Vài màn vui tại tọa đàm. THUẦN PHONG MỸ TỤC TRONG THƠ VIỆT ĐƯƠNG ĐẠI

9:30g sáng 27-11-2021, LIT Magazine – Đại học Fulbright.

Nói chuyện online, khá hấp dẫn. 18 câu hỏi, gay cấn không kém, tiếc là chưa có câu hỏi độc chiêu đến tôi phải nát óc, điều mà tôi chờ đợi. Kể vài điểm nhấn vui.

1. Ngoại vi

Văn học Việt Nam nhỏ và yếu, lỗi vì đâu?

– Do ta phân biệt đối xử, nhất là với văn học bị cho là ngoại vi: Văn học miền Nam trước 1975, văn học Việt hải ngoại, sáng tác ngoài luồng, vân vân. Trong khi người ta gom vào thì mình lại đẩy ra, chơi ngược đời thế! Đã nhỏ càng thêm yếu, là phải.

Tại sao các thế hệ thơ hoặc cả những người đồng lứa không chấp nhận nhau, thậm chí không cho sáng tác kia là thơ? Bài thơ “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát lớn, thế mà rất nhiều người cho đó không phải là thơ?

– Lỗi không ở tác giả, càng không ở độc giả, mà ở nhà trường.

Từ năm 1990 không thấy xuất hiện khuôn mặt mới, vì sao?

– Có, do ta chưa học nhìn, chỉ chăm chăm vào dòng chủ lưu, báo và tạp chí chính thống. Trong khi hậu hiện đại là giải trung tâm, tác phẩm hậu hiện đại xuất hiện ở phía phi chính thống: mạng, in ở hải ngoại hay ngoài luồng…

Học biết chấp nhận cái khác mình, là đòi hỏi đầu tiên cho sự lành mạnh của tiếp nhận và của một nền văn học.

2. Sáng tạo

Không có gì đứng yên một chỗ, bản chất của văn hóa là động, phong tục tập quán hay văn chương cũng hệt. Bản thân văn hóa là “lai căn”, điều mà hiện nay ta kêu bằng cụm từ mĩ miều: tiếp thu và sáng tạo, chớ trước đây người Việt có loại thơ như Thơ Mới, hay thơ Tự do bao giờ?

Có ba loài nhà thơ: Cổ điển, Cách tân và Khai phá. Kẻ khai phá dám cắt đứt tất cả, dũng cảm thám hiểm vào vùng đất mới, tìm hoa quả khác, mới. Ở đó phá hủy để sáng tạo, phá hủy và sáng tạo, phá hủy là sáng tạo.

Họ không chiều lòng lớp độc giả đương thời, hay mong chờ tầm đón đợi của người đọc hiện tại, mà ý hướng tìm kiếm lớp độc giả mới, thiết lập một truyền thống mới.

Làm sao để thuần phong mỹ tục Việt vẫn còn Việt tính? Cụ thể hơn, làm thế nào để thơ vẫn còn là thơ? Trích: “Dù thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến phương trời nào đi nữa, nó cũng phải trở về. Trở về nơi nó xuất phát: con người, trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ. Ở đó, nhà thơ [và con người] cư ngụ” (Inrasara, Song thoại với cái mới-2008).

3. Vài ví dụ vui

– Tập thơ Chuyện 40 Năm mới kể & 18 bài tân hình thức-2006 một lúc đạt 2 “guiness”: Thơ Tân hình thức đầu tiên in chính thống ở Việt Nam, chữ “lồn” lần đầu tiên có mặt sòng phẳng trong thơ. Chứ nếu ta thiến đi vần “ồn” thì còn gì là thơ!

3 người nữ ở nhà xuất bản bàn mãi không cách gì biên tập nó, đành để nguyên xi. Để rồi chỉ do tâm phân biệt mà tập thơ rớt đài Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM!

– Bài thơ “Ngọn cỏ” của Nguyễn Thị Hoàng Bắc lớn. Xưa tâm phân biệt đối xử kêu “đàn bà đái không qua ngọn cỏ”, chứ nay phương tiện hiện đại làm một công hai việc: Giải phóng sự đái của người nữ, và giải thoát cho ngọn cỏ được tự do đùa với gió [Ngọn cỏ gió đùa, tên tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh].

– “Đỉnh vú đi lừng lững” của Hoàng Hưng chưa bạo bằng ông bà xưa, với “Bộ binh bộ hộ bộ hình/ Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi”.

Nếu Hoàng Hưng hiện sinh phê phán, thì ông bà Việt đích thị hiện thực phê phán.

– Ngôn từ,

Nguyễn Du ẩn dụ sang trọng mà tài hoa:

Một cơn mưa gió nặng nề…

Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về“.

Hồ Xuân Hương ẩn dụ thông tục mà đầy sáng tạo, thì rõ rồi. Qua Vi Thùy Linh hiện thực với lãng mạn hậu thời: “Khỏa thân trong chăn/ Thèm chồng” cũng chưa tới đâu. Ông bà ta xưa mới ác:

Trăng lên đến đỉnh mu rùa/ Em cho anh đụ chịu đến mùa anh trả khoai“.

Vậy mà ta cứ lo phê phán Hoàng Hưng với Linh, là sao?!

Còn nhiều nữa. Vui đáo để!

4. Phần Inrasara

Từ vị thế đường biên, cá nhân Inrasara đóng góp vài ngôn từ mới vào thơ Việt: Bà Trời [chữ Bùi Giáng đã dùng], ăn chữ, sách hoang, vôi quệt tường, mệt cái lồn, trời biển ơi, nhẹ như lá lúa… đó là chưa kể tôi bày ra cụm từ, khái niệm mới (có thể đụng hàng đâu đó): “rắn hổ mang biển, ngã tư đời, bờ thường nhật, phê bình lập biên bản, lửa hấp hối, bài thơ hấp lại, nước mắt phim bộ, ngụ cư ngang thời gian, mô đất tòng phạm của đồi, ăn mòn vào củ khoai quá khứ, củ khoai năng khiếu, chủ nghĩa hổng chân, âm tiết bỏ hoang

Tôi còn phá ngữ pháp Việt nữa. Tiếng Cham không có “là”, “của” là một trong những.

Tôi viết: “Nhiều người không thích thơ tôi, nhưng lại thích phê bình [của] tôi”. Câu văn dễ gây hiểu lầm chết người! Thế nhưng, tại sao nói “thơ Bùi Giáng” mà không thể nói “phê bình Bùi Giáng”? Tại sao không thể biến “phê bình” vốn là động từ thành danh từ, như “thơ”? Không ít người bắt bẻ kêu tôi viết sai văn phạm.

“Là” cũng thế. Mới nhất, “Ông ngoại [là] thầy cao đạo trong vùng, không ai không biết; còn chuyện ông [là] tác giả trường ca khá nổi tiếng Ariya Rideh Apwei, thì ít ai biết, ngoài vài học trò [của] ông”.

Kẻ sáng tạo, tại sao không dám phá?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *