Đắc đạo Cham, tôi làm gì?-21. ĐẮC ĐẠO KIỂU TÔI

[Tôi, Cham & ngoài Cham]

TÔI

Tôi học, bằng đọc và đi. Tôi đọc khá sớm: 11 tuổi, đi từ 12 tuổi, lang thang qua rất nhiều palei Cham Pangdurangga. Sau tuổi 20, là vùng miền khác.

Học bằng hỏi, từ lớp Đệ Lục. Tôi gặp riêng từ cụ Thiên Sách Cảnh cho chí Châu Văn Mỗ, từ thầy Thành Phú Bá đến thầy Lưu Quang Sang. Sau này khi có gia đình, tôi tổ chức “Hội nghị chiếu xe” gặp chung. Hỏi, để hiểu sâu hơn tâm hồn con người Cham, tinh thần văn hóa Cham…

Tôi hành, bằng dạy, viết, nói, kể chuyện… Và dám làm kẻ đi đầu.

Với tâm thế không ngưng nghỉ và bất thổi chuyển, không vì nguyên do nào đó mà chán nản bỏ cuộc. Tôi quan hệ với mọi thành phần, lứa tuổi, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau – vô phân biệt. Tôi có thể nói chuyện hàng giờ với mọi sinh linh Cham, sự sự vô ngại.

CHAM

Khi đã hiểu, tôi hỗ trợ Cham nào tôi nhìn thấy ở họ tiềm năng nào đó. Giúp – tùy khả năng và điều kiện thời điểm ấy của tôi, dĩ nhiên khi họ có nhu cầu thực.

Cho đi và buông xả, không kể công, chỉ cần nhận tin họ làm được, tôi vui.

Vật chất: tiền, tri thức: sách, gợi mở các ý hướng cho họ, tạo đất cho cỏ tài năng mọc, như sáng lập Tagalau, mở website Inrasara.com…; sau đó đấy họ ra thế giới bên ngoài, cần thiết – đấu tranh bảo vệ.

Có ai thấy tôi xử ác như tố cáo, xuyên tạc hay nói xấu một Cham nào không? Có ai thấy tôi phê phán bất kì ‘Halau janưng’ Cham nào, thấy tôi “thất vọng” với sinh linh Cham nào không?

Thế giới NGOÀI CHAM

Tìm học để hiểu, qua đó có khả năng nhập cuộc về hướng mở.

Ngôn ngữ, khi biết rằng ngôn ngữ quy định tư duy một tộc người nào đó, tôi học tiếng Việt, Anh Pháp, Sanskrit, tiếng Nam Đảo, học chủ yếu về cơ cấu lí thuyết, chớ ít hướng về sử dụng.

Sau đó là tư tưởng, từ triết học đến tôn giáo. Ấn Độ, Trung quốc, Tây phương, cả cổ điển lẫn hiện đại.

Cuối cùng là văn học, văn học Việt Nam và các nền văn học lớn trên thế giới: Pháp, Nga, Anh Mỹ, Nhât Bản… Bởi văn chương biểu hiện tương đối hơn cả tâm hồn và đời sống một dân tộc. Hiểu, để nhiếp dẫn tâm hồn Cham gặp được tâm hồn họ, và ngược lại.

Tôi viết, thuyết trình, trả lời phỏng vấn, để thế giới bên ngoài hiểu Cham. Không phải Cham như một thứ xác khô “nghiên cứu”, mà như một dân tộc đang có mặt, và sống và đau khổ và làm việc và sáng tạo…

Cuối cùng, thế nào rồi cũng cần đến tinh thần trụ vô sở trụ siêu vượt, để vui vẻ…

“Dù gì đi nữa vẫn luôn giữ phong thái của kẻ sắp lên đường, như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt” (R.M. Rilke).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *