Phê bình-34. PHÊ BÌNH LÀM GÌ?

Đa phần phê bình văn học ta thời gian qua đầy tràn cảm tính cảm tình, yêu nên tốt ghét nên xấu. Chỉ thấy tán và tán. Tùy tiện và tùy nghi. Hết “cảm và luận” đến “vài cảm nhận về”…

Đọc Thi nhân Việt Nam, rồi lướt qua bài điểm sách viết vội trên các trang báo, ai cũng nghĩ mình có thể làm phê bình. Nhảy ra làm phê bình, kẹt đâu google đó. Ban đầu, viết bài ngăn ngắn, sau đó được vài bạn văn cánh hẩu ủng, ta kéo dài hơn rồi dài thêm. Cuối cùng khi trong tay đã hồm hồm ta cũng mạnh dạn cho ra tập tiểu luận – phê bình. Ở đó đọc mỗi bài đơn lẻ thì nghe đườn được, gấp sách lại chả nhớ tác giả đã nói gì. Bởi thực sự, họ không có gì để nói, ngoài cảm và luận…

Nhà phê bình cảm tính với cảm tình – tán đã đành, nhà thơ cứ thế mà tin, mà phản ứng mới tội. Sướng hay đau, hoan hô hoặc cãi lại, tùy.

“Khỏa thân trong chăn thèm chồng” của Vi Thùy Linh, hoặc “Đỉnh vú đi lừng lững” của Hoàng Hưng hay thơ của các nhà thơ hậu hiện đại Việt, các nhà ta hoặc ca tận trời hoặc giập cho nát. Còn tìm hiểu hà cớ nhà thơ viết như thế, thì chưa. Ý định tìm hiểu cái khác mình, càng chưa.

Vậy, nhà phê bình cần làm gì?

Đòi hỏi đầu tiên: bạn có cái gì để nói lên. Phê bình thơ, bạn cần nêu lí lẽ phản bác loài thơ nào đó để bảo vệ loài thơ nào khác. Không xác định được thế đứng, bạn thành kẻ ba phải, gió chiều nào ngả theo chiều nấy.

Thứ hai, trước khi chống đối hay bảo vệ, bạn cần hiểu: hiểu cái mình bảo vệ lẫn điều mình phản bác. Hiểu toàn cảnh, và hiểu cả tiến trình. Không thì bạn rơi vào bộp chộp, may rủi, trúng trúng trật trật.

Tiếp đến, để biến cuộc chiến thành cuộc chiến trên những đỉnh cao, bạn cần đánh hạ các vị tướng lĩnh tài ba, chứ không phải mấy con chốt thí. Thơ, bạn phê phán các bài thơ tiêu biểu nhất, tác giả xuất sắc nhất của trào lưu đó, chứ không phải sản phẩm hỏng, dở của nó.

Cuối cùng, sau cuộc chiến kia, bạn tự thức mình đã làm được gì vào chuyển đổi nhận thức về văn học của độc giả, qua đó làm giàu sang tinh thần con người.

Tôi đã in 7 cuốn lí luận phê bình, cũng thu được một luận văn Thạc sĩ về thể loại này. Dẫu sao, nghiên cứu sinh nào làm về Inrasara-nhà phê bình mà chưa đụng tới 19 “Hồ sơ Biên bản so sánh” [trong Văn chương tan rã-2019] thì coi như chưa làm gì cả!

Tại sao?

Ngoài mươi bài nghiên cứu-tiểu luận vừa phê bình vừa lí luận, như: “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, “Thơ đổi mới, Hành trình chuyển hướng say”, “Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại”, “Thơ Dân tộc thiểu số, vừa đi vừa ngủ”… còn lại các bài được gọi là “phê bình” của tôi chỉ là phác họa chân dung, giới thiệu các nhà thơ Việt đương đại. Ở đó ngoài vài mảnh “độc đáo” mang tính thử bút, tất cả vẫn chưa thoát khỏi “cảm và luận”, bình và tán.

Chỉ đến 19 “Hồ sơ Biên bản so sánh”, tôi mới có cái gì đó gọi là đóng góp phần mình vào chuyển đổi nhận thức. Về văn chương, về con người…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *