Sống triết lí-37. PHONG CÁCH CHẾ BỒNG NGA

5 điểm rút ra từ cuộc đời và sự nghiệp của vị anh hùng này.

[1] Tu luyện

Sách Cham kể rằng, tuổi 15 chàng trai bỏ lên núi 5 năm tu luyện võ công với cây ‘Bat Palidao’ loại Thanh long đao bốn người khiêng. Bạn chưa giỏi, chưa là cao thủ thì chớ mong bước vào làng võ lâm.

[2] Chính trực

Anh hùng là kẻ đi con đường lớn của thiên hạ, chứ không lén lút đấm sau hay đánh dưới thắt lưng. Mang quân tiến vào trận địa địch, ngài luôn báo trước ngày giờ, chả ngán!

[3] Dẫu sao, thiện tâm và thẳng mà thiếu mưu lược thì tiêu

Lần vua Trần Duệ Tông mang quân đánh vào thành Đồ Bàn, ngài lập mưu vườn không nhà trống, vua nhà Trần sập bẫy, bại trận.

[4] Không tham

Không tham đất, vào Thăng Long ba lần, nhưng ngài không mang óc “thực dân”, vì biết đó không là đất của mình. Nguyên tắc triết lí Cham: Không chiếm hữu cái không thuộc về mình.

Không tham sắc. Bậc anh hùng cái thế thu hút mỹ nhân là điều dĩ nhiên, tuy thế không có trang sử nào chép về vụ ngài thu gom món này, chứ đừng nói ngài cướp gái Kinh dắt về xài.

[5] Nghệ sĩ tính

Công danh sự nghiệp to tát tới đâu, không sống thơ mộng thi nhiên là bạn chưa sống. Chuyện kể, lần vào Thăng Long cuối cùng, tay hầu cận lỡ đánh vỡ bát trà thường ngày mà ngài rất trân quý. Bị quở trách, hãi quá – tay này chạy qua quân địch mật báo dấu vết tàu của ngài. Ngài bị bại ở nỗi đó.

Chi tiết nhỏ: “bát trà quý” nói lên tính cách của ngài. Và sự nghiệp ngài tan tành cũng bởi chi tiết nhỏ con ấy! Dân gian Cham có câu: ‘Tapa truh tathik, jal di danao’: “Qua khỏi biển sâu, vướng ao nước cạn”, là vậy.

Tôi thế nào? Nhớ năm xưa, bác sĩ Lưu Lai không dưng nổi hứng phán: Anh Sara chết, không phải do tay người ngoài đâu, mà bởi chính dân tộc Cham của anh, cũng có thể lại là người gần gũi anh.

Đúng! Thế nhưng, rút bài học Chế Bồng Nga, ở thế giới chữ nghĩa – tôi:

[1] 24 năm giú mình trong bóng tối vô danh trui luyện tinh thông tay nghề, tôi mới bước lên văn đàn;

[2] Đi trên con đường lớn: Sáng tác, phê bình, diễn thuyết, tổ chức sự kiện;

[3] Ở đó tôi cũng xài tới mưu lược: Tiến, dừng và lui đúng lúc;

[4] Dẫu hết mình và tới cùng, tôi vẫn sống vui, sống thơ mộng;

[5] Và cuối cùng do không tham: tiền hay danh, thế nên “anh không chết đâu em, anh mới vừa bỏ cuộc đêm qua”!  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *