Thương ca vô tận-24. THƯƠNG TƯ DUY AO LÀNG

[Thương [vài] nhà văn Việt Nam và kẻ… Chàm]

Tục ngữ Cham:

Mưtai di krong, mưtai di tathik

thei mưtai di danao kabao mư-ik takai palei

Chết nơi biển cả sông sâu

Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng

Ở HTX Thơ Việt, ta cứ với ta mà kèn cựa.

Nhà này suốt ngay đòi lên võ đài đọ thơ, không phải với thi hào thi bá thế giới, mà với người nhà ở ao làng. Nhà kia la: thằng đó trả nhiêu tiền mà mầy khen thơ hắn. Rồi hết thơ tân con cóc đến thơ vô lối mà nhạo nhiếc nhau.

Tệ hơn cả là ta kèn cựa với hệ mĩ học, dù hệ ấy đã quen mặt là Tân hình thức hay Hậu hiện đại từ hơn mươi năm cũ. Chẳng cần biết hay dở ra sao, cứ phang cái đã, đơn giản bởi nó khác ta.

Ta phang cả thể thơ, thơ tự do không vần là một mục tiêu bắn phá. Mà thể thơ ấy đâu phải độc quyền của Tây, Rimbaud hay Whitman? Từ non hai thế kỉ qua nó đã là “kho trời chung” của cả nhân loại, vậy mà tận thiên niên kỉ thứ ba sau Công nguyên, không ít nhà thơ Việt vẫn còn kì thị. Không đáng thương sao!

Thế giới nhỏ Cham cũng không khác.

Lạ lắm, tôi biết ba sinh linh Cham kèn cựa, tưởng với ai, lại với kẻ đồng tộc “mạng cùi Chàm” nơi xó kẹt thế giới. Một chàng hô sẽ là Inrasara thứ hai, một khác quyết hơn thua với Inrasara, một còn lại tuyên đã ăn đứt Inrasara rồi! Tội vậy chớ.

Chẳng ai nhìn cao hơn, không người nhìn xa hơn

Tự chấm tọa độ đời mình trong sương mù quá khứ

Thế giới rộng lớn vô cùng, ta ngồi nhà đóng cửa…

(Trường ca “Quê hương” viết 1982, in trong Tháp nắng-1996)

Hãy dám chơi khác, như… tôi.

Ngay từ tuổi 17, treo ảnh Krishnamurti trước bàn học, ở đó hai nhà tôi muốn vượt, không phải anh Cham hay bác Việt nào đó, mà là: Dostoievski và Heidegger.

Hãy tưởng tượng, cậu học sinh Chàm ở một gia đình nghèo nơi một làng nghèo tại một tỉnh nghèo trong đất nước nghèo đang bị chiến tranh tàn phá, ở tuổi ấy đã treo ảnh kiểu ây, không phải thần tượng, mà như “đối thủ” cần vượt qua!

Tôi mở ra thế giới rộng lớn ngoài kia, không tự đóng khung mình trong đất nước Việt Nam, nói chi ao làng Cham. Để hôm nay, cho ra đời tiểu luận: Nhập cuộc về hướng mở.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *