Tôi dạy con-3. BA TRỤ CỘT CỦA SỐNG

Chuyện ai cũng tưởng biết nhưng không làm, ai cũng nghĩ làm dễ mà hiếm khi làm được. Có thể gọi đó là 3 bí kíp để tồn tại, để sống khôn ngoan, và sống có ý nghĩa.

[1] THỂ THÂN

Trân quý và học biết chăm sóc thể thân mình. 

Không có NÓ, tất cả thành vô nghĩa. Bùi Giáng có câu thơ chịu chơi rất mực: “Người còn thì của mới lai rai còn”. Nói chi của cải, cả mấy lí tưởng cao xa, bao ước vọng xinh đẹp đều tiêu tán đường khi nó không còn. Tâm hồn, tâm linh gì gì cũng khởi từ thể thân mà đi.

Kinh Mật Tông: Hãy biến thân thể bạn thành cỗ xe tốt nhất để chở linh hồn bạn vượt qua trầm luân đại dương cuộc đời.

[2] Ý, NGÔN, HÀNH

Nghĩ, nói hay làm gì bất kì, hãy nghĩ đến hậu [hệ] quả của nó.

Khẩu xà tâm phật, chớ tưởng bở – không có vụ đó đâu. Suy nghĩ tà dâm, thâm độc thì tâm hồn bạn vẩn đục,thần sắc bạn tăm tối ngay. Mọi lời nói hay hành vi đều khởi phát từ suy nghĩ, chứ không từ đâu cả, ý thức hay tiềm thức cũng thế. Vậy trước tiên, phải làm chủ nó.

Lời nói gió bay, nó không bay mất mà tác động kinh khủng.

Muốn lan truyền thông tin về người nào đó, hãy nghĩ nó sẽ bay đến đâu. Có thể vận dụng 3 câu hỏi kiểu Socrates: Sự thể có đúng không, nó có hại cho đối tượng kia không, và nó mang lại lợi ích gì cho tôi? Bằng không, hãy dừng ngay lại. Có thể kể nếu được 2/3: Chuyện đúng, dù không hay cho đối tượng kia nhưng có lợi cho nhân quần – như một bài học.

Cả hành cũng thế. Đến dự sinh nhật con gái bạn thân, tính ôm thùng Ken, chợt bạn khựng lại. Sao không là cuốn sách hay món quà gì đó, ý nghĩa hơn?

Với nhà văn, viết là hành động. Bạn ý thức thường trực về mỗi câu văn viết ra. Rằng viết ấy có mang phúc lành gì cho ai không, nếu không, dù là “tuyệt tác”, hãy dũng cảm ném nó vào lò lửa.

Viết xong bài phản biện hay trao đổi, tôi đưa cho ba người đọc trước, hỏi: Có nên đăng không, và đăng lúc này có nên không, nếu hai người không thuận, tôi cất ngay.

[3] Trụ cột cuối cùng: “Tôi là nhân vật chính của tiểu thuyết do chính tôi viết nên”.

Không ai – cha mẹ, truyền thống hay hiện đại, lãnh tụ chính trị hay tôn giáo, bằng hữu hay kẻ láng giềng… có quyền viết thay hay viết giùm tôi. Họ có thể “biên tập” nếu tôi thích, nếu được tôi yêu cầu, còn thì – dù hay dở, dù xấu tốt, đoản thiên hay trường thiên… chính tôi viết nên tiểu thuyết của đời tôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *