Chiều hôm qua ở Chakleng, chuyện với anh Cục, anh nói:
– Lạ lắm Sara à, đấu tranh mạnh nhất cho Bà-ni chính là phụ nữ, quý ông chỉ có thể đứng đằng sau thôi. Và anh nêu loạt tên tuổi…
Chuẩn luôn! Đàn ông làm luật pháp, đàn bà giữ phong tục – Tây nói đại ý thế. Tục ngữ Việt: Đàn ông cắm chà, đàn bà làm tổ.
Tôi nói vui: Cham mất hai thứ “khănh” là mất tất! Người nữ là ‘AKHAN’ “váy”, nam là ‘AKHAR’ “chữ”, khác nhau có mỗi ‘poh N-R’! Ở đó đứng đầu bảng của “chữ” là AGAL: Kinh. Người giữ và dùng kinh là HALAU JANƯNG, chức sắc Cham.
Nhắc lại, Ariya Po Parơng được viết vào năm tháng nhiễu nhương thời Pháp thuộc, sau thời kì đại khủng hoảng. Câu 103:
Khik hai pô Adhya pô Acar
Adat cabbat Cam mưng kaal thrôi drah dook di drei
Giữ nhé Cả sư bên Bà-la-môn với Bà-ni
Phong tục Cham xưa [còn tồn tại] chóng hay chày cũng do mình.
Người nữ vứt bỏ “váy” ‘AKHAN’, Cham mất một nửa, Chức sắc rời bỏ “kinh” AGAL, Cham không còn gì. Xin lặp lại: không phải tập cấp Vua chúa, càng không phải giới trí thức, mà chính tập cấp Bà-la-môn [và Acar] đứng ở hàng cao nhất của tổ chức xã hội Cham, giữ cho cộng đồng Cham tồn tại như là Cham.
Inrasara là RA-XAKARAI “Luận sư” [cháu ruột Gru Urang thầy cao đạo và Paxeh Bà-la-môn] mang sứ mệnh luận giải kinh sách và các vấn đề Cham đến mọi tập cấp Cham, kéo tất cả gần lại nhau.
Như Ma Hời hậu hiện đại, tôi sự sự vô ngại giữa tầng lớp sinh linh Cham hiện đại: Đến, gần gũi và làm việc trực tiếp với quý ông, cùng cộng đồng. Ghi chép, đối chiếu, chọn lọc, lắng nghe và thấu hiểu… đúng, mới có thể luận giải đúng.
5 năm qua, quy hồi cố hương, tôi làm là làm cho quý Halau janưng và cho cộng đồng, chứ không phải làm cho tôi, để cộng điểm vào công trình của riêng tôi!
Heleh!