Bí mật của thất bại-10. KHỔ CHỈ LÀ SỰ TƯỞNG TƯỢNG

[hay. Tôi chưa bao giờ khổ cả!]

Tiểu học: chăn trâu, câu cá, đến trường với đá banh – sướng thì hẳn rồi, Ngay khi cha kêu xuống đám ruộng nước dắt trâu [chưa thuần] kéo cày bị chúng tạt nước ướt cả người suốt buổi, tôi chưa bao giờ cảm thấy khổ cả.

Xong Tiểu học, mùa Hè đạp xe qua các làng bán cà-rem, đầu trần dưới nắng Phan Rang, tôi vẫn cứ sướng, còn nghĩ cách rao sao cho kêu nữa.

Trung học – nhà nghèo, lắm khi cuối tuần xuất trại không tiền đi xe Lam, tôi với anh Đạm cuốc bộ qua chục cây số về nhà. Anh em còn bày trò chạy đua, cũng vui chán.

Giải phóng: đất nước trường kì ăn độn, nuôi gia đình 5 miệng ăn, tôi làm đủ nghề từ cày thuê đến chích heo, trồng rau muống đến làm hàng xáo, đi buôn bán xa hay mở quán tạp hóa trong làng… suốt ngày đầu tắt mặt tối, cực thì cực, tôi cứ sướng. Tối, còn mở lớp dạy võ nữa! 

Gồng gánh cả nhà vào miền Tây bán thổ cẩm, mỗi sáng đèo hàng qua các chợ quê “bán la”, cơm tự nấu xách theo ăn, ngủ giường ọp ẹp trong chòi rách người Khmer cho ở tạm. Ế ẩm, bị con nợ sang heo con chở qua chợ bãi bán gỡ vốn… tôi tuyệt không nửa lời than phiền ai đó, vẫn vui vẻ với mấy cuốn sách triết mang theo.

Vào Sài Gòn, sáng chở bà xã trên chiếc xe đạp cọc cạch từ Tân Phú đến quày Thổ cẩm ở Thương xá TAX, liền chạy qua Đại học soạn Từ điển, tối mịt mới đi rước bà về. Mỗi ngày 50km đi đi lại lại giao hàng, tôi chưa hề xem đó là khổ để mà kêu khổ. Thời gian này tôi còn in thơ để ôm về Giải thưởng Hội Nhà văn, sướng muốn xỉu luôn!

Khi đã nổi tiếng, được đi khắp tỉnh thành đất nước hay bay ra nước ngoài diễn thuyết, sướng đã đành; cả khi vô số lần lên xe đò về quê giải quyết rắc rối nỗi Cham, được thì vui, mà không thành tôi cũng không vì thế mà phải trằn trọc chi cho đau bao tử.

Tại sao phải khổ chớ?

Phạm Công Thiện: Quan trọng là biết tưởng tượng

Với cuộc người, bạn bè thân thiết hơn nửa đời hư, khi không còn yêu thương được nữa, tôi im lặng tha thứ và bước qua – nhẹ nhõm, có khổ gì đâu.

Gầy độ lai rai bạn văn, khi nghe hết thú vị, tôi đứng dậy rời khỏi bàn. Hà cớ chỉ vì “lịch sự” mà phải ngồi lại, cho khổ?

Vậy, hãy biết tưởng tượng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *