Phê bình-30. ĐỂ CÓ CUỘC CHIẾN TRÊN ĐỈNH CAO?-3

Có phải phê bình văn học Việt Nam yếu và thiếu?

[1] Phê bình văn học yếu và thiếu, là phát ngôn cảm tính. Cảm tính nên đầy cẩu thả.

Ở một hội thảo văn học tại Sài Gòn, ba nhà đã nói lên ý đó. Nhận định nhai lại này chứng tỏ họ chưa hề hoặc rất ít theo dõi lí luận phê bình. Trong khi mươi năm qua, không khí phê bình văn học nhộn nhịp phải biết. Tạm nêu các tác giả mới: Nguyễn Đức Tùng, Đỗ Quyên, Khế Iêm, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Thanh Tâm, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Ngô Hương Giang, Chip Chip Hoàng Thụy Anh, Mai Văn Phấn, Inrasara, Đặng Thân, Văn Giá, Lê Hồ Quang, Chế Trâm, vân vân, trong đó có khá nhiều công trình rất đáng đọc.

Thiếu, thì chắc chắn không thiếu rồi. Còn chưa đọc, chưa tổ chức hội thảo đánh giá, thì làm sao có thể biết nó “vừa thiếu vừa yếu”? Mơ màng!

[2] Và làm sao biết văn học Việt Nam “không có đỉnh cao”?

Nhớ, ở “Một số lý thuyết ngoại nhập và văn học Việt Nam gần đây” đăng trên Vanvn.net, ngày 3-8-2016, Nguyễn Hòa “vẫn không tin lúc này văn học chúng ta đã bước vào giai đoạn ‘hậu hiện đại’”. Sai!

“Nếu chỉ đọc báo Văn nghệ và tạp chí văn nghệ nhà nước các loại thì nhận định kia không sai, nhưng tinh thần hậu hiện đại là phi tâm hóa. Mà đại bộ phận sáng tác hậu hiện đại nằm ở “ngoại vi”: Văn chương mạng, sáng tác của người Việt hải ngoại, văn học ngoài luồng, tác phẩm in phi chính thống.

12 năm, xuất hiện hơn trăm tác giả hậu hiện đại ở cả phía chính thống lẫn [sáng tác bị cho là] ngoại vi thuộc ba thế hệ khác nhau, thì “lối viết hậu hiện đại trở nên phổ biến ở Việt Nam” rồi là gì! Không nhận ra, là ta làm đà điểu trước hiện trạng văn học.”

Còn chuyện hôm nay, không có cái nhìn tổng quan thì làm sao ta biết văn chương Việt Nam “không có đỉnh cao”? Vậy, làm thế nào?

Năm 2007-2008, tôi chủ trì Bàn tròn Văn chương, sau đó Cà-phê thứ Bảy Văn học mỗi tháng một kì. 30-60 người yêu văn chương thuộc đủ thành phần, lứa tuổi dự cuộc. Tập thể đó quan sát và NHÌN THẤY các vấn đề NÓNG của văn học ĐANG DIỄN RA. Họ tự do đề xuất CHỦ ĐỀ, rồi mở bàn tròn thảo luận.

Tạm kê: “Nhà văn Việt Nam né tránh hiện thực, tại sao?”, “Văn học hậu hiện đại Việt Nam”, “Về đâu Tân hình thức Việt?”, “Tại sao Việt Nam chưa có tiểu thuyết gia lớn?”, “Phê bình văn học đang ở đâu?”…

Bàn tròn tự do thảo luận về chủ đề ấy. Tôi cho đó là TẬP THỂ PHÊ BÌNH. Chỉ qua những cuộc trao đổi như thế, ta mới nhìn được toàn cảnh văn học trong năm, từ đó có thể biết nó lớn hay nhỏ, thấy được đỉnh cao hay đáy thấp của nó.

Còn không, ta chỉ mơ màng với nhau!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *