Phải sau gần nửa đời người tôi mới gặp lại anh: Lộ Phú Chung.
Năm 1978, anh Hàm Bộ dẫn tôi lên rẫy anh ở vùng Ram Ga. Một kỉ niệm sâu đậm, tôi nhớ mãi, thế mà mãi 2015 mới ghé nhà anh tại Long Bình, để chưa đầy tiếng thì về. Cuối cùng sáu năm sau, tôi mới ngồi lai rai với anh gọi là trao đổi anh em đả thông nhau.
Anh kêu đọc hai bài thơ trong Lễ Tẩy trần tháng Tư không hiểu đành cất kĩ từ bấy không một lần rớ tới.
– Chớ facebook của chú nó, không ngày nào anh không ghé thăm. Phải nói trên cả tuyệt vời.
Dzô đã mới tin!
– Rồi anh sẽ về với ông bà, thì ai mà chẳng về. Sống gần hết đời người, anh có điều gì tự nhận là ngon nhất cần truyền lại cho hậu thế không? – Tôi hỏi to thế, để xem anh phản ứng thế nào.
Nhưng không, anh trả lời ngay:
– Chú nó uy tín, facebook Sara nhiều người đọc, anh chỉ muốn nhắn qua facebook em ba việc liên quan đến cộng đồng Cham hôm nay.
Thứ nhất, phụ nữ Cham thời hiện đại mặc váy trong làng trong xóm lại mắc cở với y phục truyền thống ông bà để lại. Hãy nhìn xem hết cô gái Hàn đến Nhật mặc váy “Chăm”, họ còn cách điệu ra bao nhiêu là mẫu mã, đẹp hết chỗ chê, còn ta vứt nó để đi lượm quần bò về xài. Thế có chán không!
Thứ hai, tiếng mẹ đẻ cũng vậy. Nói tiếng Cham với nhau không tự hào thì chớ lại đi xấu hổ, có bậc cha mẹ còn dạy con cái trong nhà nói tiếng Việt nữa. Mặc cảm chi lạ vậy, người ngoài biết họ khinh cho.
Cuối cùng đây là điều anh ưu tư nhiều nhất. Nhân thằng em đang bàn về cải cách tôn giáo Cham ‘Ahiêr Awal’, anh muốn nhắn gửi đến tín đồ cả hai hệ phái Bà-la-môn lẫn Bà-ni rằng, sao không lập Quỹ Tôn giáo dành cho các vị chức sắc, để các vị phải tính toán từng đồng cắc cho mỗi lễ. Làm thế hỏi có kì không chớ.
– Sara nói to lên giùm anh ba điều đó nha. Chỉ thế thôi, Cham mới vứt đi thứ xấu hổ không đáng.