Câu chuyện Cham-71. TỪ PHÊ BÌNH ĐẾN CÂU CHUYỆN CHAM

[cách nhìn vấn đề từ nền tảng và toàn cảnh]

Biết một là biết tất cả, ai nói thế? Trước một, bằng tư duy phản biện, triết học phân tích, và… ta đẩy “một” ấy tới cùng, nó sẽ tự lộ nguyên hình. “Tất cả” cũng theo nguyên lí ấy.

Diễn, khi nhắc đến trường phái hay chủ nghĩa này nọ, tôi luôn bị dội lại: Cứ ngỡ mấy thứ siêu thực, tượng trưng ấy mới mẻ lắm, ở Truyện Kiều đầy ra…

Phát ngôn kia tưởng chân chân lí, té ra trật lất. Tôi nói:

– Nguyễn Du lớn, Truyện Kiều vĩ đại thì hẳn rồi. Bằng cảm quan thiên tài của mình, những món hiện thực, lãng mạn, tượng trưng không thể không có phần trong Truyện Kiều.

Thế nhưng, yếu tố thì khác cả vực thẳm với chủ nghĩa. Yếu tố siêu thực trong Truyện Kiều – có, dẫu sao chỉ qua khám phá của Freud, Breton mới dựng lên Chủ nghĩa Siêu thực. Nó NHẤN về một điểm. Ở đó có sáng tác, có lí thuyết, có phê bình… siêu thực.

Trở lại Cham, hôm qua bạn facebook Thành Trung copy gửi cho tôi, rằng Văn Ngọc Sáng Putra Podam trưng tang chứng bằng trích ý kiến của Sakaya Văn Món, rằng vì có nhiều yếu tố Islam trong tôn giáo Cham, do đó:

“không nên gọi “Chăm Bàlamôn” mà phải trả về nghĩa gốc, tên tự gọi của dân tộc Chăm là “Chăm Ahiér” (nhóm Chăm theo Islam giáo sau) và Chăm Islam giáo cũ là “Chăm Awal” (nhóm Chăm theo Islam giáo trước)”.

Ghê! Tôi trả lời bạn FB:

Vụ này Inrasara từng nói từ nhiều năm trước rồi. So với chuyện văn học ở trên, có nhiều YẾU TỐ không nói lên được gì, vấn đề ở đây là CHỦ NGHĨA.

Ngay trong “Danak Ngap Ragei” bài hướng dẫn hành lễ cực quan trọng trong đám thiêu Cham Bà-la-môn [‘Ahiêr’], có vô số yếu tố ngoại lai trong đó. Từ Do Thái giáo đến Đạo Chúa, từ Bà-la-môn đến Islam, từ yếu tố dân tộc cho đến yếu tố tiền tôn giáo. Nhưng NÓ không phải là mấy thứ trên, mà là Cham Bà-la-môn [‘Ahiêr’] (xem Câu chuyện Cham-70). Làm gì có vụ ““Chăm Ahiér” (nhóm Chăm theo Islam giáo sau)” Ôi Bà Trời!!!

Cham Bà-ni [‘Awal’] cũng hệt. Nó không giống Tam giáo đồng nguyên [Phật, Khổng, Lão], như bên Việt – mà đích thị là Cham ‘Ahiêr Awal’!

Đó là một hệ tư tưởng: TÔN GIÁO CHAM ‘AHIÊR AWAL’ của Đức Pô Rômê.

Chữ “Bà-ni” và nhất là “Bà-la-môn” chưa chuẩn, là điều tôi từng nêu ra từ 20 năm trước. Ngay chữ “Hồi giáo” cũng không chuẩn luôn (xem các tút hồi tranh luận về CMND-2017). Dẫu sao đây là thói quen ngôn ngữ, NÓ LÀ ÂM VIỆT, ta chấp nhận nó.

Chứ ta cho Hồi giáo ngồi vào hàng ghế đầu: “Hồi giáo Bani” là càng sai trật.

Rồi cánh giả danh Bà-ni với “Jawa lai” vịn vào nó làm vẩn đục khí quyển xã hội Cham đang trong lành, thì chí nguy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *