Phê bình-31, 32. ĐỂ CÓ CUỘC CHIẾN TRÊN ĐỈNH CAO?-4-5

Phê bình-31. ĐỂ CÓ CUỘC CHIẾN TRÊN ĐỈNH CAO?-4      

[hay. Từ Lô-cốt đời đến lô-cốt thơ]

Tàu Pháp đến cảng Đà Nẵng, trên đó có đủ thứ: Kinh Thánh, khoa học và súng ống. Ta không biết gì hoặc biết mơ màng về họ – núp lô-cốt định kiến, bắn cái đã. Pháp bắn vài phát thị uy, liền quành vào Nam nuốt lần hồi từng ba tỉnh một rồi tóm gọn cả đất nước chỉ sau góc tư thế kỉ.

Người Nhật thì khác, không phải ở đó thiếu lô-cốt, mà ấy chỉ là thiểu số, thế nên họ trân trọng mời Anh vào, và học: Kinh Thánh, khoa học và súng ống. Để rồi 150 năm sau, đất nước Mặt trời mọc ấy: Giàu topba, Nobel topba, giúp đỡ nhân loại hàng đầu. Còn ta đang ở đâu?…

Chuyện đời là vây, văn chương nghệ thuật thì sao?

Hôm qua bạn facebook Xóm Mơ Hồ còm kêu tôi qua xem “mấy tháng nay trên mạng đang có nhiều bài đánh một số cá nhân hội viên và lãnh đạo [Hội Nhà văn] vì tân hình thức đã làm hỏng văn chương và ngôn ngữ văn hoá Việt! Nhà thơ là người am hiểu và có lý luận nhất về tân hình thức, hậu hiện đại nên có bài viết để mọi người hiểu, chia sẻ”.

Là ý tốt, nhưng có thể không?

Tôi từng đụng không ít dân chữ nghĩa mỉa mai, phê phán, đánh phá Tân hình thức, Hậu hiện đại mà không hiểu, cả không cần biết nó là thứ gì! Ở đây cũng hệt, như 154 năm trước ta núp lô-cốt ấy! Thì làm sao mà ăn nói hay trao đổi, nói chi tiếp cận với hội nhập nền văn học thế giới.

Anưk rilô amek’ con lắm mẹ, mà thơ – hay nói rộng ra: thẩm mĩ, mỗi người mỗi gu khác nhau, không thể tránh. Càng không thể trách. Đáng bàn ở đây là, bạn phải hiểu hệ mĩ học kia [hiểu người] đồng thời hiểu cái bạn đang xài [biết mình], hiểu rành rẽ ngọn ngành, khi đó hẳn lâm trận, thì trận chiến kia mới có ý nghĩa. Lĩnh vực văn chương nghệ thuật, xung đột mĩ học ấy mới làm giàu đời sống tinh thần nhân loại.

Ở Bàn tròn Văn chương DTTS tại Trại Sáng tác Vũng Tàu năm 2015, khi tôi đề cập đến phong trào hậu hiện đại, ở dưới không ít nhà xì xào, tủm tỉm. Tôi hỏi:

– Các bạn có ai đọc về hậu hiện đại chưa?

– Chỉ là thứ thời thượng, cần gì phải đọc…

Không đọc, không hiểu mà chống cứ chống!

Chủ nghĩa, trào lưu gì gì chỉ là “thời thượng”, đúng lắm. Thế Lãng mạn, Hiện thực, Tượng trưng, Siêu thực, Tự do… bạn đang xài hôm nay, CHƯA TỪNG là thời thượng sao?

Không “chủ nghĩa, trào lưu”, thế văn học Việt Nam đứng hay nằm ở đâu so với thế giới? Nếu sợ “học đòi” hay “lai căn”, sao bạn không thử đẻ ra “chủ nghĩa, trào lưu” cho Việt Nam đi?

Hỏng từ nền tảng, thì làm sao mong có được cuộc chiến đúng nghĩa, nói chi “cuộc chiến trên đỉnh cao”?

Phê bình-32. ĐỂ CÓ CUỘC CHIẾN TRÊN ĐỈNH CAO?-5

[bài cuối cho… đỉnh cao]         

Giải thưởng thường niên Vanviet 2020, riêng về thơ, vừa xảy ra sự vụ phê bình “gây xôn xao dư luận”. Xôn xao này cần nhìn từ hai mặt, sáng và tối. Sáng, khi mức độ nào đó, nó gợi tò mò cho độc giả văn chương và ngoài văn chương ngoảnh về thể loại kén độc giả này. Tối, khi nó nguy cơ đẩy thơ thụt lùi về thuở Hậu-Thơ Mới.

Là sự thể rất đáng bàn.

Tiếc là hai năm qua tôi không còn hào hứng với phê bình văn chương nữa, nên tạm trích đoạn vài ý mang tính gợi mở cho một loài phê bình lành mạnh hơn.

1. Khác biệt về hệ mĩ học sáng tạo

Trích: Song thoại với cái Mới, Nxb Hội Nhà văn, 2006:

“Tại sao các thế hệ thơ không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ, lắm khi là nhà thơ hàng đầu nữa?!

Cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi nọc Lưu Trọng Lư ra đánh roi. Trong lúc Xuân Diệu cho thơ Nguyễn Đình Thi lủng củng, thì Tố Hữu chẳng chút ngần ngại “biên tập” bản thảo tập thơ thi sĩ tài hoa đậm tính cách tân này, đến Hoàng Cầm không muốn in nó nữa. Cũng chớ quên vụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại “thơ giả cầy, thơ dịch” mà dịch rất tồi! Đinh Linh là nhà thơ Việt hải ngoại sáng giá, thế mà không ít nhà thơ trong nước kêu chữ nghĩa anh không phải là thơ. Cứ thế, tiếp tục chương trình…”

2. Kiến thức nền tảng và gu thưởng thức nghệ thuật

Báo Người Lao động, 8-2006:

“Lôi kéo độc giả chung chung về phía mình để tạo thế lép cho đối phương là việc làm lập lờ thiếu trung thực và sạch sẽ tinh thần.

Một tiến sĩ không hiểu tranh Lập thể hoặc một kĩ sư điện giỏi không nghe lủng một bản giao hưởng là chuyện rất bình thường. Bởi ngay nhà phê bình thơ bậc thầy như Hoài Thanh hay nhà thơ tài hoa như Xuân Diệu cũng bất lực trước sáng tác thuộc hệ mĩ học Siêu thực [phần nào Tượng trưng] của Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh sống cùng thời cơ mà! Đó là lí do Nguyễn Hưng Quốc cho Hoài Thanh “chỉ thắng ở ván bài hiện tại mà lại thua, hơn nữa, thua đậm ở ván bài tương lai”.

Không ai dám cho là Hoài Thanh thiếu kiến thức về Tượng trưng hay Siêu thực. Khía cạnh này, có thể viện đến não trạng hay cái gu thưởng thức thơ của mỗi người.”

3. Phê bình “đi vào trong”, Inrasara.com, 2006:

“Phê bình [như là] lập biên bản” là hình thức phê bình “đi vào trong”, đứng trên cơ sở hệ mĩ học của tác giả để đánh giá chính tác phẩm đó.

Trước một văn bản cụ thể, với tư cách người làm phê bình, tôi cố gắng ‘đi vào trong’ hệ mĩ học của nó – dù nó thuộc loài thơ cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại – để nhận ra ‘hay’, ‘đẹp’ của nó. Một nhà phê bình mà chỉ ưa thích cái ‘hay – đẹp’ của sáng tác thuộc hệ mĩ học mình ưa chuộng, thì vừa bất lực trước văn bản thơ lạ lẫm, vừa khó tránh khỏi phân biệt đối xử với loài thơ khác mình. Đây là điều diễn ra hằng ngày, trên văn đàn, vài chục năm qua.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *