Câu chuyện Cham-99. CHAM CÓ NGHÈO?

[hay: Cham, Tôi & Tiền]

Tôi giàu hay nghèo? Không ai biết. Bởi tôi sống hệt người nghèo, lại từng cho như kẻ giàu có.

Thanh Trọng Nghĩa gặp tôi lần đầu, ý đầu tiên bạn đề cập là nỗi Cham nghèo, và có ý tặng sách dạy làm giàu cho các bạn trẻ Cham. Mươi năm trước, thầy Nguyễn Văn Tỷ đăng Tagalau tiểu luận liên quan đến chuyện Cham nghèo, bị CPK mỉa: Ông Tỷ cả đời nghèo rớt mà đi dạy thiên hạ làm kinh tế! Tôi nói: Mouninho có giỏi đá bóng đâu, cớ gì ổng HLV hàng đầu thế giới bóng tròn!

Tôi may mắn hơn thầy của mình, năm 2017 đăng loạt tút “Cham vẫn có thể làm giàu” được bà con ‘ahei’, xúm vào bàn.

Đại bộ phận rắc rối của cuộc sống đến từ THIẾU TIỀN: Mất thời gian, hao tâm tổn sức cho kiếm tiền; rồi lo đường con cái, tai nạn bất trắc, già yếu… Ngay từ tuổi 15, tôi chưa hề thiếu tiền, và sẽ như vậy đến cuối đời – chắc thế. Tại sao?

Trước 1992, thấy tôi ăn nên làm ra, vài bạn học mời tôi qua nhà mổ gà đãi nhờ tôi bày vẽ họ buôn bán. Nay các bạn trẻ đề nghị tôi bàn lại. Ừ, thì bàn. Đã viết Con đường thành công-1991 thuở Quán Tạp hóa Haly’s, đã bàn nhiều ở serie: “Tôi buôn bán” và “Cham vẫn có thể làm giàu”, nay xin ngắn gọn.

1. Cham nghèo

Đại bộ phận đang nghèo: thiếu thốn, cơ cực. Quan sát, ta thấy không ít gia đình tưởng no đủ, mới bị nạn [nhà có người bệnh hiểm…] ta rơi ngay vào thiếu thốn, cơ cực – là nghèo tiềm năng.

Mới no đủ mà thiếu tâm thế chống tái nghèo, tiêu xài thoải mái – nguy cơ nghèo bền vững.

2. Nguyên tắc dành cho Cham

Biết kiếm tiền là tốt, tốt hơn nữa học biết tiêu tiền . Cần gì?

[1] Sổ chi tiêu: Thiếu thứ này, ta không biết tiền đi đâu về đâu!

Bởi chính các khoản lặt vặt lại làm túi ta xẹp lép. Như ăn hàng quán, bữa điểm tâm thay vì nấu trong nhà, ta cứ mua ngoài.

Thử nhân 52 lần số tiền chi trong tuần, ta sẽ thấy lãng phí trong một năm.

[2] Tiêu quá khoản thu

Thiếu ghi chép chi tiêu, ta không biết đâu để cân đối ngân sách – hỏng ở chỗ đó.

Ông bà Việt nói: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Kim Woo Choong nói quá lên: “Khi làm được 2000đô mà đã tiêu mất 1000đô, là bạn có chuyện rồi”.

[3] Không biết đâu là ưu tiên

Mua sắm chỉ để thỏa mãn sở thích là tự hại. Đám cưới, nhà mới… quá tay, là ta đồng lõa với hoang phí của xã hội.

Tiêu tiền, bạn là ai chứ?! Tục ngữ Việt: “Làm phúc quá tay ăn mày không kịp”.

[4] Vay và nợ

Không vay, nếu phải vay – chỉ vay theo sức ta có thể trả.

Nợ, tính trả sớm nhất có thể. “Nhất tội nhì nợ”, ông bà Việt dạy, chớ có đùa.

[5] Lập quỹ hưu ngay đi!

Phòng bất trắc, kẻo tuổi già đến hối không kịp. Có quỹ hưu, ta không phải dựa dẫm vào con cháu.

3. Nguyên tắc tôi đặt ra cho mình:

– Không tham lam. Tham, bạn hỏng về đạo đức đã đành, tham dẫn đến si, si thành đổ nợ;

– Không lừa người, và không cho phép ai lừa mình;

– Cho tiền, chớ không cho mượn tiền;

– Thất hứa về tiền bạc tưởng không có gì, lại là thứ bị khinh thường nhất đời.

Trước đây, tôi rất cụ thể – tiền nào việc nấy, ưu tiên theo thứ tự:

Tồn tại: Kê chi tiết các khoản chi tiêu;

Tiết kiệm: Tuyệt đối không đụng vào chỗ này;

Vui chơi: Đầu tư vào nghiên cứu, văn học nghệ thuật;

Thiện nguyện: phúng điếu, công ích, tôn giáo.

Hiện tôi có 3 quỹ:

– Quỹ HƯU. Do không lương hưu, tôi tính khá sớm. Từ tuổi 60, nếu có cày được tôi tiêu pha qua ngày, thừa thì cho tiếp vào quỹ.

– LÀM, từ tuổi ấy, dù có trong tay 40 bản thảo, tôi không ý xuất bản. Ai biết có ý in, tôi chỉnh sửa rồi giao luôn. Làm thêm các công trình khác cũng thế, tôi làm và vui, ai biết tới hỗ trợ thì tôi nhận. Chớ tôi không xài tới tiền hưu kia.

– Còn tiền từ đẩu đâu rơi vào tay, tôi CHO: Của thiên trả địa.

3 chuyện vui về CHO.

Trước mùa dịch đợt 1, hai chị em Việt kiều Mỹ mua tác phẩm của tôi tồn kho giá hời. Được, tôi tìm quý bà mẹ Chakleng tuổi bát thập, và cho hết.   

Năm ngoái, một Hội Quán ở Sài Gòn đọc serie tút về Thổ cẩm, nổi hứng mời tôi tới nhà biếu 10tr: “tùy anh làm gì làm”. Về, tôi đưa hết cho Jaka nhờ sửa bản thảo AGAL, còn lại, “con làm gì làm”. Chưa qua tháng, chị chủ Hội này kêu “cho em mượn lại anh Sara nhé”. Thế là tôi phải chạy đầu này đầu nọ giải quyết nỗi “mượn lại” kia. Tiền không mất nhưng nợ đành mang!

Sau Tết, ông anh thương mến đọc serie tút tôi về “Câu chuyện Cham”, nổi hứng tặng tôi 1 chỉ vàng SJC, tôi nhập Quỹ. Công tôi mà!

Kết. Độc lập về tiền bạc cho ta cuộc sống “tự do”, giúp ta phương tiện khám phá thế giới; ta có điều kiện sáng tạo hay làm thiện nguyện, đảm bảo an vui khi về già.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *