Bí mật của thất bại-11. GHÉT TRIẾT HỌC

Ngạc nhiên, hoài nghi, suy tư lại điều đã được suy tư, đặt câu hỏi và đẩy câu hỏi tới cùng, là việc làm và cái vui của triết gia. Tất cả không phục vụ cái gì cả, ngoài thỏa mãn TÌNH YÊU CÁI BIẾT. Tôi biết gì? Tôi là ai, tôi đến từ đâu rồi đi về đâu, tại sao sống, ý nghĩa và mục đích của sống là gì, vân vân.

Con người là sinh vật lí trí, nhưng lạ, chúng ta lại lười nhác suy tư. Suy tính [La pensée calculante: tư duy tính toán] để giải quyết vấn đề đời sống sao cho hiệu quả thì có, chứ suy tư chiều sâu mang tính triết học về sinh phận con người – không.

Ta thích những gì sẵn có, để nghĩ theo, nói theo và làm theo, cuối cùng tự biến mình thành đồ đệ trung thành của chủ nghĩa Theo-ism. Mỗi nghe đến triết học là mỗi sợ. Từ sợ dẫn đến ghét.

Dẫu sao con người không thể không triết lí, đến nông dân Cham “thất học” ở những buổi lễ nhà quê, vẫn cứ mang triết học ra bàn ‘pacoh xakarai’, tranh luận triết học hay đấu lí.

Tại sao? – Vì triết học là nền tảng của nền tảng cho và của cái biết.

Ở cộng đồng Cham, tôi sớm biết đến triết học, là điều hi hữu – như quà tặng Bà Trời ban cho Cham. Thuở Trung học, tôi đọc nhiều lần bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim. Từ tuổi 20, mê đắm Phật, Krishnamurti, Heidegger rồi Nietzsche, Sartre, Camus… Triết học và Đạo học giúp tôi hiểu tôi là ai.

Hiểu và ĐỊNH, từ đó tôi làm khỏe, làm được nhiều việc, làm và vui.

Việt Nam, nhất là Cham không ai giàu lên nhờ đọc triết cả, bạn kêu thế. – Chuẩn luôn! Nhớ là, khác với các tỉ phú ngoài kia, đa phần đại gia Việt Nam không thèm đọc sách, chứ đừng nói sách tư tưởng. Thế nên, hãy xem ta GIÀU ĐẦY NGUY CƠ thế nào!

Trích “Inrasara- Suy tưởng-34”:

Tôi là Cham sinh tại Chakleng trong đất nước Việt Nam cư lưu bập bênh giữa hai thế kỉ XX và thế kỉ XXI. Phí lãng cả tuổi thanh xuân để phục dựng văn chương Cham: nghiên cứu, xuất bản và lan tỏa. Dù biết chắc chắn nó sẽ tan biến ở một tương lai mơ hồ nào đó của dằng dặc thời gian, nhưng tôi vẫn hết mình. Tôi gọi đó là hành động trong chân trời khả thể.

Hành động trong chân trời khả thể nghĩa là tự do khỏi mọi giới hạn. Tôi thường trực tự thức sự thể. Tự thức, tôi hết bám vào các công trình hay sự nghiệp, học vị hay chức vị, quốc gia hay quốc tế, ý thức hệ tôn giáo hay chính trị, ranh giới địa lí hay biên giới tinh thần, thôi còn đồng hóa tôi với chúng.

Trong Hội Nhà văn Việt Nam, tôi là một outsider. Nghiên cứu văn hóa Cham, tôi vẫn là kẻ ngoài cuộc. Ngoài cuộc, mà không vô trách nhiệm. Hết mình, và sẵn sàng lên đường bỏ đi.

“Như dòng sông cho và đi

cho và đi mất vào biển xa” .

(“Tặng phẩm của dòng sông”-1982).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *