Cuộc chiến của tôi-10. ĐỜI LÀ CHUYỂN DỊCH KHÔNG NGỪNG

[hay. Tôi, từ dễ thương đến dễ ghét]

Chuyến ra Bắc vừa qua, bạn văn có vai vế gợi ý Inrasara làm hồ sơ Giải thưởng Nhà nước đợt này đí, tôi nói: Sara nộp từ cuối thế kỉ trước rồi mà – tui cũng tham chớ bộ! Nữa, 20 năm sau anh Hữu Thỉnh giữa trưa còn phone kêu tôi bổ sung, vậy mà tôi cứ bị… hụt! Lỗi tại tôi, bởi lẽ ra tôi đã nâng niu hôn hít nó từ lâu, mà ôm luôn ba chớ chẳng phải một.

Bộ Văn học Cham thì miễn nói, nó number-1. Thơ, tôi 2 bận ẵm Giải thưởng Hội Nhà văn, và cả Giải thưởng Văn học ĐNÁ đó là chưa kể 4 món nho nhỏ xinh xinh khác. Phê bình, là khơi mở Văn học ngoại vi, điều chưa ai có cái nhìn toàn cảnh, qua 7 tác phẩm đã in.

Riêng vụ San định Kinh sách Cham dày cộm, cộng đồng Cham sẽ trao Giải đại cồ bự sau khi tôi lên giàn lửa, còn hiện tại thì không.

Cả 4 ấy, tại sao? Bởi tôi rất năng khiếu làm cho mình thành dễ… ghét!

[1] Nghèo thì nó khinh, thông minh thì nó ghét…

Tôi bị vài Chàm mình ghét, ghét bất cần giữ phép lịch sự luôn. Không phải bởi thông minh, mà do tôi làm được nhiều chuyện. Chẳng phải đoán già đoán non đâu, mà vài bạn trẻ thấy thế, và hỏi tôi sao lạ thế? Tôi nói: Dễ lắm, muốn được người đời ưa, cứ thất bại. Đằng này…

Hồi Pô-Klong, nó học dưới tao hai lớp; hồi cơ quan cũ, nó còn là lính thằng này mà, vân vân. Ta quen nghĩ thế và nói thế, chẳng cần suy nghĩ thêm. Anh bạn tôi ở Malaysia còn kêu, thằng Trạm hồi xưa có thế đâu…

Con người là một văn bản, được viết nên bởi: Gien cha mẹ ta di truyền, quá khứ dân tộc ta gánh vác, môi trường tự nhiên ta sinh ra và lớn lên, giáo dục gia đình và nhà trường ta thụ hưởng. Văn bản được vẽ thêm bởi người thân và bạn bè, cuốn sách ta đọc, bị tô đậm hơn bởi ý hệ tôn giáo ta rơi vào và chịu đựng…

Vậy đó, con người là một cái rổ to đựng thiên kiến. Sinh linh thông minh thì khác, đọc và sống đầy CHỦ ĐỘNG. Mỗi ngày là mỗi sửa sai và bổ sung “văn bản”, chuyển dịch và thay đổi.

Vậy mà, ta cứ nhìn và xét người theo thiên kiến xưa cũ kia, mới kẹt!

[2] Thế giới Chàm mình thì vậy, văn giới Việt Nam hơi bị khác. Nghe đồn…

Nếu Inrasara lo vào làm thơ đi thì dễ thương biết bao, mà nếu hắn cứ làm thơ kiểu Tháp nắng, hoặc cùng lắm là Lễ Tẩy trần tháng Tư đi, thì hay dường nào; đằng này, thêm kiểu Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài tân hình thức, với Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] hậu hiện đại nữa, thành ra… dễ ghét.

Giá mà Inrasara nghiên cứu văn hóa Cham đi. chớ có phản biện chi chi cả thì dễ thương làm sao. Nếu có phản biện thì phản biện trong phạm vi chuyên môn đi, đằng này hắn còn lây lan qua vấn đề xã hội, đụng cái chi cũng [gồng mình] lên tiếng, thành ra… dễ ghét.

Nếu Inrasara nghiên cứu văn hóa Cham với làm thơ hay viết tiểu thuyết, chớ có đâm đầu vào phê bình thì dễ thương biết mấy. Nếu có phê bình thì cứ như đa số nhà phê bình Việt Nam: khen một ít chê một ít là được lòng tất, đằng này hắn đi ‘lập biên bản’ văn chương Việt, mà toàn động đến mấy thứ ngoại vi nhạy cảm không à, dễ ghét là phải.

À, mà nếu có động đến văn học ngoại vi gì gì cũng còn được châm chế, đằng này hắn ham hố lăn vào các trận đấu vô vọng và vô tận với những kẻ [xưa vốn là] bằng hữu văn chương với hắn, dễ ghét thì còn… may.

Bạn có muốn tôi dễ thương không?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *