PHÊ BÌNH, KHÓ

Tôi vừa đọc qua luận văn Thạc sĩ mới, về phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara. Tôi không ý kiến, chỉ thư riêng gửi bạn ấy. Triển khai thêm rõ hơn, đăng hầu bà con.

Xưa rồi, Sara trả lời phỏng vấn báo Lao động, số 185 ra ngày 11-8-2007: “Thiếu tư tưởng, nên phê bình ăn theo sáng tác”, do MT. thực hiện.

Nhà phê bình ta “ăn theo” nhưng lại thái độ cha nội, ưa gõ đầu người sáng tác. Inrasara thì khác. Phê bình song hành, thậm chí đi trước khai mở cho sáng tạo. Hành trình phê bình của tôi trung thành với cách chọn lựa đó.

Hoạt động lí luận & phê bình, cái đáng quan tâm ở tôi là tiểu luận, chứ không phải phê bình. Phê bình Việt Nam nhìn chung là thiếu tư tưởng, cụ thể hơn: thiếu một hệ thống lí thuyết. Nhiều nhà ta ưa gom vài chục bài báo lẻ in tập, gọi là tập lí luận – phê bình. Đọc mỗi bài riêng lẻ thì thấy hay hay, chứ khi gấp sách lại, người đọc không nhận ra đâu tư tưởng chủ đạo xuyên suốt.

Sara cần “lập thuyết” là vậy. Tôi đặt tên cho nó là Phê bình Lập biên bản.

Phê bình bước đầu, tôi nhấn về đặt nền tảng khoa học cho phê bình, bởi lâu nay ta quá cảm tính, tùy hứng đến tùy tiện. Phê bình Lập biên bản có 3 hình thức: Biên bản Bàn tròn Văn chương như tập thể phê bình, Biên bản lập chậm ghi toàn cảnh hội thảo văn học các loại: cụ thể và đầy đủ, tuyệt không cắt xén và Phê bình [như là] Lập biên bản.

Ngoài hai hình thức trước quyết “giữ nguyên hiện trường” sự cố hay sự kiện, ở Phê bình [như là] Lập biên bản – không khác các nhà khác, tôi vẫn làm công việc diễn nôm thơ rồi tán theo kiểu rút dây động rừng, chứ chưa có gì khác lạ ngoài giọng văn.

Ở bước hai, với 19 “Hồ sơ biên bản so sánh”, tôi mới thật sự có đóng góp. Lẽ ra 40 bài mới đủ bộ, tiếc là do chuyện bất trắc đột ngột xảy đến, hồ sơ bị hoãn nửa chừng rồi tắt luôn.

Tôi biết bạn chưa dám mổ xẻ “Hồ sơ” này, do nhạy cảm, không vấn đề gì đâu. Chúng ta chưa đủ cô đơn cho phê bình, là thế.

Tới đoạn cuối là bước thứ ba, tôi đặt tên: Phê bình khai phóng, ở đây chưa triển khai tới đâu, tôi mất hứng luôn với văn chương.

P.S.

Đòi hỏi ở một nhà phê bình là có cái nhìn tổng quan văn học, vừa lịch đại vừa đồng đại, từ trung tâm đến ngoại vi mới tránh lệch lạc, một chiều. Muốn thế, bạn phải trải qua công đoạn làm việc như một nhà NGHIÊN CỨU, không thể khác.

Nữa, để không bị rớt lại, bạn cần biết LÍ THUYẾT PHÊ BÌNH, cả các trào lưu đang diễn ra trên thế giới. Vận dụng chúng linh hoạt vào thực tiễn văn học nước nhà. Nếu ngon cơm hơn, bạn quyết một tư tưởng chủ đạo xuyên suốt, để phê bình.

Cuối cùng, sau hai giai đoạn nghiên cứu và phê bình, bạn cần tạo được GIỌNG VĂN, như một nhà văn đích thực.

Phê bình, khó là vậy. Phần mình, tôi tự chơi khó bằng lập thuyết: Phê bình Lập biên bản, còn đối tượng phê bình của tôi nhấn vào là văn chương ngoại vi đương đại, cũng khó chả kém.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *