Quan, ta ăn của dân bất kì đâu và không từ thứ gì, trong khi ta mong con cháu ta sống tốt;
Thơ, ta tuyên phụng sự chân thiện mỹ, thực tế ta ném cả đống ngôn từ tố cáo kẻ làm thơ khác ta;
Chánh trị hay đấu tranh, ta ngày qua ngày hô dân chủ, làm – ta bất công với xung quanh, nuôi mầm độc tài ngay trong tâm hồn ta;
Giáo dục, ta ăn cắp từ tiền, bằng cấp, kiến thức tất tần tật, vậy mà ta rao giảng cho học sinh sự thật thà;
Đời, ta kêu đòi yêu thương nhân loại mơ hồ đẩu đâu, còn với láng giềng, bằng hữu hở tí là ta chửi, tìm ngôn từ nặng nhất có thể – để hạ, giập, triệt tiêu…
Nói và làm, nỗi ấy ngày càng phát theo chiều hướng tiêu cực. Ở Việt Nam, và lây lan sang cả cộng đồng Cham bé nhỏ. Đuối lí ở một tranh luận hay bất lực trước sự thể, ở thế yếu: ta đổ cả đống ngôn từ đằng đằng sát khí lên đối phương; ngược lại khi có quyền hành: ta ngang nhiên sử dụng bạo lực để đè bẹp.
Vẫn còn chưa sẵn sàng cho đối thoại.
Hơn mươi năm trước, giữa “Chiến trường Akhar thrah” Cham, tôi viết:
“Chối bỏ hay quay lưng lại với một hiện tượng xã hội thì không gì dễ hơn là đi vào lòng xã hội để tìm hiểu hiện tượng đó. Nỗ lực làm ra tác phẩm nghệ thuật thì khó vạn lần hơn phát ngôn chê bai tác phẩm nghệ thuật. Vạch lá tìm sâu để phê phán công trình khoa học thì không gì dễ hơn bỏ công xây dựng một công trình khoa học. Và cuối cùng, ném ra trăm tiếng hận thù thì dễ triệu lần hơn nói một lời yêu thương.”
Thơ, tôi có buộc bạn làm thơ như tôi đâu. Tôi làm thơ theo kiểu tôi, đặt nền tảng lí thuyết cho nó, và tìm không gian cho loại thơ ấy có mặt. Bạn cũng thế! Cớ gì phải miệt thị, chửi rủa hay cáo giác nhau. Tôi có làm thế với thơ bạn và cá nhân bạn bao giờ!
Bạn kêu thơ ấy là phi, phản truyền thống dân tộc, có chắc vậy không? Hỏi chớ thơ Tự do vần hay thơ Tự do không vần mà bạn và nhiều nhà đang dùng ấy, là truyền thống Việt Nam hồi nào?
Tôi nói và làm, chưa hề mâu thuẫn. Đọc lại “Hóa giải và hòa giải ba loài thơ hôm nay”, tặng thưởng của tạp chí Sông Hương dành cho tác phẩm hay năm 2010, cũng đủ biết.
Ở cộng đồng bé nhỏ Cham không khác. Nhiều bạn trẻ yêu cei Sara rất mực, thế mà hễ thấy tôi viết tiếng Cham Latin theo kiểu tôi là… ghét, đòi tẩy chay.
Tùy đối tượng phục vụ, tôi có thể viết theo bạn, theo Can Quang, và cả theo tôi, sao cũng được miễn đối tượng tiếp nhận dễ dàng nhất, qua đó bảo tồn và phát triển TIẾNG mẹ đẻ.
Tôi có ghét bạn khi bạn viết theo kiểu mình đâu nào!
Đào luyện tâm nhu thuận, để có lối nhìn mở, chấp nhận cái khác mình. Từ đó ta mới mong có đối thoại, song thoại và tương thoại. Bằng không, muôn đời ta sống trong phân li và chia cách.