Đắc đạo Cham, tôi làm gì?-10. CHUYỆN RIÊNG TÂY

Tôi viết về tôi. Không trang viết nào của tôi không có dấu vết tôi trong đó. Tôi cuộc người và tôi nỗi Cham, tôi sáng tác và tôi nghiên cứu, tôi sự việc và tôi suy tưởng, vân vân. Tôi lập hồ sơ tôi và tôi “nghiên cứu mình” (chữ của Pgs-Tiến sĩ Phạm Quang Trung).

Tôi, tôi, tôi, đến đỗi Hoa Fatimah và vài Cham, Việt cho tôi tự khoe khoang.

Thực hư thế nào? Ngoài kia nhiều người rất ư “khiêm tốn”, khiêm tốn mà chỉ biết có mình, còn xung quanh thế nào, kệ. Vụ Covid-19 hôm nay là một. Hiếm Cham có học nào nắm được các biến động đại dịch ở palei mình với các con số cụ thể. Hỏi đến, luôn mơ hồ, bởi không có… điều kiện tìm hiểu!

Nạn ung thư cũng hệt, không một Cham nào điều nghiên tình trạng palei mình. Khi tôi lập hồ sơ Ung thư Chakleng đưa lên facebook, có bạn còm rất ngây thơ rằng: Việc này các bác sĩ làm, hà cớ Inrasara lại đi lo!

Mèng, sức khỏe anh em, bà con thân thiết mình không quan tâm, hỏi chứ ta còn chú ý đến nỗi gì?

Lạ hôn, dù luôn viết về mình, nhưng tôi chưa bao giờ NGHĨ ĐẾN tôi!

Tôi ăn thế nào hay mặc thế nào. Cái ăn của tôi dễ đến nỗi tôi làm mất luôn khả năng nấu nướng của bà xã; còn mặc: 2-3 bộ quần áo, chơi cho đến sờn mới sắm cái khác;

Ngồi, anh bạn mời tôi ghé nhà thưởng thức bộ bàn ghế 5 cây vàng chỉ để làm thơ, tôi ngược lai, ngồi bất cứ đâu cũng có thể viết được; còn đi – có cái xe máy chạy được là tốt rồi;

Cả chuyện giàu nghèo, giỏi dở hơn kém ai tôi hoàn toàn không chú ý. Vân vân.

Không “nghĩ đến”, mà NGHĨ VỀ tôi, như nghĩ về mọi mọi sinh linh khác trên mặt đất, mọi mọi bạn văn khác trong HTX chữ nghĩa tiếng Việt. Lập hồ sơ, nghiên cứu, suy nghĩ về chúng. Tất cả!

Cả chuyện viết phê bình, tôi cũng không “nghĩ đến” cá nhân hay chuyện riêng tây ai đó, mà là “nghĩ về” chữ nghĩa của hắn. Và chỉ có chữ nghĩa. Nhiều nhà phê bình Việt Nam thì khác.

Trích Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo-2006:

“Trong một bài phê bình, ta luôn khởi đầu hay tùy tiện độn vào cơ man là giai thoại. Để làm gì có ma mới hiểu. Rằng tôi đã gặp nhà thơ này ở… anh gây cho tôi ấn tượng mạnh… chúng tôi khá tâm đầu ý hợp. Hoặc, sáng thức dậy tôi bất ngờ nhận được tập thơ do cây viết mới toanh gửi, tôi miên man đọc trong một tâm trạng xúc động lạ thường. Hoặc, nhà văn trẻ nọ đã ngập ngừng đưa tôi đọc bản thảo tiểu thuyết, tôi giục bạn hãy in đi, nó đứng được. Hoặc, trong một buổi lai rai ngẫu hứng, nhà thơ lớn [xin giấu tên] tuyên bố đây mới là thi sĩ đích thực. Vân vân…

Rất ít bài phê bình hay giới thiệu sách nào chịu rời bỏ thói tật đó. Ở một bài phê bình, người đọc biết về sinh hoạt riêng tư của nhà văn [và cả người viết đang ăn theo nó] nhiều hơn là chính tác phẩm. Bởi, mấy giai thoại chẳng ăn nhập gì đến cuốn sách đang được bàn đến.

Nguyễn Hưng Quốc gọi đó là loài là phê bình giai thoại. Chúng vô hại, nhưng chúng được kể lể lê thê, tốn giấy mực. Và nhất là: nhảm nhí.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *