Tồn tại hôm nay. THI SĨ & TIỀN

[đính kèm. Thư cũ cho Jaka, Trỗi & Kinh nghiệm giải khủng hoảng tiền của tôi]

Tôi được Trời ban cùng lúc 4 món: Tinh thần triết học với óc tưởng tượng, thêm: Dù mơ mộng bay bổng vẫn biết bám mảnh đất thực tế. Cũng nên tạ ơn Bà.

Tạm nói về óc thực tế.

Về tiền, tôi có 4 nguyên tắc dụng cho chính tôi, và dạy con từ rất sớm. Năm 1990 tôi còn soạn cả cuốn: Con đường Thành công nữa. Còn chuyện có ai tiếp nhận được tinh thần nó không, và tiếp nhận tới đâu, tùy.

– Cần có tiền: để độc lập, và chỉ cho sự độc lập;

– Biết làm tiền – không khó, biết cách tiêu tiền – khó mươi lần hơn;

– Cho tiền, tránh cho mượn tiền;

– Chung: Không lừa người, và không ngu để bị lừa.

Bài viết từ năm 2012, lúc Jaka bắt đầu về quê dựng Thang Tông. Do còn nóng thời sự, đăng lại chia sẻ cùng bà con, anh chị em.

*

Tôi biết làm tiền từ rất sớm.

Làm tiền không chỉ bằng trí, mà dụng sức hẳn hoi. Từ năm lớp Ba, tôi không còn phải nhờ vả mẹ chuyện giấy bút, mà tự mình vừa chăn trâu vừa mót lúa mang qua quán bà Hai đong lấy tiền sắm.

Năm cuối Tiểu học, tôi đạp xe qua nhiều palei Cham bán cà-rem thì khoản mua sắm dôi thừa, trong lúc cuối năm ấy tôi đứng nhứt lớp, giấy bút phần thưởng đầy ra. Gói phần thưởng cao quá cổ, cao đến nỗi tôi không thể cúi chào người phát giải, về chịu cho mẹ la:

– Con cái người ta lễ phép chào đâu ra đấy, con mình nhe răng cười như khỉ…

Thi Đệ Thất đậu thủ khoa mỗi năm được học bổng rất khẳm (tận “giải phóng”), tôi càng không làm phiền mẹ. Trưa thứ Bảy đầu năm, ghé nhà ông thầy người Việt ở đầu Cầu Nước Đá thị xã Phan Rang nhận, xuất trại về đưa mẹ, không thiếu. Đệ Lục, thấy mấy bạn xài Pilot xịn thèm quá, tôi mới ngắt ra một ít để mua. Chưa tới 2% – tôi nhớ, lại bị la.

Mẹ lôi cơ man tục ngữ hết Cham đến Việt ra răn tôi: “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cưỡng cha mẹ là trăm đường con hư”. Tôi không hiểu “cưỡng” là gì, phải chạy vào nhà tra từ điển. Hiểu được, khoái quá, quên mình vừa bị la luôn.

Tôi không quan tâm đến tiền, chỉ khi cần mới kiếm, vậy mà luôn thừa. Khi túi rủng rỉnh, ai xin là tôi cho. Tôi cho bạn này xe máy, bạn kia cái tivi màu cho con, bạn nữa vài mẹ cừu, bạn cặp bò đực, bạn thì máy may với lỉnh kỉnh phụ tùng, ông thầy là chuồng cu, sinh viên này tiền ra trường, sinh viên kia nộp học phí, học sinh trường nọ phần thưởng, vân vân.

Cho vậy thôi, không chần chừ tính toán. Dù bệnh nghề nghiệp rớt lại từ thuở kế toán, tôi ghi sổ đủ đầy.

Từ năm 2002, khi quyết “TÔI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN LÀM RA TIỀN NỮA” tôi cho thưa dần rồi, dứt hẳn. Tôi chỉ lo cho mỗi Tagalau, và trẻ con. Trẻ con là tương lai, ta lại quên, mới lạ. Ta mãi lo chuyện to tát, mà quên đi sách cho con trẻ, bổng cho học sinh, trò chơi cho thiếu nhi.

Có trục trặc gì ở đây không?

GIẢI KHỦNG HOẢNG TIỀN [Thư cho jaka]

Chuyện bạn con lừa tiền con là thật, thật nhưng không to. To là ở chỗ, đó là tiền công thợ nghèo cùng quê, nó nhận từ con, rồi lủi. Sự cố con đưa lên FB khiến dư luận Cham xôn xao, chả đáng. Từ kinh nghiệm riêng, vụ này cei bàn như sau:

1. Phòng ngừa và điều trị.

– Cei cho tiền, tuyệt không cho mượn tiền. Mượn, mất tiền và mất bạn, – dân gian dạy thế.

– Tiền, đưa trực tiếp, chớ qua tay. Qua tay, thì hay bị mượn tiêu đỡ, hoặc bị nghi ngờ.

– Làm bản ghi nhớ vừa giúp nhau nhớ, vừa có giấy trắng mực đen làm bằng.

– Tin người là tốt, còn tin để hại nhau: hại bạn lẫn mình, là khờ.

Gỡ rối thế nào?

– Cei sẽ thay Trỗi trả con số tiền đó, con đưa cho thợ, là ổn.

– Phần Trỗi, nợ bà con palei Thôn về uy tín, nợ con lời xin lỗi; còn tiền: khi nào có thì Trỗi trả cei Sara.

[đến nay vẫn chưa thấy, cei chỉ tính trượt giá, chứ không tính lãi!]

2. Câu chuyện năm 2000

Ông anh họ tôi có tật mượn tiền quên trả, thành nổi tiếng. Sáng nọ, bất ngờ anh ghé tôi ở Tân Phú.

– Anh có chuyện gấp, cei Trạm cho anh tạm 500K.

– Anh viết cho cái biên nhận nhé.

– Ôi, giấy gì cei nó, mai anh qua trả ngay thôi mà.

– Công việc kế toán anh à, thủ quỹ cần có chữ kí.

Để được việc, anh viết. Rồi qua 14 lần cái ngày mai x 365 ngày không thấy bóng anh qua. Có điều, từ đó anh không ghé nữa.

Chuyện em họ. Katê 2002, chàng ghé tôi.

– Chị Trụ buôn bán còn thiếu em nói hoài không trả.

– Có lẽ chị quên. Thiếu nhiêu?

– 200K.

– Chú nó nhớ kĩ đi, nhiêu, anh trả một lần cho trót.

– Dường 250K, anh Trạm à.

– Mới đó mà lên nhanh hén. Chú nó viết vào tờ giấy nhỏ này giùm anh đi.

– Giấy gì anh!

– Để anh mang vào Sài Gòn trình chị.

Ở thế buộc – chàng viết, từ đó chàng chừa tật vòi “nợ”.

Thi sĩ trị bệnh nhẹ nhàng và dịu dàng, là vậy.

3. Sống là chơi, thế nên món tôi ngán nhất trần đời là nợ. Tôi không muốn ai nợ tôi, và ngược lại.

Tôi từng giới thiệu khá nhiều người có việc làm, nhưng không đòi hỏi họ mang nợ tôi. Dẫn họ đến cửa, tôi nói: Người này có khả năng cho công việc này, hai bên ngồi lại nói chuyện. Được, đừng cảm ơn tôi; không được hay được mà trắc trở sau đó cũng chớ trách tôi.

Đám cưới hay nhà mới, tôi đi tùy hứng.

Năm 2000, khai trương nhà mới + Công ty Inrahani ở Sài Gòn, tôi mời bà con từ quê vào, hai xe khách tôi bao trọn gói khứ hồi, và miễn bì thư.

Năm 1992, bỏ quán tạp hóa ở quê vào Sài Gòn, tôi đốt [2 lần] sổ nợ hơn chục cây vàng. Tháng sau, bà xã về kiếm sổ đòi nợ, tôi nói, anh đốt rồi. Bà xã kêu ông điên, tôi nói: không điên không là Inrasara. Hai năm sau, bà xã lại bán thiếu, tôi đốt tiếp.

Tôi muốn khi về quê, nhìn mọi người như bà con, anh chị em, chứ không như con nợ. Nhiên!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *