Tôi dạy con-7. DƯỚI ĐÁY XÃ HỘI

“Ta là ai?” – cha đã đặt câu hỏi đó với mình từ tuổi 20, và đặt lại lần nữa ráo riết hơn ở serie “Hành trình Cham-1. TA LÀ AI?” (Inrasara.com, 6-2020).

Con là ai?

Có vài chục tỉ trong nhà, ta coi thế gian như dưới chân ta. Ra vài cuốn sách, đi đường ta ngước lên trời, nhìn kẻ đồng tộc bằng con nhái. Vân vân chuyện, tôi đã dẫn ra từ 16 năm trước làm bằng (“Nhà thơ, nỗi hôm nay”, Inrasara.com, 3-2008).

Tôi khó tưởng tượng nổi, làm sao một Cham suy nghĩ đôi chút lại có thể ngạo mạn được!

Ở phía khác, khi kêu vài sinh linh Cham “dưới đáy xã hội”, có nick giật mình la lối tôi khinh thường anh em. Đó là bạn chỉ thấy mình, mà không nhìn toàn cảnh dân tộc, sâu và xa. Lạ, vậy bạn nghĩ mình là ai? Cham là ai?

“Tôi xem mỗi Cham như thể một sinh linh sống sót đầy thương cảm” (Suy tưởng-25, Inrasara.com, 2019).

Mà đâu phải riêng tôi!

Hãy nhìn Ariya Glơng Anak viết về sinh phận Cham 2 thế kỉ trước: ‘Hanim ayuh jang ô hu, nưm angan jang ô hai’: “Phúc thọ không còn, tuổi tên đâu chả thấy” – khiến tôi mỗi đọc tới là mỗi không thể không rùng mình.

Pauh Catwai viết về thảm trạng văn hóa Cham: ‘Urak ni yau hala mrek/ Dêh jang khing pek, ni jang khing bbang’: “Lúc này như lá ớt/ Đây cũng quyết hái, kia cũng muốn ăn”.

Những câu thơ kinh khủng!  

Và xem tôi nhìn cha mình (Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002):

“Xưa

dưới cái rây lịch sử khổng lồ

cha lọt sàng sống sót

lổm ngổm bò dậy làm người…”

Cha thì “lọt sàng”, còn mình, trong văn xuôi là “tay nông dân Cham vô danh tiểu tốt”, “tôi dân tộc Hời Nho-me”, “thằng Trạm mát”. Qua thơ (“Đứa con của Đất”-1990):

“… trái tim đui

tôi như người bị vứt

rớt giữa cánh rừng hoang trụi lá mùa xanh

Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên

rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ

như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố

tôi tìm lại tôi – tìm thấy nắng quê hương”

Còn hơn “dưới đáy xã hội”, để từ đó tôi “ngóc dậy, trườn lên” mới “tìm thấy nắng quê hương”. Thức nhận “dưới đáy xã hội” không phải để bạn mặc cảm rồi giậm chân tại chỗ “tháng ngày qua mãi sống trong đêm mờ” (Chế Lan Viên), mà quyết nỗ lực vươn vượt. Cho mỗi sinh linh Cham trở thành một “Cham Pangdurangga – ngang bướng, đau khổ và kiêu hãnh” – thứ kiêu hãnh sang trọng.

Chỉ khi nào con thấy và nhận mình “dưới đáy xã hội”, con mới có thể thương cảm sinh phận Cham, mở lòng yêu thương, từ đó đi vào lòng dân tộc. Con nhập cuộc đời sống chị em thợ may Đồng Nai, nỗi niềm bà mẹ ở quê nhà hay anh công dân Cham “xa làng khác tên gọi” nơi đất khách, sự sự vô ngại.

Còn không, con cứ ngạo mạn tự chiêm ngưỡng mình mà ưỡn ngực một mình!

P.S.

Lấy tên cho cuốn tiểu thuyết thứ hai, ban đầu tôi dùng Thằng Trạm Mát, chứ không phải Hàng Mã Kí Ức. Đưa bản thảo cho thầy Tỷ và yut Đảo đọc góp ý, cả hai lắc đầu: Con cháu Sara đọc, họ sẽ nghĩ thế nào! Tôi bảo, chính Einstein (?) cho rằng chỉ kẻ thông minh mới có óc hài hước, càng thông minh hơn khi kẻ ấy tự hài hước chính mình [tự trào]. Dẫu sao vâng bạn, tôi đã chiều.

Chiều, chứ tôi thấy Thằng Trạm Mát đúng, hay, và nhất là vui hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *