[hay. Không mợ thì chợ không đông]
Làm giàu, dễ. Tôi vài lần nói thế, bởi tôi đã từng giàu.
Nghiên cứu, phê bình hay làm thơ không khác. Chuyên tâm, tôi còn giật Nobel về cho Việt Nam nữa không chừng. Nhưng không. Tôi không thể “vượt biên” và trụ lại đó, để trở thành nhà nghiên cứu, nhà thơ hay nhà gì gì khác, mà “đi đò trở lại” để làm người.
Làm người thì khó, làm Cham khó mươi lần hơn.
Tôi luôn bị giằng xé, ma sát giữa chuyên sâu và nỗi bao quát, giữa chữ nghĩa thuần túy và đời thực, giữa lạc thú cá nhân với nghĩa vụ cộng đồng.
“Sống, là sống trong lưỡng lự” – tên tùy bút của tôi hồi năm 2011.
Vừa đóng phòng văn nghiên cứu hoặc thi hứng đang tới, bà con gọi, tôi phủi bỏ tất cả – đi. Trở lại, lắm lúc chúng biến tiêu không lưa dấu vết.
“Tại sao ông Glang Anak không vượt biên?” – tôi đã hỏi câu đó, từ lâu lắm, ngay chương 2 tiểu thuyết sử thi Con đường vô tận-1990. Sau này, vài lần lặp lại. Bởi đó cũng là câu hỏi tôi đặt ra cho chính tôi. Đại khủng hoảng, như mọi mọi sinh linh Cham khác, ông tìm cách thoát thân. Thuyền đưa ông đến cồn cát giữa biển khơi:
Dook tha drei tha nưgar di krưh hanrai
Di krưh tathiik cwah hajai, halei nưgar drei khing nao?
Đột ngột từ thẳm sâu, ông nghe tiếng gọi của định mệnh, và đứng lại. Sau cuộc chiến nội tâm dữ dội, ông quyết trở về, khiêm cung sống giữa lòng hư lạnh nhân gian, đóng cho tròn thân phận của con dân mất nước. Gửi lại cho đời một tập thơ mỏng, cực mỏng – như bức thông điệp trong chai. Rồi ông đi, làm vô danh giữa trời đất.
Với tầm tư duy và ngôn ngữ ngoại hạng đó, ông Glang Anak thừa sức dựng nên các tác phẩm vĩ đại, nhưng không. 200 năm sau, tôi – hậu duệ ông, cũng hệt!
Không mợ thì chợ cũng đông, người Việt nói thế. Sức mấy! Tôi đã nhiều lần chứng minh quan niệm này lạc thời, bằng chính việc làm của mình.
Vụ “Tôn giáo: Bà-ni” bị đổi thành “Tôn giáo: Đạo Hồi”, hai năm không ai lên tiếng. Biết chuyện, tôi xắn tay áo lao vào. Vụ Ghur Raneh, đợi 11 năm nhìn trước ngoảnh sau yên ắng, tôi nhập cuộc. Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, sau hai năm chẳng thấy ai nghe đau, tôi rên lên một tiếng rõ to, cuốn hút mọi người cùng khóc. Đặc san Tagalau, 4 năm – hết gợi ý đến thúc giục, không mống Cham nào dám cầm cờ, tôi xung phong. Được 15 kì, bàn giao cho thế hệ mới, các bạn cho nó sống phập phù, rồi chết.
Và vô số điển hình tiên tiến khác…
Ở đó mà kêu, không mợ thì chợ cũng đông!
Ai, Cham hôm nay dám tuyên: Không tôi chắc chắn sẽ không có buổi họp chợ này?