Vụ “giã từ Chủ tịch Hội đồng thơ” gợi ra vài đoán mò hơi lạc đề. Không gì to tát đâu bà con ơi. Tạm nêu mấy trận bỏ đi của tôi để bà con tham khảo, đối sánh.
[1] Năm 1977, mới qua 5 tháng Đại học, tôi rời bỏ giảng đường. Vĩnh viễn!
Gia đình nghèo, khi ấy Cham mới có 8 mống sinh viên, vậy mà tôi dứt áo kiểu vậy. Cộng đồng không ngỡ ngàng, cha mẹ không buồn mới lạ. Thế nhưng, tôi “vì mình” hơn: Ở đó tôi không có gì để học. Về quê cày thuê mua sách đọc, hay hơn.
[2] Năm 1979 làm Kế toán trưởng HTX Nông nghiệp 700kg thóc mỗi mùa, chưa đầy hai năm, tôi bỏ ngang xương để qua Ban Biên soạn sách chữ Chăm lương chết đói.
Bốn năm ở đây, thấy Ban cựa quậy trong phạm vi quá hẹp, tôi nghỉ.
Vừa là sếp và là bạn vong niên của tôi, thầy Tỷ buồn chứ, nhưng tôi đặt câu hỏi: Sao phải bám biên chế, thế là tôi bỏ về quê làm nông dân, tiếp tục chương trình… đói.
[3] Năm 1992, Đại học Tổng hợp mời làm việc, qua 6 năm tôi cũng nói lời bái bai, dù được gợi ý ở lại lấy Cử nhân, Thạc sĩ rồi gì nữa. Đời ổn định là cái chắc. Tôi nói với thầy Thế: Sara muốn làm nhà văn tự do.
[4] Chuyển hệ qua giúp bà xã phát triển Công ty Thổ cẩm Cham, nổi tiếng và thành công lớn. Đến năm 2002, bàn giao nó cho bà xã, tôi dán hàng chữ to trước bàn viết: TÔI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA
dành mọi nguồn lực cho trò chơi chữ nghĩa, để rồi từ đó Công ty đi xuống không phanh.
[5] Năm 1999, ông Hà Xuân Trường kí giấy mời tôi ra thủ đô hiệp thương giữ vai gì đó khá to ở Trung ương, tôi để thư muộn thật lâu mới trả lời. Rằng tôi rất cảm ơn, nhưng không thể!
[6] Ủy viên Ban chấp hành Hội VHNT các DTTS Việt Nam [phụ trách Trưởng Ban Lí luận Phê bình], được nửa nhiệm kì, tôi cho mọi người hay tôi sẽ dze sớm. Chủ tịch Nông Quốc Bình buồn, nhưng tôi muốn dành chỗ cho ai khác.
Đồng lúc, tôi tuyên sẽ từ bỏ chức Phó Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, dù chỉ mới qua hai năm.
[7] Năm 2008, Bàn tròn Văn chương cũng hệt, qua 12 kì lãng đãng, tôi vẫy tay xin chào nhau giữa con đường. Rồi là vai Chủ trì Cà phê thứ Bảy Văn học, cùng mấy linh tinh khác.
Nữa, đặc san Tagalau tôi sáng lập và chủ biên, là mảnh đất tôi dồn sức nhiều nhất, và dù đang chạy trơn tru – tôi cũng trao cây gậy cho thế hệ mới. Nhẹ nhõm.
[8] Năm 2021, Hội đồng Anh mời cố vấn Dự án Văn hóa di sản vùng Cham, thù lao rất khá, tôi có thư từ chối. Nhưng rồi họ kêu “không thấy ai khác”, và “rất nhẹ thôi, với lại chú không phải lo thủ tục hành chánh”, tôi mới nhận.
Nhận vụ này, tôi viết thư từ chối ngồi Ban giám khảo mục Nghiên cứu phê bình của Văn Việt, với nguyên do rất chánh đáng.
[9] Tham gia Ban giám khảo Sách Hay của Viện IRED ở đề mục sách Nghiên cứu, tôi nhập cuộc 5 năm rồi xin thôi từ hai năm trước. Năm nay, Viện lại mời, tôi cho biết mình đã về quê, không điều kiện tiếp cận sách vở. Viện kêu sẽ hỗ trợ tôi tối đa, tôi mới nhận.
Chớ tôi có ham hố chi đâu, hén?
[10] Nay là vụ giã từ Chủ tịch Hội đồng Thơ.
Không phải không lương bổng hay bởi vài mống chống đối, mà do tôi bị yêu sai… mục tiêu.
Giã từ nửa chừng, bạn thơ tôi Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái… buồn chớ, nhưng tôi “vì mình” hơn: Tôi không thể đóng vai diễn không thích hợp.
+
LẦN CUỐI VỀ VỤ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THƠ
Vụ “giã từ Chủ tịch Hội đồng thơ” gợi ra vài đoán mò, trong đó có ý: Do chẳng lợi lộc gì mà còn bị phân biệt đối xử. Chả phải đâu!
Tôi chủ trì 12 kì Bàn tròn Văn chương sinh hoạt ngoại vi của Hội Nhà văn Việt Nam, 2 năm chủ trì Cà-phê thứ Bảy phi chính thống, mọi mọi sinh linh hòa đồng vui vẻ, có ai phân biệt ông Sara Chàm đâu. Tôi không tự phân biệt, anh chị em văn nghệ càng không. Còn vài kẻ chống tôi hôm nay, tầm còn quá thấp, tôi “giơ chân hơi cao” xíu là chạy mất giày.
Rồi khi không cãi lại tôi, có kẻ còn lôi “Chăm” ra nhạo nhiếc hi vọng làm tổn thương tôi. Có đâu! Chơi bẩn kiểu ấy chỉ có thể khiến tôi mạnh lên chứ làm gì trầy sướt ngài Sara, kẻ trải qua bát ngát lò luyện lửa cuộc đời.
Chuyện kể.
Năm 1992, Đại học mời tôi vào Sài Gòn biên soạn Từ điển. Các vị đồng tham gia: Đề cương không, tài liệu không, vốn vô hình thì mơ hồ. Thế là tôi, một nông dân vô danh tiểu tốt chưa Đại học không chức vị lại sắm vai tổ trưởng. Thêm một vị Chàm từ hải ngoại về hô, trình độ tiếng chữ Cham của sinh linh Cham bất kì chỉ tới lớp Ba không thể soạn Từ điển, lôi kéo mọi người tấy chay công cuộc.
Ngó quanh tôi thấy mình bị hầu hết Cham có chữ nghĩa cô lập.
Khi ấy tôi được Trung tâm cho ở Cư xá dành cho sinh viên nước ngoài đường Nguyễn Chí Thanh rộng rinh. Jaya đứa con trai 4 tuổi đang say giấc hồn nhiên, tôi bước ra ngoài sân vắng, “trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da”. Lần đầu tiên trong đời tôi bị mất ngủ. Qui hồi cố hương nắm đuôi cày chăng?
– Không, tôi phải chiến đấu. Và tôi đã…
Từ đó, chữ “bỏ cuộc” vắng bóng trong ý tưởng tôi. Các trận chiến sau đó chỉ là mấy va quẹt nhỏ lẻ.
Vụ này cũng thế, không phải tôi bỏ cuộc, tôi rời bỏ nó chỉ do trật mục tiêu, mà tréo ngoe thay – nguyên do lại từ những người yêu tôi.
Kể “Sara & 10 trận ra đi… lớn” để chỉ ra cho bà con hay là, tôi ra đi khi đang ở đỉnh cao chứ không phải do thất bại: Cty Thổ cẩm đang lên, Cà-phê thứ Bảy Văn học đang ngon lành. Rời chức vị để làm kẻ vô danh, chứ không ham hố: Bỏ Đại học về nhà cày, bỏ biên chế Cán bộ tỉnh làm nông dân, từ chối chức cao ở Trung ương để làm nhà văn tự do. Nhất là tôi nói bái bai cái gì đó chỉ vì yêu chứ không phải do ghét: Tagalau đang ngon trớn, cần nhường lại cho thế hệ trẻ.
Khi thấy không còn thích hợp nữa, thì buông bỏ, chối từ, cắt đứt, thả đi, phóng thích, ra đi, từ bỏ, rời khỏi, dứt bỏ, bứt rời.
Hà cớ phải bám? Làm việc ba cơ quan, tôi chưa hề biết đến đơn xin việc, nên không mắc nợ ai. Tôi luôn giữ bàn tay MỞ, tinh thần mở. Mở – để tiền bạc, sự việc, thành tích hay công trạng, phần thưởng hay ân nghĩa đi vào và đi ra, vô ngại. Như Rilke:
Dù gì đi nữa…
vẫn luôn luôn giữ PHONG THÁI CỦA KẺ SẮP LÊN ĐƯỜNG,
như chúng ta sống
mà vẫn luôn luôn từ biệt.