[kể tiếp chuyện tiền nong, chữ nghĩa và nỗi “sĩ” của văn nghệ sĩ ta]
Henri Miller: Tôi nghĩ một nghệ sĩ thực sự cần rất ít: ăn ít, ngủ ít, sở hữu ít hoặc không có gì cả.
Tôi biết không ít thi sĩ khinh tiền. Khinh nhưng lại ngửa tay ăn mày, hay lừa tiền – mới tội. Tôi thì khác. Tôi ý thức về tiền, và biết làm [ra] tiền từ rất sớm, gần như đồng thời với tập ráp vần. Làm tiền bằng sức hẳn hoi.
Từ năm lớp Ba, tôi không còn phải nhờ vả mẹ chuyện giấy bút, mà tự mình vừa chăn trâu vừa mót lúa mang ra quán bà Hai đong lấy tiền mua. Năm cuối Tiểu học, tôi đạp xe qua nhiều palei Cham bán cà-rem dành tiền cho sách vở. Thi vào Trung học đậu thủ khoa lãnh học bổng rất khẳm, tôi gần như không làm phiền đến mẹ đến tận “giải phóng”.
Sau này, tôi làm đủ thứ nghề để có tiền.
Từ chích heo đến làm nho, từ trồng rau muống đến làm hàng xáo. Sau nữa, mở quán tạp hóa ở quê, dựng Cơ sở dệt Thổ cầm rồi lên Công ty. Đến năm 2002, tôi đã “đại gia” trong giới cầm bút.
Tôi chưa bao giờ ý định làm ra tiền, khi trong túi rủng rỉnh tiền, ai xin là tôi cho. Tôi cho bạn này xe máy, bạn kia cái tivi màu cho con, bạn nữa ba con cừu, rồi bạn cặp bò đực, bạn thì máy may với lỉnh kỉnh phụ tùng, ông thầy là chuồng cu, cho sinh viên này tiền ra trường, sinh viên kia nộp học phí, học sinh trường nọ phần thưởng, vân vân.
Cho vậy thôi, không chần chừ, không tính toán. Dù bệnh nghề nghiệp rớt lại từ thuở kế toán, tôi luôn ghi chúng với ngày tháng vào sổ lưu. Lưu mà chẳng buồn nhớ và cũng không mong ai nhớ. Cá nhân là vậy, còn tập thể thì tôi cho sách.
Từ năm 2002, tôi cho thưa dần. Dành tiền cho tuổi già, để không phải phiền con cháu.
Như Dostoievski, tôi bị ám ảnh bởi tự do. Có tiền, để tự do cho chữ nghĩa.
Không vào Đảng, làm việc ba cơ quan, tôi không phải làm đơn xin việc. Nhận nhiều ghế to, nhưng đó phải là ghế không lương. Tất cả vì… tự do!
Thế nên, tôi tuyệt không để cho đồng tiền chi phối, sai khiến mình.
Từ nhỏ, tôi dạy nhiều thứ cho Cham, không lương.
Làm Tagalau, không xin ai – dù mỗi kì tôi chịu bù chi 1 cây vàng, cho đến kì 7 mới hết lỗ.
Bàn tròn Văn chương, tôi làm không công cho Hội Nhà văn, có Đài Truyền hình gợi ý chi 20tr cho mỗi kì, tôi từ chối không chần chừ. Tôi không muốn cuộc văn chương bị ảnh hưởng.
Cà-phê thứ Bảy, chủ trì hay thuyết trình, tôi nhận mỗi kì 1tr, là xong. Các nơi khác: 4tr – đến 6tr, thậm chí >30tr/ buổi. Tôi đòi hỏi đúng với chất xám tôi bỏ ra, ai không chịu thì thôi.
Năm 2018, có nàng từ Hà Nội bay vào Cam Ranh, lên taxi vào Chakleng phon gặp tôi, rất gấp. Lúc đó tôi đang cơm chiều, đứng dậy tiếp. Nàng nói, khi vẫn còn ngoài sân, gấp gáp không kém. Tôi mời nàng vào bàn ngồi:
– Thư thả đã chứ, chuyện văn chương chữ nghĩa mà…
Nàng kêu đang viết cuốn sách về sinh thực khí thế giới. Và muốn đặt hàng tôi viết về Cham. Tôi nổ máy chào hàng… nàng ok, nói:
– Cho em số tài khoản, về tới nhà em chuyển khoản ngay…
– Từ từ đã…
Ngay sáng hôm sau, tôi làm đề cương và email tới: Bài viết 30 trang kèm ảnh [Jaya phụ trách], tác giả là Inrasara, em toàn quyền sử dụng, giá trọn gói 30tr. Im lặng. Mèng! Ít ra cũng phải hồi âm cho nhau một tiếng chứ, hén?!
Tôi mới kể cho nàng nghe câu chuyện về nha sĩ và cái răng đau. Câu chuyện kết thúc không có hậu.