“Tôi xem mỗi Cham như thể một sinh linh sống sót đầy thương cảm” (Inrasara.com, 2019).
Hôm trước Jaya kêu, sao Jaya biết mấy Cham ghét cei mà cei chưa hề nhận định xấu về họ, còn nói tốt nữa. Tôi im lặng. Ừa, làm sao có thể ghét Cham được, khi tôi xem mỗi Cham như thể một sinh linh sống sót đầy thương cảm. Dù họ có xuyên tạc hay dại dột đâm sau lưng tôi.
“Tiếng run rẩy đầu tiên được đặt vào trang giấy là tiếng của thiên thần bị thương: ĐAU KHỔ” (The first quivering word he puts to paper is the word of the wounded angel: pain) – Henri Miller.
Đó là nhà văn chính hiệu.
Hôm qua tạt qua nhà một cháu quen. Mươi tháng gặp lại, ôi thôi cái thể thân đến tôi không dám nhìn rõ người nữa. Tôi chạm nhẹ vai cháu, như thể mình vừa chạm vào đáy khổ đau của con người.
Chợt nhớ bà mẹ Cham bán thuốc Nam bị Nhân Gà Vlogs làm video xài xệ đang tạo dư luận, mà thương. Thương vô cùng. Không được học cao và bởi sinh nhai, đành chịu thế – không thể trách.
7 năm trước, em họ tôi bán “thổ cẩm chạy” ở chợ Hòa Bình – Đà Lạt [là chốn cánh an ninh hay đuổi], bị xe tông, vào Sài Gòn. Nghèo mất cái eo! Tôi ghé bệnh viện thăm, nắm bàn tay em gái, mà nghe ớn lạnh về sinh phận con người.
Dường con người sinh ra là để đau khổ.
Nữa, vợ của bạn thân mất chồng, mãi qua năm tôi mới ghé thăm. Cầm tay người vợ góa mà nghe niềm cảm thương dâng trào. Bà Trời đã cho nàng gần như tất cả, rồi lấy đi hết của nàng ở nửa cuối đời người, tệ thế! Tôi muốn ngồi cạnh cho nàng dựa vào vai mình mà khóc, nhưng không. Truyền thống Cham không thể hiện tình cảm kiểu ấy.
Lần nữa, tôi như vừa chạm vào đáy khổ đau của phận người.
Tôi không tưởng tượng nổi, làm sao ở tuổi 20 Huy Cận lại viết được đoạn thơ kinh khủng như vầy:
Nếu Chúa biết bao nhiêu lòng hốt hoảng
Trong sầu đen đã gẫy cánh như dơi
Nếu Chúa biết bao nhiêu giòng lệ đắng
Chảy như sông, không rửa sạch sầu đời
Trở lại chuyện Cham, một đoạn của trường ca “Quê hương” viết năm 1982, in trong Tháp nắng-1996 chỉ động đến niềm cơ cực, chứ chưa phải ĐAU KHỔ:
… Ai đang đi kia?
Băng cánh đồng khô chân trần hối hả
Đội giành gốm to đi giữa trưa nắng hạ
Có kịp bữa cơm, đám con đói lao nhao?
Ai đang bước kia?
Quẩy lúa bó ướt nhèm đang vượt lội
Bờ vùng thì trơn mà sân hợp tác thì xa
[Đường nội đồng vỡ trong lũ đêm qua]
Ôi hai vai tuổi đôi mươi đã sớm sần chai lằn đòn gánh
Tóc em nước mưa chưa khô mà lưng em mồ hôi đã đẫm
Có kịp không, cho mơ ước lớn khôn?
Ai đang đi kia?
Gói khăn dằn lên lưng gùi qua đất Thượng
Chàm mình nghèo mà Thượng có giàu đâu
Nhưng đã đi thì phải quến nhau
Có kịp không, với vòng xoay công nợ?
Và ai đi kia?
Ciêt gha harơk lên vai đổ xô đất lạ
Hành nghề thầy lang dạo cùng quê khắp chợ…