[người Cham]
Hôm qua, đọc bài “Trấn Thuận thành thời Chúa Nguyễn” của Đổng Thành Danh trên FB Danh Dong, tôi thích, lấy về lưu!
Với nguồn tư liệu phong phú và cách xử lí tư liệu tốt cùng lối hành văn chặt chẽ – là điều ngay vài tiến sĩ Việt Nam chưa làm được, theo chỗ tôi biết – tác giả thuyết phục được người đọc khó tính. Bài viết khả tín, rất cần thiết cho tham khảo.
Dẫu sao ở đó vẫn có cái thiếu, là CHẤT VĂN.
Tạ Chí Đại Trường chẳng hạn, nhiều ý tưởng mới lạ và thú vị thể hiện bằng mùi văn đậm đặc. Đó là người viết sử ở đẳng cấp hai: “Hủy phá” mọi tư liệu sách vở để làm nên một tác phẩm đúng nghĩa.
Tôi không nói tư tưởng, mà ý tưởng. Sử gia kiêm nhà tư tưởng ở đẳng ba, như Arnold J. Toynbee, hay Oswald Spengler mà cái nhìn về lịch sử ảnh hưởng lớn đến thế giới.
“Trở lại với thế giới chưa hiểu Cham, tại sao?”
Hiểu các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam, tương đối dễ; hiểu Cham: cực khó. Đây không phải phân biệt đối xử, mà là một hiện thực văn hóa – lịch sử.
Qua công trình dân tộc học của mình, các tác giả người Pháp phần nào đã làm cho thế giới hiểu dân tộc Tây Nguyên, Cham thì chưa. Pháp chưa, cả Cham, ta vẫn chưa.
Ta mãi ở lại với tư liệu, khảo tả thô phần ngoại vi, để làm nên công trình “khoa học”.
Chưa dấn vào chiều sâu, bề sau, mặt tối để khai vỡ tinh thần văn hóa văn minh Champa, và tâm hồn con người Cham.
Ngôn ngữ, ta cứ quanh quẩn với “Akhar thrah, poh G’… mà cãi nhau;
Tôn giáo, tín ngưỡng ta diễn lại hay diễn thêm, hết Rija Nưgar, đến Katê, Ramưwan;
Rồi tháp, rồi tượng, rồi ‘Ginang’, ‘Baranưng’… mà không gì khác, không gì hơn.
Ta chưa thử hướng vọng tâm linh Cham lên Agal Kinh sách [ví dụ Agal Bubit, Agal Balih, Agal Jap Ia Mul…], hay Minh triết Cham;
Chưa khai phá vào miền đất tư tưởng, tâm hồn Cham qua văn chương [với tác phẩm lớn như: Ariya Glang Anak, Pauh Catwai, Ariya Bini Cam, Ariya Xah Pakei…];
Chưa hòa mình vào tâm tư Cham cùng ca dao, tục ngữ, hay tiếng nói đời thường [‘lingiik tathiik lơi’, ‘Jagug nhug ia bai’, ‘limuuk cum katuuk’…];
Ta chưa hiểu ta, chưa làm cho ta hiểu ta, thì làm sao thế giới có thể hiểu ta!
Làm gì?
_____
P.S. Tham khảo: Inrasara, Văn chương tan rã, Lotus Media, Hoa Kì, 2019:
“Phê bình văn học là khoa học vừa là nghệ thuật. Đó là chuyện ai cũng biết.
Là khoa học, nó đòi hỏi người viết bao quát được vấn đề, lập luận vững chắc, dẫn luận phong phú và chính xác bên cạnh, lí giải thuyết phục. Không đạt các tiêu chí đó, người viết chỉ là kẻ hóng hớt tán chuyện đầy vô bổ.
Là nghệ thuật bởi, phê bình yêu cầu ở người viết độ nhạy cảm cao với cái mới, có khả năng thẩm định tác phẩm/ vấn đề chưa từng được biết/ bàn luận tới trước đó. Đứng trước cái tinh khôi, người làm phê bình cần huy động cảm quan thiên phú để có thể tiếp cận khía cạnh vi tế nhất của sự thể.
Ngoài ra nó đòi hỏi nhà phê bình thủ đắc cách diễn đạt linh hoạt cho mỗi vấn đề. Để chính tác phẩm phê bình phải là một công trình nghệ thuật, chứ không còn dừng lại ở một tiểu luận khô khan thiếu sinh khí. Một nhà phê bình viết văn tồi thì chớ nên làm phê bình, phát biểu của một nhà phê bình thời danh không phải không đáng suy ngẫm.
Yếu tố sau cùng là, nhà phê bình học biết suy tư trong chiều hướng đưa nền văn học phát triển ở ngày mai, chứ không phải ngược lại – một phê bình sẵn sàng cho thế hệ hôm nay sáng tạo cái mới trong tâm thế mở ở thời đại toàn cầu hóa.”