chụp chất lớp, nhìn tận mắt hàng ngàn thước vi phim, từng dãy danh mục văn bản cổ chép tay. Anh hứa hẹn với người của trung ương rằng còn có cả mấy trăm truyện cổ, mấy chục ngàn tục ngữ, ca dao đang được lưu truyền trong các làng quê Chăm nữa. Đó là một nền văn học khổng lồ đang bị mai một. Vì thiếu… kinh phí.
Nhưng khi nhà văn đặt câu hỏi: đã có chương trình cụ thể sưu tầm vốn văn học dân gian chưa? Các anh sẽ xử lí ra sao với kho tư liệu văn chương dân tộc? Thì ông thấy sự thất vọng chảy tràn mắt người đối thoại.
Cả vị nghiên cứu người dân tộc này cũng không phác nổi chân dung dù mơ hồ nhất về văn học Chăm.

Hai câu chuyện. Hai thời điểm. Hai thế hệ. Niềm kiêu hãnh bị tổn thương này đã gây cho tôi cái xót xa sâu đậm, lâu dài. Năm tháng trôi qua. Nó đục ruỗng hồn tôi. Và hôm nay đã sẹo lớn.

Giai thoại kể người Chăm cất giấu trong hang núi thuộc vùng Càná cả kho sách lớn từ hai thế kỉ nay. Nền hang được phả dày bằng lớp cát trắng phát sáng. Cửa hang đóng kín mít bởi một tảng đá to mà chỉ có người Raglai làng Kunhuk một dòng họ gia nhân trung thành của hoàng tộc Champa cuối cùng – mới mở được, bằng bài phù chú bí hiểm với lễ vật là một con dê mọc nửa gang sừng. Còn bao nhiêu kho báu nữa đang phải chịu phủ mờ dưới mốc bụi thời gian?
Glơng anak linhaiy likuk jang o hu
Bhian drap ngak ralo piơh hapak khing ka thraung
Nhìn trước, ngó sau chẳng thấy ai người
Của cải làm ra nhiều, cất nơi đâu cho ổn
.
(Ariya Glơng Anak)
Câu thơ mở đầu một tác phẩm xuất sắc nhất của Chăm viết cách đây hơn 150 năm vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Và một câu ariya – lục bát Chăm khác trong Pauh Catwai mang chở dự cảm đến nao lòng:
Tơl thun tapai kaik lan
Cauk ka nưgar thơk nau mưjwa.
Đến năm thỏ cắn bùn đất
Khóc cho đất nước trôi đi âm thầm
.

Những trận gió miền Trung thổi nhăn từng nếp trán tuổi già khuất lấp dần kí ức mù sương mờ nhạt miền cổ tích, truyền thuyết. Cả sức bay bổng thanh xuân trong cõi dân ca cũng bị trì nặng bởi lo toan thường nhật. Từng tờ bản thảo chép công phu bóc rời khỏi ciet sách gia đình và đi lưu lạc. Trùng trùng điệp điệp.
Chúng lưu lạc nơi đâu?
Hơn 16 thế kỉ sinh thành và tồn tại, có chữ viết từ thế kỉ thứ IV, lại được trời phú cho tâm hồn yêu văn học nghệ thuật, người Champa đã để lại cho lớp hậu sinh cả gia tài chữ nghĩa. 250 minh văn, 3000 văn bản lưu lạc ở một đảo thuộc Ấn Độ Dương hơn thế kỉ vừa được tìm thấy, một thư mục ghi mỗi câu đầu bản chép tay dày 200 trang do Trường Viễn đông Bác cổ phát hành năm 1980. Chưa là gì cả so với những gì người Chăm để lại.

Ôi, cái cả quyết đến liều lĩnh của ngài học giả người Pháp Paul Mus! Dù uy tín của ngài to lớn cỡ nào, nhưng khi ngài phán rằng văn chương Chăm có thể chỉ thu tóm trong vài mươi trang sách, nghĩa là không có gì đáng nói cả thì chả có một Chăm nào tin ngài. Ngay với thằng tôi 15 tuổi đầu đang ngồi lớp Chín ở một trường nghèo trong một tỉnh nghèo trên một đất nước nghèo đang bị chiến tranh tàn phá. Tôi không tin Paul Mus! Nhưng lấy gì làm chứng cho cái không tin của tôi? Thế là vì tự ái tuổi trẻ, tôi phải đi. Một dân tộc sản sinh ra bao nhiêu là cụm tháp kì vĩ thế kia thì không thể nào không là gì cả trong văn học được.

Tôi phải đi. Dù trong tay tôi không lấy mảnh văn bản nào. Chỉ với mớ chữ nghĩa được cha dạy thuở còn mặc xà lỏn. Và chỉ với thi phẩm Ariya Glơng Anak mà tôi thuộc nằm lòng lúc thiếu thời qua những đêm trăng miền thôn dã palei Palau – Hiếu Thiện, ông ngoại tôi nằm ngâm vào giấc gà gáy sáng. Tôi phải đi. Dù chưa thấy trên lối đi bóng cây cho tôi đụt nắng. Nhưng tôi biết trước mặt mình là một khu rừng hoang đựng chứa bao nhiêu hoa quả lạ, ngọt.

Thế là tôi đi. Với cái hưng phấn kì lạ. Những mùa hè, những ngày chủ nhật “xuất trại” kí túc xá Trường trung học nội trú Pô-Klong. Theo bạn học về quê tìm đến những khuôn mặt nông dân-trí thức mà tuổi trẻ tôi xem như vĩ nhân. Có thấy Thiên Ve lí giải Ariya Glơng Anak, có nghe Não Cùi – Thành Tín diễn tả trận thư hùng giữa Xamưlaik và Mưno dưới chân núi Chàbang, có nghe Nguyễn Tùng – Phước Nhơn ngâm đọc Ariya Nau Ikak với giọng ngâm đặc kì Chăm ra sao… thì mới thấy hết niềm đam mê cùng sức tưởng tượng sáng tạo của người dân quê Chăm đối với văn chương như thế nào. Tôi nghe, mở to mắt mà nghe.

Thành kiến rằng Chăm ích kỉ không cho nhau mượn sách thì rất ư thiếu căn cứ. Chăm chưa phát triển ngành in nên có được một tác phẩm cầm tay là việc thiên nan. Mới 50 năm nay thôi, muốn có một Akayet Dewa Mưno, họ phải chở đến nhà người chép sách cả một xe trâu thóc (800 kg). Nghề chép sách trở thành một nghề rất được trân trọng. Các bản thảo phải được xem như là gia bảo. Họ cất cẩn thận vào ciet paung (loại ciet lớn hình chữ nhật, khác ciet hình vuông đựng bánh trái) và treo lên xà ngang ngay giữa nhà. Định kì, họ mang ra phơi nắng, cúng bái thành kính với lễ vật đơn sơ. Sách luôn được sử dụng, để quá tháng không dùng, sách trở thành sách hoang-tapuk bhaw. Nó là gia bảo thiêng liêng, nên không dễ trao tay cho kẻ lười nhác được.

Riêng với cậu bé thư sinh, ăn mặc xuề xòa, đôi mắt rực sáng lên khi thấy sách thì không! Bao nhiêu sách các cụ đều sẵn sàng lấy xuống, giảng giải và nếu ở lại qua đêm, các vị trí thức lão thành này còn đãi cơm như một vị khách quý.
Và tôi cặm cụi chép. Trịnh trọng như một cụ non. Những ngày sôi động của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975. Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố tử thủ Ninh Thuận. Lính tráng, xe tăng, rocket… Cháy kho xăng phi trường Thành Sơn. Bom đạn gầm rú. Tôi vẫn chép.

Sau giải phóng, nghỉ học nguyên một năm để chờ học lớp 12 niên khóa mới, tôi đủ thời gian làm vài cuộc lang thang tìm đến thế giới chữ nghĩa Chăm.
Những tháng cuối năm 76, tôi với hai anh bạn cùng quê: Trăng, Tiến,… có những ngày thật thơ mộng ở quê hương. Ngày mùa, chúng tôi vác bó cạm, xoong chảo ra đồng bẫy chuột và ăn ngủ luôn ngoài đồng. Mỗi người một thế giới riêng tưởng tượng và giao cảm. Trăng chuyên nói tếu, cái tếu rất Chăm nghĩa là cực kì tục. Tiến đọc thơ và thao thao về thiên tiểu thuyết dự án. Còn tôi mơ mộng về chữ nghĩa đang nằm rũ dưới lớp bụi năm tháng. Ciet sách của thân sinh anh Trăng cụ Huỳnh Phụng đầy tác phẩm văn chương. Chữ viết ông cụ vừa chân phương vừa hoa mĩ nên kẻ mới nhập làng chữ như tôi rất khoái.
Khác hẳn với lối viết tháu của ông cụ ở Bầu Trúc – Hamu Crauk mà bạn Toán dẫn tôi thâm nhập vào tháng 11 lịch Chăm đầy gió sau đó. Quả là một loại chữ viết hành hạ người đọc đầy cố ý.
Để giấu chữ – padơp akhar, Akayet Inra Patra có thể bị cắt khúc và chép thành nhiều tập khác nhau. Tôi phải mày mò từng chữ, dò dẫm từng câu mà pachan inư-lí giải theo văn cảnh mới biết đâu là p – d, nh – kh, g – l… Nên muốn đi vào khu rừng văn học viết Chăm mà chưa qua ải ngôn ngữ cổ thì đừng hòng. Đây là sai lầm ngờ nghệch của các tác giả đã công bố văn bản Akayet Dewa Mưno bằng chữ Latin ở Malaysia 1989.

Lại một chuyện cổ tích nữa: một nhà báo đã nỗ lực chứng minh trên báo Thanh Niên số ra ngày 14.3.1998 rằng tháp Chàm không phải do Chăm làm, chỉ vì hiểu sai văn bản.
“Chúng tôi đọc được trên bia kí tháp Po Klaung Garai các dòng chữ có nội dung miệt thị người Chăm vùng Panduranga. Không lí gì người Chăm xây tháp lên để miệt thị mình…”
Nhà báo kia có thật sự nghĩ như vậy không? Ai đã xúi ông?
Có phải anh “đọc được” chữ Chăm cổ từ 7 thế kỉ trước? Nội dung có hệt thế không? Ông mới nắm đuôi chuột mà vội la lên đã chộp được đầu bò. Bi kí viết:
“… vì người Chăm vùng Panduranga ngu ngốc, ngang bướng, luôn chống lại hoàng đế tối cao. Cuối cùng ngài phải thân chinh đến. (Họ) muốn tôn người Panduranga lên ngôi vua. Bằng trí thông minh khôn khéo của mình, Ngài đã chinh phục được tất cả…”.
Nhớ rằng bia được dựng vào thế kỉ XIII, vương quốc Champa bao gồm nhiều tiểu vương quốc với chính quyền Trung ương ở Amaravati cai trị. Tháp do triều đình dựng để toàn dân thờ phụng. Giọng văn của hoàng đế có quyền uy tối cao với thần dân mình như thế là chuyện rất bình thường. Có lẽ dân Panduranga còn hãnh diện nữa là khác.Vì chỉ họ mới dám đứng lên phản kháng bất công. Nếu không như thế, họ phải đập đổ nó đi khi chính quyền trung ương suy yếu, nhất là lúc Đồ Bàn sụp đổ vào 1471, khi chỉ có tiểu vương quốc Panduranga là còn sức mạnh quân sự và văn hóa đáng kể của Champa. Đó là chưa nói đến chuyện trên Đồi Trầu – Bbon Hala này có ít nhất 3 thế hệ bi kí khác nhau.

Tháng giêng năm 1993. Phan Rí.
Tôi và ông Lương Đức Thắng, mỗi người một chiếc xe đạp mượn, ngược gió đạp qua làng Yok Yang tìm gặp một thầy kadhar. Thấy tôi đóng thùng bảnh bao như công tử thành phố, mặc dù ông Thắng uy tín trong vùng, thầy kadhar vẫn không chịu tiếp chúng tôi.
– Các vị chỉ có bòn rút chữ nghĩa ông bà rồi đem bán cho ngoại nhân.
Ông nói rồi bỏ ra sau nhà thay quần áo vừa đi rừng về và ở luôn phòng trong. Bà vợ năn nỉ mãi ông mới ra tiếp khách. Nhưng ông không cho chúng tôi tư liệu hay thu băng bài hát mà chỉ đọc một đoạn ariya. Nội dung đại ý triển khai một ý lớn trong Ariya Glơng Anak:
Adat kayuw phun hapak jruh tak nan
O kan jruh pak bikan, drei tacei wơk di drei
Đạo của cây là gốc ở đâu thì rụng ở đấy
Nếu rụng nơi nào khác là mình tự hại mình
.
Ông bảo đấy là bài thơ rút từ văn bản cổ của cố ngoại để lại. Một giọng thơ đầy tự hào của anh nhà nông “thất học”! Tôi nhẹ gật. Dù tôi biết đấy là sáng tác mới, có lẽ của chính ông. Lục bát Chăm không gieo vần như lục bát Việt hiện đại (nghĩa là vần chữ cuối dòng 6 hiệp với chữ thứ sáu dòng 8 mà lại hiệp ở chữ thứ tư). Và gieo cả vần bằng lẫn vần trắc. Một số thành tố trong bài thơ đã tự khai điều đó.
Ông muốn giấu mặt để bài thơ có mặt. Tuyệt tác văn chương là linh khí trời đất kết tủa. Người Chăm nghĩ thế, nên hầu như toàn bộ nền văn chương này thiếu bóng tác giả. Cả các sáng tác cận đại. Một cái tên ngẫu nhĩ thì không là gì cả trong vô cùng không gian và vô tận thời gian. Albert Einstein có thể là Jean Einstein hoặc cũng có thể là Albert Umstin. Chết chóc ai đâu kia chứ!

Để tăng tính sấm kí, người Chăm sẵn sàng đẩy Pauh Catwai lùi xa đến 500 năm dù nó chỉ mới được viết vào đầu thế kỉ XIX. Và chẳng ai lấy làm lạ khi không ít ông cả quyết rằng Akayet Inra Patra có trước Truyện Kiều đến 6 thế kỉ dù tác phẩm này chỉ ra đời trước truyện thơ của Nguyễn Du chưa tới 200 năm.
Cơ sự này đã gây cho tôi bao nông nỗi. Người làm công tác văn học sử Chăm cần thật cẩn trọng xem xét các ý kiến ngẫu hứng về thời điểm ra đời của các tác phẩm. Ở khía cạnh này, ngôn ngữ học cấu trúc có thể chìa ra một tay giúp đỡ.

Năm 1977. Tôi vào làm sinh viên Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Hành trang mang theo là hai vali đầy những M.Heidegger, F.Nietzsche, K.Jaspers… và dĩ nhiên cả trăm bản chép tay văn phẩm Chăm. Quả là một gã hoang tưởng nặng. Rồi chưa đầy năm, tôi bỏ giảng đường. Đó là tính cách đặc kì Chăm. Một tự do vô chính phủ. Vài ông bạn cũng bằng ngần ấy thời gian đã bỏ đại học để rồi hổng chân ở thực tế. Song hành với đặc tính này, Chăm còn tồn tại dạng theo gru-thầy và chỉ biết có gru, ngoài ra không ai cả. Tòng phục xuẩn động dù ông thầy mang đầy í tưởng, hành vi tai hại.

Lang thang. Phan Thiết – Phanrang – Nha Trang – Sài Gòn… Đọc Long Thọ và J.Krishnamurti. Một con số không to tướng di động không định. Bao nhiêu công lao bỏ lại Sài Gòn không cho ai. Bạn bè sinh viên tổ chức vượt biên hụt. Bao nhiêu sách, bản chép tay bay đâu không hiểu. Chúng rơi vào tay ai? Có ai biết yêu quý, nâng niu nó như nhân vật tội nghiệp của chúng ta không?
“Người lưu lạc xô văn chương lưu lạc (Inrasara, Tháp nắng).
Điều trần ai nhất là trong đống bản chép tay ấy có một tác phẩm hầu như đã thất truyền: Ariya Bini – Cam, một truyện thơ mà giáo sư Phan Đăng Nhật liệt vào một trong những truyện tình hay nhất của văn chương nhân loại.
Bản gốc mất, tôi chỉ nhớ lại phần đầu và phần cuối với chưa đầy một nửa nguyên tác. Chao ôi là oái oăm. Một ông thầy đáng kính đã bảo tôi láo, tự sáng tác ra rồi dịch ra tiếng Việt. Thật thế ư? Có bất công với tiền nhân và oan cho Sara không? Tôi hỏi lại: chứ thầy có đọc Akayet Pram Dit Pram Lak chưa? Thầy bảo đó là một truyện cổ-dalikal chứ không phải sử thi. Còn Akayet Sri Bikan?
– Tôi chưa nghe ai nói đến nó bao giờ?
– Cả Ariya Bini – Cam nữa?
– Có nghe nói nhưng chưa bao giờ được đọc.
– Vậy tại sao G.Moussay bảo là Chăm có 5 akayet: Dewa Mưno, Inra Patra, Um Mưrup và hai sử thi vừa nêu? Nhà nghiên cứu người Pháp này có láo không, thưa thầy? Em không tin thế, dù em chưa thấy mặt mũi chúng ra sao, ngoài 3 akayet mà thầy trò mình đã biết. Vì em còn sưu tầm được một akayet nữa có văn bản hẳn hoi, từ ciet sách của một gia đình ở Mĩ Nghiệp.

Chiến tranh từ bên ngoài và nội chiến, nỗi sợ mất mát gia bảo, tình trạng cát cứ của các gru, các vùng, rồi hơn 200 năm lưu lạc. Chừng ấy sách vở chữ nghĩa góp nhặt được dù chưa thấm tháp vào đâu, cũng đã nói lên cái giàu sang của văn học Chăm. Nhưng nó có giàu sang đến độ khổng lồ như nhân vật thứ hai ở đầu truyện đã khẳng định?

Giữa bạt ngàn chữ và lời, đâu thuộc phạm trù văn chương? Văn chương có thể là bản tụng ca thánh thần trong cõi siêu việt hay chỉ nói về sinh hoạt thường nhật của chị thợ dệt, anh nông dân; có thể mở ra một viễn tưởng thiên đàng trần gian hay tiếc nuối một thời đã mất; hát ca về kì tích oanh liệt của một dân tộc hay chỉ muốn cảm thông với một trượt ngã của sinh thể yếu đuối; khai phá vào vùng tư tưởng u uyên hay chỉ muốn nắm bắt một cái đẹp đơn giản thoáng qua; phô bày cái thiện hay tố giác cái ác; xã hội hay tự nhiên; sâu lắng hay thanh thoát; vòng vo hay trực diện… Dù gì thì gì văn chương phải lay động tim ta, thức giấc trí ta qua cái đẹp của lời. Các sách dạy về cách tính Xakavi – lịch không là văn chương dù chúng được thể hiện bằng văn vần. Các bài phù chú, công văn của triều đình, bài cúng tế, … không thuộc phạm trù văn chương.

Kho tàng văn chương Chăm có thể kể:
– Văn bia kí: khoảng 100 trong 250 minh văn, sáng tác từ thế kỉ II đến thế kỉ XV.
– 5 akayet – sử thi.
– Trường ca trữ tình: Ariya Bini – Cam, Ariya Cam – Bini, Ariya Xah Pakei, Ariya Mưyut
– Thơ thế sự: Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, Adauh Tơy Lơy, Ariya Ppo Parơng, Ariya Kalin Thak Wa, Ariya Twơn Phauw
– Thơ triết lí: Ariya Nau Ikak, Ariya Jadar.
– Gia huấn ca: Ariya Patauw Adat Likei, Ariya Patauw Adat Kamei, Kabbon Muk Thruh Palei.

Đó là văn chương bác học (văn học thành văn). Văn chương bình dân có:
– Hơn 100 bài ca lịch sử hay tụng ca – damnưy do các Ong Kadhar hay Ong Mưdwơn hát trong các lễ Rija, Pơh pabbơng yang, Tamư kut…. Dù các bài tụng ca này đã được ghi thành văn bản nhưng trong lúc diễn ngâm, nghệ nhân vẫn có thể tái tạo linh hoạt. Mỗi bài dài từ 20 đến 150 câu ariya Chăm
– Gần 50 bài ca dao – panwơc pađit.
– Khoảng 1500 câu tục ngữ – panwơc yaw, câu đố – panwơc pađau.
– Hơn 100 truyện cổ, truyền thuyết – dalikal. Và cả các sáng tác cận đại nữa.
Chúng ta có quyền hãnh diện về nó.
Đó là di sản thâm trầm của ông cha ta, đóng góp xứng đáng vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam.
– Nhưng so với kiến trúc và điêu khắc thì nó không thể ngang tầm. Anh bạn nghiên cứu sinh nói với vẻ hiu hiu tự đắc kèm cái rung đùi, như sẵn sàng chực thưởng ngoạn sắc mặt tôi lúc thất thế.
– Đúng hơn là chưa ngang tầm. Vì văn chương là phần chìm của tảng băng. Nó tồn tại sinh động trong tâm hồn dân tộc. Nó không lộ thiên nhờ qua dạng vật chất nên khó nhận ra. Này nhé, chúng ta đã có chương trình cụ thể và quy mô sưu tầm – nghiên cứu văn chương bình dân chưa? Chúng ta đủ người có khả năng đọc và phân loại các văn bản chép tay hiện có? Cả các bản chép tay đang bị treo mòn trong ciet sách gia đình? Chưa, phải không?
Vậy mà văn chương Chăm vẫn cống hiến giọng nói riêng, lạ. Sử thi Chăm mang màu sắc thần thoại Ấn Độ thấm đượm triết lí Bàlamôn và Hồi giáo, là điều chưa hề có trong văn học sử Việt Nam. Chuyện tình trái ngang, bi đát bởi hà khắc tông giáo (Bàlamôn – Hồi giáo) là hiện tượng chỉ có mặt trong văn chương Chăm. Cả dòng thơ chính luận, triết luận như Glơng Anak hay Pauh Catwai cũng thế.

Luôn luôn đúng chưa hẳn hay hơn phạm sai lầm nếu sai lầm đưa ra đến tỉnh ngộ và phục thiện.

Hà Nội cuối năm 1995.
Trời khá rét. Với dân xứ nóng như chúng tôi thì thật bất tiện. Nhưng sự hưng phấn được cùng anh em Viện nghiên cứu Đông Nam Á qua thăm làng dệt Vạn Phúc đã làm chúng tôi quên cái lạnh ngập tràn đường phố thủ đô. Đến đón tôi và Hani là Trương Sĩ Hùng.
– À Inrasara. Ông đã phê tôi đấy nhé. Nhưng ông phê đúng. Đó là câu đầu tiên anh làm quen với tôi. Thật quý hóa tinh thần vị phó tiến sĩ văn học kiêm thi sĩ này.
Anh đã viết một bài bình luận văn học Chăm khá dài [dòng] trên Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á. Mà chỉ dựa vào một ấn phẩm không đáng tin cậy: Truyện thơ Chàm của Tùng Lâm và Quảng Đại Cường dịch, Nxb. Văn hóa in năm 1982.
Cứ gì anh! Đặng Nghiêm Vạn cũng đã cho in 7 bản dịch rút từ ấn phẩm này trong Tuyển tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Rồi cả Tổng tập văn học Việt Nam đồ sộ là thế vẫn chọn lại chúng.

Lỗ hổng tri thức về nền văn học dân tộc Chăm quá lớn. Chúng ta không trách các nhà kia. Tiếc là người làm công tác tuyển chọn và cả nhà nghiên cứu chưa biết rằng người Chăm đã có một dòng văn học thành văn. 7 tác phẩm nêu trên đều thuộc dòng này nên chúng có bản gốc là tất yếu. Vậy mà Tùng Lâm và Quảng Đại Cường đã không nêu ra nổi một văn bản gốc nào để đối chứng. Nghề chữ nghĩa sai một li đi một dặm là vậy.

Truyện thơ Chàm.
Nghe cái tên thôi cũng làm nức lòng anh em Ban biên soạn sách chữ Chăm – Thuận Hải, từ lão làng là bác Lâm Nài cho đến cái thằng tôi mới hai lăm tuổi đầu. 7 truyện chứ ít oi đâu! Trước đó, chưa có gì cả. Cả trước 1975 nữa kia. Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chàm quy tụ hầu như đầy đủ khuôn mặt trí thức Chăm xung quanh G.Moussay cũng chỉ cho ra đời 3 tập lẻ bằng chữ Chăm truyền thống – akhar thrah. Glơng AnakDewa Mưno chỉ được Thiên Sanh Cảnh dịch cho đăng nhiều kì trên Nội san Panrang ra thất thường. Háo hức buổi đầu bao nhiêu chúng tôi càng thất vọng bấy nhiêu khi đọc xong nó.
– Cần phải phát vào mông vài roi cho mỗi dịch giả. Tôi không nhớ đó có phải là nguyên văn câu nói của bác Lâm Nài không. Chỉ nhớ rằng sau đó ít lâu, Quảng Đại Cường tự thú rằng anh đã chỉ “dịch” các thi phẩm theo trí nhớ. Vì lúc đó ở miền Bắc anh không có văn bản nào cầm tay cả.
– Thế còn các phần sau? Nó hoàn toàn không có trong nguyên tác.
– Bác thông cảm! Em phải “nâng cao” cho phù hợp với nhân sinh quan thời đại… Thôi thôi các bác bỏ qua dùm cho. Em đọc ngay đây để hầu các bác sáng tác mới nhất của em. Thế là anh đọc, như một kẻ lên đồng, nhập hồn và múa may.
Tôi bất ngờ trước tài năng thơ dị kì này. Được biết trong các anh em Chăm ra Bắc tập kết, anh là một khuôn mặt sáng giá. Chỉ vì một ngộ nhận mà anh ra nông nỗi. Lúc này anh chỉ biết đi lang thang và làm thơ tụng ca những người tình mộng chập chờn trong dòng đời quá cay nghiệt.

Nhìn tổng quát, có thể chia văn học Chăm ra làm hai thời kì lịch sử lớn mà mốc ranh giới là giữa thế kỉ XVII, cụ thể hơn – thời Ppo Rome (1627-1651). Các sử thi – akayet xuất hiện vào giai đoạn dầu, xa hơn là sự phát triển phồn thịnh của văn bi kí. Đó là giai đoạn vương quốc Champa còn tồn tại như là một nhà nước có chủ quyền, có một sức mạnh quân sự và chính trị đáng kể trong khu vực. Con người sáng tác chưa bị lịch sử đụng chạm đến, sẵn sàng ca hát về những nhân vật của thần thoại, các giai nhân và anh hùng tưởng tượng để làm vui lòng vua chúa hay phần nào đó an ủi tâm hồn con người ở tầng lớp dưới xã hội bị ảnh hưởng bởi di căn chế độ thế cấp Bàlamôn giáo. Cuộc biến động lớn cũng đã xảy ra, nhưng nhà văn chưa ý thức sứ mạng mình. Cùng lắm là ý thức tông giáo có được phát khởi với sử thi Um Mưrup mang ít nhiều dấu ấn thực tế xã hội, nhưng sau đó không có một sáng tác nào đi theo truyền thống này.

Triều đại Ppo Rome sụp đổ mở ra một thời kì mới của văn học Chăm. Có thể chia văn học thời kì này làm ba giai đoạn.
Bước sang thế kỉ XVIII, hai tác phẩm lớn ra đời: Ariya Xah Pakei Ariya Bini – Cam. Trong khi tác phẩm trước chỉ kể về một chuyện tình (đúng hơn – sự theo đuổi một chiều) của một người con gái thuộc dòng dõi quý tộc với một hoàng thân để nói lên nhân sinh quan Chăm, đã không dính dáng gì đến thực tế lịch sử lúc bấy giờ, thì tác phẩm sau (dù cũng là một tác phẩm trữ tình), đã mang trong mình dấu hiệu của những biến cố lớn. Giấc mơ tình ái đổ vỡ của vị hoàng thân Chăm với công chúa Islam, sự mất niềm tin của quần chúng Champa với văn hóa Ấn Độ, xung đột giữa hai tông giáo lớn dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của vương quốc Champa, được kể bằng một bút pháp điêu luyện của một nghệ sĩ bậc thầy. Có thể nói đây là tác phẩm đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp trong văn học sử Chăm, cả về đề tài, nghệ thuật lẫn ý thức lịch sử của người cầm bút. Đến cuối thế ki này và đầu thế ki sau, cả nền tảng xã hội Chăm bị đảo lộn toàn triệt.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu bằng sự chiếm đóng của quân đội Tây Sơn trên toàn cõi đất nước.Vương quốc Champa, trên danh nghĩa vẫn tồn tại, nhưng về thực chất, nhà vua đã hoàn toàn mất quyền hành. Tên nước và biên giới vương quốc bị sửa đổi nhiều lần và liên tục.Vài cuộc nổi dậy lẻ tẻ không định hướng của các phong trào quần chúng đã bị dập tắt.
Ariya Glơng Anak ra đời khởi phát một cao trào sáng tác mới trong một xã hội sôi động những biến cố đang chực nổ tung. Đó là một cao trào văn học trong giai đoạn cuối cùng của lịch sử vương quốc. Nhà văn khám phá ra vị thế của mình trong lịch sử, biết đặt vấn đề trước chuyển biến của thời cuộc, và nhất là đã tỏ thái độ. Trong khi Ariya Twơn Phauw, Ariya Kalin Thak Wa, diễn tả với ít nhiều phê phán cuộc chiến bi thương được phát động bởi các nhà cách mạng đang cố vùng vẫy trong tuyệt vọng; và trong lúc Ariya Ppo Cơng, Ariya Ppo Parơng… kể lại lạnh lùng tình hình xã hội lúc bấy giờ với những cưỡng bức, bất công, những lo sợ, khốn khổ, những cuộc li tán, những cái chết, những tội ác và hình phạt… thì tác giả Ariya Glơng Anak, với thái độ của một triết nhân, đã đặt lại vấn đề từ nền tảng: cần khôi phục Vương quốc hay truy tìm sinh lộ cho dân tộc trên mảnh đất yêu thương và đau khổ này? Câu hỏi được nêu lên đúng lúc và đúng trọng tâm. Và hỏi có nghĩa là đã trả lời.
Ariya Glơng Anak có một giá trị cao vượt cả về nghệ thuật văn chương lẫn nội dung tư tưởng. Riêng về khía cạnh xã hội, nó có tính đánh động thật sự.
Ngoài dòng văn học trên, truyền thống văn học ngợi ca công đức của các vị khai quốc hay các nhân vật lịch sử dần dần rút vào tháp ngà tông giáo, nhưng không phải vì thế mà nó không được tinh luyện bằng nét đẹp riêng của nó.

Sau biến cố Lê Văn Khôi (1833-1834), dân Chăm – được tờ chiếu của Thiệu Trị chiếu cố – từ khắp vùng rừng núi trở lại cuộc sống an bình của nông thôn. Thực dân Pháp tới, rồi đất nước Việt Nam bị đặt dưới sự đô hộ của Pháp. Trong giai đoạn này, một tác phẩm trữ tình xuất hiện: Ariya Cam – Bini, kể lại một cuộc tình thủy chung, mãnh liệt nhưng bi thương của đôi tình nhân Chăm – Bàni và kết thúc bằng cái chết đầy tính tố cáo của cả hai. Tiếp đó là Ariya Mưyut cũng nằm trong truyền thống thơ ca trữ tình ra đời nhưng kém giá trị hơn.
– Song song với hai khuynh hướng sáng tác trên, một tác phẩm thuộc dòng văn học mới ra đời, đã tạo biến cố trên văn đàn Chăm lúc đó: Pauh Catwai. Bằng một giọng thơ đanh thép và bằng lối suy tư bộc trực, Pauh Catwai – đằng sau sự phê phán đổi trắng thay đen của nhân tình thế thái trong một xã hội rã mục – đã đụng chạm đến cốt lõi của vấn đề xã hội Chăm lúc bấy giờ (và cả ngày nay): cần phải bảo vệ nền văn hóa của cha ông để lại. Tác phẩm ra đời gợi hứng cho nhiều sáng tác sau đó: 2 Pauh Catwai, 2 Hatai Paran, Dauh Tơy Lơy, Ar Bingu… liên tiếp xuất hiện. Cũng bằng lối đặt vấn đề như Pauh Catwai, cũng sử dụng hình thức nghệ thuật đó, nhưng hầu hết tác phẩm này dần đi vào bí hiểm. Chúng mang bộ mặt của sấm kí nhiều hơn là chịu chuyên chở chất liệu của thực tại cuộc sống. Người cầm bút đang tự cách li với nguồn suối nuôi dưỡng nghệ thuật. Văn học Chăm bước vào giai đoạn suy thoái trầm trọng sau đó.

Hơi thở văn chương Chăm sau văn bi kí đậm chất cung đình là các sử thi, sau đó là trường ca trữ tình và thơ thế sự. Hơi thở ấy vắt qua Mưdwơn Jiaw đọng lại ở thời hiện đại là sáng tác đáng nhớ cuối cùng của văn chương Chăm.

Nếu sử thi Chăm chỉ là cốt truyện vay mượn từ Ấn Độ, Mã Lai với những địa danh, tên người và ngay cả cốt cách, lối ứng xử của nhân vật… đều mang đậm chất ngoại lai xa lạ; các sáng tác phẩm mang chứa rất ít chất văn chương hay tư tưởng, và còn xa chúng mới đứng ngang tầm với các sáng tác phẩm cùng thể loại trong khu vực; thì các trường ca trữ tình Chăm lại có một phẩm chất khác hẳn. 7 trường ca nổi tiếng này ra đời vào khoảng thế kỉ XVII-XIX trong bối cảnh xã hội Chăm bị phân hóa, chia xé bởi hai tông giáo lớn: Hồi giáo và Bàlamôn giáo. Trong đó Ariya Bini – Cam nổi trội ở giá trị lịch sử, tính khái quát và nhất là giọng thơ tuyệt kì của nó.
Truyện thơ kể mối tình một chiều của vị hoàng thân Chăm với cô gái Islam đến từ Mecca để truyền đạo Hồi vào Champa. Qua những vùng đất trải dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Một chặng đường khốn khó, gập ghềnh, đau khổ như tâm tình của vị hoàng thân tài hoa thiếu may mắn. Chàng yêu tổ quốc nhưng lại mê đắm người con gái kiêu kì kia. Chàng biết nếu chấp nhận nàng thì phải chấp nhận tông giáo nàng mang đến, là từ bỏ người thân, gia đình. Chàng biết nếu chấp nhận Islam vào Champa là chấp nhận chiến tranh nồi da xáo thịt. Lòng chàng rối vò, đời chàng xáo trộn. Chàng bất lực nhìn cuộc chiến nổ ra. Cuộc tình đổ vỡ, cùng đổ vỡ với nó là tổ quốc yêu thương của chàng.
Nhiều đoạn thơ đẹp nhất của văn chương Chăm như hội tụ nơi đây. Sự đảo lộn thứ lớp thời gian dẫn truyện phát triển theo dòng hồi ức của vị hoàng thân khốn khổ này là một sáng tạo rất hiện đại của thi phẩm về mặt thi pháp mà trước đó chưa hề có trong văn chương Chăm. Càng hiện đại hơn là thể thơ ariya sử dụng đã bứt ra khỏi thể ariya cổ điển cứng ngắc của dòng sử thi, vỡ mảnh đất mới cho thể ariya hiện đại Chăm cơ hội bung phá sau này.

Vượt trên tất cả là thơ thế sự và thơ triết lí Chăm. Suy tưởng – phải chăng đấy là đặc trưng đậm nổi của văn chương Chăm? Nếu Pauh Catwai thương đời mà ngạo đời, cộc lốc mà đẫm tình người với mỗi cặp lục bát gần như là một châm ngôn thì Glơng Anak lại hội đủ tố chất của một kiệt tác: tính thời sự, tính triết lí và vẻ đẹp của văn chương.
Dauk mưjwa sa drei di krưh hanrai
Di krưh tathik cwah jai, halei nưgar drei si nau.
Ngồi một mình một bóng giữa cù lao
Giữa biển cả sóng trào, đâu nơi chốn ta đi
?

Mùa Đông 1985.
Nghe danh một giáo sư toán ở Đại học Đà Lạt tuyên bố vừa khám phá Chăm sử dụng cơ số 13 trong công trình kiến trúc, sinh hoạt…, tôi mời ông xuống Phan Rang giao lưu với trí thức Chăm. Nói giao lưu cho oai, chứ các ông Lâm Gia Tịnh, Lưu Quang Sang, Nguyễn Văn Tỷ, cả sư Hán Bằng… được mời đến chỉ an tọa trên chiếc chiếu xe trải dài giữa sân nhà tôi cạnh con sông thoáng mát. Sáng sớm, tôi nói với Hani chiều nay nhà ta có mươi khách quý. Dù đang thời buổi khó khăn, nhưng nàng chiều ý tôi, co cẳng chạy. Phải thanh toán cho xong đống rau muống cắt từ chiều hôm qua để kịp chở lên Phú Quý bỏ mối kiếm tiền chợ. Phần tôi xách ba cần câu xuất hành xuống miệt sông vùng dưới. Tôi nổi tiếng vua sát ngư trong làng. Xách bầu cá về, tôi đụng ngay vị giáo sư đã tới trước tôi đến cả giờ.
– Tôi rất khoái cái trán của cậu, đấy mới là thứ đầu chính trị. Ông nhìn chằm chằm tôi hồi lâu rồi trỏ thẳng vào tôi, nói.
– Nhỏ nhỏ chứ thầy, không khéo em bị thủ tiêu mất. Tôi bắt tay ông và chúng tôi cười to.
Buổi tối sau bữa tiệc canh chua cá trê với rau muống 7 món, chúng tôi vào cuộc. Trăng trong gió mát. Câu chuyện rôm rả đến gà gáy sáng. Sáng hôm sau, tôi đèo ông trên chiếc xe đạp lên Hữu Đức gặp vài trí thức Chăm khác. Hiểu thêm một mảnh đời, có thêm một người bạn để rộng vòng tay. Oái ăm là vài vị đeo học vị học hàm xuống quần chúng khệnh khạng ta đây ông trời con ghé trần ban phát ân huệ.

Mùa xuân 1992.
Tôi đã có dịp tiếp kiến ông trời con như thế. Vị tiến sĩ ở Sài Gòn nghe đâu có người giới thiệu, đi xe đò ra tận Cakling tìm tôi. Ông xuống bến xe Phú Quý và nhắn tôi lên đón. Lúc đó tôi đang thủ quán cà phê nhà quê, nên nhờ thằng em đi rước. Ông khệ nệ bước vào quán, tôi toan đưa hai tay ra bắt thì ông vội ôm chặt tôi. Hôn ba lần đủ đầy. Như là các nguyên thủ quốc gia dự đại lễ vậy. Trời đất! Thủ tục này cha sinh mẹ đẻ tôi chưa hề làm bao giờ.
Tôi tiếp ông 4 ngày đêm ăn ở như một thượng khách. Chăm hiếu khách là vậy, dù tôi xưa nay ít khi vồn vã với người mới quen. Ông có quan điểm rất rộng rãi về dân tộc, hứa này nọ như mở lớp tập huấn văn hóa Chăm cho Chăm, vân vân… Lời nói gió bay, dẫu lời nói đã lọt tai khá nhiều dân quê Chăm chất phác. Sự vụ này tôi bị ông bác quở cho một trận nhớ đời.

Ông Đàng Năng Quạ kể chuyện một nhạc sĩ túng đề tài đâu tạt qua đất Chăm nhờ ông hát ơi hát hỡi dân ca. Tác phẩm ra đời ông không được biếu lấy một bản gọi là. Nghệ sĩ đoảng là vậy. Có khi không là nghệ sĩ cũng đoảng chẳng kém chị thua anh. Một phó tiến sĩ dân tộc học ăn dầm ở dề làng Chăm. Thu thập 15 damnưy – tụng ca Chăm có bản Việt ngữ hẳn hoi, nhưng khi in sách cũng chẳng nêu tên người cung cấp tư liệu hay giúp đỡ mình chuyển nó sang tiếng phổ thông lấy một lần.
Tôi bị quay lưng – thrah yơng ở Phan Rí năm xưa chớ than là oan đâu nhớ!

Trở lại với hai nhân vật ở đầu câu chuyện, ngài khách quan luôn là cái giỏ to sẵn tay cho ta đổ thừa. Rồi thiếu kinh phí, điều kiện khó khăn… nữa.
Hỏi: đến hôm nay, có một Chăm nào làm việc trong trơn tru thuận lợi? Chúng ta sinh ra trên đống đổ nát, lớn lên từ bùn đất, “jiơng di ia kakwơr jiơng di barabauh – hình thành từ giọt sương từ bọt nước” (Tục ngữ Chăm).
Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên.
Rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ.
Như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố
Tôi tìm lại tôi – tìm thấy bóng quê hương
.
(Inrasara, Tháp nắng)
Tôi đã làm việc sau ngày cày thuê nhọc mệt, sau buổi đi câu lãng đãng, trong cuộc hội nghị vô bổ, trước ngọn đèn cày leo lét hay dưới ánh điện sáng trưng, trên chiếc bàn gỗ nát của chòi rẫy dưa hay trong văn phòng sang trọng của Đại học, giữa đám đông và trong cô đơn, trước một tin vui sắp tới hay sau nỗi buồn nát mật… Nghĩa là bất kì ở đâu, hoàn cảnh, tư thế nào vẫn có thể làm việc và sáng tạo. Hãy làm việc với nụ cười – nụ cười của Inra Patra!

Lần đầu gặp một nhà sử học khá nổi tiếng. Nghe tên nhưng chưa bao giờ thấy mặt dù qua ảnh, nên cuộc hẹn tạo cho tôi một phấn chấn quá mức cần thiết. Anh bước mạnh vào nhà hàng bình dân cạnh một khách sạn bình dân, cùng vài người quen thân. Chúng tôi bắt chặt tay nhau giây lâu.
– Phú Trạm hả?
– Vâng.
Thế thôi. Và anh bắt đầu thuyết. Các chương trình nghiên cứu của anh về văn học, tông giáo, lịch sử. Anh nêu hàng loạt tên tuổi sẽ là cộng tác viên tương lai. Làm như mỗi Chăm là một nhà nghiên cứu không bằng! Đi lớt phớt vài palei, anh hoàn toàn thiếu thông tin về xã hội chúng tôi đang sống. Có chăng là mớ thông tin chắp vá và sai lệch. Tôi câm lặng nghe, cố gắng chịu đựng đầy phép lịch sự. Tôi nghĩ nên bỏ qua cho anh. Sự phấn khích nhất thời dễ làm chúng ta lệch lạc, nhất là với tính khí đặc sệt Chăm. Anh hỏi tôi về chương trình sưu tầm văn học dân gian. Tôi nói tại sao chỉ văn học dân gian?
– Em sắp cho ra đời bộ văn học Chăm. Tôi tuyên bố lớn lối như vậy.
– Ôi trời đất! Anh la lên. Không thể làm nổi, không thể…
Thế là anh lại tiếp tục thuyết. Lúc này tôi nghe anh như nghe qua lớp sương mù. Qua anh, tôi thấy tuổi trẻ tôi bập bềnh trôi từ làng này sang làng khác với những nông nổi, sai lầm, té ngã rồi hi vọng. Trên con đường chữ nghĩa gập ghềnh này, tôi đã có khá nhiều bạn đồng hành tài năng, nhưng bởi không có cơ duyên, hầu như tất cả đã rẽ ngoặt hay rớt lại. J.Brodsky: “Không phải chúng ta lựa chọn những cuốn sách sẽ viết mà chính chúng lựa chọn chúng ta”. Nhà sử học trên không biết rằng tôi đã bắt đầu từ hơn 20 năm rồi. Lệ Chăm làm nhà là vậy, mua dần mỗi năm mỗi ít nguyên vật liệu: rui, kèo, cát, ximăng… trong lúc cả gia đình nheo nhóc con cái phải chạy qua mái hè hàng xóm đụt mưa.

Tôi có một so sánh hơi khập khiễng. Nhưng không sao! Những người khao khát hiểu biết về nền văn chương Chăm mong được nhìn thấy sườn nhà, dù là trên bảng thiết kế. Tôi phải cung cấp nó cho họ. Nói thế không phải là tôi không có trong tay lưng vốn cho ngôi nhà tương lai. Cuốn Văn học Chăm – khái luận đáp ứng phần nào ý đồ. Hai cuốn tiếp đó Văn học dân gian ChămTrường ca Chăm là những mảng chuyên biệt góp phần hoàn chỉnh ngôi nhà văn chương Chăm. Tạm ổn.
– Cần gì thêm bổ sung cho ngôi nhà
– Nhiều chứ và còn lâu. Cần đi vào từng mảng, từng thể loại. Góp nhặt từng mảnh vữa rơi rớt bị vùi lấp ở các palei Chăm, trong vùng mù sương kí ức của bác nông dân với đôi mắt đượm buồn. Rồi từ nguyên vật liệu này, biết đâu sườn nhà khi xưa có thể phải dàn dựng hay điều chỉnh lại ở khá nhiều góc cạnh.
Cần tấm lòng, phương pháp và sự kiên trì chứ không nhất thiết phải là tiền. Tiền, tiền, tiền. Không có khoản tiền nào chi trả cho hai bà láng giềng của tôi chịu chửi nhau để từ đó bật ra tục ngữ, thành ngữ được! Chúng xảy ra bất chợt và bất kì đâu, vương vãi trong gió cát. Chúng ta lượm lặt, nâng niu chúng.

Một sinh viên ở Trường Đại học được trường tài trợ cho đi thực tế các làng Chăm sưu tầm thành ngữ cho luận văn tốt nghiệp. Sau gần một tuần đi thực địa, trong sổ tay anh chỉ ghi được 18 câu tục ngữ, ca dao, trong đó hết phân nửa đã sai bét.
– Nghe anh nói thôi cũng đủ oải rồi.
– Một cuộc trường kì yêu, trường kì đi, trường kì ghi chép. Chớ có dại dột đi cãi nhau với đối tượng được nghiên cứu như anh bạn nhỏ con của tôi từng làm. Bổn phận của nhà nghiên cứu là hỏi. Nếu có nói là để hỏi sâu hơn. Nhưng thầy Mạnh Tử bảo cái bệnh của thiên hạ là thích làm thầy đời.

Ông thầy cũ của tôi kể chuyện lạ tầm quốc tế rằng có một cô sinh viên Chăm đưa khoe ông luận văn tốt nghiệp về văn chương Chăm cô mới trình xong. Lướt qua luận văn, ông hỏi: – Thế cháu có gặp Inrasara chưa? – Dạ chưa. – Đã đọc tác phẩm nghiên cứu nào của Sara chưa? – Dạ chưa. Đã đọc kỹ tác phẩm cổ Chăm nào không? – Cháu không biết chữ Chăm – Chứ cháu tham khảo tài liệu nào để viết? – Một bài báo của Phan Đăng Nhật giới thiệu một tác phẩm cổ từ một tác phẩm nghiên cứu của Inrasara!
Vậy mà luận văn vẫn được điểm 8!! Về cái khoản liều mạng trong khoa học của sinh viên lẫn giáo sư hướng dẫn mấy năm qua bia miệng thiên hạ đã tạc nhiều rồi, nói thêm càng phiền lòng. Cũng may chúng yên giấc nghìn thu trong kho lưu trữ. Cầu Chúa ban phước lành cho chúng!

Người Chăm là dân tộc ham chơi, làm chơi, làm để chơi. Thời ruộng một vụ còn ăn nước trời, mùa gặt họ chở lúa bó lên các đám ruộng gò dùng làm sân đạp, chất hàng đống theo hình vòng cung đầy mĩ thuật, vừa tránh mưa cuối năm vừa che rét bấc.Và chia đội đá bóng, khiêng trống chiêng về hò hát đến gần cả tháng mới lục tục xổ đống lúa ra đạp. Ham chơi thì tài năng văn học nghệ thuật dễ nẩy mầm. Hiện tượng Mưdwơn Jiaw – nghệ sĩ pwơc jal, Mưdwơn Tìm – nghệ nhân chơi trống ginang kì tài hay Jaya Mưyut Cam – thi sĩ một bài thơ Su-on bhum Cam không phải là hiếm. Nhưng chỉ có thế. Đất, nắng, gió Phan Rang đã không ưu ái họ. Và chính họ cũng không biết tự nuôi sống. Cây nghệ thuật bắt đầu bằng những nụ hoa ham chơi kinh qua bao cuộc tinh luyện nhựa ham làm mới kết trái chín muồi ở cuối vụ thu hoạch.
Tôi nói với các bạn trẻ Chăm cần cho bỏ rớt lại sau lưng thứ phức cảm tự ti-tự tôn đi; cần hơn nữa là phải vứt bỏ đi gánh nặng kiêu hãnh hão của quá khứ. Ông cha ta đã có công trình to lớn, và chúng ta hôm nay cũng cần có công trình mới. Một tay một chân góp vào.

Janưk haniim thei ngap piơh tabơng
Siam dađơp jhak raglơng mưta bboh di bauh mưta
Lành dữ, thiện ác được tạo tác để thăm dò lòng người
Cái nham hiểm sẽ hiện tiền, mở phơi cho người trần chứng kiến
.
(Ariya Glơng Anak)
– Chúng ta bắt đầu với Ariya Glơng Anak, bây giờ lại trở về với Ariya Glơng Anak. Nhưng anh vẫn chưa vẽ được cho tôi khuôn mặt thực của văn chương dân tộc anh.
– Có một nhà văn hỏi tôi anh khai thác được gì ở văn hóa Chăm. Hỏi, làm như văn hóa Chăm là một xác trâu cho diều hâu tôi sà đến rỉa rúc, trục lợi. Tôi nói tôi không khai thác mà ngụp lặn và lớn dậy từ giữa lòng nền văn hóa ấy để sáng tạo cái mới.
Văn chương ở một khía cạnh nào đó là cách sống ở đời, là một tỏ thái độ và hối thúc chúng ta tỏ thái độ. Có thể nó là một đối tượng nghiên cứu khoa học chẻ sợi tóc làm tư, nhưng điều trước tiên nó nhắm đến là qua nó, chúng ta có thái độ.
Chúng ta phải học cách đi vào lòng nó với tất cả nhiệt tâm của tuổi trẻ, thì nó mới tự mở phơi như một hiện thể chói lòa, bát ngát. Nó sẽ không là đối tượng cho trí thức háo lạ đến với nó bằng con mắt dòm ngó, soi mói vị lợi.

Văn chương Chăm bàng bạc trong tâm hồn quần chúng lao động Chăm. Nhưng nói như Chế Lan Viên, nhân loại còn đi xa nên nhân loại muốn có “thơ cầm tay”. Hôm nay tôi muốn biếu anh vài tập cầm tay rút từ bạt ngàn chữ nghĩa của nền văn chương dân tộc mình. Đó là Ariya Bini – Cam, Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai và Ariya Nau Ikak. Chúc lên đường may mắn.
– Thế còn của Inrasara?
– Anh hãy tự rút ra mà cầm tay. Xin giã từ.

Đà Lạt – Phanrang, mùa bão 1998.

One thought on “Văn xuôi 02: Đi tìm chân dung văn học Chăm

  1. CẢM ƠN TÁC GIẢ, TÔI ĐÃ THẤM TƯ DUY CỦA ÔNG, YÊU, TRÁCH NHIỆM VỚI DÂN TỘC CẦN CÓ NHỮNG CON NGƯỜI NHƯ ÔNG, NGƯỜI CHĂM, VĂN HÓA CHĂM TRƯỜNG TỒN. TÔI TIN VẬY.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *