PHÊ BÌNH, THẰNG KHÓ CHƠI

[Nhân đọc tiểu luận còn hôi sữa sinh viên mà đã nặng mùi tuyên giáo của Thy Lan trên Vanvn, 21-4-2021](*)

Thế giới nhiều khác biệt, thì hẳn rồi, học biết chấp nhận mới ngoan. Nhân loại nhóc ý đồ và âm mưu, lắm định kiến cứng đầu, bộn thiên kiến khó trị. Chánh trị, xã hội, văn học, chữ nghĩa, vân vân một giuộc.

Chúng cần đến sự phản biện, phê bình, phản bác, đánh đổ.

Thế nên tinh thần phản biện critical thinking thường trực có mặt, là cần thiết. Cần, nhưng khó. Khó ấy đòi hỏi sự dùi mài. Học và hỏi. Hỏi để học thêm. Kẻ chân ướt chân ráo bước vào cuộc chữ nghĩa mà nhập loài phê bình thường phạm lỗi nói theo, nói càn – hớ và hố là cái chắc.

Trong thế giới văn chương chữ nghĩa, phê bình là khó. Nghiên cứu – dễ, chỉ cần phương pháp và chịu khó là có được công trình khá.

Còn sáng tạo…

Thơ dễ nhất, chút năng khiếu trời cho đính kèm tập sổ nhỏ với cây bút, là có thể ra được tập thơ góp mặt với đời. Tiểu thuyết căng hơn, nó đòi hỏi nhà văn có chuyện để kể và chịu khó ngồi, nghĩa là cần đầu tư thời gian. [Dĩ nhiên đây chỉ là cái nhìn ở mặt bằng chung, rất tương đối].

Phê bình khó nhất.

Kiến thức chuyên và liên ngành, lập luận vững chắc, lí giải thuyết phục; cạnh đó để tránh đụng hàng, bạn sở hữu hệ thống từ vựng cùng bút pháp riêng nữa.

Không lạ, ở xứ Đông Lào, nhà thơ nhiều vô số kể, sau đó mới tới nhà văn, cuối rốt là nhà phê bình.

Kinh nghiệm của tôi [có thể đã lỗi thời].

Cả 4 món tôi tập sự từ khá sớm: 14-15 tuổi. Nhận biết khó-dễ của mỗi loài, tôi:

Trước hết – dù hơn 20 năm cặm cụi, năm 1994, tôi cho xuất bản công trình nghiên cứu: Văn học Cham 3 tập. Tác phẩm đầu tay này nhận ngay Giải CHCPI (Sorbonne, Pháp, 1994), và nhất là Giải Phan Châu Trinh 15 năm sau đó (2009).

Tiếp – sau 25 năm mài bút, mãi tứ thập tôi mới in tập thơ đầu tay: Tháp nắng đoạt luôn Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, khi tôi còn chưa biết thẻ Hội viên màu gì.

Rồi 10 năm sau tôi mới cho tiểu thuyết đầu tay ra lò: Chân dung Cát (2006). Tôi đã sửa đi sửa lại cả trăm lần, mới in. Suýt nữa nó giật giải Hội Nhà văn TPHCM, nếu tôi không cho một nhân vật Cham kêu người Việt bằng “chúng nó” [Chủ tịch Hội Lê Văn Thảo méc, anh muốn cho nhưng bị một vị ghét-Sara phản bác].

Sau rốt, 2008 tôi mới dám cho ra đời tác phẩm lí luận phê bình có vẻ đáng đọc: Song thoại với cái mới. Cuốn trước: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (2006) được in, là do nhà xuất bản đầu tư để cho kịp Tuần lễ Sách lớn đầu tiên ở Sài Gòn, và tôi chiều.

Phê bình khó và đáng sợ, là vậy.

_____

(*) Tôi hiếm khi chê trẻ, lại là nữ. Ở đây, xin phép được “nặng nhời” một lần, để bạn này đau, nhớ – và học lại từ đầu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *