Đắc đạo Cham, tôi làm gì?-9. LÀM KHÁC VIỆT

Văn giới miền Bắc, dịch giả Đăng Bẩy là bạn thân của tôi. Thân từ thuở anh phụ trách phụ trương báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam là Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, ở đó tôi là cộng tác viên đắc lực và hiệu quả từ 1996.

Năm 2002, tôi viết bài phê bình văn học đầu tiên gửi anh, rất chân tình, anh kêu:

– Không ai viết phê bình như thế này cả!

Anh khuyên tôi nên viết như mọi người, khen một tí chê một tí, và đầy hòa nhã. Khi ấy, nếu dại dột nghe theo anh, thì sao! Inrasara-nhà phê bình sẽ hòa ca cùng mọi người. Chán chết đi được. Nhưng không, tôi làm kiểu tôi. Báo chính thống chê thì tôi chơi báo mạng. Hàng loạt bài phê bình cùng tiểu luận của tôi có mặt cấp tập trên Tienve, Vanchuongviet, Talawas… từ ấy, ngay khi văn chương mạng xuất hiện.

Cách phê bình với giọng điệu là vậy, ngay đối tượng ưu tiên cho phê bình [của] tôi cũng khác: Văn học ngoại vi và khuôn mặt trẻ. Tại sao?

Chính thống thì nhiều nhà viết và bàn rồi, ngoại vi thì ít hoặc chưa, tôi làm cái ít và chưa ấy. Các nhà lớn: thế hệ hậu chiến tranh và đổi mới đã được chiếu cố, được độc giả biết đến nhiều rồi, các cây bút trẻ và mới thì chưa – tôi nhấn về tên tuổi hãy còn chưa ấy.  

Khác người, tôi lập được một trường phê bình của riêng tôi, là Văn học ngoại vi Việt Nam.

Nghiên cứu với phê bình thì vậy, sáng tạo cũng không khác!

Rất nhiều nhà thơ, một khi tìm ra giọng riêng của mình, bám trụ hẳn ở đó. Từ đó họ mở rộng thêm: đề tài hay giọng điệu, làm trương nở ra – nếu có thể nói thế, chứ ít khi thay đổi. Tôi ngược lại, mỗi tập thơ là mỗi thay đổi. Thay đổi bằng thể nghiệm: phong cách mới, thậm chí – hệ mĩ học mới. Tôi không cho nó hay, nhưng đó là cách phiêu lưu, của sáng tạo. 

Từ Tháp nắng của lãng mạn hậu thời đến Lễ Tẩy trần tháng Tư hiện đại, là cả một bước chuyển đổi. Nó lạ lẫm đến vài nhà phê bình từng yêu Tháp nắng, nay quay sang chê bai Lễ Tẩy trần tháng Tư. Ba năm sau tôi làm khác tiếp: Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài Tân hình thức. Một bạn thơ từng ca tụng Lễ Tẩy trần tháng Tư đã không tiếc lời mạt sát nó. Rồi từ loại thơ tân hình thức của Chuyện 40 năm sang tập Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], là một bước ngoặt khác nữa. Ở đây tôi đã vận dụng triệt để thủ pháp hậu hiện đại vào thơ thế sự.

Sáng tạo là niềm vui. Khám phá ra giọng thơ của mình, là vui. Tìm thấy nó, rồi thay đổi nó khác đi, cho nó thành đa giọng điệu, đa phong cách – thì càng vui hơn nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *