Lãng du thế giới tháp Chàm-11. KHI THÁP NHƯ LÀ BIỂU TƯỢNG

Cớ sao Ba Tháp [hay tháp Hòa Lai, tiếng Cham: Yang Pakran] ngự sát cạnh Quốc lộ 1 mà chẳng có du khách nào buồn ghé thăm? – Nhiều người đặt cho tôi câu hỏi đó. Không sai, có nguyên do sâu và xa hơn, là điều Ngô Văn Doanh ở “Tháp Hòa Lai, huyền thoại và sự thật” đã kể rồi, miễn nhắc lại.

Mùa Hè năm cuối Tiểu học, mấy lần đạp xe cà-rem đi qua, nhìn tháp mà nghe rờn rợn. Gai xương rồng với dây leo um tùm hai ngôi tháp, chỉ chừa lại cái đỉnh nhô ra như hai con mắt ngoi ngóp rán ngoảnh lại nỗi hoang vu của lòng người. Ngôi còn lại đã ngã đổ bị thiên nhiên vô tình trùm chăn âm u luôn. Thảm!

Bài thơ “Tháp hoang” bật ra từ nỗi thảm ấy.

Tháp hoang

như thình lình mọc lên từ đất

lông lá – âm u – dọa nạt

Tháp hoang

nổi cộm giữa chiều trời ma quái

ung nhọt trên làn da mềm mại

thảm rừng già xanh

Tháp hoang

đột ngột xô tôi về đối mặt

quá khứ

lao xao bầy dơi đen

Tháp hoang

người bỏ rơi – lịch sử bỏ quên

bước chân thời gian thì nhớ…

+

Trước 1975, tuyệt đại đa số gia đình Cham đều treo ảnh tháp Chàm trong nhà. Không lớn thì nhỏ. Ở đó đa phần là tháp Pô Klong Girai. Sau, luân lạc qua nhiều vùng đất, sinh linh Cham cũng mang theo mình, không gì khác, ngoài THÁP.  

Nhà tôi ở Sài Gòn cũng không khác. Nhỏ thôi, nhưng không thể không có!

Ngoại trừ thần linh, bậc đạo sư hay tư tưởng gia vĩ đại, còn thì con người nói chung sống trong thế giới biểu tượng, cần đến biểu tượng. Một dân tộc thì càng.

Ở Cham,

nếu ‘Carit’ kiếm “charit” biểu tượng cho vương quyền, ‘Krek’ “cây Lim xanh” biểu tượng sức mạnh vương quốc Champa, thì ‘Bal’ “thủ đô” biểu tượng cho chính vương quốc. Thế nên khi thủ đô cuối cùng mất, Cham “lập” thủ đô ngay giữa không trung, như một biểu tượng bất khả xâm phạm. Ariya Glang Anak câu 108-109:

Ngak bal di Mưlithit đa ra loong

Hajiơng yau nan ka tarakoong prong di Pô Dêbita

Hajiơng ra ngak nưm di ngok tara

Paak akiêng takai kara di tưh thek lingal

Dựng thủ đô ở Phan Thiết thì e người công

Nên mới cho cổ họng mình [sống hay chết] là ở Đấng Chí tôn

Nên người mới làm dấu giữa khoảng không

Bốn phương: ngay dưới chân sao Rua và giữa sao Cày”

Còn với tuyệt đại đa số sinh linh Cham, ‘Bimông’ là biểu tượng cao vời nhất.

Bởi nhiều nguyên do khác nhau, hiện nay tháp Chàm được Cham nhìn nhận có hai dạng: Tháp “sống” ‘bimông diiup’ và tháp hoang ‘bimông bhao’, ‘bimông jwa’ là tháp không còn được cúng tế, như Ba Tháp ở Ninh Thuận.

Du lịch hôm nay ăn theo tháp “sống” và Katê, chứ ‘bimông bhao’ thì ta trùng tu rồi bỏ cho hoang luôn.

Là biểu tượng, nên biểu tượng đó cần được tôn trọng.

Tiệc tùng trong khuôn viên tháp, tưởng không có gì, nhưng đó là “phạm thượng” ‘tanưplơh’. Khác với nhiều tôn giáo khác, tháp Chàm được dựng lên xa trung tâm sinh hoạt đời thường, là vậy.

Mỗi năm Cham mở cửa tháp bốn lần để cúng, còn lại: đóng, và bỏ đó. Chỉ sau 1975, cửa mới mở tùy nghi. Cham lễ Pô Yang đốt nến nhỏ, nến cháy chưa đầy tiếng đồng hồ, xong lễ thì thu về. Còn người Việt đi vào, thiếu hiểu biết nên TÙY TIỆN đốt nhang mù mịt, lòng tháp bị ám khói, mới thành chuyện.

Nhập gia mà ta không biết tùy tục!

Chỉ khi nhìn Cham qua con mắt Cham, mọi chuyên mới vỡ lẽ.

Nữa, đi vào trong tháp Pô Inư Nưgar, mấy thập kỉ qua, mỗi khi lễ Bà, sinh linh Cham ‘talabaat’ nằm rạp người xuống, mở mắt ra ngó mỗi cái đế, chả thấy Bà đâu! Nâng tượng Bà lên quá đầu người, là ta CHỦ Ý lấy Việt làm trung tâm, thuận tiện cho người Việt đốt nhang đứng lạy lâm dâm khấn Bà, trong khi chủ nhân ông/ bà làm ra tháp là Cham!

Việt Nam đất nước đa dân tộc, giải trung tâm hậu hiện đại không phải là hủy trung tâm, mà là nhìn nhận và tôn trọng những cái Khác “the Others”, các trung tâm nhỏ lẻ hay “ngoại vi” khác. Là cách giữ tính đa dạng của văn hóa, môi trường… – là tinh thần nhân văn của hậu hiện đại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *