Chuyện tươi Katê-08. BAO GIỜ CHAM MỚI CÓ ĐẦU TÊU?

Đầu têu, tức chủ trò một nhóm người với nhau, ở cuộc nào bất kì – là MC đúng nghĩa.

[1] Tối như lệ thường, tôi ngủ 8g30, ngủ ngon để 10g thức vệ sinh, rồi chơi tới 3g sáng. Tối nay ngoài sân rộng, các cháu tụ hội, đâu lối 30 cháu lứa 17-18. 10g, thức – tôi qua nhắc tắt karaoke. Tính ngủ tiếp, tôi thử phá lệ – nằm nghe thế hệ trẻ nói gì với nhau. – Không gì cả, suốt cả tiếng, tôi ngủ tiếp!

Nghĩa là câu chuyện không đầu đuôi, không chủ đề, thỉnh thoảng 1-2-3 dzô dzô, và cười. Đơn giản, bởi ở đó thiếu đầu têu!

[2] Ngày trước thuở tôi còn xàlỏn, ở các đám giỗ, các vị chức sắc cùng các bác ngồi ‘pacoh xakarai’ “TRANH LUẬN TRIẾT HỌC”. Nay, các vị làm gì, ai cũng biết.

Ở các lễ Rija, bà con Cham tụ tập đợi Mưdôn Jiaw từ làng Hữu Đức về ‘pôic jal’ “hát vãi chài”, hay ông Tho Hamu Tanran đến kể câu chuyện đời thường Cham. Non trăm người đủ lứa tuổi lắng nghe. Hai vị có sức hút đặc biệt – là kẻ đầu têu chính hiệu.

Những nhân vật như thế còn không, hôm nay?

[3] Trích tiểu thuyết Hàng mã kí ức-2011:

Ramưwan năm 1978, các bạn kéo nhau xuống Thành Tín. Tôi lúc đó đang tu Oshawa, đã hành anh Ve chạy khắp ngõ palei tìm gạo lứt muối mè. Ai “Tết Bà-ni” bà con nhậu nhẹt linh đình, mình lại đi ăn chay, lại lối chay khác trần đời nữa chớ. Rồi thế nào các bạn vẫn moi ra được. Nào là cối, nồi đất, lò than. Tôi ngồi nhai gạo lứt hệt thiền sư khùng giữa đám bạn, và huyên thuyên về Damnưy, Ariya Glơng Anak, Royaume du Campa… Nhóm bạn và cả vài cụ ngẩng cổ nghe và dĩ nhiên, phục sát đất. Thấy không khí có mòi nghiêm trang nghiêm trọng, thế là tôi nổi mát lên. Khi một cụ “xin hỏi cậu nó tuổi con gì nhỉ”.

– Dạ em sinh năm Krat Chàng hiu ạ! – Tôi trả lời khiến mọi người cười ồ lên.

– Mi đúng là Krat thiệt, – thằng bạn tôi kêu. “Krat” thành biệt danh bạn học gán cho tôi từ ấy.

Đau thì đã, khổ cũng lắm, yut còn muốn tôi thêm nước mắt phim bộ vào bộ phim Cham dài tập nữa sao đây”.

[4] Không chỉ ở tuổi 20, mà trước nữa – qua tuổi 15, tôi cũng làm đầu têu kể câu chuyện Cham, ở các nơi tôi đến.

Các nhóm trẻ Cham [nói chung] hôm nay, nói gì với nhau? Thiếu kẻ đầu têu, tất cả chỉ còn là cuộc chơi hời hợt. Trẻ là chơi, là vui chớ? Nhưng vui đâu phải cứ dzô dzô, hay giành nhau nói, mà cần học biết nâng cấp cuộc vui lên!

Ở tỉnh nọ, nhóm bạn đang xôm tụ chuyện chữ nghĩa, thì một bạn thơ đứng lên, hô:

– Dzô đã mới tin! Văn chương là phải vui…

– “Cứ phong nhã để cho đời bớt tục”, tôi dẫn Xuân Diệu.

– Không vui thì không có thơ thẩn gì sất, – bạn tiếp.

– Nếu bạn muốn VUI TỤC LỤY thì xin mời đi chỗ khác, còn ở đây: vui phong nhã.

[5] Khác với kẻ kể chuyện, người đầu têu không cần nói nhiều, mà gợi ý, gợi mở, gợi hứng cho xung quanh góp chuyện.

Tuổi 30, tôi đã như thế khi tổ chức “Hội nghị chiếu dài” ở quê, mời các cụ Cham tụ về kể chuyện, về nhiều chủ đề khác nhau.

Nhập cuộc chữ nghĩa, tôi chủ trì Bàn tròn Văn chương khắp Nam, Trung, Bắc. Và nhiều cuộc khác nữa…

[6] Tại sao không nên quá giờ?

Cham nói: ‘Bbang takik liwik bbang wơk’ “Ăn ít để còn ăn được dài lâu”. Tuổi trẻ có sức, ta phá, đến trung niên đâu còn lực để phá nữa. Phải biết CHỦ ĐỘNG, là vậy.

“10 năm Hành trình Tagalau”, 50 mạng toàn dân ngon lành cả Cham lẫn Việt  từ các nơi đến Chakleng. Dù các bạn muốn ngồi thêm, nhưng qua 9g30, tôi quyết cho ngưng.

Ngay Sinh nhật của mình, lần đầu tiên tổ chức tại nhà mẹ, có đủ mặt anh hào: Đảo, Tiến, Phăng, Xoài… đến 9g, tôi nói: Ta ngưng tại đây nhé. Thấy các bạn ra mòi kéo dài, tôi nói bái bai, cho thùng Ken ở lại.

Tôi là chuyên gia đứng dậy đầu tiên trước mọi cuộc tiệc tùng!  

[7] Hôm qua, nhóm HaiauTourist về Phan Rang Katê ghé tôi, muốn nghe câu chuyện Cham. Non hai giờ, hấp dẫn, thú vị và bổ ích. Câu chuyện xoay quanh trục: Văn hóa Cham nhìn từ Cham, được bạn Sương cho là mới lạ. Và bạn FredRizal người Malaysia thêm:

– Tôi đã biết văn hóa Cham qua người Cham Islam, qua dân Malaysia, qua nhiều người ngoài, nay được thêm cách nhìn mới.  

– Inrasara là Bà-la-môn, sao không làm Pô Adhya? – anh hỏi.

– Tôi làm Luận sư, và sắm vai nhà văn kể câu chuyện Cham cho Cham và cho người ngoài hiểu về Cham. Bởi, nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *