Phê bình-34. CUỘC CHIẾN MÀU SẮC

Em chọn màu hoàng yến nè/ anh lựa màu hoàng anh/ thế là em giận anh/ rồi gương vỡ… ỡ… ỡ… lại lành…” – Sến vậy mà trúng đáo để.

Loạt bài về H[ậu h]iện đại Việt vừa qua, các comment dù lan man, lạc đề vẫn bật lên được ba ý trùm lĩnh vực đang bàn là văn học nghệ thuật: Chân, Thiện và Mỹ. Ở các buổi thuyết trình, tôi khoái các câu hỏi lạc đề, là thế.

Nơi diễn ba tiết mục trên, thử xem tôi bị khen chê thế nào?

[1] Về THIỆN

Thành quả trí tuệ thì hãy để người ngoài đánh giá, chớ kêu thơ tui hay như thế này, ý tưởng tui độc đáo như thế kia, có mà dại. Riêng đạo đức, lương tâm ta có thể tự định giá được. Cá nhân tôi, ngoảnh lại thấy tồn đọng cả lô bậy bạ, lâu lâu ôn tập thôi cũng đủ muốn lủi đầu vào gò mối.

Dẫu sao, hơn nửa đời hư tôi thấy mình cũng không đến nỗi. Tôi đã trồng khá nhiều cây, tôi chưa ăn của dân đồng cắc, cạnh đó cũng có giúp đời chút chút, nhất là chưa hề đè đầu cưỡi cổ ai, chưa và không ý đồ gây hại bất kì sinh linh nào…

Vậy là đã có điểm trên trung bình, bàn qua tiết mục hai…

[2] Về CHÂN

Một bạn facebook còm: “Cái đáng yêu ở ông là thẳng tính, nói thẳng, nói thật, không sợ mất lòng ai, không uốn éo ngoằn ngoèo.” – Đích thị! Thế mới đáng đồng tiền bát gạo. Không có Chân: thẳng, thật thì làm gì có Thiện, nói chi đến Mỹ.

Không phải mỗi bạn hô thế, về tôi – nhiều người cũng đã. Thử kiểm…

– Từ cánh báo chí, Vương Tâm, báo An ninh Thế giới, 2010:

“Inrasara là một người thành thực và thẳng thắn với chính mình và bạn bè đồng nghiệp. Tiểu luận và phê bình của anh thể hiện tính cách đó. Trong những cuộc hội thảo hay diễn đàn văn học, anh thường bộc trực thẳng thắn. Anh có nhiều ý tưởng táo bạo mang tính khai phá, góp phần tìm hướng đi cho thơ Việt Nam đương đại.”

– Qua dân khoa bảng…

Trần Hoài Nam, Luận án Tiến sĩ, 2017:

“Điểm nổi bật của nhà phê bình Inrasara là tự tin, dũng cảm, trung thực, dám nói thẳng, nói thật những điều mình biết, những điều mình nghĩ mà không sợ mất lòng ai.”

Chu Minh Anh Thơ, Luận văn Thạc sĩ, 2018:

“Inrasara là một nhà phê bình văn học đầy tự tin và bản lĩnh. Các bài tiểu luận, phê bình sắc sảo của ông gây chú ý bởi tư duy và phương pháp viết mới mẻ, độc đáo. Chúng tôi tự hỏi liệu bức tranh phê bình văn học đương đại Việt Nam sẽ như thế nào nếu thiếu đi tiếng nói thẳng thắn và mới mẻ của Inrasara?

Sự đối thoại hết sức cởi mở và thẳng thắn đến thẳng thừng của ông đã khơi dậy không ít cảm hứng tranh biện nơi người đọc.”

– Và cả có yếu tố nước ngoài nữa, Nguyễn Đức Tùng (Canada), Vanviet.org, 23-12-2019:

“Trong những tiểu luận của mình, Inrasara thách thức một số quan điểm chính thống về văn học và văn hóa, phê phán thái độ phân biệt của một số nhà nghiên cứu phê bình, lên tiếng bảo vệ nhiều giá trị văn chương ngoại vi. Đó là một thái độ trung thực hiếm hoi, cất lên ở vùng công khai, cần ghi nhận.”

[3] Còn MỸ thì sao?

Về các bài thơ h[ậu h]iện đại của tôi, một bạn facebook còm: “Chẳng biết mớ chữ lộn xộn này diễn tả cái gì nhỉ. Ai biết chỉ mình với. Nếu gọi là thơ hậu hiện đại thì vái cả nón”.

Bạn khác: “Còn THƠ, ông nên nhớ nghệ thuật thì phải là nghệ thuật, nó khác hoàn toàn với tự nhiên chủ nghĩa.”

Kêu vậy, làm như mình đã biết như vôi quệt cột, nghệ thuật là gì rồi. Trong khi thi hào đại to cồ tầm Goethe, thi nhân chân tính cỡ Hoelderlin cả đời thơ vẫn còn chưa hiểu nổi thơ, rộng hơn – cái gì là nghệ thuật và không phải nghệ thuật.

Nietszche triết lí, rằng: [Nghệ thuật] đích thị là cuộc chiến giữa những màu sắc.

Inrasara lí sự: Không chấp nhận tác phẩm thuộc hệ mĩ học khác, thiếu hiểu biết là một nhẽ, điều cốt tủy chính là: gu thẩm mĩ của mỗi người.

Ậy, thơ thuộc về con người, là vật thể động, lung linh mơ hồ khó nắm bắt. Còn hô ta chộp được cái đầu của thơ, thì đó không phải thơ rồi. Dẫu sao…

Chẳng có gì trầm trọng cả!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *